Nguồn: Josh Felman & Arvind Subramanian, “Is India Really the Next China?,” Foreign Policy, 08/04/2024.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Ấn Độ có tiềm năng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, nhưng chính sách của chính phủ vẫn còn là rào cản.
Liệu Ấn Độ sẽ là Trung Quốc tiếp theo? Trong lúc nền kinh tế Trung Quốc ngày càng đi xuống và dự đoán lạc quan về tăng trưởng của Ấn Độ xuất hiện khắp thế giới, câu hỏi đó không còn có thể bị xem là ảo tưởng hão huyền của những người theo chủ nghĩa dân tộc. Vấn đề này cần phải được xem xét một cách nghiêm túc – một phần bởi vì thế giới đã hành xử như thể Ấn Độ là một cường quốc.
Hãy xem xét điều này: Năm 2023, nghi ngờ đã dấy lên rằng chính phủ Ấn Độ có liên quan đến vụ giết hại một công dân Canada trên đất Canada và âm mưu giết hại một công dân Mỹ trên đất Mỹ. Đó là các cáo buộc đáng chú ý, nhưng điều đáng chú ý hơn là các phản ứng. Chính phủ Mỹ đã chọn cách dập tắt những hậu quả có thể gây phẫn nộ; họ công bố rất ít thông tin, và chỉ đơn giản cho phép vụ việc được giải quyết qua tòa án. Nói cách khác, sự ngạo mạn của người Ấn Độ đã được dung túng, chứ không bị trừng phạt. Đó là một minh chứng cho vị thế chính trị mới được hình thành của nước này.
Xét về mặt kinh tế, đúng là trải nghiệm của Trung Quốc trong 40 năm qua là một kiểu kỳ tích rất đặc biệt, khó có thể lặp lại. Nhưng dù vậy, vẫn có lý do cho trường hợp của Ấn Độ, vì nước này không còn là gã khổng lồ bị kìm hãm kinh tế như trước nữa.
Trong một phần tư thế kỷ qua, sự phát triển của Ấn Độ đã gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước, và rõ ràng là không đủ đối với các công ty nước ngoài đang cân nhắc chọn Ấn Độ làm cơ sở xuất khẩu. Tuy nhiên, trong thập niên qua, cơ sở hạ tầng của nước này đã được cải thiện đáng kể. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã cho xây dựng đường sá, bến cảng, sân bay, đường sắt, nhà máy điện, và hệ thống viễn thông với số lượng lớn đến mức khiến Ấn Độ trở nên không thể nhận ra so với cách đây vài năm. Ví dụ, gần 55.000 km đường cao tốc quốc gia đã được xây dựng kể từ khi chính phủ hiện tại lên nắm quyền vào năm 2014.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cũng đã được chuyển đổi. Từng một thời lạc hậu về mặt công nghệ, giờ đây đất nước đã trở nên tiên tiến hơn, và người dân Ấn Độ bình thường đã có thể sử dụng điện thoại thông minh để thanh toán ngay cả trong những giao dịch mua sắm thông thường nhất. Điều quan trọng hơn nữa là mạng kỹ thuật số hiện đang phục vụ tất cả người dân Ấn Độ, cho phép chính phủ giới thiệu các chương trình như chuyển tiền từ thiện trực tiếp cho người nghèo, trong khi khu vực tư nhân sử dụng nó làm nền tảng để khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, “chủ nghĩa phúc lợi mới” của chính phủ Modi đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Ấn Độ. Cách tiếp cận đặc biệt này ưu tiên cung cấp công các hàng hóa và dịch vụ tư nhân cơ bản, cung cấp cho người dân nhiên liệu sạch, hệ thống vệ sinh, điện, nhà ở, nước, và tài khoản ngân hàng, đồng thời nói rõ với họ rằng ân nhân chính là thủ tướng. Nhờ những chương trình này, Ấn Độ hiện có thể hỗ trợ những nhóm dễ bị tổn thương bằng cách cung cấp việc làm và thực phẩm miễn phí trong những thời điểm khó khăn như đại dịch COVID-19. Khả năng xây dựng và cung cấp dịch vụ tốt ở quy mô lớn của nhà nước Ấn Độ là rất đáng chú ý.
Đây là những thành tựu chính sách lớn, là thành quả của những nỗ lực tích lũy và mang tính quốc gia. Trên thực tế, nhiều sáng kiến trong số này đã được bắt đầu bởi các chính quyền trung ương và địa phương tiền nhiệm, nhưng chính phủ Modi xứng đáng được ghi nhận vì đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Và có những dấu hiệu cho thấy các sáng kiến đang mang lại kết quả.
Đầu tiên, Ấn Độ đã có thêm động lực mới quan trọng cho xuất khẩu dịch vụ dựa trên kỹ năng. Các ngành dịch vụ của Ấn Độ bùng nổ lần đầu tiên vào đầu những năm 2000, nhưng đã chững lại sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009. Giờ đây, lĩnh vực này đã được hồi sinh. Trong năm 2022, thị phần toàn cầu của Ấn Độ đã tăng 1,1 điểm phần trăm (khoảng 40 tỷ USD), phản ánh bước nhảy vọt quan trọng trên thang kỹ năng. (Năm 2023, Ấn Độ có lẽ sẽ giành thêm thị phần toàn cầu, nhưng với tốc độ chậm hơn.)
Những người Ấn Độ từng viết code giá rẻ hoặc làm công việc chăm sóc khách hàng qua điện thoại, giờ đây đang điều hành các trung tâm năng lực toàn cầu, với đội ngũ nhân sự chuyên môn cao, thực hiện các nhiệm vụ phân tích cho các công ty hàng đầu thế giới. JPMorgan Chase có hơn 50.000 nhân viên ở Ấn Độ. Văn phòng lớn nhất của Goldman Sachs bên ngoài New York nằm ở Bengaluru. Accenture và Amazon, cùng nhiều công ty khác, cũng có mặt tại đây với quy mô lớn. Và sự bùng nổ này đã thúc đẩy việc xây dựng các chung cư cao tầng, với những chiếc cần cẩu nằm rải rác trên đường chân trời của các thành phố công nghệ như Ahmedabad, Bengaluru, Hyderabad, Mumbai, và Pune. Doanh số bán xe SUV tăng vọt, các trung tâm mua sắm sang trọng và nhà hàng cao cấp mọc lên như nấm – tất cả đều được hỗ trợ bởi sự bùng nổ tín dụng cá nhân.
Tiếp đến, có những dấu hiệu cho thấy Uttar Pradesh, bang đông dân nhất và cũng là một trong những bang kém phát triển nhất Ấn Độ, đang dần hồi sinh. Bang này đang cải tạo các cơ sở hạ tầng xuống cấp (chưa kể đến nhiều ngôi đền), kiểm soát tình hình tài chính, đồng thời giảm tình trạng tham nhũng và bạo lực dưới sự lãnh đạo đầy lôi cuốn của một nhà lãnh đạo theo tôn giáo, vốn là một giáo sĩ Hindu nay trở thành chính trị gia. Nếu Uttar Pradesh cuối cùng có thể trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn, thì nó có tiềm năng thay đổi quỹ đạo của toàn bộ đất nước nhờ vào sức mạnh nhân khẩu học. Sự chuyển mình của bang này sẽ gửi đi tín hiệu rằng khu trung tâm Hindu của Ấn Độ – cho đến gần đây vẫn bị gọi một cách miệt thị là bimaru, hay vùng bệnh tật – sẽ không mắc kẹt trong tình trạng kém phát triển mãi mãi.
Cuối cùng, vòng xoáy đi xuống của nền kinh tế Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình hiện đang tăng tốc. Kết quả là, dòng vốn đang rời khỏi Trung Quốc với tốc độ đáng báo động. Theo số liệu chính thức, 69 tỷ USD ròng vốn doanh nghiệp và hộ gia đình đã đổ ra nước ngoài vào năm 2023.
Có dấu hiệu cho thấy một phần nhỏ nguồn vốn này đang tìm đường đến Ấn Độ. Ví dụ nổi bật nhất là việc Apple đã thành lập nhà máy ở một số bang của Ấn Độ để có thể dễ dàng cung cấp cho thị trường nội địa và đa dạng hóa cơ sở xuất khẩu, nhất là khi căng thẳng kinh tế Mỹ-Trung gia tăng. Và điều này giúp xây dựng một chuỗi các nhà cung cấp thiết bị điện tử Ấn Độ, một vài trong số đó đang có kế hoạch thành lập các nhà máy lớn, đặc biệt là ở miền nam đất nước, sử dụng hơn 20.000 công nhân. Đây là một hiện tượng đáng kinh ngạc ở một quốc gia có đặc điểm là các công ty sản xuất quy mô nhỏ và hoạt động kém hiệu quả.
Nếu những nhà máy quy mô lớn này thực sự hoạt động hiệu quả, chúng có thể tạo ra tăng trưởng đột biến trong xuất khẩu hàng hóa, từ đó sẽ thay đổi triển vọng – không chỉ đối với lĩnh vực sản xuất bị kìm kẹp từ lâu của Ấn Độ, mà còn đối với những người lao động có tay nghề thấp, những người không thể tận hưởng sự bùng nổ của ngành dịch vụ xuất khẩu kỹ năng cao. Đó là điều đáng để suy ngẫm. Xuất khẩu kỹ năng thấp của Ấn Độ sẽ không bao giờ sánh ngang với khả năng cạnh tranh của Trung Quốc, được phản ánh qua thị phần toàn cầu vượt quá 40%. Đó là bởi vì các hoàn cảnh kinh tế và chính trị đặc biệt – vốn khuyến khích các nước phát triển chuyển phần lớn cơ sở công nghiệp của mình sang chỉ một quốc gia – nay đã không còn tồn tại. Nhưng trong thập niên tới, Ấn Độ hoàn toàn có thể tăng thị phần từ khoảng 3% hiện tại lên 5-10%, tương đương với hàng trăm tỷ USD xuất khẩu bổ sung.
Dù có những dấu hiệu thuận lợi, nhưng bất kỳ tuyên bố nào về việc Ấn Độ thay thế Trung Quốc đều là quá sớm. Nguyên nhân là do những dấu hiệu đáng khích lệ vẫn chưa được phản ánh một cách thuyết phục trong các số liệu kinh tế, trong khi chính sách của chính phủ vẫn còn bất cập, chưa đủ để hiện thực hóa những cơ hội mới.
Xét về dữ liệu kinh tế. Suốt một thời gian, đã có hoài nghi về những tuyên bố cho rằng Ấn Độ thực sự có thể gác lại thập kỷ mất mát của những năm 2010, một giai đoạn chứng kiến mức tăng trưởng khiêm tốn, ít chuyển đổi cơ cấu, và ít tạo việc làm. Đúng là nền kinh tế nước này đã phục hồi sau COVID, nhưng theo cách không đồng đều, ưu tiên vốn hơn lao động, ưu tiên doanh nghiệp lớn hơn doanh nghiệp nhỏ, ưu tiên tầng lớp trung lưu được trả lương và người giàu hơn hàng triệu người đang làm việc trong nền kinh tế phi chính thức.
Một phần nguyên nhân là vì Ấn Độ cho đến nay chỉ tận dụng được một phần nhỏ các cơ hội mới do sự suy thoái kinh tế tương đối của Trung Quốc tạo ra. Bất chấp quyết tâm thực hiện chiến dịch “Sản xuất tại Ấn Độ” (Made in India), chính phủ cho đến nay vẫn chưa thành công trong việc thuyết phục nhiều công ty mở rộng hoạt động tại Ấn Độ. Trên thực tế, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang giảm dần. Ấn Độ cũng chiếm tỷ trọng nhỏ hơn trong dòng vốn FDI vào các thị trường mới nổi ngoại trừ Trung Quốc.
Và không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài do dự. Ngay cả các doanh nghiệp trong nước cũng ngần ngại đầu tư, dù chính phủ đã cải thiện cơ sở hạ tầng, cung cấp trợ cấp, và trong một số trường hợp, thậm chí còn áp dụng chính sách bảo hộ cho ngành chế tạo. Đầu tư tư nhân vào nhà máy và máy móc vẫn chưa hồi phục sau mức suy thoái trong thập niên qua. Và không có dấu hiệu thuyết phục nào cho thấy tình trạng này sắp đảo ngược. Trên thực tế, các thông báo về dự án mới của năm 2023 thực sự đã giảm về giá trị danh nghĩa so với mức của năm trước.
Do đó, xuất khẩu sản phẩm chế tạo của Ấn Độ – nguồn tạo việc làm cho lượng lao động phổ thông khổng lồ – vẫn còn yếu. Trên thực tế, thị phần toàn cầu của Ấn Độ trong các lĩnh vực quan trọng như may mặc đã giảm kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tất cả những điều này là mối quan ngại lớn đối với chính phủ Modi và thậm chí cả ngân hàng trung ương. Ngân hàng này gần đây đã đưa ra một báo cáo kêu gọi khu vực tư nhân “cùng nhau hành động” và giảm bớt gánh nặng đầu tư cho chính phủ.
Tại sao các công ty lại do dự nắm bắt những cơ hội rõ ràng đang bày ra trước mắt họ? Về cơ bản, vì họ nhận thấy rằng những rủi ro khi làm như vậy là quá cao.
Quan ngại của các doanh nghiệp nằm ở ba vấn đề chính. Đầu tiên, họ lo lắng rằng “phần mềm” hoạch định chính sách còn yếu. Sân chơi không bình đẳng vì một số tập đoàn lớn trong nước và một số tập đoàn lớn nước ngoài được đánh giá là những công ty được ưu ái, theo đó gây bất lợi cho môi trường đầu tư nói chung. Suy cho cùng, cứ mỗi công ty được ưu ái quyết định đầu tư vì rủi ro của họ đã giảm, thì lại có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh quyết định giảm chi tiêu vì rủi ro của họ tăng lên. Đối với họ, rủi ro trở thành nạn nhân do hành động tùy tiện của nhà nước vẫn còn rất lớn.
Thứ hai, dù chính phủ thừa nhận sự cần thiết phải đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng họ vẫn duy trì chính sách hướng nội – nghĩa là các rào cản nhập khẩu. Chủ nghĩa bảo hộ này đang hấp dẫn trở lại vì nhiều người tin rằng thị trường nội địa của Ấn Độ hiện nay quá lớn, và các công ty trong nước của nước này quá tiên tiến đến mức họ có thể dễ dàng thay thế các công ty nước ngoài, miễn là họ được chính phủ hỗ trợ. Điều này không có gì ngạc nhiên – chủ nghĩa dân tộc kinh tế luôn đi kèm với chủ nghĩa dân tộc chính trị.
Nhưng vấn đề là thị trường nội địa của Ấn Độ không đặc biệt lớn, chí ít là đối với các mặt hàng dành cho tầng lớp trung lưu mà các công ty toàn cầu đang cố gắng bán. Và những thông báo thường xuyên về các biện pháp bảo hộ thực sự đã làm giảm đầu tư vào Ấn Độ, vì các công ty trở nên sợ rủi ro, dự đoán rằng sớm hay muộn họ cũng sẽ bị cắt khỏi các nguồn cung quan trọng từ nước ngoài. Ví dụ, thông báo hồi tháng 8 năm ngoái rằng việc nhập khẩu máy tính xách tay sẽ bị hạn chế đã gây hoảng loạn trong các công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin quan trọng. Sau cùng, các hạn chế đã được giảm bớt, nhưng nỗi lo vẫn còn đó, đặc biệt là khi các biện pháp tương tự đã được thực hiện trong những lĩnh vực khác.
Trên hết là vấn đề về ranh giới giữa chính trị và kinh tế. Đầu tư và tăng trưởng có thể tồn tại, thậm chí phát triển mạnh mẽ, dù thể chế đang suy thoái, miễn là chế độ chính trị vẫn ổn định. Và tỷ lệ ủng hộ Modi có lẽ đang báo hiệu sự ổn định. Nhưng sự bất mãn và bất ổn gia tăng trong các cộng đồng thiểu số, các bang miền nam, phe đối lập, và nông dân miền bắc Ấn Độ đã làm tăng khả năng xảy ra rắc rối. Như câu nói nổi tiếng của nhà kinh tế học John Maynard Keynes, điều không thể tránh khỏi sẽ không bao giờ xảy ra, mà là điều không thể ngờ đến, luôn luôn là vậy.
Chúng ta có thể hy vọng vào hiện tại của Ấn Độ nhưng vẫn cần lo lắng về tương lai.
Josh Felman hiện là giám đốc JH Consulting và là cựu giám đốc văn phòng Ấn Độ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Arvind Subramanian là nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson và là cựu trưởng cố vấn kinh tế cho chính phủ Modi.
Nguồn : https://nghiencuuquocte.org/2024/04/18/an-do-co-thuc-su-la-trung-quoc-tiep-theo/