100 năm Hiệp định hòa bình Trianon : Hungary và thảm kịch mất lãnh thổ

0
247
Thủ tướng Viktor Orban đọc diễn văn khánh thành khu kỷ niệm 100 năm ngày ký hiệp định hòa bình Trianon, Versailles, tại Satoraljaujhely, Hungary, ngày 06/06/2020. AP - Zoltan Mathe

RFI / Đăng ngày: 05/08/2020 – 10:33

Hoàng Nguyễn|Thùy Dương
“Quý vị giờ đây đã đào mồ chôn nước Hung, nhưng Hungary sẽ có mặt tại tang lễ của tất cả các quốc gia mà bây giờ đang đào nấm mồ cho nước Hung”. Câu nói bi thảm và hết sức nổi tiếng nói trên, là của bá tước Apponyi Albert, nhà bác học và nhà ái quốc vĩ đại của dân tộc Hung, được mệnh danh là “Đại lão trượng vùng Trung Âu”.

Câu nói vang lên vào ngày 4/6/1920 định mệnh, khi Vương quốc Hungary sụp đổ dưới sức ép của các siêu cường. Biến cố xảy ra tròn một thế kỷ trước, tới giờ vẫn là vết thương lòng không phai trong tâm khảm dân Hung.

Hiếm người dân Hung nào không nhớ tới mốc thời gian này, khi tại lâu đài Grand Trianon thuộc quần thể lâu đài Versailles (ngoại ô Paris, Pháp), Vương quốc Hungary buộc phải ký một hiệp định hòa bình (chấm dứt Đệ nhất Thế chiến) với phe Đồng minh, mà các đại diện chính là Anh, Pháp, Nga. “Người Hung là người mang trong lòng nỗi đau Trianon”, câu nói ấy cũng không mấy người Hung không biết.

Chỉ bằng vài nét bút ký, Hungary đánh mất 72% diện tích mà cơ bản, nước này đã có từ ngàn đời, hơn 84% dân số, 38% sản lượng công nghiệp và 67% tổng thu nhập quốc gia. Nhưng bi thảm hơn cả là chỉ trong nháy mắt, một phần ba dân số Hungary (chừng 3,2 triệu người) trở thành kẻ bơ vơ trên xứ lạ! Không phải ngẫu nhiên, năm 2020 đã được chính quyền Hung coi là “Năm tưởng niệm Trianon”!

Chuông nguyện hồn cho nước Hung ngàn năm tuổi

“Vài phút sau 10h sáng, một tin định mệnh được loan. Những hồi chuông nhà thờ đổ dồn. Thoạt tiên là Pest, sau đó đến mọi vùng khác của đất nước, mẩu tin ấy được lan truyền… Hai tiếng liền, những hồi chuông vang rền, trên khắp lãnh thổ của đất nước.

Budapest chìm trong tang tóc, người dân vận đồ tang đen. Những lá cờ tang rủ khắp nơi nơi. Người dân, từ đàn ông tới đàn bà, trẻ em và người cao niên, ai nấy khóc nức nở. Nhiều người giơ nắm đấm lên trời. Tại một góc của Quảng trường Bát giác (Oktogon), một người lính tàn tật xé tan tấm áo choàng, làm lộ cánh tay cụt tới khuỷu, và gào thét điên cuồng: “Chẳng lẽ vì thế này ư?”.

Trên phố phườg, những người không quen biết lao vào ôm lấy nhau, có người thì an ủi những kẻ đang khóc tức tưởi. Đôi lúc, bầu không khí tang tóc ấy lại được xé tan bởi giọng các cậu bé bán báo: “Số ra đặc biệt đây!”. Các tờ báo đều được viền tang đen, và độc giả đọc to cho nhau nghe những bài xã luận.

Tại Đại lộ Bảo tàng (Múzeum körút), người dân bắt đầu cất lời hát bản “Quốc ca”. Chẳng mấy chốc, các giáo đường chật kín người, các thầy tu tìm cách vấn an những con chiên đang khóc ròng cay đắng. Toàn thể đất nước đóng cửa, chỉ những hồi chuông cứ vang lên, khóc thương cho người quá cố. Trường học cũng không hoạt động, cả thầy và trò đều khóc thương cho người quá cố.

Người quá cố ấy, chính là nước Hung một ngàn năm tuổi!”.

Đoạn hồi tưởng cảm động nói trên về biến cố Trianon xảy ra cách đây tròn 100 năm, là của nhân chứng Padányi Viktor, khi đó mới 14 tuổi và là học sinh trung học. Đó là mảng ký ức trung thực và động lòng nhất, bi thảm và đau đớn nhất về sự kiện tang thương nhất trong lịch sử Vương quốc Hungary, được thành lập giữa lòng Châu Âu từ năm đầu của thế kỷ thứ 11 bởi một sắc dân đến từ Châu Á.

Tấn bi kịch của nước Hung khởi đầu từ khi Đệ nhất Thế chiến bùng bổ, với kẻ khơi ngòi chính là nền “song quốc quân chủ” Áo – Hung, sau vụ ám sát cặp vợ chồng Hoàng thái tử Franz Ferdinand tại Sarajevo. Là một thành viên của đế chế ấy, nên Vương quốc Hungary buộc phải lao vào cuộc chiến tương tàn mà thật ra, nước này không có lợi ích gì, và rốt cục lại chịu quá nhiều tổn thất trong chiến tranh.

Bị cưỡng đoạt mà không được lên tiếng

Thất bại của phe Liên minh Trung tâm mà chủ lực là Đức và Đế chế Áo – Hung vào cuối năm 1918 vạch ra cho Vương quốc Hungary một tương lai rất mờ mịt. Nhưng có lẽ không ai có thể hình dung được rằng, khi các cuộc đàm phán với “phe thắng cuộc” được khởi đầu vào đầu năm 1920, phái đoàn của Hungary – mà trưởng đoàn là bá tước Apponyi Albert (đã được nói ở đầu bài) – đã hoàn toàn bị trói buộc chân tay.

Ngay sau khi tới Pháp, đoàn đàm phán Hungary đã bị “an trí” (gần như giam lỏng) trong vòng gần chục ngày ở ngoại ô Paris và không hề có cơ hội tham dự các cuộc thương thảo. Chỉ tới ngày 16/1/1920, khi tất cả mọi việc đã được an bài bởi các “nước lớn” và đã có trong tay bản Hiệp ước khiến nước Hung lịch sử bị mất 2/3 diện tích, bá tước Apponyi Albert mới có dịp “mở miệng” với bài phát biểu “để đời” của ông.

“Nếu quý vị đặt Hungary vào cảnh phải lựa chọn hoặc ký, hoặc khước từ bản Hòa ước này, tức là đã trả lời cho câu hỏi, có nên chăng, quốc gia này hãy tự sát để khỏi phải chết” – vị chính khách đã tuyên bố như thế trước các đại diện của “phe thắng cuộc”. Dầu vậy, “người Hung vĩ đại nhất trong số những người còn sống” khi đó cũng hoàn toàn biết rằng, nước Hungary đã lâm vào cảnh vô vọng không lối ra.

Dầu vậy, trong bài diễn văn hùng biện và xót xa được trình bày bằng ba thứ tiếng Pháp, Anh và Ý, vị bá tước cũng vẫn cố gắng nhấn mạnh những luận cứ để bảo toàn Vương quốc Hungary một ngàn năm tuổi. Phân tích trên các góc độ dân số, địa lý, lịch sử và luật pháp thông qua các văn kiện và bản đồ, ông muốn chứng tỏ rằng “hình phạt” của các nước thắng cuộc với Hungary là quá oan ức và bất công.

Kéo dài hơn 1 giờ, phát biểu “biện hộ” cho nước Hung của Apponyi Albert sau này được giới sử gia đánh giá như lời từ giã nước Đại Hung. Như có thể chờ đợi, những lời lẽ thống thiết của vị bá tước đã hoàn toàn rơi vào khoảng không trống rỗng tại phòng khánh tiết của bộ Ngoại Giao Pháp. Chính Apponyi Albert cũng lường trước được điều này, và phát biểu của ông thực ra là thông điệp cho hậu thế.

Tất cả thực ra đã được ấn định trước đó 1 ngày tại trụ sở Bộ Ngoại giao Pháp, nơi diễn ra Hội nghị Hòa bình Paris (trong hai năm 1919-1920), khi phái đoàn Vương quốc Hungary được nhận văn bản “chót” của bản Hiệp ước mà “phe thắng cuộc” đã thông qua. Hiệp ước Trianon đã được soạn thảo với ý đồ thiết lập một trật tự mới cho Châu Âu, mà phe thua cuộc không hề được tham gia, dự phần bàn bạc!

Trianon và sự thống khổ của nước Hung

Vào cái ngày đau thương 4/6/1920, đúng 16h30, tại lâu đài Grand Trianon, Hòa ước Trianon đã được hai đại diện cấp thấp của chính phủ Vương quốc Hung đặt bút ký, bởi không chính khách nào ở cấp cao hơn muốn làm điều đó. Hiếm ai nhớ được tên của Bộ trưởng Phúc lợi và Lao động Benárd Ágost và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Drasche-Lázár Alfréd, nếu họ không phải buộc làm nhiệm vụ nhục nhã ấy.

Về phần mình, ngay khi chuẩn bị rời Paris về Hungary, bá tước Apponyi Albert đã phác ra ý tưởng đòi lại những phần đất bị mất về sau này: “Quý vị hãy đừng coi là số phận của Hungary đã bị an bài bởi Hiệp ước này. Hãy nghĩ tới thời điểm sẽ diễn ra sau này (…) trong một khoảng thời gian không quá dài, chúng tôi sẽ giành lại cho Hungary địa vị xứng đáng trong đại gia đình các dân tộc”, ông khẳng định.

Quan điểm và phát ngôn của ông, bằng cách đó, đã đặt nền móng và cơ sở cho ý tưởng “xét lại” trong đời sống chính trị, ngoại giao và tinh thần Hung thời gian giữa hai cuộc Thế chiến, và gây ảnh hưởng lớn đến tâm thức công luận Hungary. Nhà chính khách yêu nước không thể chấp nhận “nỗi đau Trianon”, không nhắm mắt trước cảnh nước Hung lịch sử trôi nổi bên bờ vực thẳm của sự chia cắt.

Nhưng có lẽ, trong đời, Apponyi Albert không thể ngờ rằng, sự lớn mạnh của các đảng phái, phong trào cực hữu theo chủ nghĩa xét lại đó lại sẽ khiến Hungary đại bại. Gần gũi với nước Đức Hitler để chấn hưng kinh tế, sa vào sự ảnh hưởng chính trị dẫn đến bài xích người Do Thái, nhờ sức ép của Đệ tam Đế chế, Hungary được trả lại phân nửa diện tích đất đai bị cắt cho ngoại quốc thời kỳ 1938-1940.

Tuy nhiên, cái giá phải trả một lần nữa rất thảm khốc: nước này phải tham chiến bên quân đội Quốc xã trong Đệ nhị Thế chiến, để rồi Hiệp định Hòa bình ký tại Paris ngày 10/2/1947 đã tái lập các đường biên giới cũ và Hungary còn mất thêm một phần đất cho Tiệp Khắc. Cho dù không ít người Hung vẫn tin tưởng rằng, Trianon chỉ có hiệu lực trong 100 năm, nhưng sự mất mát là không thể đổi thay!

Ngày nay, trên đất Hung và những nơi còn đông Hung kiều sinh sống, đâu đâu cũng có thể thấy những tượng đài, ký ức về Trianon, mặc dầu một thế kỷ đã trôi qua. Tòa nhà Nghị viện Hungary bên bờ Danube có treo hai lá cờ: quốc kỳ nước Hung, và lạ thay, cạnh đó, không phải quốc kỳ của Liên Hiệp Châu Âu theo thông lệ, mà là lá cờ của vùng đất lịch sử Székely mà Hungary đã vĩnh viễn đánh mất!

555570cookie-check100 năm Hiệp định hòa bình Trianon : Hungary và thảm kịch mất lãnh thổ