Sunday, May 19, 2024
HomeDU LỊCHBLOGLAN MAN CHUYỆN HỌC, CHUYỆN NGHÊ, CHUYỆN ĐỒNG NGHIỆP.

LAN MAN CHUYỆN HỌC, CHUYỆN NGHÊ, CHUYỆN ĐỒNG NGHIỆP.

Nguyễn Xuân Nghĩa cùng với Ngoc Tuan Tran

Từ năm 1967 đến 1972 tôi học khoa Luyện kim màu tại trường Đại học kỹ thuật Ostrava, Tiệp Khắc, nay thuộc Cộng Hòa Séc (Česká Republika). Ngành luyện kim màu có 2 phân nhánh: Hợp kim đồng (đồng thau, đồng thanh) và Hợp kim nhôm ( Nhôm và Đuy-ra*). Trước ngày chúng tôi nhập trường một anh cán bộ Đại sứ quán trên thủ đô Praha xuống gặp chúng tôi. Anh căn dặn chúng tôi nhiều chuyện. Về ngành học của chúng tôi, anh nói: “ Các em học xong trong nước cũng đánh Mỹ-Ngụy xong. Đánh xong giặc Mỹ ta sẽ xây dựng một nền công nghiệp quy mô, hiện đại. Các em cố gắng học giỏi, Sau này tổ quốc rất cần kiến thức của các em”. Chúng tôi nghe mà sướng run, mà tự hào nghĩ: Bây giờ tạm dùng máy bay Made in SSSR ( Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết). Học xong về nước sẽ nấu, luyện hợp kim nhôm để sản xuất máy bay mang nhãn “Made in Vietnam” (ngành chế tạo máy bay dùng khoảng 80 % hợp kim nhôm) Và rồi nghĩ tiếp: Chúng tôi sẽ là một trong số cán bộ kỹ thuật đầu tiên tham gia đúc- luyện hợp kim nhôm cho ngành hàng không non trẻ của tổ quốc… 

Học xong, về nước, tôi được chuyển biên chế sang Bộ Cơ khí & Luyện kim. Thời bấy giờ ngành công nghiệp Việt Nam (Miền Bắc) không có nhà máy, xí nghiệp luyện kim màu, tức không có ngành nghề luyện kim màu. Nhận được thông tin Bộ có một viện nghiên cứu Hợp kim màu đang sơ tán tại Thái Nguyên, tôi bỏ ra một ngày lên Thái Nguyên thăm, tìm hiểu. Từ lần đó tôi đã vỡ ra rằng khác với Đảng viên CS người Tiệp, Đảng viên CS người Việt có khuynh hướng sử dụng từ ngữ trên trời. “Viện nghiên cứu hợp kim màu” có quy mô một hợp tác xã đúc nồi đồng, cán mâm nhôm. “Thế này thì dùng kiến thức 5 năm học ở Tiệp vào đâu? Tôi ngao ngán thở dài. Rồi tôi động viên tôi : Chờ cánh lính kết thúc chiến tranh thì cánh làm Công nghiệp mới có đất dụng võ.

Hình chụp khoảng năm 1969 – 1970

 Sau 1 tháng nghỉ ngơi tại quê nhà, tôi trở lại Hà Nội, thay cho về “Viện” ở Thái Nguyên, tôi được Bộ “phân” về Nhà máy Chế tạo biến thế Hà Nội. Nhà máy Chế tạo biến thế Hà Nội có một phân xưởng  Chế tạo vật liệu cách điện nằm trên địa bàn xã Cầu Diễn, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội; trong phân xưởng này có tổ “Nghiên cứu & Sản xuất Hợp kim bột đồng”**  Nhân sự của tổ Nghiên cứu & Sản xuất hợp kim bột đồng gồm 1 kỹ sư tốt nghiệp tại Ba Lan, 3 kỹ sư tốt nghiệp tại Tiệp Khắc và 5 công nhân của phân xưởng được chọn lọc từ các nghề khác chuyển sang. Học chế tạo hợp kim màu khối chéo ngoe sang làm hợp kim bột đồng đã là một lý do để chán. Nghe từ “phân xưởng” thì nghĩ là quy mô, hiện đại, nhưng mục sở thị nó là lý do để chán thứ 2. Tất cả cơ ngơi của phân xưởng là một nhà gạch lợp ngói rộng khoảng 200m2, nơi làm việc của tổ ép ống và tổ cơ khí. Cách ngôi nhà lớn kể trên khoảng 20m là một nhà gạch thấp lè tè, tường không trát, lợp tôn xi măng, bên trong có khoảng 10, 11 thợ mộc đang làm việc ( Lúc ấy tổ mộc của phân xưởng đã đi vào sản xuất). Phía cận trong có thêm một căn nhà ngói cũ 4 gian, rộng khoảng 100m2, nơi làm việc của chúng tôi, sát tương có 5 ụ đất nhô cao như 5 nấm mồ trong lòng có tử thi, phủ lên 5 hầm tránh bom, trong hầm nước ngập ngang bẹn, xung quanh nhà cỏ, cây dại mọc um tùm (có lần nhìn thấy rắn hổ mang luồn lách trong đám cây cỏ).

 Nếu phân xưởng này còn tồn tại đến ngày “tấc đất tấc kim cương” hiện nay thì giá trị bất động sản của phân xưởng hơn gấp nhiều trăm lần thương phẩm nó làm ra. Thời ấy đất đai người ta cho nhau. Cái gì trên đất mới giá trị. Ngắm nhìn cơ ngơi nọ tôi liên hệ đến cơ ngơi của 2 xí nghiệp luyện kim màu tôi đã đến thực tập tại Tiệp Khắc.

 Khi biết Bộ Cơ khí &Luyện kim do trung tướng Đinh Đức Thiện*** làm Bộ trưởng, tôi càng thêm khó tin. Cái ông suốt đời làm lính này biết gì về công nghiệp mà làm Bộ trưởng bộ Cơ khí & Luyện kim?  Thêm nữa ông đang trong Nam, làm tư lệnh đường 559 (còn gọi là đường Hồ Chí Minh) sao có thể làm thêm chức Bộ Trưởng một bộ công nghiệp lớn có trụ sở tại Hà Nội? Tìm hiểu sâu hơn thì biết Miền Bắc khoác vào ông chiếc áo Bộ trưởng Bộ Cơ khí & Luyện kim của Miền Bắc để giấu tông tích ông đang có mặt tại Miền Nam. 

Phân xưởng Vật liệu cách điện của tôi đang trong quá trình hình thành nên ở đây tất cả đều là thợ xây dựng. Đập gạch vụn rải lối đi, đầm đường, xây nhà, xưởng, đào đất, đổ bê tông bệ máy, xe gạch, lợp tôn mái nhà… Tôi làm tất và không ngờ làm hăng, làm tốt. Được cái mới ở xứ ôn đới về, da chưa ngăm đen, vận đồ Tây, đi chiếc xe Favorit đua, 5 tầng líp, lốp và xăm liền một, đạp khỏe, lao như tên (dù rất đau mông vì không hợp đường đất Việt Nam) lại làm việc chăm chỉ còn giữ được thứ văn hóa làm công nghiệp của người Tiệp, nên dù là dân Nghệ, nói tiếng Nghệ vẫn có vài em Hà Nội mê như điếu đổ. 

Chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất lâu rồi, chờ mãi không thấy tăm hơi một nhà máy, xí nghiệp luyện kim màu nào hình thành; lại vướng vào vợ con nên tôi xin chuyển về Hải Phòng theo vợ.  

 Ở nhà máy Cơ khí Duyên Hải HP, (viết tắt CKDH – công nhân gọi đùa là “Con Khỉ Dở Hơi) có thời gian tôi làm cán bộ thi đua, tuyên truyền. Tôi toàn viết lên bảng tin ở cổng nhà máy, đọc trên loa truyền thanh nội bộ và gửi ra báo Hải Phòng những bài nhăng cuội, ca ngợi tâng bốc chị công nhân này, tổ sản xuất kia đi, về đúng giờ, làm việc chăm chỉ, sản phẩm chất lượng cao, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Công nhân đọc, biết hết! Họ cười trong bụng, nhưng Ban giám đốc nhà máy lại khen, khuyến khích nên tôi thành nhân vật “ lính tiểu đoàn hơn quan đại đội”. Rồi tôi lao tâm khổ tứ vào chuyện viết văn (viết ra 10 chữ, chỉ in được 1 chữ)…

 Do nhiều lần chuyển nơi ở từ khu tập thể này sang khu tập thể kia, từ khu tập thể sang nhà riêng, nắng, mưa, thời gian, mối mọt… sách vở, tài liêu kĩ thuật bằng giấy mực bên ngoài và lưu giữ trong đầu cùng cả ngôn ngữ Séc cũng mỗi năm bỏ tôi ra đi một ít.  Giấc Kê Vàng** ** “Luyện đúc hợp kim nhôm cho máy bay “Made in Vietnam” tan vỡ từ  thời điểm nào tôi không còn nhớ.

 Năm 1989 tôi rời khỏi biên chế nhà nước khi chưa đủ tuổi, đủ năm hưu và không có tiền bạc để “bôi trơn” dù vợ có khuyên “chạy” cái “hưu non”

 Nói thêm: Nhà máy cơ khí Duyên Hải Hải Phòng đã chết; máy móc, thiết bị đã thành sắt vụn. Tại Hà Nội, nhà máy Chế tạo Biến thế- cái nơi đầu tiên tôi – một kỹ sư du học Tiệp về nước để biến thành một kẻ lạc lõng, vô dụng trong ngành công nghiệp Việt Nam, cũng đã giải thể, bất động sản đã thuộc quyền sử dụng của công ty nước ngoài nhiều chục năm. Đến nay, công nghiệp Việt Nam vẫn chưa chế tạo được hợp kim đen để làm con vít cho hãng Samsung của Hà Quốc nói chi đến hợp kim Nhôm-Dura cho chế tạo máy bay!

 Không chỉ vào thời chúng tôi, thế hệ hiện nay cách chúng tôi 50, 60 năm, hầu hết du học sinh tốt nghiệp tại các nước có nền giáo dục đại học tiên tiến, nền công nghiệp, khoa học công nghệ hiện đại trở về nước cũng bị bị phí hoài kiến thức. Không ngạc nhiên nghe báo chí đưa tin 14 em đạt quán quân 14 kỳ thi Olimpic du học ở Úc, học xong không trở về. 

 Riêng cá nhân tôi, xét cho cùng, đã 75 năm trôi đi, tôi chỉ có 2 thời kỳ có ích. Thời kỳ thứ nhất từ lúc tôi có mặt trên cõi đời, biết tư duy đến năm tốt nghiệp đại học; là giai đoạn tôi tạo cho bố mẹ,  thầy giáo, giáo sư của tôi niềm vui có một con ngoan, trò giỏi; giai đoạn thứ 2 làm “phản động”, đi tù và ra tù có công an canh cửa mỗi tháng vài ngày.

 Cuối tuần trước, tôi nhận được một cuộc gọi lạ. Có một đồng nghiệp cũ ( nghĩ mãi mới nhớ họ tên và xuất xứ) cùng làm ở nhà máy Chế tạo biến thế Hà Nội vào giữa và cuối thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, không biết máu mê phong trào Cựu đồng nghiệp thế nào mà liên lạc được hơn chục hồn ma còn vật vờ trên trần thế, trong vùng Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Hải Phòng. Hắn mời tôi lên tư gia tại thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, dùng cơm trưa để để cùng các cựu đồng nghiệp gặp gỡ, ôn lại những kỉ niệm thời bom rơi, đạn nổ…

 Tò mò quá, tôi lên. Bữa cơm khá thịnh soạn nhờ bà chủ nhà và cô con dâu của Hắn làm bếp. Có điều cả chục tay cựu đồng nghiệp ít đụng đũa. Rượu, bia và những kỷ niệm cũ thi nhau nói. Một thời mì mốc Cu Ba độn bo bo Nga trở về, một thời khói lửa trên đầu, bùn đất dưới chân, dây thừng xe bò quàng qua cổ quay lại. Chúng tôi hỏi chéo nhau trong số cựu đông nghiêp còn nhớ được, ai còn, ai mất? Một Hắn xúc động, nói: Không phải đi bộ đội mất xác trong Nam, vượt qua được cái thời bao cấp, ốm đau không thuốc mà không thằng nào tự tử là nhờ ơn huệ của số phận. Một Hắn hỏi vặn: – Không nhờ ơn Đảng& Chính phủ hả ông?

 Không có câu trả lời! 

Buổi chiều tôi về, cho vợ xem ảnh chụp với cựu đồng nghiệp và nói: ” Hình người như xác không hồn, chuyện của bọn anh toàn gây buồn. Chẳng có gì mà viết mấy chữ, up ảnh lên”. Bà vợ nói: – Có thế nào viết thế ấy! Hình người thế nào up lên thế ấy. Quan chức họ viết về quan chức, mình nhỡ thời, ngụp lặn trong thảo dân viết về thảo dân!… 

– Ừ thì viết!

——————–

* Dura gồm chủ yếu là Nhôm (Al) kết hợp với Đồng (Cu), Mangan (Mn), Magie (Mn) và một số kim loại phụ gia khác. Vật lý tính của Đuy ra là nhẹ như Nhôm, cứng như sắt, không bị Oxy hóa tiếp khi đã bị Oxy hóa một lớp mỏng ngoài bề mặt. Dura là vật liệu chủ yếu của ngành Hàng không và Vũ trụ.

** Hợp kim bột đồng: Đồng nguyên chất (Cu) được điện phân trong dung dịch Axit sunfuric thành bột đồng mịn, rồi trộn lẫn Graphit (than chì) theo tỉ lệ; sau đó ép (nén) cường độ cao thành sản phẩm. Một trong các ứng dụng của Hợp kim Bột đồng & Graphit là làm bạc, thay vòng bi cho các động cơ có tốc độ lớn. Khi động cơ nóng lên, Graphit trong Bạc tiết ra chất bôi trơn thay dầu nhớt.  

*** Nghe một cán bộ trong văn phòng Bộ Cơ khí & Luyện kim sành chuyện kể lại rằng: Ông trung tướng Đinh Đức Thiện là em ruột của ông Lê Đức Thọ. Thời ấy ông Lê Đức Thọ là Trưởng ban Tổ chức TW Đảng. Không biết tại sao trung tướng Thiện nhận họ ĐINH? Trong chiến tranh ông Đinh Đức Thiện rất gần gũi, thân mật với lính, vì thế mà ông là chúa văng tục. Có lần ông ngồi trên xe Com măng ca đi qua một đoạn đường trên tuyến đường 559, trước đó bị không quân Mĩ ném bom, vừa được một đơn vị thanh niên xung phong (đa phần là phụ nữ trẻ) san lấp trở lại. Ông bắt dừng xe, gọi chỉ huy đơn vị thanh niên xung phong đến gặp và quát:  “ Đường xóc như con cặc. Ra san lại!”

**** Giấc Kê Vàng: Ngày xưa có Học trò học rất giỏi, đến kỳ thi, lều chõng lên kinh, mong thi đậu, được làm quan. Học trò đi được nửa đường thì bụng đói. Học trò vào một quán trọ. Chủ nhà trọ đang bắc lên bếp một nồi kê. Học trò nghĩ nồi kê còn lâu mới chín nên tìm một giấc ngủ để chờ. Trong giấc ngủ, Học trò mơ nồi kê đã chín bèn tỉnh dậy. Cả ba lần tỉnh dậy nồi kê vẫn chưa chín. ” Quá tam ba bận” Học trò biết có đi thi cũng không đậu làm quan nên trở về quê làm nông phu cùng phụ huynh.

Hình chụp khoảng năm 1969 – 1970

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular