Saturday, May 18, 2024
HomeDU LỊCHBLOGBắc Âu-những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới?

Bắc Âu-những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới?

SONG CHI·CHỦ NHẬT, 23 THÁNG 9, 2018

+Bài viết cho Trẻ Magazine, Dallas.

“…Tại sao các nước Bắc Âu thường nằm trong top những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới?

Câu trả lời nằm trong phong cách sống, triết lý sống của dân Na Uy nói riêng và dân Bắc Âu nói chung: Sống chậm, Sống giản dị, Biết đủ, biết hài lòng, không hay than vãn, Không bị nhiều sức ép từ bên ngoài hay nội tại, Yêu thiên nhiên, gần gũi với thiên nhiên, Yêu thể thao, quan tâm đến sức khỏe, Dành nhiều thời gian cho gia đình.

…Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, phong cách sống và cảm nhận về hạnh phúc đó là người Na Uy bản xứ hay ít ra cũng là những người sinh ra và lớn lên tại Na Uy. Và không phải là không có những người không hạnh phúc, thậm chí bị trầm cảm nặng, vì những lý do cá nhân nào đó. Tôi đã từng gặp, tiếp xúc với khá nhiều trường hợp như vậy để nhận ra so với người Na Uy, sức chịu đựng của người Việt cao hơn nhiều!

Còn đối với dân nhập cư, tùy theo background của bạn, tùy theo mục đích cuộc sống mà bạn sẽ thấy hợp hay không phù hợp, hạnh phúc hay không hạnh phúc khi sống ở Na Uy. …Tóm lại, quốc gia nào dù ưu việt đến đâu thì cũng có mặt này mặt kia chưa ổn, mỗi nước có những điểm hơn nước khác và ngược lại. Tùy theo bạn lựa chọn mục tiêu nào cho cuộc sống của mình thì sẽ cảm thấy hạnh phúc với cái nơi ấy!

Bài đăng có cắt gọn, bài đầy đủ post ở đây:

Tại sao các nước Bắc Âu thường nằm trong top những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới?

“Báo cáo hạnh phúc Thế giới” (World Happiness Report) những năm gần đây cho thấy các nước Bắc Âu thường đứng ở những vị trí hàng đầu trong các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.

Chẳng hạn, lấy mốc vài năm trở lại đây, đây là các quốc gia lọt trong top 5 hạnh phúc nhất thế giới:

Năm 2013: Đan Mạch, Na Uy, Thụy Sĩ, Hà Lan, Thụy Điển

Năm 2015: Thụy Sĩ, Iceland, Đan Mạch, Na Uy, Canada

Năm 2016: Đan Mạch, Thụy Sĩ, Iceland, Na Uy, Phần Lan.

Năm 2017: Na Uy, Đan Mạch, Iceland, Thụy Sĩ, Phần Lan.

Năm 2018: Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, Iceland và Thụy Sĩ.

Nguyên nhân nào khiến cho các nước Bắc Âu thường đạt được điều này?

Bài viết này tập trung nói về Na Uy nơi người viết đã sống một thời gian dài và là một công dân, nhưng vì các quốc gia Bắc Âu (Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Iceland) khá giống nhau từ mô hình thể chế chính trị-xã hội cho tới văn hóa, những tiêu chuẩn, giá trị về cuộc sống, nên những nhận định này có lẽ cũng đúng với các nước Bắc Âu nói chung.

Na Uy cũng như các nước Bắc Âu khác đi theo mô hình nhà nước phúc lợi xã hội dân chủ (social democratic welfare state), nhấn mạnh sự bình đẳng, người dân được hưởng các phúc lợi xã hội như y tế, giáo dục và các chính sách an sinh xã hội khác.

Trẻ em khi mới sinh ra được nhà nước hỗ trợ tiền nuôi cho đến năm 18 tuổi. Giáo dục ở bậc tiểu học, trung học miễn phí. Học đại học cũng hầu như miễn phí và có thể mượn tiền nhà nước cho các khoản chi tiêu ăn ở, sau ra đi làm trả. Ốm đau vào bệnh viện miễn phí. Về già có tiền già hoặc lương hưu. Tàn tật hay khuyết tật bẩm sinh thì nhà nước nuôi cả đời…Nhưng thật ra những chính sách an sinh xã hội này nhiều quốc gia khác ở châu Âu cho đến Úc, Canada…đều có, chả riêng gì mấy nước Bắc Âu. Thế thì tại sao các nước Bắc Âu lại thường là những quốc gia hạnh phúc nhất?

Tự do, dân chủ, nam nữ bình đẳng-không có rào cản nào đối với phụ nữ, sự minh bạch của nhà nước, tỷ lệ tham nhũng thấp? Các nước tự do dân chủ văn minh đều như vậy, chỉ có nước này nhỉnh hơn nước khác ở mặt này mặt khác. Vậy thì tại sao?

Sự bình đẳng, không có cách biệt lớn giữa người giàu người nghèo, giữa người có học vấn cao và người ít học là một lý do. (Mặt tiêu cực: việc nhấn mạnh yếu tố bình đẳng hay cào bằng, sẽ không tạo động lực cạnh tranh, thậm chí tạo ra sức ỳ trong xã hội)

Còn gì nữa? Đời sống không bị căng thẳng, làm việc vừa phải, một tuần trung bình làm việc 5 ngày, mỗi ngày 7 tiếng rưỡi, một năm có 5 tuần nghỉ ăn lương, chả mấy khi thấy người Na Uy hay dân Bắc Âu làm hai job cùng lúc, cho dù có thể kiếm thêm nhiều tiền.

Mặt tiêu cực: nếu như người Nhật khi làm bất cứ việc gì cũng tự đặt ra yêu cầu rất cao cho bản thân, đòi hỏi sự hoàn hảo và luôn đặt 150% sức lực vào cộng việc, thì người Na Uy nhìn chung chỉ bỏ khoảng 70% sức lực vào công việc mà thôi-họ rất thư giãn (relax). Nhưng chính vì thế mà họ hạnh phúc hơn người Nhật chẳng hạn, thế giới kính trọng người Nhật nhưng có mấy ai nói người Nhật hạnh phúc đâu, toàn thấy người Nhật làm việc rất căng, tận tụy với công việc, thường xuyên ngủ gật trên xe bus, metro…và nếu có sai sót cái gì thì tự dằn vặt bản thân rất nhiều. Dân Hàn Quốc hay Hongkong cũng có tỷ lệ giờ làm việc trong tuần rất cao (Hàn Quốc khoảng 2,069 giờ/năm, tức khoảng 52 tới 68 giờ/tuần; Hong Kong 50.1 giờ/tuần) và những quốc gia này thường nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ tự tử cao. Người Nhật thậm chí còn có cả một tử dùng để gọi những cái chết do những căn bệnh có liên quan đến stress (đau tim, đột quỵ) hay do tự tử vỉ sức ép trong công việc, đó là Karoshi (theo bài báo “Which country works the longest hour?”, tác giả Fernando Duarte, BBC)

Người Mỹ cũng không hạnh phúc, tại sao, sức ép của công việc, của việc phải chạy theo những cái bill hàng tháng, phải thành đạt, bởi vì trong xã hội Mỹ, không gì khủng khiếp hơn nếu bị xem là một kẻ thất bại-a loser.

Còn trong xã hội Na Uy và Bắc Âu nói chung, có thể gọi là dễ sống, giàu nghèo, học nhiều học ít, xấu đẹp gì cũng sống được, không có gì phải mặc cảm. Có lẽ một xã hội như vậy là hạnh phúc chăng?

Câu trả lời nằm trong phong cách sống, triết lý sống của dân Na Uy nói riêng và dân Bắc Âu nói chung:

Sống chậm.

Như vừa nêu trên, cuộc sống ở Na Uy không căng thẳng như nhiều quốc gia phát triển khác. Kể cả ở thủ đô Oslo, nơi có nhịp sống tương đối nhanh hơn nhiều thành phố khác của Na Uy. Có thể cảm nhận được điều này rất rõ khi vừa đi du lịch ở các thành phố có nhịp sống nhanh khác và khi quay trở lại, vừa bước xuống phi trường ở Oslo. Ngay tại những thủ đô của những quốc gia không phải thuộc loại top trên của thế giới như Bangkok của Thái Lan, hay chỉ đang phát triển như Sài Gòn của Việt Nam, nhịp sống cũng nhanh hơn nhiều.

Và tất nhiên, chẳng bao giờ nhìn thấy ở Oslo những hình ảnh người đi hối hả như chạy trên đường, hối hả phóng ào lên hoặc phóng vọt ra khỏi metro như ở New York hay Tokyo chẳng hạn.

Sống giản dị.

Giản dị từ cách ăn mặc-dù giàu dù nghèo, dù đi làm hàng ngày hay trong những bữa tiệc tùng. Dường như chỉ trừ ngày Quốc khánh 17.5 hàng năm là dịp người Na Uy ăn mặc cầu kỳ nhất, với những bộ trang phục truyền thống có màu sắc nổi bật, có những hoạ tiết rực rỡ được thêu bằng tay, và những phụ kiện đi kèm như giày, mũ, tất, thắt lưng, ví, đồ trang sức…Còn ngày thường, hiếm khi nhìn thấy người Na Uy chi quá nhiều tiền cho trang phục, thậm chí, nếu bảo người Na Uy ăn mặc không theo thời trang lắm có lẽ cũng đúng, khi so sánh với người dân ở những vương quốc thời trang như Pháp, Ý, Anh, Mỹ…

Giản dị từ tác phong, cách ứng xử trong mọi mối quan hệ. Ngay cả vua chúa hoàng tử của họ cũng giản dị, bình dân, so với các nhân vật trong hoàng gia Anh chẳng hạn.

Hồi mới qua Na Uy được hơn một năm và sống ở thành phố Kristiansand, con gái tôi kể, có lần vị thái tử của Na Uy, ngài Haakon Magnus, con trai của Đức Vua đang trị vì Harald V đến ngôi trường nơi con tôi đang học, Kristiansand katedralskole Gimle. Cũng là ngôi trường mà trước kia vợ ngài, công nương Mette-Marit, vốn sinh trưởng tại thành phố Kristiansand, đã theo học. Thái tử đến nói chuyện với học sinh của trường. Ông xuất hiện với nụ cười cởi mở, tay vẫy vẫy chào “Hei hei” và suốt cả buổi, là một tác phong rất gần gũi, bình dân.

Học sinh Na Uy thì không có vẻ gì ngạc nhiên nhưng những học sinh đến từ những quốc gia khác, như một cô gái người Philippines trong lớp con gái tôi cứ suýt xoa mãi về sự giản dị không có khoảng cách này giữa vị vua tương lai của Na Uy với các học sinh. Hay khi thỉnh thoảng mở TV có những cuộc phỏng vấn, các chương trình hoạt động của các nhân vật trong hoàng gia Na Uy, thấy họ rất bình thường, không có vẻ gì là vua chúa cả.

Giản dị cả trong cách sống, trong quan điểm về cuộc sống. Tôi không biết người thật giàu thuộc loại đại gia, tỷ phú ở Na Uy thì họ sống thế nào, nhà cửa trang hoàng ra sao, vì những người tôi gặp chỉ thuộc tầng lớp trung lưu hoặc trên trung lưu một chút. Nhưng trong số những người tôi đã biết, hoặc theo quan sát trên đường phố, người Na Uy có vẻ không thuộc loại tiêu xài phung phí cho hình thức bên ngoài, từ nhà cửa, xe cộ, ăn mặc…Về mặt này thì chắc người Na Uy thua xa một bộ phận người giàu ở VN trong khi đất nước họ được xếp vàọ một trong những quốc gia thịnh vượng nhất, với khối lượng dự trữ vốn trên đầu người cao nhất thế giới.

Triết lý sống giản di, không xa hoa lãng phí đó được thể hiện từ chính phủ, quan chức cho tới người dân.

Một ví dụ nhỏ về sự tiết kiệm của chính phủ Na Uy: tôi sống ở Oslo đã 6 mùa Giáng Sinh, năm nào cũng thấy đường phố được trang hoàng đơn sơ y như cũ, cứ cái cây thông y hệt trong nhà ga trung tâm của Oslo (Oslo S), cứ những cái chuông màu trắng đem ra sử dụng lại trên các đường phố chính, chả bù cho Paris, London, Vienna…và bao nhiêu thành phố lớn khác trên thế giới mỗi năm một thay đổi, lộng lẫy bắt mắt.

Có phải họ không có tiền không? Không. Hay họ keo kiệt? Cũng không hẳn. Na Uy là một trong những nước rất rông tay chi cho những hoạt động nhận đạo, chia sẻ trách nhiệm cứu trợ với thế giới. Chỉ là cái cách nghĩ của họ thế. Cái gì không đáng thì không chi.

Họ yêu thích một cuộc sống đơn giản-simple life. Cái nhìn của họ về một cuộc sống hạnh phúc có vẻ khá giống nhau. Có một công việc ổn định, có một ngôi nhà, cái xe, một nhà nghỉ trên núi mùa đông hoặc nhà mát trên biển mùa hè, thêm một cái tàu nữa càng tốt, là đủ đối với đa số. Làm việc vừa phải, dành thời gian cho gia đình và đi du lịch-người Na Uy nói chung đi du lịch nhiều, mùa đông đi trốn lạnh cũng có mà mùa hè đi chơi cũng có.

Biết đủ, biết hài lòng, không hay than vãn.

Hầu hết những người Na Uy mà tôi quen biết hay gặp gỡ tiếp xức đều tỏ ra hài lòng với đất nước, chính phủ và cuộc sống của họ. Họ không hay than vãn, chỉ trích và cũng không thích những ai có những suy nghĩ tiêu cực.

Hạnh phúc với người Na Uy, đôi khi chỉ là một buổi trưa, buổi chiều mùa hè được ngồi sưởi nắng ngoài trời, hay phơi mình trên bãi biển sau một mùa đông dài băng giá, là một buổi đi dạo trong rừng hòa mình giữa thiên nhiên, là một ngày cùng nghỉ ngơi dành thời gian cho gia đình, không cần gì phải cầu kỳ tốn kém…

Tóm lại, người Na Uy không đòi hỏi quá nhiều, hay nói cách khác, họ biết cách bằng lòng. Biết bằng lòng đã là một yếu tố cần thiết để cảm thấy hạnh phúc.

Không bị nhiều sức ép từ bên ngoài hay nội tại.

Người Na Uy không phải chịu nhiều sức ép bất kể là từ đâu-gia đình, nhà trường, nơi làm việc hay dư luận xã hội. Chẳng hạn, học sinh tại các quốc gia này không phải chịu áp lực về điểm số, kết quả học tập. Học sinh đi học đến lớp 8 mới bắt đầu tính điểm nhưng điểm số cũng chỉ học sinh đó và mỗi giáo viên cho điểm biết, không công khai trước lớp hay toàn trường! Các em có thể học giỏi hay bình thường hay kém cũng chả sao, thầy cô, nhà trường và ngay cả bố mẹ không bao giờ thúc ép hay la mắng, làm khổ con em vì những chuyện như vậy.

Lớn lên một chút, nếu muốn học tiếp lên đại học, cao học, Tiến sĩ thì học, nếu muốn đi học trường nghề hay thậm chí đi làm những nghề bình thường trong xã hội như lau chùi, phục vụ trong nhà hàng, làm việc trong siêu thị, lái xe bus…cũng chả sao. Tại các quốc gia này mọi người đều bình đẳng, con người không bị đánh giá bởi bằng cấp, địa vị, và khoảng cảch giàu nghèo cũng không quá cách biệt, thậm chí học càng nhiều, lương càng cao thì càng bị đánh thuế nặng!

Và dù làm bất cứ công việc gì thì con người ta cũng đủ sống (chưa kể những việc lao động nặng nhọc lương lại nhiều), được hưởng mọi chế độ an sinh xã hội, nên con người cứ thế mà thanh thản sống, không quá âu lo. Giàu có, thành đạt, xinh đẹp…càng tốt mà không giàu có, không thành đạt, không xinh đẹp, thậm chí bị tàn tật, khiếm khuyết về sức khỏe…cũng vẫn sống bình thường, hồn nhiên!

Trái ngược với Việt Nam, đất nước của tôi! Người Việt không chỉ khổ vì cái thể chế chính trị độc tài, thối nát, tham nhũng, con người không có tự do, dân chủ, nhân quyền bị chà đạp, xã hội VN có quá nhiều vấn đề…. mà còn do chính lối sống, lối suy nghĩ của người Việt góp phần tạo ra sự không hạnh phúc. Đó là tự tạo ra quá nhiều áp lực, quá nhiều nỗi lo, nỗi sợ.

Khi còn nhỏ thì phải lo học ngày học đêm, không có thời gian nghỉ ngơi giải trí, không có mùa hè không có tuổi thơ, dưới sức ép của gia đình, nhà trường (nhìn sang các nước Mỹ, châu Âu, chả có nước nào mà trẻ con phải đi học thêm từ khi mới vào cấp một, và suốt thời trung học như vậy). Đó thật sự là cuộc đua về điểm số, những cuộc thi, làm sao vào được trường chuyên lớp chuyên, trường công loại A hoặc trường quốc tế. Ngoài việc học ở trường và học thêm văn hóa, nếu gia đình có tiền thì còn phải học thêm ngoại ngữ, học đàn piano, violon, múa ballet, khiêu vũ, thể thao, bơi lội…Nghĩa là phải trở thành một người hoàn hảo! Bởi không thiếu những bậc phụ huynh nghĩ rằng họ có tiền và mong muốn con được trang bị đủ kiến thức mà chính họ ngày xưa không có điều kiện. Rồi các bậc phụ huynh còn phải đua nhau cho con đi du học nước ngoài. Trước kia phần lớn các em đi du học sau khi học xong bậc phổ thông, bây giờ ngày càng có nhiều gia đình cho con đi học từ khi đang học lớp 9, lớp 10, thậm chí sớm hơn nữa.

Nỗi lo lớn nhất là không vào được đại học. Vì ở VN, đó là một bi kịch, trong thời buổi bằng cấp rẻ như bèo, cử nhân thạc sĩ còn thất nghiệp, huống hồ chỉ có một mảnh bằng trung học phổ thông.

Lớn hơn một chút thì lo kiếm việc, lo cày bừa như trâu để kiếm tiền, vừa nuôi thân mình, nuôi gia đình vừa lo cho tương lai học hành của con cái, còn phải để dành phòng khi ốm đau bệnh tật, khi thất nghiệp, lúc tuổi già…VN không có chế độ an sinh xã hội, còn bảo hiểm y tế hay lương hưu đều rất tượng trưng chẳng ăn thua gì, nên người dân phải tự lo cho mình!

Và nỗi sợ: Đi học sợ bị điểm kém, bị thầy cô trù dập, bị ba mẹ mắng nếu kết quả không cao. Đi làm thì sợ xếp. Ăn uống thì sợ chất lượng thực phẩm không an toàn, mất vệ sinh, ra đường thì sợ tai nạn giao thông (mỗi năm có đến 10-11 ngàn người Việt chết vì tai nạn giao thông chưa kể bị thương tật, tàn phế, còn hơn cả thời chiến), sợ cây gãy trúng đầu, sụp hố tử thần, dây điện không an toàn gây điện giật khi trời mưa…Có muôn ngàn tai họa trời ơi đất hỡi khác nhau xảy ra do cung cách làm ăn gian dối, vô trách nhiệm của con người.

Rồi nỗi sợ công an, sợ chính quyền, đến nỗi từ lâu người dân nhìn chung không dám quan tâm bàn luận đến những chuyện chính trị xã hội vì sợ bị khép tội phản động, tuyên truyền nói xấu chế độ!

Người Việt còn khổ tâm vì phải chạy theo những cái bên ngoài, những giá trị ảo, giá trị dỏm. Chẳng hạn, bằng cấp là một giá trị. Nhưng ở VN nhiều khi nó là giá trị ảo/dỏm. Thứ nhất, bởi chất lượng giáo dục không tương xứng với bằng cấp, thứ hai, ngày càng có người bỏ tiền ra chạy bằng, mua bằng…nên giá trị của bằng cấp càng rẻ. Chả ở đâu mà giáo sư, tiến sĩ nhiều như ở VN.

Chạy theo bằng cấp, địa vị, chạy theo đồng tiền. Giá trị con người không được xét theo năng lực, phẩm chất, tư cách thật sự của người đó mà được cân đong đo đếm bởi cái hình thức vật chất bên ngoài, từ những thứ người đó mang, mặc hoặc sử dụng cho đến cái nhà to, xe hơi “khủng” v.v…

Một đời người Việt như vậy là quá nhiều áp lực, quá mệt mỏi.

Yêu thiên nhiên, gần gũi với thiên nhiên.

Hầu hết người Na Uy (và các dân tộc Bắc Âu) yêu thiên nhiên, gần gũi với thiên nhiên-lại thêm một yếu tố để hạnh phúc.

Diện tích của Na Uy xấp xỉ Việt Nam: Na Uy là 385, 203 km2, Việt Nam là 331, 230.8 km2, nhỉnh hơn VN một chút nhưng dân số của Na Uy thì ít hơn rất nhiều-5, 295 619 (tính đến tháng 1. 2018, theo Statistics Norway), trong khi dân số của VN khoảng 95, 414, 640 người (đầu năm 2017, theo wikipedia), đứng hàng thứ 14 trên thế giới!

Na Uy đất rộng người thưa, thiên nhiên, môi trường được giữ gìn, bảo tồn kỹ, do vậy còn giữ được nét hoang sơ.

Nếu xét về thành phố thì các thành phố của Na Uy không thể so sánh với các thành phố đẹp nổi tiếng của châu Âu như Paris, London, Vienna, Moscow, Saint Petersburg, Roma, Venice, Madrid, Barcelona, Prague…nhưng thiên nhiên thì khá là đẹp và đa dạng về địa hình tự nhiên với nhiều núi, vịnh hẹp (fjord), đảo, sông băng và thác nước. Mùa đông tuyết phủ trắng trời cũng có một vẻ đẹp riêng. Khu vực phía Bắc gần với Bắc cực như Nordland, Troms, Finnmark còn có những hiện tượng tự nhiên kỳ thú như bắc cực quang (auroras, polar lights, northern lights).

Khi đi du lịch, người Na Uy thích dành thời gian để sống với thiên nhiên, vào mùa đông họ cũng thường hay lên những căn nhà nghỉ ở trên núi, sống tĩnh mịch không có internet, TV, không có những tiện nghi của thời buổi văn minh hiện đại. Chỉ đọc sách, nghe nhạc bên lò sưởi, trò chuyện với người thân, như một cách để lắng mình lại, thư thái, gạt bỏ những suy nghĩ bận rộn của đời sống qua một bên, hay một hình thức nạp năng lượng cho tâm hồn.

Với đa số người Việt chúng ta khó mà làm được như vậy, thứ nhất là thiên nhiên của Việt Nam bây giờ chỗ nào cũng đầy người, tìm cho ra một chỗ tĩnh lặng hoang vu rất khó; thiên nhiên, môi trường ở VN tuyệt đẹp nhưng bị tàn phá rất nhiều vì nạn tham nhũng, tầm nhìn thiển cận của nhà cầm quyền, chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không thấy cái hại lâu dài, chỉ muốn chụp giựt, vơ vét, bỏ túi chia nhau…Thứ hai, cho dù chúng ta có tạm trú ẩn giữa thiên nhiên trong một khoảng thời gian ngắn thì đầu óc cũng khó mà tĩnh tâm được với bao nhiêu lo toan của đời thường, chưa kể muôn vàn nỗi ưu tư về tình trạng của đất nước. Làm thế nào mà bình yên, tĩnh lặng, thưởng thức thiên nhiên nổi khi chung quanh ta bao nhiêu cảnh trái tai gai mắt, bao nhiêu sự bất công phi lý, bao nhiêu cảnh đời khốn khổ của dân chúng?

Càng quan sát đời sống của dân nước người, càng ao ước một ngày nào đó khi chế độ độc tài độc đảng ở VN sụp đổ, VN chuyển sang một thể chế tự do dân chủ, đất nước phát triển lành mạnh và người Việt ngoài việc học tập, mưu sinh, chăm sóc gia đình, có thể thảnh thơi nghĩ đến việc thưởng thức thiên nhiên, tu dưỡng tâm tính…

Yêu thể thao, quan tâm đến sức khỏe.

Người Việt nói chung ít chơi thể thao, ít chịu rèn luyện sức khỏe. Siêng lắm thì tập thể dục ở nhà hoặc ra công viên, đi bộ, chạy bộ. Cũng có những người thích chơi một vài thứ thể thao phổ biến như tennis, bóng bàn, bơi lội, bóng đá, khiêu vũ… hoặc chơi golf nếu là dân có tiền. Ở mấy thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội…, có những câu lạc bộ thể thao, nhà văn hóa, người đến chơi hoặc theo tập các lớp thể thao hàng tuần khá đông, từ cầu lông, bóng bàn, bóng rổ, bơi lội, khiêu vũ, võ thuật… Nhưng nhìn chung, người Việt vẫn thuộc loại lười chơi thể thao. Với những môn thể thao thuộc loại khó, mạo hiểm như nhảy dù, bay lượn, leo núi, lặn, chèo thuyền vượt thác…thì lại càng hiếm người chơi, phần vì tốn kém, phần vì không có nhiều lớp/người hướng dẫn…

Ngược lại, từ dân Mỹ, dân các nước châu Âu, Úc…đều quan tâm tới việc chơi thể thao, rèn luyện sức khỏe. Từ khi còn học ở bậc tiểu học, trung học, cho tới đại học, học sinh đã phải tham gia chơi thể thao, việc đánh giá một học sinh toàn diện không chỉ là chuyện học hành mà luôn luôn cộng thêm phần chơi thể thao, rèn luyện sức khóe, tham gia sinh hoạt nhóm, xã hội v.v…Dân Bắc Âu nói chung và dân Na Uy nói riêng càng siêng tập thể dục, chơi thể thao. Không biết có phải nguyên do vì khí hậu của các nước Bắc Âu lạnh, khắc nghiệt, con người phải khỏe để trụ được với mùa đông vừa dài vừa lạnh, ít nắng?

Thể thao nằm trong “máu” của họ, cũng như nghệ thuật nằm trong “máu” người Pháp vậy. Không chỉ tìm đến các phòng tập gym hoặc đi bộ, chạy bộ hàng ngày hàng tuần, người Na Uy thích khám phá những môn thể thao đòi hỏi sức khỏe, niềm đam mê cho tới đầy tính mạo hiểm, rủi ro; từ đi bộ đường dài, trượt tuyết, trượt ván tuyết, trượt băng (tất nhiên đây là một trong những môn “ruột” của họ, ở một đất nước mà mùa đông tuyết phủ đến 4, 5 tháng hoặc hơn, tùy vùng), cho tới leo núi, nhảy dù, lướt sóng, lái thuyển buồm, lặn biển từ vách đá, săn bắn…

Yêu thích thể thao, chú ý rèn luyện thân thể, giữ gìn sức khỏe thì thân thể khỏe mạnh, con người cũng cảm thấy vui sống hơn.

Dành nhiều thời gian cho gia đình.

Thời tiết khắc nghiệt với mùa đông kéo dài khiến người Na Uy dành nhiều thời gian ở trong nhà và cho gia đình, nhưng đó chỉ là một phần, phần khác là do văn hóa của họ. Thường thấy những hình ảnh một gia đình vợ chồng con cái đi chơi với nhau, bất kể khi nào có thời gian rảnh.

Còn nhiều những giá trị sống khác, nhưng đó là những nét đặc trung dễ nhận thấy trong văn hóa, đời sống của người Na Uy nói riêng và người Bắc Âu nói chung.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, phong cách sống và cảm nhận về hạnh phúc đó là người Na Uy bản xứ hay ít ra cũng là những người sinh ra và lớn lên tại Na Uy. Và không phải là không có những người không hạnh phúc, thậm chí bị trầm cảm nặng, vì những lý do cá nhân nào đó. Tôi đã từng gặp, tiếp xúc với khá nhiều trường hợp như vậy để nhận ra so với người Na Uy, sức chịu đựng của người Việt cao hơn nhiều!

Còn đối với dân nhập cư, tùy theo background của bạn, tùy theo mục đích cuộc sống mà bạn sẽ thấy hợp hay không phù hợp, hạnh phúc hay không hạnh phúc khi sống ở Na Uy. Ví dụ nếu bạn thích một cuộc sống đơn giản, ít phải suy nghĩ, ít bon chen, căng thẳng, bạn sẽ cảm thấy phù hợp và hạnh phúc. Nói vui một chút, nếu bạn lười biếng, bạn cũng sẽ thấy thích sống ở Na Uy, tại sao vậy, vì có thể dựa vào các chương trình an sinh xã hội của xứ này. Nhiều người dân nhập cư ở một số quốc gia khi tới Na Uy chỉ thấy ăn rồi đẻ con, đẻ xoành xoạch 5, 7, 9…đứa để có tiền trợ cấp xã hội, có tiền nuôi con, khỏi cần đi làm, hoặc cứ khai bệnh để ăn tiền bệnh v.v…

Nhưng nếu bạn thích làm giàu, thích thành đạt, thích chinh phục những đỉnh cao, thích làm việc trong những môi trường cạnh tranh thì bạn sẽ hạnh phúc hơn khi ở Mỹ, Nhật hay Đức chẳng hạn. Nếu bạn thích làm việc vừa phải nhưng đời sống văn hóa tinh thần phải phong phú, luôn luôn có cái gì đó để xem để nghe, bạn thích vui thì sẽ thích ở Pari (Pháp), London (Anh), Vienna (Áo) hay một thành phố nào đó của Đức v.v… Na Uy và các xứ Bắc Âu nói chung có dân số ít, vắng vẻ, đời sống bình lặng, mùa đông lại dài và tối nên nếu ai không quen sẽ dễ cảm thấy buồn chán. Dân bản xứ lại ít nói, không dễ làm quen nên những ngưới nhập cư mới đến có thể cảm thấy khó hòa nhập.

Tóm lại, quốc gia nào dù ưu việt đến đâu thì cũng có mặt này mặt kia chưa ổn, mỗi nước có những điểm hơn nước khác và ngược lại. Tùy theo bạn lựa chọn mục tiêu nào cho cuộc sống của mình thì sẽ cảm thấy hạnh phúc với cái nơi ấy!

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular