KHI NGƯỜI UKRAINA BỊ DỒN ĐẾN CHÂN TƯỜNG

0
224
54 năm sau, Nga với sự giúp đỡ hào phóng của Belarus đã xông vào lãnh thổ của Ukraine độc ​​lập để tước đoạt độc lập và tự do của nước này. Ảnh : Mariupol 2022

Chan Vu cùng với Natalya Zhynkina 

22 tháng 8 lúc 15:48

 (Bài viết nhân Ngày Độc lập của nước Ukraina)

Năm 1920 nước Ba Lan đứng trước nguy cơ bị quân đội Nga của Lenin và Trotsky thôn tính, quân dân Ba Lan dưới cờ của thống chế Jozef Pilsudski đã đánh một trận sống mái với quân thù. Họ đã giành chiến thắng vẻ vang, và chính thắng lợi này đã giúp người Ba Lan khẳng định được nền độc lập của nhà nước Ba Lan, buộc đế quốc Nga phải công nhận nhà nước này là một quốc gia độc lập, có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, là quốc gia hàng xóm, chứ không phải là một phần đất của đế quốc Nga nữa. 

Người Ukraina cũng đã đánh một trận sống mái với quân đội Nga tại ngoại ô Kyiv năm 1918 ở nhà ga gần làng Kruty, nhưng tiếc rằng lực lượng vũ trang của Kyiv lúc đó còn quá mỏng, chỉ bao gồm các học sinh trường sỹ quan Kyiv, lính cô-dắc, sinh viên và tình nguyện viên, nên họ không thể thắng nổi đạo quân hùng mạnh, dày dạn kinh nghiệm chiến trường, được trang bị đại bác, tàu bọc thép và súng máy của Hồng quân. Chính vì thế mà trận đánh để khẳng định nền độc lập của nhà nước Ukraina buộc phải lùi mốc thời gian để các thế hệ người Ukraina sau này phải đánh. Nhưng sớm hay muộn nó cũng sẽ xảy ra, và nó đang xảy ra sau 104 năm!

Ngay trong lịch sử quan hệ Việt Nam – Trung Quốc cũng vậy thôi, nếu tổ tiên chúng ta không dám đánh và không thắng được giặc Phương Bắc thì làm sao cha ông ta có thể khẳng định được nền độc lập của quốc gia mình, làm sao các cụ có thể tuyên bố được: “Sông núi nước Nam – vua Nam ở!” 

Ngày hôm nay dân tộc Ukraina đang đứng trước một thử thách lịch sử: Phải khẳng định được nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình trước một đế quốc Nga hùng mạnh, hung hãn, tàn ác và hiếu chiến. Một thử thách vô cùng lớn lao, quyết định số phận của dân tộc này.

1/ ĐÔI LỜI VỀ LỊCH SỬ QUỐC GIA UKRAINA 

Nhà nước Ukraina xuất hiện cùng với sự ra đời của đại công quốc Kyivska Rus vào khoảng cuối thế kỷ thứ VI đầu thế kỷ thứ VII, dọc theo hai bờ sông Dnipro. Lúc đó Dnipro là đường giao thông thủy thuận lợi Bắc -Nam. Thuyền bè từ các lãnh thổ Bắc Âu xuôi dòng chở hàng hoá xuống vùng Nam Âu, Địa Trung Hải buôn bán tấp nập. Dọc theo bờ sông Dnipro xuất hiện các khu dân cư, các thành phố. Lịch sử ghi nhận lại rằng, tại Kyivska Rus người ta đã lập ra các trạm thu thuế thuyền buôn. Kyiv lúc đó là một thành cổ sầm uất. Các đại công tước của thành Kyiv được đón tiếp long trọng tại Konstatinopol (thủ đô của Đông La Mã, ngày nay là Istanbul). Đại công tước Vladimir của Kyivska Rus còn định mức cống nạp cho các công quốc Susdal, Novgorod, Moskovye (các lãnh thổ nước Nga ngày nay) mỗi năm phải cống nộp bao nhiêu đồng grivna, bao nhiêu bộ lông thú, … Kyiv lúc đó là kinh đô của 15 công quốc, trong đó có ba công quốc nói trên.

Nhà nước phong kiến tập quyền Kyivska Rus tồn tại được mấy trăm năm thì bắt đầu quá trình phân rã của nó. Một phần do cuộc chiến huynh đệ đương tàn trong nội tộc hoàng gia. Lúc bấy giờ có luật là các hoàng tử được vua cha phân cho các lãnh thổ làm công quốc riêng của mình. Dẫn tới tình trạng là các công quốc đem quân đánh lẫn nhau để giành ngôi bá chủ. Chiến tranh liên miên đã làm cho quốc gia suy yếu, ảnh hưởng của Kyiv yếu dần, và bắt đầu quá trình bất tuân của các công quốc mạnh. Moskovye là một trong những công quốc của nhà nước Kyivska Rus mạnh lên, vì nó phát triển sang hướng đông nơi có những vùng đất thảo nguyên bao la thưa thớt người mà không gặp phải sự kháng cự của các vương quốc khác.

Thành Kyivs lại bị giặc Tác ta Mông cổ ba lần tiến đánh, đốt phá tan hoang nên nó càng điêu tàn. Và cũng từ đó người Kyivska Rus bắt đầu quá trình di cư xuống các đồng cỏ thảo nguyên phía Nam và các vùng lân cận Kyiv, họ lập nên các khu dân cư Cô-dắc mà trung tâm là Zaporozhska Sich (thành phố Zaporozhye ngày nay). 

Chính vương quốc Cô dắc này (luôn bao gồm cả thành Kyiv) là quốc gia hậu duệ của Kyivska Rus và là tiền thân của QG Ukraina ngày nay. Còn các công quốc thuộc Moskovye hoà nhập với đế quốc Orda của người Tác ta Mông cổ và các bộ lạc Bắc Á, Bắc Kavkazye trở thành nước Nga ngày nay.

Đến cuối thế kỷ 18, vào thời Ekaterina đệ nhị thì đế quốc Nga mới hoàn thành việc thôn tính các lãnh thổ thuộc Ukraina ngày nay.

Năm 1917 nhà nước cộng hoà Ukraina đầu tiên ra đời có tên gọi là Cộng hoà Nhân dân Ukraina, đứng đầu là giáo sư sử học Mikhail Grushevsky, có quốc kỳ màu xanh-vàng và quốc huy có hình lưỡi đinh ba mà đến năm 1991 nước Ukraina độc lập lấy làm quốc kỳ và quốc huy của mình. UNR lúc đó bao gồm 9 tỉnh: Kyivska, Podolska, Chernigovska, Volynska, Poltavska, Kharkivska, Ekaterinoslavska, Khersonska, Tavriska. Ngoài ra một số tỉnh như Kurska, Voronezhska, Kholmska,… dự tính là sẽ gia nhập UNR sau đó.

Cũng xin lưu ý rằng, Ukraina ở giữa lòng châu Âu nên trong suốt cả chiều dài lịch sử là nơi xảy ra các cuộc chiến tranh liên miên nhằm chia lại lãnh thổ đất đai, cho nên các vùng lãnh thổ khác nhau của người Ukraina lúc thì bị quốc gia này xâm chiếm, lúc bị các đế quốc khác xâm lược. Lúc thì thuộc công quốc Galitsko-Volyn, lúc thuộc đại công quốc Litovsko-Polsk, lúc thuộc Rechi Pospolita, … Tôi chỉ xin đưa ra các nét sơ bộ về lịch sử như trên và thấy cần thiết phải có bài viết cụ thể hơn về vấn đề này.

Như vậy, hơn 200 năm Ukraina đã từng là thuộc địa của đế quốc Nga, nhưng Ukraina không phải là nước Nga, cũng như nước Nga không phải là quốc gia kế thừa của Kyivska Rus. Quốc gia Ukraina ra đời trước quốc gia Nga 500-600 năm và Ukraina là quốc gia kế thừa Kyivska Rus. Mối quan hệ lịch sử Ukraina – Nga nó cũng gần giống như quan hệ Vương quốc Anh – Hoa Kỳ. Ngày nay Hoa Kỳ có hùng mạnh hơn Anh quốc bao nhiêu đi chăng nữa, thì Mỹ cũng chỉ là cựu thuộc địa của người Anh chứ không thể làm Mẫu quốc của nước Anh được. Giá như nước Nga mà cũng xây dựng các quan hệ của mình với Ukraina trên các nguyên tắc bình đẵng, thân hữu-đồng minh như Hoa Kỳ với Anh quốc, thì cả hai dân tộc được hưởng lợi bao nhiêu, khối đồng mình Nga – Ukraina sẽ hùng mạnh đến mức nào? Tiếc rằng các Nga hoàng không đủ tầm để làm được việc đó, chỉ nhăm nhăm xâm lược, biến Ukraina thành đất của mình.

Ảnh: Quốc kỳ và Quốc huy Nhà nước Cộng hoà Nhân dân Ukraina năm 1917-1918

(Còn nữa)

Phần tiếp theo:

https://www.facebook.com/100016458933568/posts/1197049920853628/?sfnsn=mo

635400cookie-checkKHI NGƯỜI UKRAINA BỊ DỒN ĐẾN CHÂN TƯỜNG