Cũng là phim tuyên truyền nhưng ngày xưa làm hay hơn bây giờ rất nhiều. Ví dụ như Cánh đồng hoang, Ván bài lật ngửa, Biệt động Sài Gòn…Hồi bé mình xem mấy phim đó cảm thấy nó sống động như bước chân vào cuộc sống thời ấy.
Ván bài lật ngửa và Biệt động SG là phim nhiều tập, bao cảnh rộng lớn, quay trong thời gian rất dài, đến nỗi diễn viên già hẳn đi. Nhưng từ diễn xuất đến phim trường đều rất thật. Tất nhiên hồi bé, khi phim mới ra, thì mình ít có kiến thức lịch sử, nên không thể thấy sạn, nếu có. Nhưng kể cả sau này xem lại vẫn không thấy có sạn mấy, trừ những đoạn hơi phóng đại cho tuyên truyền, nhưng đại ý là nó không có những đoạn phi logic ngớ ngẩn như phim Đào. 2 phim này có lẽ là dạng bom tấn của điện ảnh XHCN.
Gần đây xem lại mình mới phát hiện ra sạn ở Ván bài lật ngửa, nhưng không nhiều, như khi họ quay phim ở nội thất của dinh Độc lập mới, đúng ra phải quay ở Dinh Gia Long và dinh Norodom (dinh Độc Lập cũ đã phá bỏ). Nhưng sạn đó phải là người có kiến thức lịch sử hoặc trải nghiệm thực tế mới phát hiện ra. 99% dân Bắc lúc đó (198x) không thể biết.
Có lẽ lý do khiến 2 phim này trở thành bom tấn là do nó đều dựa trên truyện nổi tiếng sẵn. Tức là kịch bản đã quá tốt rồi. Một phần nữa là kinh tế SG những năm 198x gần như đứng yên tại chỗ hoặc thụt lùi, nên cảnh quan đường phố SG coi như không khác gì mấy so với thời 196x! Vì thế về phim trường sẽ không mất công dựng lại mấy. Tương tự vậy, dấu ấn VNCH đã quá sâu sắc, nên Chánh Tín, Thương Tín (là những người sinh ra ở VNCH) dễ dàng đóng được hình ảnh sĩ quan VNCH. Giao lưu 2 miền cũng rất ít, nên nếu có phát hiện ra sạn về bao cảnh thì chắc chỉ dân SG mới biết chứ dân Bắc thì thua.
Hơn nữa, 2 phim kia họ tuyên truyền cũng rất khéo léo, đặc biệt là Ván bài lật ngửa. Chúng ta không hề thấy sự độc ác, tàn bạo của chế độ VNCH thời ông Diệm, không thấy kéo lê máy chém khắp miền Nam. Cách diễn tả khá là trung dung. Đặc biệt, chúng ta còn thấy được sự sòng phẳng, tử tế, quân tử của ông Ngô Đình Nhu, khi ông ta đã biết chắc Nguyễn Thành Luân là người của CS. Ván bài lật ngửa mà, họ đã biết quân bài của nhau rồi. Nhưng vẫn cứ chơi. Mình nhớ mãi chi tiết ông Nhu nói với thuộc cấp khi anh này thắc mắc sao không bắt Nguyễn Thành Luân, lúc đảo chính nổ ra, đại ý: “Chính anh Luân sẽ báo thù cho chúng ta”.
Phim Ván bài lật ngửa mình không thấy nhiều chi tiết bôi nhọ chế độ ông Diệm, thế mới lạ. Mà hồi đó việc chửi bới chế độ cũ là nhiệm vụ chính trị và được nhân dân, ít nhất là miền Bắc, đồng thuận. Ba ông Diệm, Thục, Nhu không hề đáng căm thù ở trong phim! Đặc biệt là không có cảnh kéo lê máy chém hay sự tàn bạo của luật 10/59.
Rõ ràng ông Nhu để cho ông tỉnh trưởng Luân thả tù chính trị là quá tử tế, nhân văn (đúng lịch sử, chi tiết này có thật).
Phim này cũng dựa trên nhân vật và sự kiện có thật là đại tá Phạm Ngọc Thảo. Cũng được coi là phim lịch sử. Phim BĐSG cũng dựa trên nhiều sự kiện lịch sử, nhưng làm sai lệch tương đối theo hướng ta thắng địch thua. Nhưng về mặt điện ảnh, nó vẫn là phim hay.
Có 1 chi tiết rất hay ho là “huyền thoại” kéo lê máy chém khắp miền Nam dưới chế độ ông Diệm do ông Trần Bạch Đằng bịa ra, trở thành hình ảnh đóng đinh vào não người Việt về độ tàn bạo của đệ nhất VNCH. Nhưng ông Trần Bạch Đằng cũng chính là tác giả kịch bản phim Ván bài lật ngửa, cũng có bối cảnh đệ nhất CH, nhưng lại không hề có cảnh kéo lê máy chém! Thực tế máy chém chỉ chém có 2 người, trong đó có 1 ông CS thôi.
Tóm lại, một bộ phim tuyên truyền không đồng nghĩa với việc nó không thể hay về mặt điện ảnh. Thực tế vẫn có nhiều phim hay (bỏ qua yếu tố phóng đại tuyên truyền). Thời buổi bây giờ đóng phim lịch sử sẽ khó khăn về dựng bao cảnh, nhưng kịch bản vẫn là điểm yếu chí cốt. Việc tuyên truyền là không bao giờ không có ở mọi chế độ, nhưng cách tuyên truyền phải thay đổi. Cần kín đáo, khéo léo và nghệ thuật hơn. Đừng để phải lùa bo` đi tuyên truyền kích động lòng yêu nước, rồi thuyết phục người ta là yêu nước có thể bỏ qua sạn hoặc cố tình biện minh cho sự tồn tại của sạn.