Sunday, May 19, 2024
HomeBình Luận-Quan ĐiểmNhà sử học Tim Snyder: ‘Sự hiểu lầm của chúng ta về...

Nhà sử học Tim Snyder: ‘Sự hiểu lầm của chúng ta về nước Nga là sâu sắc. Rất sâu sắc’

Cù Tuấn

– Cù Tuấn biên dịch phóng sự Ăn trưa cùng Financial Times.

Tóm tắt: Vị giáo sư Đại học Yale nêu lý do tại sao phương Tây đã hiểu lầm Putin – và quá khứ cho chúng ta biết gì về cuộc chiến ở Ukraine.

Tại nhà hàng Porzellan đông đúc, một nhóm người Vienna đang vui vẻ tràn ra khỏi căn phòng trần cao sau khi đã ăn trưa. Nhà hàng này khá sáng sủa từ bàn ăn trong nhà cho đến những chiếc bàn bên ngoài, với tất cả thực khách mặc những chiếc váy mùa hè bằng voan và áo sơ mi vải lanh hở ngực. Bên trong, giữa tiếng ồn ào, tôi nhận ra Tim Snyder đang nhìn vào khoảng trống ở giữa căn phòng, giống như một vật thể bất động duy nhất trong một bức ảnh phơi sáng quá lâu.

Ông cười nhẹ khi chúng tôi bắt tay và tôi ngồi xuống.

Sau đó, tôi đã thầm nguyền rủa bản thân vì đã không gợi ý rằng chúng tôi nên hoãn bữa trưa lại. Snyder, chỉ một lúc trước, đã được cho biết về cái chết của người bạn Victoria Amelina, một nhà văn người Ukraine, một trong những nạn nhân của cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào một nhà hàng đông đúc ở thành phố Kramatorsk của Donbas. Mười hai người khác đã thiệt mạng trong cuộc tấn công tương tự, trong số đó có cả trẻ em. Hàng chục người khác bị những thương tích mà sẽ làm thay đổi cuộc sống của họ.

Snyder rõ ràng là đang khá đờ đẫn và vô hồn. Tôi mạo muội chia buồn, nhăn mặt vì những lời này nghe có vẻ thô lỗ thế nào ấy.

Amelina là một nhà văn nổi tiếng, và kể từ khi cuộc chiến nổ ra, bà đã cống hiến hết mình để ghi lại những tội ác chiến tranh của Nga ở Ukraine, đặc biệt là đối với thường dân. Ngay sau khi chiến tranh bắt đầu, bà đã viết về cuộc xâm lược của Nga đã gợi lại quá khứ Stalin đã hủy diệt tầng lớp trí thức và văn hóa Ukraine vào những năm 1930 như thế nào. Việc bản thân bà giờ đây cũng đã bị sát hại vào một thế kỷ sau, là bằng chứng cay đắng nhất có thể cho lời cảnh báo của bà, theo Snyder phản ánh: “Điều đó cho thấy cuộc chiến tranh của Nga là thế nào. Đó là một cuộc diệt chủng.”

Bạn có thể nói rằng đây là sự phán xét nhuốm màu đau buồn. Nhưng điều này càng trở nên rõ ràng trong suốt bữa ăn trưa của chúng tôi – kéo dài cho đến rất lâu sau khi nhà hàng đã vắng bóng những thực khách khác. Snyder, một trong những nhà sử học lỗi lạc nhất của Ukraine cũng như Trung và Đông Âu, không hề nương tay khi dựa vào giai đoạn lịch sử đen tối nhất của Ukraine để rút ra kết luận về các đặc thù của nước Nga của Vladimir Putin.

Tất nhiên, các nhà sử học không được phép làm điều này, khi họ quá táo bạo chèn quá khứ vào hiện tại. Nhưng sau đó, chúng ta cũng có thể tự hỏi – và chúng ta sẽ thắc mắc trong bữa trưa: vậy các nhà sử học phải làm gì?

Người phục vụ hỏi chúng tôi uống gì. Cùng với nước có ga, tôi lấy một ly Gemischter Satz – hỗn hợp truyền thống từ các rượu nho của thành phố. Snyder uống một phần spritzer rượu vang.

Snyder, hiện tại 53 tuổi, là giáo sư lịch sử Richard C Levin tại Đại học Yale. Nhưng trên thực tế, ông đã biến Vienna thành ngôi nhà châu Âu của mình, kể từ khi đảm nhận vị trí nghiên cứu tại Viện Khoa học Nhân văn của thành phố này vào năm 1996, sau khi vừa lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Oxford. Đứa con đầu lòng của ông được sinh ra ở đây và như Snyder đã nói với tôi, nhiều kỷ niệm hạnh phúc nhất của ông ấy xuất phát từ thành phố này.

Snyder đã bị chỉ trích là một người theo chủ nghĩa bi quan vĩnh viễn; một nhân vật hàng đầu trong giới tinh hoa trí thức tự do phương Tây đã bị chỉ trích gay gắt trong những năm gần đây, rằng ông nghiện việc vẽ ra thảm họa một cách vô vọng.

Nhưng dù gì khi chúng tôi bắt đầu thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine, ý tưởng cho rằng mặc dù cuộc chiến đó là một điều tồi tệ, nhưng nó cũng là một điều đúng đắn: tháng 2 năm 2022 là “thời điểm năm 1938” thứ hai, Snyder gợi ý, ám chỉ đến sự kiện hội nghị Munich năm đó, khi Anh và Pháp đã sợ hãi run rẩy trước những lời đe dọa của Hitler đối với Tiệp Khắc.

“Đối với cá nhân tôi, việc nhắc đến năm 1938 thực sự rất quan trọng vì đó là một sai lầm khủng khiếp. Nếu Anh và Pháp hỗ trợ Praha, họ sẽ khiến Chiến tranh thế giới thứ hai không thể xảy ra – hoặc ít nhất xảy ra theo hình thức không như nó đã diễn ra,” Snyder nói. “Cuộc chiến ở Ukraine thật kinh khủng, nhưng việc Nga không nhân nhượng là một dấu hiệu cho thấy rằng: chúng ta đã học được điều gì đó.”

Tuy nhiên, theo một cách khác, Snyder than thở việc các nhà hoạch định chính sách phương Tây đọc lâu và vẫn bị ảm ảnh về nước Nga – một vấn đề đã khiến Barack Obama đau đầu, và vẫn còn ảnh hưởng đến Đức và Pháp. “Sự hiểu lầm của chúng ta về nước Nga rất sâu sắc. Rất sâu sắc,” Snyder nói.

Khóa học giới thiệu về Ukraine của Snyder, được tổ chức tại Yale vào mùa thu năm 2022, sáu tháng sau khi Nga bắt đầu chiến tranh, đã được đưa lên YouTube. Tại thời điểm viết bài này, chỉ riêng bài giảng đầu tiên trong số đó (có 23 bài) đã thu hút được 1,3 triệu lượt xem. Một người hâm mộ Snyder chính là Volodymyr Zelenskyy, và ông đã mời Snyder đến Kyiv vào năm 2022.

Chiến tranh đã không khiến mọi người chú ý đến Snyder. Vào năm 2010, cuốn sách Bloodlands của ông – một chuyến tham quan của tâm trí tới Holocaust và các cuộc diệt chủng giữa các cuộc chiến tranh khác – đã tập trung vào những vùng đất mà việc diệt chủng đã xảy ra, thay vì tập trung các thế lực đã gây ra chúng – đã khiến ông trở thành một trong những nhà sử học nổi bật nhất trong lĩnh vực của mình. (Tuy vậy cũng nên nói rằng, Richard J Evans, một trong những nhà sử học hàng đầu thế giới về Đức, là một nhà phê bình sắc sảo đặc biệt). Nhưng chính cuốn sách “On Tyranny” (Bàn về bạo chúa) xuất bản năm 2017 của ông đã đưa Snyder trở thành nền tảng trí tuệ tự do của nước Mỹ: được phỏng vấn trên Amanpour, được phỏng vấn trên Daily Show, được Rachel Maddow giới thiệu. “On Tyranny” là một bản tuyên ngôn dài 128 trang chống lại Trump.

