Friday, October 11, 2024
HomeDU LỊCHBLOGVụ George Floyd: Biên tập viên New York Times từ chức vì...

Vụ George Floyd: Biên tập viên New York Times từ chức vì bài viết gây tranh cãi

BBC

Biên tập viên mục ý kiến tờ New York Times đã từ chức giữa lúc không khí giận dữ bùng lên về liên quan bài viết của một thượng nghị sĩ Cộng hòa kêu gọi dùng quân đội để dẹp bất ổn tại các thành phố của Mỹ.

Biên tập viên James Bennet đã từ chức sau khi bài báo nhan đề “Hãy điều quân đội tới” của Thượng nghị sĩ Tom Cotton châm ngòi cho cuộc nổi dậy của các nhà báo và độc giả của tờ báo.

Bài báo ủng hộ lời đe dọa sử dụng quân đội để dẹp người biểu tình chống phân biệt chủng tộc của ông Donald Trump.

Thoạt tiên, tòa soạn đã bảo vệ quyết định đăng bài viết trên nhưng sau đó nói rằng bài này đã “không đáp ứng” các tiêu chuẩn của New York Times.

Việc thay đổi lập trường của tờ báo xảy ra sau khi hứng chịu sự phẫn nộ từ cả công chúng lẫn nhân viên của tờ báo về bài viết được công bố trên trang web thứ Tư tuần trước. Một số nhà báo đã không đi làm hôm thứ Năm để phản đối.

Ông Bennet, người giữ cương vị biên tập viên mục ý kiến từ năm 2016, sau đó thừa nhận rằng mình đã không đọc bài viết trước khi cho đăng. Bài báo của thượng nghị sĩ tiểu bang Arkansas kêu gọi “sử dụng một lực lượng áp đảo” để dẹp các nhóm mà ông mô tả là “những kẻ bạo loạn”.

Bài viết được đăng tải trong bối cảnh hàng trăm ngàn người tuần hành trên khắp nước Mỹ trong những tuần gần đây nhằm lên án tệ nạn phân biệt chủng tộc và sự tàn bạo của cảnh sát. Bạo động đã xảy ra ở một số thành phố.

Các cuộc biểu tình nổ ra sau khi một người Mỹ gốc Phi, George Floyd, chết khi đang bị cảnh sát bắt giữ vào tháng trước. Video cho thấy một sĩ quan cảnh sát da trắng dùng đầu gối đè lên cổ ông ta trong gần chín phút.

Hơn 800 nhân viên đã ký một lá thư lên án việc đăng tải bài báo, nói rằng bài viết này chứa thông tin sai lệch.

“Là một phụ nữ da đen, là một nhà báo, tôi vô cùng xấu hổ vì chúng ta đã đăng bài này”, Nikole Hannah-Jones, nhà báo từng đoạt giải Pulitzer, viết trên Twitter.

Trong một thông báo gửi nhân viên hôm Chủ Nhật, chủ báo New York Times A.G. Sulzberger viết: “Tuần trước chúng ta đã chứng kiến một thất bại lớn trong quy trình biên tập, và không phải là lần đầu tiên trong những nằm gần đây.”

Thông báo cho biết ông Bennet đã từ chức sau khi nhìn nhận rằng “cần có một đội ngũ mới để dẫn dắt bộ phận ý kiến trong giai đoạn thực hiện các thay đổi lớn”. Thông báo không đề cập đến bài viết của ông Cotton.

Ban đầu báo New York Times bảo vệ bài báo, với lập luận rằng trang này cần phản ánh quan điểm đa chiều. Nhưng hôm thứ Sáu đã bổ sung một ghi chú dài trong đó nêu rằng bài viết đã “không đạt tiêu chuẩn của chúng tôi và lẽ ra không nên được đăng”.

Thông điệp từ ban biên tập thừa nhận “quá trình biên tập quá vội vã và có thiếu sót”, thêm rằng, “bài viết được thể hiện dưới dạng phân tích dữ liệu về vai trò của các ‘cán bộ các phe cánh tả như antifa’, trên thực tế, những cáo buộc đó chưa được chứng minh và bị nhiều người đặt nghi vấn.”

New York Times cũng thừa nhận việc thượng nghị sĩ cho rằng các sĩ quan cảnh sát “chịu thiệt hại nặng nề lớn” của bạo lực tại một số thành phố là “sự cường điệu hóa đáng lẽ phải được soi xét kỹ”. Nhan đề bài báo, không phải do ông Cotton đặt, “đầy tính kích động và lẽ ra không nên được sử dụng”, thông điệp từ ban biên tập bổ sung.

Email của ông Sulzberger cũng thông báo rằng Jim Dao, người trông coi mục ý kiến với tư cách là phó ban, sẽ được chuyển sang vai trò khác, còn Katie Kingsbury sẽ trở thành biên tập viên tạm quyền phụ trách trang này.

Tom Cotton ủng hộ lời kêu gọi can thiệp quân sự của Donald Trump
Ảnh : Reuters

Hôm thứ Bảy, Stan Wischnowski, biên tập viên hàng đầu của báo Philadelphia Inquirer, cũng đã từ chức sau khi cho đăng bài báo có tiêu đề đánh đồng thiệt hại về tài sản với tính mạng người da đen, khiến nhiều nhân viên của tờ báo lên án.

Ông Wischnowski đã xin lỗi về điều mà ông mô tả là một quyết định “sai lầm khủng khiếp” khi sử dụng nhan đề “Các tòa nhà cũng đáng giá” cho một bài báo về tình trạng bất ổn dân sự ở Mỹ.

Nhan đề này, trong tiếng Anh là “Buildings Matter Too,” gợi sự liên tưởng tới phong trào chống phân biệt chủng tộc mang tên Black Lives Matter (Sinh mạng người da đen cũng đáng giá).

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular