Năm mới Tân Sửu 2021 : Những dự cảm lành, dữ

0
278
Phố phường dịp Tết Tân Sửu 2021 tại Hà Nội. Ảnh chụp ngày 03/02/2021. REUTERS - KHAM

Trọng Thành / RFI Đăng ngày: 13/02/2021 – 16:15

Năm Canh Tý 2020 vừa qua là một năm hiếm có trong lịch sử nhân loại hiện đại. Kinh tế toàn cầu chao đảo vì đại dịch Covid, kéo dài đã gần một năm và chưa thể sớm kết thúc.  Điều gì sẽ đến với năm Tân Sửu 2021 ? Tạp chí Đặc biệt RFI ngày mùng 2 Tết cổ truyền xin giới thiệu với quý vị những dự cảm của một số văn nghệ sĩ, trí thức trong nước, về năm con Trâu Vàng, hay con Trâu Mới.

Năm Trâu Mới – Trâu Vàng : Đầy lo toan, nhưng nhiều cơ hội thành công

Trước hết mời quý vị đến với chia sẻ của nhà văn Trần Thanh Cảnh (Bắc Ninh) trong cuộc trả lời phỏng vấn RFI tiếng Việt ngày mùng một Tết.

Nhà văn Trần Thanh Cảnh (Bắc Ninh)

« Tôi là một người sinh năm 1961, năm Tân Sửu, theo âm lịch. Năm nay tròn lục thập hoa giáp, tức 60 tuổi. Trong năm 2021 này, với cá nhân mình tôi dự cảm là tốt đẹp. Tôi nghĩ mình sẽ làm được những điều tâm nguyện về văn học. Bởi vì năm Tân Sửu, theo chiết tự, các cụ túc nho trong làng, trong nước, nói là ‘‘chữ Tân’’ (trong chữ Hán có nghĩa là Đổi mới, là hành Kim), chỉ cần mất đi một nét thì thành chữ Toan. Gọi là Tân biến vi Toan, luận ra là phải lo nhiều việc, và làm được nhiều việc. Người đứng chữ Tân, thì thường là công việc đến tay làm được hết. Chữ Tân đi với Sửu là Trâu Vàng. Tôi có dự cảm năm 2021, nước Việt Nam sẽ có những bước chuyển biến rõ rệt. Đầu tiên là dịch Covid. Covid đã đi qua đỉnh cao, sẽ thoái lùi dần. Và đến cuối năm lượng vac-xin sẽ ra rất nhiều, thì con virus corona sẽ bị đẩy lùi. Nền kinh tế xã hội sẽ sáng sủa dần. Con người ta sẽ học được cách sống chung với virus.

Tôi nghĩ rằng năm nay 2021 sẽ rất là êm ả. Bởi vì mọi nguồn lực của các quốc gia sẽ phải dồn sang chống dịch và hồi phục kinh tế. Còn về chính sách với Trung Quốc của Mỹ, thì đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hòa có thể khác nhau về vấn đề nào đó, nhưng vấn đề chiến lược kiềm chế Trung Quốc, tôi nghĩ rằng họ thống nhất với nhau từ đầu. Về cách tiếp cận, tôi nghĩ so với thời Donald Trump, tôi nghĩ chính quyền Biden mềm mỏng hơn, nhưng vẫn đủ kiên quyết, và sẽ không để xẩy ra những xung đột nóng bỏng. Mà khi Trung Quốc được kiềm chế, Việt Nam cũng sẽ có cơ hội.

Về vận số của nước Việt, trong năm nay, về mặt kinh tế, có nhiều tín hiệu khả quan hơn. Về mặt chính trị, tôi cho rằng sẽ đi những bước chầm chậm thôi, nhưng mà về thượng tầng kiến trúc chính trị, bây giờ tôi nghĩ đã ổn định rồi. Và người lãnh đạo tinh thần của đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn là ông Nguyễn Phú Trọng. Việc ông ấy tái cử lần thứ ba, thậm chí không cần sửa đổi điều lệ, mới thấy là quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng lớn đến mức nào. Thế nhưng ông Nguyễn Phú Trọng là một người học văn, tốt nghiệp khoa Văn Đại học Tổng Hợp Hà Nội, và ông ấy là một người gọi là sĩ phu Kinh Bắc điển hình. Nếu mà xét theo một góc độ nào đó, thì đấy là một người rất là thâm trầm và sâu sắc, nên mọi hành động của ông Nguyễn Phú Trọng là rất khó đoán, rất khó lường. Chứ không phải là như nhiều lúc, người ta cứ võ đoán nói cho vui đâu. Tôi hy vọng là những hành động của ông Nguyễn Phú Trọng đang dần dần tiến tới để đặt nền móng cho một thể chế chính trị mới. Tôi có thể gọi ông ấy đúng là sĩ phu Bắc Hà, bởi vì ở góc độ nào đó, ông ấy không màng đến tiền tài cho cá nhân, bổng lộc cho ê-kíp này khác. Trong lịch sử đảng Cộng Sản Việt Nam từ năm 1930 đến nay, thì sau ông Hồ Chí Minh, tôi cho là ông Nguyễn Phú Trọng là nhân vật có quyền lực nhất. Tôi dự đoán ông ấy đang hành động, âm thầm hành động, nên khó có người hiểu được, ông ấy dùng người thôi. Tôi nghĩ rằng ông Nguyễn Phú Trọng đang có ý chí lớn. Đó là ông ấy muốn vì dân, vì nước. Đến giờ phút này, tôi vẫn đánh giá ông ấy là người tuyệt đối vì dân, vì nước. Ông ấy không suy nghĩ về quyền lợi của cá nhân hay bổng lộc gì cả. Ông ấy cũng có cái cá nhân, đó là muốn lưu danh sử sách, như một vị minh quân chẳng hạn, trong lịch sử. Về tình hình chính trị Việt Nam trong năm 2021, tôi nghĩ ở Việt Nam sẽ có những điểm sáng ».  

Tân Sửu với những khát vọng « lịch sử » ngàn năm

Nhiều người tin rằng khát vọng của các xã hội con người có thể tồn tại xuyên qua thời gian, khi âm thầm, khi bột phát thành các biến chuyển lớn, độc lập với các bối cảnh xã hội, kinh tế, chính trị cụ thể. Nhà thơ Lý Đợi (TP Hồ Chí Minh) cho RFI biết ông kỳ vọng là năm Tân Sửu 2021, tương tự như nhiều năm Tân Sửu trong lịch sử, sẽ là cơ hội cho « các kỳ tích », mang lại sự thịnh vượng, yên ổn cho người dân.

Nhà thơ Lý Đợi (TP Hồ Chí Minh)

« Năm mới chúng ta thường cầu những điều tốt đẹp, và đưa ra những ước mơ. Cái năm Tân Sửu rất đáng để chúng ta có những ước mơ. Bởi, nếu nhìn lại lịch sử, năm Tân Sửu 41, cách nay 1980 năm, Hai Bà Trưng đã đánh tan quân Đông Hán, lập ra một nhà nước ở Mê Linh, chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc đầu tiên, sau 150 năm bị đô hộ. Nhớ về năm Tân Sửu của Hai Bà Trưng, thì tự nhiên mình xúc động, vì nước mình từng được kiến tạo quốc gia từ tinh thần của hai chị em. Hai người phụ nữ, đầy kiêu hãnh và đầy biểu tượng như vậy. Trong lịch sử xây dựng đất nước của Việt Nam, trong cái thời cổ đại, cũng như trung đại, vai trò của người phụ nữ rất quan trọng. Và khi chúng ta du nhập Tống Nho vào Việt Nam, thì với cái sự đạo đức giả của Tống Nho, lấy người đàn ông làm trung tâm đó, chúng ta đã vô tình làm lu mờ, thậm chí xóa bỏ vai trò của người phụ nữ, trong việc lập quốc, kiến tạo đất nước trong thời cổ đại đi rất nhiều.

Những năm Tân Sửu khác trong lịch sử Việt Nam cũng rất quan trọng. Ví dụ như năm 1001, năm Lê Hoàn dẹp yên bờ cõi, mở ra một thời kỳ hòa bình cho người dân. Hay là năm Tân Sửu 1481, vua Lê Thánh Tông để cho binh lính và các quan võ không bị rảnh rỗi quá, đâm ra hư hỏng, phá hoại nhân dân, vua Lê Thánh Tông đã chuyển các tướng võ vào các đồn điền, để phát triển kinh tế, tạo ra một thời kỳ thịnh trị nhất trong lịch sử phong kiến. Có lẽ là một trong những thời kỳ thịnh trị nhất của Việt Nam trong vài nghìn năm lịch sử…

Mình đưa ra một vài ví dụ để cho thấy là Tân Sửu là con Trâu Mới, con trâu là đầu cơ nghiệp. Sắm được một con trâu mới như là sắm được một cơ nghiệp mới. Tạm hiểu như vậy. Tất nhiên chữ Tân Sửu hiểu theo nghĩa sâu sắc nó khác, nhưng tạm hiểu theo nghĩa nôm na, là tạo ra một cơ nghiệp mới, và cơ nghiệp đó có lợi cho người dân. Mang lại hòa bình, ổn định, phát triển cho người dân. Nhìn lại lịch sử của Việt Nam, năm Tân Sửu thường là có lợi cho người dân, cũng hy vọng là năm Tân Sửu 2021 này, Việt Nam cũng làm được kỳ tích, giống như cha ông đã làm ».

Năm con Trâu : « Chuột » chưa đi, « Hổ » sắp đến

Trong văn hóa cổ truyền Việt Nam, có tập tục đầu xuân khai bút. Giới yêu văn chương thường đón đợi các câu đối Tết của tiến sĩ Hà Sĩ Phu (Đà Lạt). Năm nay, Hà Sĩ Phu có hàng loạt câu đối về con Trâu, những câu đối mang nhiều dự cảm về một năm tới đầy khó khăn. Bởi, con Trâu – biểu tượng cho sự chịu thương, chịu khó, cần cù nhẫn nại, cho sự cống hiến hết mình – cũng là biểu tượng cho sự phục tùng vô điều kiện, cho sự thụ động. Và tình thế càng trở nên mong manh hơn, khi năm Trâu lại nằm kẹt giữa năm con Chuột và năm con Hổ.

Tiến sĩ Hà Sĩ Phu (Đà Lạt)

Trả lời RFI, tiến sĩ Hà Sĩ Phu giải thích : « Trong các con vật, con trâu cũng là con vật có những tích lũy về cảm hứng khả đặc biệt. Như tôi nói, con Trâu đi sau con Chuột, và con Chuột với con Trâu thực ra là hai con vật rất ngược nhau. Một anh bé tí, nhưng rất là mưu mẹo, rất láu cá, lúc đào sâu, lúc leo cao. Toàn đi trong đêm tối, dùng các thứ mẹo. Thân bé, nhưng lại muốn giành được rất nhiều điều ham muốn. Nhưng sang đến con Trâu lại khác hẳn. Thân hình to tướng, nhưng lại chậm chạp, như kiểu anh ngu trung, được con người nuôi dưỡng, chỉ biết ăn cỏ, nhai đi nhai lại. Trong khi đó sau con Trâu đến con Hổ. Một anh hiền lành giúp cho nhà nông đủ mọi thứ, lại đến con Hổ, một mãnh thú chuyên môn làm hại con người. Con Trâu với con Hổ lại là mối quan hệ rất đặc biệt. Trong ba con giáp liền nhau thôi, Tý – Chuột, Sửu – Trâu, Dần – Hổ, ba con đó đi liền nhau thì sinh chuyện lắm.

Quan hệ giữa ba con này rất rắc rối. Vừa thuận, vừa nghịch, vừa liên quan đến con người nhiều. Cho nên ba con này cũng là những nguồn cảm hứng rất phong phú cho những người lưu tâm đến các vấn đề xã hội. 

Nghịch thì đã rõ, nhưng thuận thì thế này : Con Chuột với con Trâu thì nó ngược nhau hoàn toàn rồi. Nhưng lại có cái thuận thế này. Giống như trong xã hội, anh Trâu là ngu trung, to xác, nhưng gọi là nga thật quá. Còn tính cách của anh Chuột, tiểu nhân, gian xảo, luôn lợi dụng cái đêm tối để làm mọi việc. Thế thì cái tương thuận thế này : trong xã hội, đã có anh ngu trung, là y như rằng bên cạnh xuất hiện thằng láu cá, nó lợi dụng cái đó. Mà xã hội ta thấy rõ quá. Người nông dân thì hiền lành, thấy nói đến yêu nước thì là hưởng ứng ngay, thấy nói đến điều thiện là hưởng ứng ngay. Thế thì có những anh nó lợi dụng ngay cái đó. Nó cũng giả vờ là yêu nước, nó cũng giả vờ là làm việc thiện, để nó dùng sức mạnh của anh. Thế rồi cuối cùng là cả một đoàn. Quần chúng đấy, quần chúng hiền lành đi theo nó. Thế nhưng con đường nó đi đâu có đúng, kết quả là ngược lại ».

Trong bài viết « Lại khóc, lại cười với Trâu », thoạt tiên Hà Sĩ Phu làm 5 câu đối (Bài Văn học: Câu đối Tết Tân Sửu 2021 – Hà Sĩ Phu, Văn Việt, ngày 10/02/2021). Sau khi hoàn tất, ông chợt nhận ra rằng, những gì ông viết chỉ là về Trâu nhà. Trâu sống trong tự nhiên, trâu rừng hoàn toàn khác. Trâu bò không hẳn đã là biểu tượng cho sự ngu trung, cam chịu. Bài viết kết thúc bằng câu đối thứ sáu, Quần Ngưu đả Hổ. « Lẽ sống muôn đời: biết hợp lực, đàn Trâu thường thắng Hổ ! /Làm vua một cõi, chỉ đơn phương, mãnh Hổ cũng thua Trâu ! ».

« Con Trâu Mới » : Năm « chọn hướng » quyết định

Chu kỳ lịch pháp cổ truyền 60 năm, nếu tính gộp 10 thiên can và 12 địa chi (tức 12 con vật biểu tượng cho năm), nhìn nhận thời gian như một sự tuần hoàn, tương tự như những mùa tiết, cứ hết một năm lại trở lại từ đầu. Tuy nhiên, kể từ khi lịch sử Việt Nam nối kết với lịch sử phương Tây, quan niệm về thời gian cũng thay đổi. Bên cạnh quan niệm thời gian theo vòng tuần hoàn, – với một xã hội, với một đời người -, thì ngày càng đông người, nếu không nói là đa số ngả theo cách quan niệm Tây phương về thời gian, thời gian như một dòng chảy, một đi không trở lại. Đối với nhiều người, Tân Sửu là năm con Trâu mới, năm của sự thay đổi lớn. Không chỉ với Việt Nam, mà với cả thế giới.

Nhà văn Y Ban (Hà Nội), trong cuộc trả lời RFI ngày mùng Một Tết Tân Sửu chia sẻ : Năm Tân Sửu là năm mà hành động vì môi trường sẽ phải là điều trọng tâm. Nữ văn sĩ cũng cho biết chị dự kiến sẽ phải sớm hoàn tất « Công viên cứu hộ loài người », cuốn tiểu thuyết với chủ đề chính là môi sinh, mà chị ấp ủ nhiều năm nay. « Công viên cứu hộ loài người » là tiểu thuyết giả tưởng, nói về ngày «Tận thế » sẽ xảy ra vào năm 2036. Diện tích công viên bằng khoảng 1/9 Trái đất. Dự kiến Công viên sẽ hoàn tất vào năm 2035, để loài người kịp thời có nơi trú ẩn trước ngày « Tận thế ».

Trả lời RFI, nhà thơ Thanh Thảo (Quảng Ngãi) khẳng định Tân Sửu là một năm « bản lề », năm « chọn hướng quyết định » :

Nhà thơ Thanh Thảo (Quảng Ngãi)

« Năm Sửu này là Tân Sửu, là năm mang tính đổi mới. Không biết sẽ đổi kiểu gì, nhưng chắc chắn là tâm thức của người Việt Nam sẽ thay đổi. Cũng có thể là theo hướng tốt lên. Nhưng chưa rõ. Tôi nghĩ là năm nay có rất nhiều điều khiến người ta phải thay đổi. Thay đổi từ cách sống, cách nghĩ, cho đến cách gia nhập vào cộng đồng thế giới. Năm nay là năm tạm coi là năm bản lề. Cả thế giới có vấn đề về đại dịch. Việt Nam mình cũng thế. Thành bại trong việc chống Covid là một mảng. Mảng nữa là năm nay, nếu chống được dịch, người ta cũng phải suy nghĩ là thế giới bây giờ sẽ đi theo hướng nào. Có rất nhiều hướng. Hướng nào cũng có cái được và cái mất cả. Tôi nghĩ cái chọn hướng đấy là không dễ dàng. Chọn đường hướng cho sự phát triển, cho từng cá nhân, cho cả đất nước, cho cả châu lục, hoặc cho cả thế giới. Nó quan trọng về nhiều mặt chính là ở chỗ đấy. Chọn lựa để phát triển như thế nào. Người ta cũng đang chờ đợi. Nhỏ nhất ở tầm cá nhân, nhưng lớn nhất là ở tầm nhân loại ».

Hai năm Canh Tý 2020, Tân Sửu 2021, mang hai chữ « Canh Tân ». Không chỉ nhiều trí thức Việt Nam, trong giới lãnh đạo thế giới, cũng có nhiều người khẳng định thế giới đang đứng trước sự lựa chọn quyết định. Mùa hè năm Canh Tý 2020, ngay sau khi đại dịch bùng phát, kinh tế gia Đức Klaus Schwab, nhà sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos (WEF), được coi là diễn đàn của giới lãnh đạo kinh tế toàn cầu, cho ra mắt cuốn sách « Covid – 19: The Great Reset / Covid-19 : Đại tái thiết ». Đầu năm 2019, đúng một năm trước đại dịch  Covid, Diễn đàn Davos ra báo cáo dự báo: « Nhân loại đang “nhắm mắt đi vào” khủng hoảng mới » (RFI, ngày 23/01/2019). 

Cuốn sách, mà nhà sáng lập diễn đàn Davos là đồng tác giả, đặt mục tiêu khôi phục nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch, trên cơ sở chuyển hướng triệt để sang nền kinh tế Xanh – coi phát triển bền vững, phát triển đi liền với bảo vệ môi trường, sinh thái, là trọng tâm.

RFI xin cảm ơn nhà văn Y Ban, nhà văn Trần Thanh Cảnh, nhà thơ Lý Đợi, tiến sĩ Hà Sĩ Phu và nhà thơ Thanh Thảo. 

591670cookie-checkNăm mới Tân Sửu 2021 : Những dự cảm lành, dữ