Saturday, May 18, 2024
HomeDU LỊCHBLOGNỗi Nhục Thế Hệ

Nỗi Nhục Thế Hệ

Chiêu Anh Nguyễn
Trên đường lái xe về nhà, tôi nhận được tin nhắn từ anh. Một “việt kiểu yêu nước” tôi tạm gọi như thế, yêu nước theo đúng nghĩa của từ ấy . 
Tôi biết anh cách đây không lâu sau ngày sinh nhật thứ 38 của mình. 
Anh về nước và mang theo gia đình nhỏ đến quán tôi. Tôi không hề biết anh trước đó, cũng như các bạn bè trên face, tôi có thể comment vui vẻ tếu táo với họ đôi chút rồi lại quay về cuộc sống thực với vô vàn điều lo toan và không mấy bận tâm về mặt mũi hay nhân dáng bề ngoài. 
Anh gặp tôi vào một buổi chiều chạng vạng, uống li cafe của quán, chào hỏi giới thiệu tên và gia đình nhỏ của mình sau một vài câu chuyện tôi nhận thấy anh rất thực và dễ mến nên tôi quyết định cởi mở hơn trong việc chia sẻ giao tiếp.  
Trước khi về, anh dúi vào tay tôi 100 usd, tôi ngỡ ngàng hỏi anh về số tiền anh đưa, anh thản nhiên bảo muốn đóng góp chút ít vào tủ bánh mì từ thiện của tôi ( lúc đó tôi còn bày một thùng bánh mì từ thiện cho những người lang thang cơ nhỡ xung quanh mình ) Tôi chẳng có gì phải từ chối món tiền ấy, vì tôi biết nó đủ lớn để giúp được rất nhiều người thiếu thốn có bữa ăn qua được vài ngày. 
Khoảng 5 tháng sau, vào đúng mùa mưa lũ khủng khiếp đổ về Quảng Bình và tai ương đổ ập xuống miền Trung khốn khổ tôi lại nhận được tin nhắn của anh kèm theo 1000 usd. Anh bảo giúp anh đưa tận tay những người đang hoạn nạn ngoài kia không biết phải nương tựa vào đâu. Lần này tôi thực sự hoang mang vì số tiền khá lớn. Tôi kg biết nên gửi hay tự tay cầm ra miền Trung. 
Sau một ngày suy nghĩ tôi đã quyết định… Và đó là số tiền đã khiến tôi tin vào con người hơn, tin vào lòng trắc ẩn hơn và chính anh với số tiền đó đã mở đầu cho con đường khuyến học mà tôi đang theo đuổi hôm nay. 
Quay lai tin nhắn tôi nhận được từ anh tối nay. Anh muốn bày tỏ lòng mình với những điều anh chứng kiến từ thế hệ của mình để viết ra những đong tự sự rất buồn mà tôi vừa mới đọc, anh nhờ tôi post lên để giãi bày hay chia sẻ với những ngừoi có cùng suy nghĩ hay những nỗi buồn dày vò như anh. Anh nói facebook anh hiu hắt lắm nên có lẽ tôi post giúp anh sẽ có nhiều bạn đọc hơn. Định sẽ để vào ngày mai sẽ post nhưng khi đọc ngay những dòng đầu tiên sự xúc động đã khiến tôi phải đọc tới chữ cuối cùng và quyết định viết cho anh những dòng này trước khi post ngay trong đêm những chia sẻ rất buồn của anh, của một thế hệ lặng câm …. 
Mong mọi ngừoi đọc và thấu hiểu ! 
C-A-N 

==============================================

Nỗi Nhục Thế Hệ

Sinh ra giữa thập niên 60 của thế kỷ trước và khi biến cố tháng 4 -1975 xảy ra, chúng tôi chỉ là những đứa trẻ 9-10 tuổi. Chúng tôi lớn lên trong nghèo đói, lạc hậu và bị nhồi nhét trong đầu mớ ảo tưởng về XHCN nên các khái niệm về tự do, dân chủ và nhân quyền vô cùng xa lạ với chúng tôi. Sai lầm nối tiếp sai lầm của nhà cầm quyền đã đưa đất nước xuống dốc thảm hại nên họ bắt buộc phải thay đổi bằng cách mở của giao thương với bên ngoài. Từ đấy người dân dần có cơ hội tiếp xúc với thế giới qua công nghệ Internet. Nhờ YouTube, Google, Yahoo, và đặc biệt là Facebook, chúng tôi được mở mang tầm nhìn, kết nối bạn bè khắp nơi, học được nhiều điều hay. Nhưng oái ăm thay, khi có điều kiện tiếp cận được những nền văn hóa và tư tưởng tiến bộ cũng như nếp sống văn minh nhân bản, thì đáng lẽ chúng tôi phải trở nên những con người tốt đẹp hơn. Nhưng buồn thay, chúng tôi như những cánh đồng lúa, khi còn non xanh thì ngay hàng thẳng lối, lúc chín mọng thì đầu lại cắm xuống đất!

Formosa xả thải tàn phá môi trường biển: chúng tôi im lặng. Chính quyền cướp đất, dân oan kêu gào khắp nơi: chúng tôi im lặng. Bọn quan chức tham nhũng, đục khoét ngân sách, áp đặt bao nhiêu loại thuế bất hợp lý lên đầu dân: chúng tôi im lặng. Định hướng giáo dục sai lầm dẫn đến xã hội băng hoại, tệ nạn tràn lan: chúng tôi im lặng. Nhà cầm quyền xử dụng công an đánh đập dân lành, bắt bớ khủng bố những tiếng nói lương tri, đòi tự do dân chủ và quyền làm người: chúng tôi vẫn im lặng. Bọn Tàu cộng bắn giết ngư dân, xâm chiếm biển đảo, biên giới: chúng tôi tiếp tục yên lặng. Lãnh đạo bất tài, độc tài, thất đức, tham quyền cố vị, vi hiến chà đạp nhân quyền: chúng tôi vẫn tiếp tục yên lặng. Và rồi đỉnh điểm của sự im lặng khốn nạn này là chúng tôi vô tư với việc tồn vong của đất nước, của dân tộc mình. Trước việc nhà cầm quyền âm mưu nhượng đất cho giặc Tàu dưới hình thức đặc khu kinh tế, việc mà người dân thấy rõ viễn cảnh mất nước đến nơi thì chúng tôi vẫn xem đó là chuyện ngoài cửa nhà mình, không liên quan! Người dân xuống đường quyết liệt phản đối để rồi bị đàn áp dã man thì chúng tôi vẫn thản nhiên, sống chết mặc ai. Chúng tôi thấy chứ, nghe chứ, hiểu chứ nhưng vì sợ mất miếng cơm manh áo, sợ liên lụy gia đình, sợ ảnh hưởng công danh sự nghiệp và nghĩ mình khôn ngoan thức thời nên chúng tôi chấp nhận cái nhục, cái hèn là để ai đó làm thế cho mình. Chúng tôi vẫn an toàn, an phận và nếu tự do dân chủ thật sự đến với đất nước này thì chúng tôi hoặc con cháu chúng tôi vẫn được hưởng!!!

Trong nước thì vì cái ăn cái mặc chúng tôi cúi đầu sống trong nhục hèn như vậy, thế ở nước ngoài thì ra sao? Thú thật, chúng tôi còn đáng khinh hơn nhiều! Được sống trong xã hội tự do, dân chủ, dư ăn, dư mặc đáng lẽ chúng tôi phải thấy sự thiệt thòi, đau khổ và lầm than của người dân trong nước dưới chế độ độc tài, độc đảng, phi nhân của nhà cầm quyền. Nhưng không, chúng tôi có mắt như mù, có tai như điếc, có miệng như câm. Chúng tôi lo vun vén cho bản thân mình, lo họp mặt vui chơi, cùng nhau chém gió và xem những biến động ở quê nhà chẳng liên quan gì đến mình! Trong khi đồng bào bất chấp sợ hãi, sẵn sàng đối mặt với bạo lực, cường quyền vì an nguy của nước nhà , trong khi những người yêu nước chân chính lên tiếng cho một nước Việt Nam tự do dân chủ để rồi bị hành hạ trong lao tù, thì trên facebook, trên viber, chúng tôi vẫn thản nhiên vui đùa, chít chát, khoe ăn, khoe mặc, khoe cảnh, khoe chơi … không một dòng bình luận, không một cái like, không một cái share trước những thảm cảnh này… và rồi chúng tôi tự bảo nhau rằng “đó là chính trị” “không thích chính trị” “không muốn liên quan đến chính trị”. Trong nước thì vì sợ bị tù, bị trù dập, bị khủng bố nên chúng tôi chấp nhận sống hèn. Nhưng ở nước ngoài thì hà cớ gì chúng tôi lại im lặng? Cái tệ là chúng tôi sống quá ích kỷ, mất gốc quá nhanh, phủi tay ngoảnh mặt với quê hương đất nước khi đã trở thành Việt kiều. Những lần về thăm nhà chúng tôi chỉ biết vui chơi, hưởng thụ, khoe mẽ, chém gió…Chúng tôi ngu ngơ hay dối trá đến mức không phân biệt đâu là trách nhiệm người dân trước vấn nạn của xã hội, trước vận mệnh của đất nước và đâu là hoạt động chính trị? Như ai đó đã nói, “Chỉ có những con vật mới quay lưng trước nỗi đau của đồng loại để chăm chút với bề ngoài của mình”. Đây chính là hình ảnh của chúng tôi: thản nhiên trước nỗi thống khổ của đồng bào và vô cảm với vận mệnh đất nước. Chúng tôi đành lòng quên mất mình là người Việt Nam!

Làm sao chúng tôi dạy con cháu mình về lòng yêu nước, thương dân và trách nhiệm làm người! Làm sao chúng tôi trả lời với con cháu nếu sau này chúng hỏi cha, mẹ, ông hay bà đã làm gì khi giặc Tàu ngang nhiên xâm chiếm nước ta? Hãy nhìn những bước chân xuống đường xem. Đủ mọi thành phần nam phụ lão ấu nhưng tuyệt nhiên không hề có sự hiện diện của chúng tôi!

Thế hệ chúng tôi, trong và ngoài nước, có đủ cả: kỹ sư, bác sĩ, y tá, luật sư, doanh nhân, giáo viên, giảng viên đại học … Có thể gọi là thành công nhưng không thể thành nhân được. Vì sao?

Để đất nước tan hoang, để xã hội lầm than băng hoại, để giang sơn bờ cõi mà bao đời ông bà tổ tiên gây dựng giờ mất dần vào tay giặc, để bao thế hệ sau phải gồng gánh nợ công, để người dân vô tội “chết ngậm ngùi vì tay súng giặc Tàu”, để nước Việt ngày càng tụt hậu là có phần trách nhiệm của chúng tôi. Chúng tôi đã bất hiếu với Mẹ Việt Nam, bất nhân với chính đồng bào của mình, bất trí trước thời cuộc và bất tài trước thế hệ ông cha và đàn em!

Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi!

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nỗi thành người!

Trích thơ Đỗ Trung Quân

08/2018 by W.T

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular