Saturday, May 18, 2024
HomeCHỐNG THAM NHŨNGThủ tướng nói với các lãnh đạo ngân hàng sẽ xử lý...

Thủ tướng nói với các lãnh đạo ngân hàng sẽ xử lý nghiêm minh những người vi phạm pháp luật

RFA

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có cuộc gặp với các lãnh đạo các ngân hàng thương mại Việt Nam vào sáng ngày 16/10, đưa ra thông điệp bảo vệ cho các doanh nghiệp làm giàu chính đáng, minh bạch, nhưng sẽ trừng phạt nghiêm minh những người vi phạm pháp luật.

Theo truyền thông Nhà nước, ông Chính phát biểu điều này nhân buổi gặp mặt với Chủ tịch, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại, nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới Công Thương và 18 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10).

Buổi gặp mặt và thông điệp của người đứng đầu Chính phủ đưa ra về ngành ngân hàng diễn ra vào thời điểm Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) phải đối mặt với tình trạng người đổ dồn đến rút tiền gửi tiết kiệm từ cuối tuần trước sau vụ bắt giữ bà Chủ tịch HĐQT tập đoàn Vạn Thịnh Phát là Trương Mỹ Lan và một số lãnh đạo khác thuộc Tập đoàn này.

Những người rút tiền lo ngại họ sẽ mất tiền sau khi các lãnh đạo của Vạn Thịnh Phát bị khởi tố và bắt giam với cáo buộc “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vì Vạn Thịnh Phát đứng sau SCB mặc dù SCB đã lên tiếng khẳng định bà Trương Mỹ Lan không nắm vai trò lãnh đạo gì ở ngân hàng này.

Một số người dân giấu tên vì lý do an ninh cho RFA biết họ không nhận được lương từ công ty hồi cuối tuần qua do tiền gửi ở SCB hoặc nhận được thông báo từ công ty cho biết lương bị trễ do “tình hình thị trường tài chính gặp khó khăn”.

Vào tối ngày 15/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ra thông cáo cho biết: “Để ổn định hoạt động của Ngân hàng SCB, Ngân hàng Nhà nước quyết định kiểm soát đặc biệt ngân hàng này.”

Thông cáo không nói rõ thời hạn của việc kiểm soát đặc biệt này, tuy nhiên, Điều 146 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, định nghĩa: “Kiểm soát đặc biệt là việc một tổ chức tín dụng bị đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước do có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán.”

Khoản 3, của Điều luật này cũng quy định: “Ngân hàng Nhà nước xem xét, đặt tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt khi tổ chức tín dụng lâm vào một trong các trường hợp như: Có nguy cơ mất khả năng chi trả; Nợ không có khả năng thu hồi có nguy cơ dẫn đến mất khả năng thanh toán.”

Trong cuộc gặp các lãnh đạo ngân hàng thương mại, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nói:

Đảng, Nhà nước luôn bảo vệ, khuyến khích, hỗ trợ những doanh nghiệp tuân thủ, hoạt động theo đúng Hiến pháp và pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, làm giàu chính đáng, minh bạch, góp phần đắc lực, hiệu quả xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc, ấm no.”

Ông cũng cảnh báo: “Phải xử lý những người vi phạm Hiến pháp và pháp luật, lợi dụng chính sách để tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, bảo vệ người làm đúng, xử lý người làm sai để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh theo Hiến pháp và pháp luật.”

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc nhở các lãnh đạo ngân hàng về nguy cơ khủng hoảng tài chính, khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ khủng hoảng ngân hàng.

Ngoài ra, xung đột Nga – Ukraine cũng được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhắc đến như một nguy cơ đối với ngành ngân hàng khi nhiều quốc gia phải đối mặt với suy thoái, rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, mất an ninh năng lượng.

Theo thống kê được đưa ra tại cuộc gặp, tổng tài sản của các ngân hàng cổ phần ở Việt Nam đến nay đã đạt khoảng 7,5 triệu tỷ đồng; của bốn ngân hàng thương mại Nhà nước đạt hơn bảy triệu tỷ đồng.

Báo cáo đến cuối tháng 9, tổng vốn tín dụng đạt 11,55 triệu tỷ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2021.

RELATED ARTICLES

2 COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular