Covid-19 tại Pháp: Săn lùng doanh nghiệp gian lận trợ cấp nhà nước – Tạp chí xã hội

0
475
Dù nỗ lực thắt lưng buộc bụng, nhưng kinh tế Pháp tiếp tục gặp khó khăn (Getty Images) © Getty Images
Thuỳ Dương RFI / 18/07/2020 – 08:38

Nằm trong top các nước chịu nhiều tang thương nhất thế giới vì dịch Covid-19, nhưng Pháp cũng là quốc gia có chế độ trợ cấp Nhà nước rất hào phóng cho các doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh đất nước bị phong tỏa, kinh tế suy thoái nghiêm trọng.

Khi dịch bệnh tạm được đẩy lui, đây là lúc chính quyền đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra nhắm vào các doanh nghiệp bị nghi ngờ dùng các « thủ đoạn », « chiêu trò » để « trục lợi », hưởng trợ cấp của nhà nước. « Cuộc săn lùng » các doanh nghiệp « gian lận » sẽ kéo dài trong suốt mùa hè 2020.

Trong bài phát biểu trên truyền hình thu hút người xem đông ở mức kỷ lục hồi tháng 03/2020, khi nước Pháp bắt đầu bị phong tỏa, tổng thống Emmanuel Macron đã tuyên bố : « Sẽ không một doanh nghiệp nào, bất kể quy mô lớn, nhỏ, phải đương đầu với nguy cơ phá sản. Sẽ không một người Pháp nào bị để rơi vào cảnh không có thu nhập ». Trợ cấp thất nghiệp bán phần chính là một trong số các biện pháp hỗ trợ quan trọng của Nhà nước trong thời phong tỏa chống dịch Covid-19 : Nếu vì hoạt động trong thời khủng hoảng dịch bệnh giảm sút, doanh nghiệp phải cắt toàn bộ hoặc giảm một phần giờ làm của nhân viên thì Nhà nước hỗ trợ 100 % tiền để doanh nghiệp trả lương thất nghiệp bán phần cho người lao động, từ ngày 01/06, tỉ lệ này giảm xuống còn 85%.

Trợ cấp trước, kiểm tra sau …

Đài France Info cho biết, theo một đánh giá của bộ Lao Động Pháp, có 7,2 triệu lao động đã được hưởng trợ cấp thất nghiệp một hoặc nhiều ngày mỗi tuần trong tháng 3, con số này lần lượt là 8,7 triệu và 7,8 triệu vào tháng 4 và 5. Còn theo đài France Inter, trong vòng 3 tháng, tổng cộng 16,9 tỉ euro trợ cấp đã được nhà nước phát cho 1,2 triệu doanh nghiệp để trả lương thất nghiệp bán phần cho hơn 12 triệu nhân viên. Số tiền ban đầu nhà nước Pháp dự tính chi trả trợ cấp thất nghiệp bán phần là 8,5 tỉ euro, nay con số này có thể sẽ tăng lên thành 31 tỉ euro cho cả năm 2020.

Tại sao số tiền trợ cấp lại phát sinh nhiều đến như vậy ? Liệu các doanh nghiêp có hưởng số tiền trợ cấp này một cách chính đáng ? Có điều gì ẩn khuất hay không ? Cách duy nhất là kiểm tra, thanh tra !

Phát biểu trên các phương tiện truyền thông hồi cuối tháng 06, bộ trưởng Lao Động Pháp khi đó là bà Muriel Pénicaud cho biết, khi đất nước bị phong tỏa, chủ trương của chính quyền là « đặt trọn niềm tin » vào sự trung thực của doanh nghiệp, nhưng khi đó chính phủ cũng thông báo là sau này những doanh nghiệp hưởng tiền trợ cấp của Nhà nước để chi trả lương thất nghiệp cho nhân viên sẽ bị kiểm tra. Trong chuyên mục Giải mã kinh tế trên đài France Info ngày 30/06/2020, phóng viên điều tra kinh tế Fanny Guinochet của tuần báo L’Express giải thích chi tiết :

« Mục tiêu của chính phủ là từ nay đến cuối mùa hè phải tiến hành được 50.000 cuộc kiểm tra. Vài trăm viên chức bộ Lao Động đã được giao nhiệm vụ này. Khi cho áp dụng chính sách trợ cấp thất nghiệp bán phần hồi tháng Ba, chính phủ đã cảnh báo : Chính quyền sẽ chấp nhận tất cả những đơn xin trợ cấp thất nghiệp bán phần và đơn thường được thông qua trong vòng 48 giờ đồng hồ, chính phủ tin tưởng vào chủ lao động, nhưng báo trước là sẽ có các cuộc kiểm tra. Tất cả các công ty đã lạm dụng chế độ trợ cấp thất nghiệp có thể sẽ phải trả giá, dù là doanh nghiệp lớn hay nhỏ, bất kể trong lĩnh vực nào ».

Cuộc săn lùng bắt đầu

« Đã nói là làm », kể từ giữa tháng 05, bộ Lao Động cho tăng cường công tác kiểm tra, đơn vị đầu mối được giao thực hiện chiến dịch kiểm tra là DIRECCTE ( Cơ quan đặc trách quản lý doanh nghiệp, cạnh tranh, tiêu dùng, lao động và việc làm ở cấp vùng ). Từ ngày 22/05 cho đến cuối tháng 6, với 300 viên chức bổ sung, DIRECCTE đã khởi động 12.000 cuộc kiểm tra. Trong số 3.000 cuộc kiểm tra đã hoàn tất, có tới 850 doanh nghiệp bị nghi ngờ sai phạm. Nhà báo Fanny Guinochet cho biết cụ thể :

« Kết quả của gần ¼ số cuộc kiểm tra cho thấy có những điều đáng ngờ. Ngay cả đây mới chỉ là những nghi ngờ chứ chưa phải là đã chứng minh được là có sự gian lận thì tỉ lệ này vẫn là cao. Điều này sẽ dẫn đến những cuộc kiểm tra bổ sung, những cuộc điều tra sâu hơn của tổng vụ Lao Động. Những con số nói trên đã được bộ trưởng Lao Động Muriel Pénicaud đưa ra khi trả lời phỏng vấn của tạp chí Challenges.

Phải nói rằng tất cả các cuộc kiểm tra này không phải được tiến hành một cách tình cờ : mục tiêu đã được định hướng nhắm đến. Các công chức của bộ Lao Động đã kiểm tra các công ty sau khi nhận được báo động của các công đoàn hay đơn tố cáo của người làm công ăn lương nhắm vào việc chủ lao động lợi dụng họ. Có vài trăm đơn tố cáo như vậy. Một trong những kiểu gian lận thường gặp nhất là công ty khai báo các nhân viên thất nghiệp bán phần, trong khi trên thực tế chủ lao động vẫn yêu cầu nhân viên làm việc từ xa. Các cơ quan của bộ Lao Động cũng ghi nhận là có những chiêu trò gian lận, lừa đảo « tinh vi » hơn, chẳng hạn như lập các « doanh nghiệp ma ». Đó là trường hợp của một chủ doanh nghiệp ở vùng Hauts-de-France. Người này đã thành lập 5 công ty, chỉ để nhận các khoản tiền hỗ trợ của nhà nước. Có rất nhiều kiểu lạm dụng. »

Chiêu trò, mánh lới gian lận

Như phóng viên điều tra kinh tế Fanny Guinochet đã nói, có rất nhiều hình thức gian lận. Thường gặp nhất là chủ doanh nghiệp khai báo nhân viên làm việc bán phần để lĩnh trợ cấp của nhà nước, nhưng trên thực tế vẫn « dỗ ngon dỗ ngọt »,hoặc bắt ép người lao động làm việc từ xa, thường là bằng là bằng cách gọi điện thoại. Vấn đề là nếu khai báo nhân viên làm việc từ xa thì doanh nghiệp phải trả lương, còn nếu khai là nhân viên thất nghiệp bán phần thì coi như nhà nước trả lương, doanh nghiệp không tốn kém.

Nhiều người lao động biết là như vậy là « làm việc bất hợp pháp », nhưng trong bối cảnh khủng hoảng, sợ bị chủ đuổi việc, nên đành « nhắm mắt làm ngơ » để chủ doanh nghiệp lợi dụng kiếm lời từ nhà nước. Có nhiều người phải làm việc từ xa đến cuối giai đoạn phong tỏa, đến khi nhận phiếu lương mới phát hiện ra chủ lao động khai báo cho họ hưởng chế độ thất nghiệp bán phần.

Bất bình, nhiều người đơn phương hoặc phối hợp với công đoàn viết đơn tố cáo chủ doanh nghiệp. Trong những trường hợp nói trên, người lao động đều không bị xử lý vì họ làm theo lệnh của công ty. Công tác kiểm tra, xử phạt chỉ nhắm vào chủ doanh nghiệp. Còn có nhiều trường hợp chủ doanh nghiệp nhận trợ cấp từ nhà nước, nhưng thay vì trả lương thất nghiệp bán phần cho nhân viên, thì lại « đút tiền ngay vào túi ». Ngoài ra, có chủ doanh nghiệp « chơi chiêu » tuyển thêm nhân viên trong thời phong tỏa rồi cho họ nghỉ bán phần chỉ để nhận trợ cấp của Nhà nước, hoặc liều lĩnh hơn nữa là thành lập « doanh nghiệp ma »,khai khống số nhân viên, khai khống lương của người lao động …

Nếu bị xử phạt hành chính, các doanh nghiệp phải hoàn trả tiền cho chính phủ và không được hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước trong vòng 5 năm. Chủ doanh doanh nghiệp gian lận có thể bị phạt 30.000 euro, chịu 2 năm tù giam. Những trường hợp nghiêm trọng hơn có thể bị quy vào tội lừa đảo, chủ doanh nghiệp có thể lãnh án tù 7 năm, số tiền nộp phạt có thể lên đến 750.000 euro, thậm chí bị truy tố hình sự. Phóng viên điều tra kinh tế Fanny Guinochet của tuần báo L’Express giải thích thêm :

« Khi họ bày trò kiểu như thành lập công ty ma, thì chủ doanh nghiệp lãnh án lên đến 2 năm tù giam và bị phạt 30.000 euro. Nhưng cho đến nay, mới chỉ có chưa đến 10 vụ truy tố hình sự. Đa phần các trường hợp đều chưa nghiêm trọng đến mức như vậy, và chính quyền chỉ tập trung vào yêu cầu chủ doanh nghiệp hoàn trả các khoản tiền mà họ đã nhận quá mức được hưởng, những chủ doanh nghiệp phạm luật cũng mất quyền hưởng chế độ hỗ trợ tài chính của nhà nước trong vòng 5 năm.

Bộ trưởng Lao Động Muriel Pénicaud cho biết bộ sẽ khoan nhượng, nếu đó đơn giản chỉ là do nhầm lẫn trong tính toán hay khai báo và nếu công ty thành khẩn, thực tâm. Ngược lại, nếu đó là hành vi cố tình gian lận thì sẽ không có sự khoan nhượng nào hết và doanh nghiệp sẽ phải chịu án phạt. »

Nhà nước – nạn nhân

Để « truy » được càng nhiều càng tốt các doanh nghiệp gian lận, chính phủ khuyến nghị Cơ quan đặc trách quản lý doanh nghiệp, cạnh tranh, tiêu dùng, lao động và việc làm ở cấp vùng tập trung đặc biệt vào các lĩnh vực dễ có gian lận hoặc phương thức làm việc từ xa được triển khai rộng rãi. Nếu tỉ lệ gian lận cao thì công tác kiểm tra sẽ còn được tiếp tục duy trì đến sau mùa hè.

Nước Pháp vốn nổi tiếng là nghiêm khắc trong xử lý các vụ gian lận thuế, trợ cấp của Nhà nước. Tuy nhiên, ngay từ ngày 11/06, France Info cho biết những thanh tra lao động mà đài này tham khảo đều cho là có rất ít hy vọng thu hồi lại được phần lớn số tiền trợ cấp thất nghiệp bán phần mà các doanh nghiệp đã ăn gian của nhà nước. Lý do là có hàng triệu doanh nghiệp cần được kiểm tra, công tác kiểm tra, thanh tra thường rất lâu và phức tạp, mà nhân lực của các cơ quan kiểm tra, thanh tra cho dù có được bổ sung thì cũng không đủ.

Không chỉ là nạn nhân của Covid-19, với sự hào phóng, lòng tin quá đà, nước Pháp dường như đã trở thành nạn nhân trước các chiêu trò gian lận của nhiều chủ doanh nghiệp!

555600cookie-checkCovid-19 tại Pháp: Săn lùng doanh nghiệp gian lận trợ cấp nhà nước – Tạp chí xã hội