“Tôi thực sự không thích xích mích,” Snyder nhấn mạnh khi tôi hỏi làm thế nào ông ấy lại thích trở thành một nhân vật nổi bật như vậy trong các cuộc chiến văn hóa của Mỹ. “Tôi không phải là người hướng ngoại chút nào… Tôi rất vui khi ngồi trong một kho tàng lưu trữ trong tám giờ đồng hồ… Đó là một ngày tuyệt vời đối với tôi.”

Món khai vị của chúng tôi đã đến. Snyder đã chọn một món tôm chiên ớt, ăn kèm với các loại thảo mộc hoang dã cùng focaccia. Tôi đã lấy một chiếc bánh tartare thịt bò. Bất chấp yêu cầu của tôi, nó được nấu khá nhẹ nhàng theo kiểu Đức.

Ngược lại với một số người cảm thấy không thoải mái với ánh đèn sân khấu, Snyder dường như bị nó làm thu hút, và hai cuốn sách luận chiến nữa nối tiếp cuốn On Tyranny.

“Tôi viết [On Tyranny] bởi vì tôi cảm thấy mình phải viết nó,” ông nói. Và sau đó Snyder nói thêm: “Tôi cảm thấy như mình sắp rối tung lên – giống như tôi đã làm chưa đủ và những người khác chưa làm đủ và bây giờ người Mỹ sẽ bị rối tung lên.”

Đó là một tuyên bố gây tò mò và được đưa ra với sự khiêm tốn đau đớn hơn là dũng cảm. Khi tôi quay sang hỏi điều gì đã khiến Snyder trở thành một nhà sử học ngay từ đầu, một số mảnh ghép bắt đầu dần ăn khớp với nhau. Theo quan niệm riêng của Snyder, ý thức mạnh mẽ về đạo đức là động lực thúc đẩy mọi công việc của ông.

“Tôi không đồng ý với quan điểm rằng một số đồng nghiệp của tôi cho rằng cách duy nhất để tiếp tục là trở thành một nhà sử học – điều đó không phù hợp với tôi. Tôi trở thành một nhà sử học bằng cách quan tâm đến toàn bộ những thứ khác.”

Một trong những cố vấn trí tuệ của Snyder – người giám sát của ông tại Oxford – là nhà sử học người Anh Timothy Garton Ash. Garton Ash đã viết trong một bài tiểu luận nổi tiếng năm 1995 về vai trò của giới trí thức trong đời sống công cộng, dựa trên kinh nghiệm của chính ông ở Đông Âu: “Hãy tưởng tượng một nhà phê bình sân khấu đột nhiên bị lôi ra khỏi khán đài để diễn vở kịch mà anh ta định xem xét”. Snyder nói: “Loại thái độ đó là bình thường về mặt tiểu sử đối với tôi.”

Khi mới còn là một sinh viên, Snyder nhớ lại, ông có ý thức chọn quyền lực hơn về những gì có giá trị về mặt trí tuệ. Ông muốn trở thành một nhà đàm phán kiểm soát vũ khí và coi lịch sử như một phương tiện để hiểu cơ chế chính trị của các cường quốc.

Nhưng khi tìm hiểu thêm về các quốc gia ở Đông Âu – đặc biệt là Ba Lan và Tiệp Khắc, cũng như truyền thống tri thức của họ, đặc biệt là dưới chế độ cộng sản – thì ông đã bị lôi cuốn theo một hướng khác. “Bằng cách nào đó, những người ở Đông Âu này nói về mọi thứ trừ quyền lực, phải không? Bởi vì họ không được nói. Họ quan tâm đến triết học, văn học và lịch sử. Ngay cả những người có bằng vật lý ở đó cũng tham gia vào việc diễn ngôn nhân văn này.”

Snyder hiện là một trong số rất ít nhà sử học có khả năng tiến hành các nghiên cứu ban đầu trên toàn khu vực. Ông nói được 10 thứ tiếng. “Tôi nghĩ về lịch sử như một hình thức giáo dục tự do tuyệt vời.”

Vào thời điểm chúng tôi kết thúc món khai vị, cuộc trò chuyện của chúng tôi lại chuyển sang chủ đề Nga và sự cấp bách của việc đưa thêm bối cảnh lịch sử vào cuộc tranh luận công khai của chúng tôi. Snyder ăn nói nhẹ nhàng và tạo ấn tượng rằng ông đã rất cân nhắc lời nói của mình – nhưng những ý tưởng mà ông đưa ra, ít nhất phải nói là khá khiêu khích. Tôi nêu ra sự tương tự ban đầu mà Snyder đã nói về tình hình ở Ukraine so với thời điểm năm 1938.

Snyder dừng lại. “Điều tương tự mà chúng ta đang nói đến, Nga là một kiểu Đức Quốc xã. Và tôi nghĩ rằng điều đó nói chung là hữu ích khi so sánh, nhưng nói chung nó cũng là điều cấm kỵ. Và thực tế rằng nó nói chung là điều cấm kỵ đã là một trong những vấn đề của chúng ta ngay từ đầu.”

Ông nói, mọi người “do dự một cách kỳ lạ” khi gọi nước Nga của Putin là phát xít. “Nhưng có nhiều mức độ tương đồng giữa Nga với Đức Quốc xã.”

Đối với Snyder, việc phương Tây thiếu thông tin lịch sử rõ ràng về Nga là một sai lầm chết người, và tiếp tục là cốt lõi khiến mọi người luôn hiểu sai về Putin. Ông chỉ trích việc mọi người liên tục tập trung vào các giải pháp “thực dụng” cho cuộc xung đột và việc coi Putin là một loại chính trị gia quyền lực, đầy hoài nghi nhưng cuối cùng có thể tin cậy được, theo khuôn mẫu phương Tây.

Snyder tin rằng những ý tưởng cực đoan của Putin đã bị giảm thiểu một cách đáng kể trong phân tích của chúng ta. “Ý tưởng, hóa ra, quan trọng. Cho đến gần đây, các cuộc thảo luận chính sách [của phương Tây] về Putin đã được định hình bởi ý tưởng của chính chúng ta về chế độ kỹ trị, chủ nghĩa thực dụng và sự ổn định – những phạm trù mà tôi nghĩ đã không còn được hoan nghênh.”

Tuy nhiên, tôi nói, hệ tư tưởng độc hại của chủ nghĩa Hitler, ngay cả ở trạng thái động, được cho là đã có ngay từ đầu, được tích lũy trong tâm trí Hitler từ một món súp tư tưởng völkisch trong xã hội Đức. Chủ nghĩa Hitler, do vậy đã tiếp tục định hình phương thức hoạt động của nhà nước Đức Quốc xã. Nhưng với chủ nghĩa Putin, không phải là trường hợp mà một modus operandi đó – một chế độ đạo tặc (kleptocracy) đầy hoài nghi, thèm khát quyền lực đó – ngược lại, đã đạt đến mức là hệ tư tưởng duy nhất còn lại mà nó có thể được dùng để cai trị một quốc gia?

Snyder do dự về lập luận này. Đối với ông, những ý tưởng của Putin đã được thai nghén trong một thời gian dài hơn nhiều; đơn giản là mọi người không nhận ra mà thôi. “Khi Putin quay lại cương vị Tổng thống [vào năm 2012], bạn có thể thấy trong các tuyên bố bằng tiếng Nga, các cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh và trên báo in của ông ấy, một thế giới quan rõ ràng, về cơ bản là thế giới quan đã trở nên quen thuộc hơn với chúng ta kể từ tháng 2 năm 2022, theo đó tầm nhìn của Putin không phải là về các quốc gia, mà là về các nền văn minh; vấn đề không phải là sở thích, mà là sứ mệnh.”

Phần lớn nền tảng này được đề cập trong cuốn sách “Con đường dẫn đến sự mất tự do” của ông, trong đó Snyder coi nhà triết học phản động người Nga đầu thế kỷ 20 Ivan Ilyin là trung tâm với tư cách là nguồn trí tuệ sinh động đằng sau Chủ nghĩa Putin.

Người phục vụ đã quay trở lại với các món chính của chúng tôi. Snyder một lần nữa đưa ra quyết định đúng đắn hơn: một món cơm Ý kiểu Eierschwammerl một cách hoàn hảo. Thời tiết đang là mùa hè cao điểm, đó là Eierschwammerlsaison – mùa chanterelle – và mọi nhà hàng ở Vienna đáng giá đều có các món ngon được làm từ chúng. Tôi đã chọn món ức gà bọc thịt xông khói đậm đà hơn, đi kèm với bông cải xanh – tất cả đều có phần cổ điển hơn khi so sánh với món của Snyder.

Vì vậy, tôi đã hỏi, đây là cuộc chiến của Putin, hay đây là cuộc chiến của Nga? “Cuộc chiến này đang được tiến hành bởi rất nhiều người không được gọi là Vladimir Putin,” Snyder nói. “Người đã nhấn nút bắn tên lửa vào Kramatorsk đã giết chết Victoria và những đứa trẻ đó… hàng chục nghìn binh sĩ Nga đang chiến đấu và giết chóc ở Ukraine hiện nay…”

Ông nói thêm, đó là một quan điểm đạo đức cũng như kinh nghiệm. “Putin rồi cũng sẽ chết, và khi ông ấy chết, điều đó có nghĩa là mọi thứ khác đều được tha thứ? Tất cả các tội ác đều được tha thứ sao? Trục xuất, bắt cóc trẻ em, hãm hiếp phụ nữ, thiến đàn ông, sát hại giới tinh hoa của Ukraine? Bất kỳ điều gì trong số đó có thể được xử lý theo ý tưởng rằng đây là cuộc chiến của một mình Putin ư? Sao có thể được?”

Khi chúng tôi gặp nhau, chưa đầy một tuần trôi qua kể từ khi cuộc nổi dậy của thủ lĩnh Wagner – Yevgeny Prigozhin – bị hủy bỏ – và vì vậy tôi cũng tò mò muốn hỏi liệu, với sự chuyển hướng mang tính phát xít của xã hội Nga mà Snyder xác định, chúng ta có nên cẩn thận với những gì chúng ta mong muốn trong việc cổ vũ sự thất sủng của Putin?

“Putin thực sự không phải là vấn đề của chúng ta,” Snyder trả lời. “Ý tôi là, 30 năm qua đã cho thấy khá rõ ràng rằng chúng ta thực sự không có nhiều khả năng để gây ảnh hưởng đến nước Nga… Hết lần này đến lần khác, chúng ta đã chứng minh rằng chúng ta không thay đổi được bất cứ điều gì bên trong nước Nga”.

Ông tiếp tục: “Thành thật mà nói, tôi thấy phần mở đầu của vụ Prigozhin khá yên tâm, bởi vì nó cho chúng ta thấy rằng có những người Nga hiểu rất rõ tình hình ở Ukraine; rằng người Nga cũng có khả năng quên hoàn toàn về Ukraine khi có căng thẳng lớn hơn – khi có một cuộc tranh giành quyền kế vị thực sự đang diễn ra, tất cả những gì họ nói đến là về bản thân họ.”

“Chúng ta cứ luẩn quẩn trong vòng lo lắng về việc Nga đang nghĩ gì về cuộc chiến này, và chúng ta không nhận ra rằng người Nga sẽ tìm ra lối thoát cho mình… Họ không cần chúng ta có các nhóm tư duy và các nghiên cứu của chúng ta về họ cũng như các lối thoát hiểm của chúng ta. Nói về mặt nhân chủng học, lối ra rất dốc của chúng ta không áp dụng được cho đường cao tốc của họ, liệu bạn có thể hiểu được phép ẩn dụ ngu ngốc đó không?”

Snyder nhanh chóng chuyển sang một cụm từ tao nhã hơn: “Đó là hai câu chuyện cổ tích khác nhau, như người Ba Lan từng nói.”

Ở Nga, phương Tây dường như quên rằng họ không nhìn thấy một quốc gia-dân tộc phản chiếu của chính họ. Đó hoàn toàn là một mô hình quyền lực khác, được thúc đẩy bởi “quan niệm của Weber về sự lãnh đạo lôi cuốn”, Snyder nói.

“Vấn đề là, Nga không thể có chính sách đối nội,” Snyder trầm ngâm. “Giới thượng lưu đã đánh cắp tất cả tiền bạc, tất cả luật pháp đều bị lũng đoạn, và hầu như không có sự di chuyển xã hội hoặc khả năng thay đổi trong cuộc sống của hầu hết người Nga, vì vậy chính sách đối ngoại phải bù đắp và cung cấp nguyên liệu thô — bối cảnh — cho việc quản lý.”

Cả hai chúng tôi đều chọn bỏ qua món tráng miệng và thay vào đó là cà phê. Giờ đã điềm tĩnh hơn, Snyder nằm dài trên băng ghế, nhấc một chân lên và luồn cánh tay dọc theo băng ghế.

Ông nói: “Lịch sử hơi giống toán học. Bạn càng tiến vào sâu thì nó thực sự càng trở nên kỳ lạ. Và đẹp hơn nữa.”

Snyder tin rằng cần phải đánh giá cao hơn về lịch sử trong diễn ngôn chính trị của chúng ta. “Vấn đề là, bạn thực sự không thể giải quyết các vấn đề chính trị hạng nhất nếu không có lịch sử.”

Đối với Snyder, với sự kết thúc của chiến tranh lạnh, trật tự chính trị tự do của phương Tây lại rơi vào tình trạng uể oải phi lịch sử. Ông nói, lịch sử “đã trở thành cuộc trò chuyện chỉ trong các bữa tiệc cocktail”.

“Đó là chiến thắng của mô hình phương tiện – mô hình quản lý [trong chính trị],” ông giải thích, “điều này nói rằng chúng ta không cần phải nói quá nhiều về ‘tại sao’ nữa vì chúng ta đã tìm ra tất cả rồi.”

Điều đó đã khiến phương Tây trở nên kém cỏi hơn trong các giao dịch của mình trên khắp thế giới, và cũng yếu hơn trong các nền tảng rất dân chủ của mình vì họ “không có lịch sử”… những huyền thoại ngu ngốc nhất đã trở nên bình thường. Giống như chuyện nước Mỹ trở nên vĩ đại, hay lễ rửa tội ở Kyiv vào thế kỷ thứ chín [Một câu chuyện được Putin đặc biệt ưa thích để biện minh cho sự đồng nghĩa của Ukraine với Nga].

Ông nói: “Lịch sử cho chúng ta nhiều cách nhìn hơn.”

Lúc này nhà hàng Porzellan đã được dọn trống và các nhân viên phục vụ đang hối hả dọn bàn cho bữa tối.

Quá khứ, với tất cả sự kỳ lạ của nó, thường có những cách thức để soi sáng cho hiện tại. Snyder chỉ vào điện thoại thông minh của chúng tôi trên bàn: biểu tượng của chiến thắng kỹ trị của chúng ta trong quá khứ. Chưa hết, ngay cả thần thoại Homer cũng có điều gì đó để nói với chúng ta về chúng. “Trong Odyssey, những nữ thần trên biển có sức hấp dẫn không thể cưỡng lại bởi vì họ có sức mạnh chỉ hát cho mỗi thủy thủ nghe về chính bản thân họ. Đó chính xác là siêu năng lực thuật toán mà điện thoại bây giờ đang có,” ông tỏ ra trầm ngâm.

“Có thể đây là khía cạnh siêu bảo thủ của tôi, nhưng nếu tất cả chúng ta có thêm một chút kiến thức về lịch sử, chúng ta sẽ được trang bị tốt hơn để nhìn thấu hiện tại.”

—–

Thực đơn: Porzellan

Servitengasse 2, 1090 Vienna

Nước khoáng có ga x2 €5,60

Spritzer rượu vang trắng €3,40

Gemischter Satz €4,90

Tôm chiên ớt €17,90

Bánh tartare thịt bò €15,90

Gà đi bộ Styria €18,90

Cơm Ý Chanterelle €17,90

Cà phê espresso lớn €4,20

Cà phê espresso đơn €2,50

Tổng cộng (đã bao gồm thuế & dịch vụ) €91,20


Nguồn : https://www.ft.com/content/9a23b1a7-da4e-466b-99f4-9f7f369fe128

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular