Nhân “ngày doanh nhân” 13/10, tôi ngậm ngùi nghĩ đến bà Nguyễn Thị Năm (hiệu Cát Hanh Long), một doanh nhân lớn có công đóng góp tài sản cho Việt Minh trong kháng chiến chống Pháp.
Khi chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức “Tuần lễ vàng”, bà đóng góp hơn 100 lạng vàng. Trong suốt thời gian kháng chiến chống Pháp, bà Nguyễn Thị Năm tham gia các cấp lãnh đạo của Hội Phụ nữ của tỉnh Thái Nguyên và Liên khu Việt Bắc, trong đó có 3 năm làm Chủ tịch hội Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên. Khi thực hiện lệnh “tiêu thổ kháng chiến”, bà thậm chí còn cho san bằng khu biệt thự Đồng Bẩm của mình tại Thái Nguyên.
Bà từng cho nhiều cán bộ cách mạng và đơn vị bộ đội tá túc trong đồn điền của mình. Bà cũng từng cưu mang, nuôi ăn ở và giúp đỡ nhiều cán bộ Việt Minh sau này giữ những cương vị quan trọng như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Hoàng Hữu Nhân, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Tùng, Vũ Quốc Uy, Hoàng Thế Thiện, Lê Thanh Nghị, v.v….
Bà từng phóng xe nhà treo cờ đỏ sao vàng từ Hải Phòng lên thẳng chiến khu qua thành phố Thái Nguyên, nơi quân Nhật còn chiếm đóng đến Đồng Bẩm, Đình Cả, Võ Nhai để báo cho con trai và các đồng chí của mình tin Hà Nội đã giành được chính quyền.
Tuy nhiên, trong cuộc Cải cách ruộng đất, bà bị nông dân địa phương đấu tố là địa chủ gian ác và bị xử bắn. Để bào chữa cho sự vô ơn tàn bạo đó của cái gọi là “Cách mạng”, chính Hồ Chí Minh trong bài viết “Địa chủ ác ghê” đăng trên báo Nhân Dân ngày 21/7/1953, dưới bút danh “C.B”, sau khi kết tội bà Nguyễn Thị Năm và hai người con, đã hùng hồn viết như sau:
“Trong cuộc phát động quần chúng, đồng bào địa phương đã đưa đủ chứng cớ rõ ràng ra tố cáo. Mẹ con Cát-hanh-Long không thể chối cãi, đã thú nhận thật cả những tội ác hại nước hại dân. Thật là:
Viết không hết tội, dù chẻ hết tre rừng, Rửa không sạch ác, dù tát cạn nước bể!”
Tất nhiên, ai cũng biết Cải cách ruộng đất là chính sách được thực hiện theo chủ trương và chỉ đạo của Trung Cộng. Chỉ vì phải tuân thủ mệnh lệnh của Thiên Triều, mà nhà cầm quyền Bắc Việt thời ấy sẵn sàng ra tay sát hại cả những doanh nhân từng có công lao lớn đối với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Ai trong số các doanh nhân Việt Nam ngày nay biết hoặc còn nhớ đến bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long) và sự kiện bi thảm của giới doanh nhân Việt yêu nước trong thảm họa Cải cách ruộng đất năm xưa?
Và nếu 13 tháng 10 hàng năm là ngày tôn vinh doanh nhân Việt Nam, thì ngày nào dành để tôn vinh và tạ lỗi với bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long)?