Tuesday, December 3, 2024
HomeCHỐNG THAM NHŨNGBắt Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà, trợ...

Bắt Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà, trợ lý của ông Vương Đình Huệ

BBC Tiếng Việt

Ông Phạm Thái Hà là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý của Chủ tịch Quốc hội. Thông tin ông Hà bị bắt đã được lan truyền không chính thức từ vài ngày trước. Tuy nhiên, đến hôm nay thì mới có thông tin chính thức.

Ngày 22/4, Trung tướng Tô Ân Xô – người phát ngôn Bộ Công an – cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang mở rộng điều tra vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức liên quan.

Trước đó một ngày (21/4), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét với ông Phạm Thái Hà – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội – về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” theo quy định tại Khoản 4, Điều 358, Bộ Luật Hình sự 2015.

Ông Phạm Thái Hà là một người thân cận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Ông Hà đã có mặt trong Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đi thăm Trung Quốc từ ngày 7-12/4 do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu.

Ông Phạm Thái Hà từng kinh qua các vị trí là Thư ký Tổng kiểm toán Nhà nước; Thư ký Bộ trưởng Bộ Tài chính; Hàm vụ trưởng, Thư ký của Trưởng ban Kinh tế T.Ư; Trợ lý Phó thủ tướng Chính phủ; Trợ lý Bí thư Thành ủy Hà Nội.

TRUYỀN HÌNH QUỐC HỘI
Ông Phạm Thái Hà tháp tùng ông Vương Đình Huệ thăm và làm việc tại khu thí điểm mậu dịch tự do Thượng Hải, Trung Quốc sáng ngày 11/4

Ông Phạm Thái Hà tháp tùng ông Vương Đình Huệ thăm và làm việc tại khu thí điểm mậu dịch tự do Thượng Hải, Trung Quốc sáng ngày 11/4

Trong vụ Thuận An, vào ngày 15/4, Chủ tịch HĐQT ông Nguyễn Duy Hưng và ông Nguyễn Khắc Mẫn, Phó Tổng Giám đốc của tập đoàn này đều đã bị bắt, khởi tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”.

Còn ông Trần Anh Quang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An thì bị khởi tố, bắt giam về tội “Đưa hối lộ”.

Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng khởi tố, bắt tạm giam ba bị can là lãnh đạo, cán bộ quản lý thuộc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp, tỉnh Bắc Giang gồm:

  • Giám đốc ban, ông Nguyễn Văn Thạo;
  • Phó Giám đốc ban, ông Đàm Văn Cường;
  • Trưởng phòng ban là ông Hoàng Thế Du.

Ba cán bộ này đều bị điều tra về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Riêng ông Nguyễn Văn Thạo, người ký quyết định phê duyệt gói thầu Dự án cầu Đồng Việt mà Tập đoàn Thuận An liên danh trúng thầu, còn bị điều tra thêm tội “Nhận hối lộ”.

Đến ngày 21/4 thì ông Phạm Thái Hà bị bắt.

Vụ án do ‘Trung ương Đảng’ chỉ đạo?

Sau khi các lãnh đạo Tập đoàn Thuận An và một số cán bộ tỉnh Bắc Giang bị khởi tố, bắt giam, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã tiến hành rà soát các dự án, gói thầu mà tập đoàn này tham gia.

Đáng chú ý, báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn tin cho biết việc Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên đề nghị UBND tỉnh này rà soát các dự án của Thuận An là nhận chỉ đạo từ ngành dọc.

Có thể hiểu là Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam là bên đưa ra chỉ đạo về việc rà soát các dự án có liên quan đến Tập đoàn Thuận An.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương là cơ quan kiểm tra, giám sát chuyên trách của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (BCHTW), có nhiệm vụ tham mưu cho BCHTW, Bộ Chính trị và Ban Bí thư về nhiều mặt, có cả công tác nhân sự.

Các vụ kỷ luật quan chức cấp cao, có cả ủy viên Bộ Chính trị, cũng là do ủy ban này đề nghị. Ví dụ, ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 là ông Trần Tuấn Anh, các ủy viên Bộ Chính trị khóa 12 gồm Nguyễn Văn Bình, Hoàng Trung Hải và nổi bật nhất là ông Đinh La Thăng cũng đều bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật trước khi chịu hình thức kỷ luật từ Trung ương Đảng.

Các trường hợp mới đây, gồm các Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, các Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam cũng tương tự.

BỘ CÔNG AN
6 bị can bị khởi tố, bắt tạm giam có liên quan đến Tập đoàn Thuận An

Trong vụ án của Tập đoàn Phúc Sơn mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị kỷ luật các lãnh đạo, cựu lãnh đạo hai tỉnh Vĩnh Phúc và Quảng Ngãi gồm bà Hoàng Thị Thúy Lan (Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc), ông Lê Duy Thành (Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc), ông Đặng Văn Minh (Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi) và ông Cao Khoa (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi).

Như vậy, việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương “vào cuộc” cho thấy Tập đoàn Thuận An là vụ án nghiêm trọng, có thể liên quan đến cán bộ đảng viên cấp cao “thuộc diện trung ương quản lý”.

Khái niệm cán bộ “thuộc diện trung ương quản lý” được dùng để chỉ những cán bộ do Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư quản lý. Danh sách này rất dài, cơ bản bao gồm cán bộ từ cấp chủ tịch UBND tỉnh, bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương, thủ trưởng cấp bộ hoặc tương đương, cho đến bí thư Ban Bí thư, ủy viên Bộ Chính trị, các thành viên “Tứ Trụ”.

Ngày 15/4, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an “đang tập trung lực lượng, mở rộng điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, sai phạm tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và thu hồi triệt để tài sản”.

Chưa rõ sau vụ bắt giữ ông Phạm Thái Hà thì còn có vụ bắt giữ hoặc kỷ luật cán bộ cấp cao nào khác nữa không.

Thân cận với ông Vương Đình Huệ

QUỐC HỘI VN
Ông Phạm Thái Hà đi cùng ông Vương Đình Huệ trong buổi gặp Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam Vương Ninh chiều ngày 11/4

Tới đây, có nhiều câu hỏi được đặt ra: Ông Phạm Thái Hà là ai? Quan hệ giữa ông và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ như thế nào?

Vào ngày 5/5/2022, ông Phạm Thái Hà được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự Lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm.

Thông tin từ báo chí nhà nước cho thấy ông Phạm Thái Hà đã là trợ lý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trước khi được bổ nhiệm chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Đưa tin về việc bổ nhiệm này, trang mạng của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) viết: “Ông Phạm Thái Hà là cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản, đã trải qua nhiều cương vị công tác với thời gian dài gắn bó, tham mưu, phục vụ Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại các cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính, Ban Kinh tế Trung ương, Chính phủ, Thành ủy Hà Nội và Quốc hội.”

Ông Phạm Thái Hà sinh năm 1976, quê tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Ông có học vị tiến sĩ kinh tế, là kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (CPA) chuyên về lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Trước khi làm trợ lý cho ông Vương Đình Huệ tại Quốc hội, ông Phạm Thái Hà từng theo ông Huệ qua nhiều cơ quan.

Theo thông tin nói trên của VOV thì trong thời gian ông Vương Đình Huệ làm Tổng kiểm toán Nhà nước từ năm 2006 đến 2011, ông Phạm Thái Hà đã là trợ lý của ông.

Sau đó, khi ông Huệ trải qua các chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Tài chính giai đoạn 2011-2012, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương giai đoạn 2012-2016, ông Phạm Thái Hà vẫn là người trợ lý thân cận của ông Huệ.

Kể cả khi ông Vương Đình Huệ chuyển sang làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Phạm Thái Hà vẫn theo chân ông.

Đến tháng 4/2021, ông Huệ trở thành Chủ tịch Quốc hội, một trong “Tứ Trụ” của Việt Nam. Ông Hà cũng chuyển sang làm trợ lý Chủ tịch Quốc hội.

Và chỉ sau đó hơn một năm (tháng 5/2022), ông Phạm Thái Hà chính thức được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Báo điện tử Chính phủ lúc bấy giờ đưa tin: “Phát biểu chúc mừng ông Phạm Thái Hà tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá đồng chí Phạm Thái Hà là cán bộ được đào tạo bài bản, đã trải qua nhiều cương vị công tác với thời gian dài gắn bó, tham mưu, phục vụ Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.”

“Trong thời gian vừa qua, với vai trò Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ông Phạm Thái Hà luôn thể hiện tinh thần chủ động, đổi mới sáng tạo, có nhiều đề xuất cải tiến về công tác phối hợp tham mưu, phục vụ các hoạt động của lãnh đạo Quốc hội nói chung và Chủ tịch Quốc hội nói riêng.”

Theo báo điện tử Chính phủ, ông Mẫn tin rằng ông Hà sẽ “không chỉ luôn giữ vững phẩm chất chính trị, bản lĩnh vững vàng, gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa, mà còn không ngừng nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, trau dồi kiến thức nghiệp vụ và kỹ năng quản lý, đoàn kết nhất trí trong tập thể để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

Trong vai trò Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, ông Phạm Thái Hà lại sát cánh cùng ông Vương Đình Huệ.

Có thể thấy trong quá trình công tác nhiều năm qua, ông Phạm Thái Hà với ông Vương Đình Huệ luôn như hình với bóng.

Địa chấn chính trị?

“Tứ Trụ” hiện chỉ còn ba người sau khi ông Võ Văn Thưởng mất chức

Cách đây một tháng, sự kiện Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã mất chức đã gây ra một vụ địa chấn chính trị.

Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam không nêu rõ sai phạm cụ thể của ông Thưởng là gì. Thông báo từ cuộc họp bất thường của Trung ương Đảng vào chiều 20/3 chỉ cho biết ông Thưởng chịu trách nhiệm của người đứng đầu và vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm.

Tuy nhiên, các quan sát viên độc lập nhận định rằng ông Võ Văn Thưởng bị kỷ luật với cáo buộc mắc sai phạm liên quan tới Tập đoàn Phúc Sơn trong thời kỳ ông Thưởng làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi từ năm 2011 đến năm 2014.

Một số kênh truyền thông chính thức của chính quyền cấp địa phương tại Việt Nam cũng nêu chi tiết: “Các báo cáo của Trung ương và đơn của đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ, thời gian đồng chí Thưởng làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã không kiểm soát chặt chẽ, đề cán bộ dưới quyền vi phạm pháp luật, để một doanh nghiệp mượn danh đảm nhận nhiều dự án, can thiệp công tác cán bộ, làm mất lòng tin trong nhân dân.”

Nhắc lại, vụ án Tập đoàn Phúc Sơn đã kéo theo hàng loạt lãnh đạo, cựu lãnh đạo cấp tỉnh vào vòng lao lý, bao gồm cả ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội. Ông Thưởng là nhân vật cấp cao nhất bị kỷ luật, với nhận định là có liên quan đến sai phạm tại tập đoàn này.

Giờ đây, với việc vụ án Tập đoàn Thuận An bị khởi tố, cũng có nhiều nhận định rằng sẽ có một kịch bản tương tự vụ Tập đoàn Phúc Sơn, tức là sẽ có nhân vật cấp cao hơn nữa trong chính quyền phải chịu trách nhiệm.

Mối quan hệ công việc giữa Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với ông Phạm Thái Hà là rất rõ ràng và chính thức. Theo các nguyên tắc của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Phạm Thái Hà bị cáo buộc sai phạm, ông Vương Đình Huệ ít nhất phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu.

Đây cũng là điều đã khiến hàng loạt nhân vật cấp cao như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mất chức trong thời gian qua.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular