LUẬT (CƯỚP) ĐẤT ĐAI 2013

0
629
Hoà thượng Thích Không Tánh đau đớn trước cảnh ngôi chùa ông trụ trì bị nhà cầm quyền thành hồ đập phá tan hoang.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ so sánh giữa nguyên tắc sở hữu đất đai tại Việt Nam với các quốc gia dân chủ tự do trên thế giới.

Thêm vào đó, chúng tôi sẽ phân tích một số điều khoản trong bộ Luật Đất Đai 2013 hiện đang áp đặt tại Việt Nam, cho phép các Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh, Huyện và Xã công khai cướp đất của dân, giật sập đền miếu chùa chiền, phá hủy di tích lịch sử văn hóa, và gây ra tình trạng hỗn loạn hiện nay tại Việt Nam.

Chúng tôi sẽ gọi bộ Luật Đất Đai 2013 này là Luật (Cướp) Đất Đai 2013.

Luật (Cướp) Đất Đai 2013 là Luật số 45/2013/QH13 được Quốc hội thông qua vào ngày 29 tháng 11 năm 2013. Bộ luật này bao gồm 14 Chương và 212 điều khoản.

Vì khuôn khổ giới hạn của Facebook, chúng tôi sẽ tập trung vào một vài điều khoản chính trong bộ luật này; đặc biệt là Điều 62(3) cho phép các quan cấp Tỉnh có thể công khai thu hồi đất đai của người dân và Điều 71 cho phép các cấp Huyện và Xã có thể thực hiện cưỡng chế đất đai.

———————————————

NGUYÊN TẮC SỞ HỮU ĐẤT ĐAI

Việt Nam, dưới chế độ Cộng Sản, đã đặt ra một nguyên tắc sở hữu đất đai hoàn toàn khác biệt với các quốc gia tự do văn minh trên thế giới.

Trong các quốc gia tự do, hầu hết quyền sở hữu đất đai cho phép người dân làm chủ thửa đất của họ, không gian bên trên thửa đất và những gì bên dưới thửa đất đó. Quyền sở hữu đất đai của các quốc gia tự do được đặt trên căn bản của học thuyết Latin là “ai làm chủ thửa đất, thì họ sẽ làm chủ lên tầng cao cho đến thiên đàng và xuống dưới sâu cho đến địa ngục” (for whoever owns the soil, it is theirs up to heaven and down to hell).

Hoa Kỳ, Canada, Úc, Tân Tây Lan đều có các bộ luật đất đai ảnh hưởng bởi Anh quốc; luật đất đai của người Anh còn đi xa hơn cái học thuyết Latin kể trên, để nhìn nhận sở hữu đất đai bằng không gian bốn chiều (four dimensions). Đó là diện tích thửa đất, lên trên trời, xuống dưới đất và xuyên thời gian (chiều không gian thứ tư). Tất cả đất thuộc loại “freehold” sẽ có giá trị sở hữu vĩnh viễn cho người làm chủ.

Ngược lại, tại Việt Nam, Điều 1 của bộ Luật (Cướp) Đất Đai 2013 qui định như sau:

“Luật này quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Đó là một bộ luật viết ra bởi một tập đoàn thống trị toàn cõi đất đai với những ngụy biện như sau:

. Đất đai ở Việt Nam là của nhân dân làm chủ;
. Nhưng mà, đất đai phải bị Nhà Nước độc quyền quản lý;
. Và rồi, người dân chỉ có quyền sử dụng không thôi.

Cái xảo thuật “nhân dân làm chủ” là một ngụy biện thoát thai từ cái bản chất lật lọng tráo trở của chế độ Cộng Sản. Trên danh nghĩa, “nhân dân làm chủ” thoáng nghe rất hấp dẫn nhưng thực tế thì rỗng tuếch để lường gạt dân đen. Cái ngữ này chỉ có thể lường gạt dân đen lao động công nông của thời kỳ Bôn-Sơ-Vít thôi; còn bây giờ là thời đại khoa học kỹ nghệ hiện đại tiên tiến rồi, không còn ai ngu để tin vào cái ngụy biện rỗng tuếch của đảng Cộng Sản nữa.

Ở các nước Tây phương, người dân sẽ là chủ đất thật sự và có thể truyền lại cho con và cháu chắt muôn đời. Ngược lại, ở Việt Nam, người dân chỉ được cấp quyền sử dụng thửa đất đó mà thôi. Thửa đất ông bà để lại cho con cháu từ bao nhiêu đời, mà ngày nay những người con cháu này chỉ được quyền sử dụng (và quyền này có thể bị Nhà Nước lấy lại bất cứ giờ phút nào); như vậy thì “nhân dân làm chủ” cái quái gì?

THU HỒI ĐẤT, CƯỠNG CHẾ VÀ BỒI THƯỜNG

Một khi Nhà Nước có quyền quyết định:

 quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất (Điều 13(1))
 mục đích sử dụng đất (Điều 13(2))
 hạn mức sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất (Điều 13(3))

và có được bộ Luật (Cướp) Đất Đai cho phép tùy nghi:

 trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất (Điều 13(6))

thì Nhà Nước sẽ có toàn quyền để:

 thu hồi đất, trưng dụng đất (Điều 13(4))

mà chỉ cần bồi thường bằng việc giao cho một thửa đất khác có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi (bất kể đến mồ mả ông bà và giá trị tinh thần của người dân gắn bó trên thửa đất cũ của họ).

Và rồi, nếu như trường hợp “không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.” (Điều 74(2)).

Vậy thì người dân chết dở rồi.

Ruộng đất của ông bà cha mẹ để lại, nhà thờ, chùa chiền, đình miếu, có khi đến hơn trăm năm, Quốc hội lại đặt ra luật đất để cho quyền các quan đi tước đoạt cái quyền sử dụng đất của dân và đền bù với giá cả do chính tay các quan định đoạt, bất kể những yếu tố tinh thần hoặc di tích lịch sử văn hóa của dân tộc. Đã vậy, Quốc hội lại giao quyền xuống thấp đến cấp Tỉnh (hoặc cấp Quận nếu thuộc Thành phố) có quyền định đoạt giá cả để ăn chia ngập đầu từ dưới chung chi lên trên.

Nếu người dân vì quá đau lòng đứng lên phản đối lệnh thu hồi, thì bộ Luật (Cướp) Đất Đai lại cho quyền các quan cấp huyện và cấp xã hỗ trợ cho các quan cấp tỉnh / quận trong việc “cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất” (Điều 70-71).

QUỐC HỘI CHO QUYỀN CẤP XÃ THAM GIA CƯỠNG CHẾ ĐẤT

Cấp nào có quyền thu hồi đất?

 Quốc hội có quyền thu hồi đất (Điều 62(1))
 Thủ tướng Chính phủ (Điều 62(2))

Hai cấp cao nhất của một quốc gia có quyền thu hồi đất cho các dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, kinh tế xã hội có lợi ích quốc gia công cộng; thì điều này không cần bàn đến.

Tuy nhiên, trong bộ Luật (Cướp) Đất Đai, Quốc hội đã cho quyền xuống thấp đến:

 Hội đồng Nhân dân cấp Tỉnh có quyền thu hồi đất (Điều 62(3))

cho các dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, kết cấu hạ tầng kỹ thuật địa phương, những công trình phục vụ sinh hoạt chung (mà cái giống gì cũng có thể gọi là “chung” được cả), khu đô thị mới, hoặc dành cho đầu tư khai thác khoáng sản. (Điều 62(3)(a-đ)).

Điều 62(3) này đã biến bộ Luật Đất Đai 2013 trở thành bộ Luật CƯỚP Đất Đai của người dân.

Thật là quá sức dễ dàng cho các quan Tỉnh và quan Quận có thể cấu kết với nhóm lợi ích để thực thi kế hoạch thu hồi và cưỡng chế đất đai của người dân cho các công trình đầu tư trục lợi chia chác cá nhân.

Cấp nào có quyền cưỡng chế đất?

Bộ Luật (Cướp) Đất Đai 2013, do Quốc hội biểu quyết, đã cho quyền xuống thấp đến:

 Ủy ban nhân dân cấp Huyện có quyền thành lập lực lượng cưỡng chế (Điều 71(4)(a)) để tổ chức thực hiện cưỡng chế (Điều 71(4)(c)); và

 Ủy ban nhân dân cấp xã và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã làm nhiệm vụ vận động và thuyết phục (Điều 71(2)(a)); niêm yết quyết định cưỡng chế (Điều 71(2)(b)); và có quyền lập biên bản nếu người dân chống lại lệnh cưỡng chế (Điều 71(2)).

Thật khiếp… không có quốc gia văn minh nào cho phép đến cấp xã cũng có quyền cưỡng chế đất của dân.

Tranh chấp giữa Nhà Nước và người dân sẽ giải quyết ra sao?

Toàn bộ Chương VI của bộ Luật (Cướp) Đất Đai 2013 không có một qui định rõ ràng nào cả về vấn đề tranh chấp giữa người dân và Nhà Nước có liên quan đến quy hoạch thu hồi đất, kể hoạch cưỡng chế đất và giá trị của sự bồi thường thiệt hại cho người dân.

********

Để thay lời kết, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến sự khác biệt trong cách giải quyết tranh chấp về đất đai giữa các quốc gia tự do và Việt Nam. Ở Tây phương, chính phủ luôn cho người dân biết trước những vùng đất sẽ được quy hoạch trong tương lai, chế độ bồi thường đều dựa vào giá cả địa ốc trên thị trường, và mọi tranh chấp về lệnh giải tỏa hoặc giá cả bồi thường giữa chính phủ và người dân đều có cơ sở Tòa Án độc lập để xét xử.

Ngược lại, ở Việt Nam, Quốc hội lại thông qua một bộ luật mà tập đoàn Nhà Nước và lãnh đạo các cấp từ Trung Ương cho đến huyện xã có cái ĐỘC QUYỀN thu hồi đất, cưỡng chế đất, quyết định giá đất, quyết định giá bồi thường, quyết định tái đầu tư đất cưỡng chế và chia chác với các phe nhóm lợi ích.

Bộ Luật Đất Đai 2013 của Việt Nam đã tạo cơ hội cho các lãnh đạo từ trên xuống dưới đầu cơ địa ốc, trục lợi cá nhân và tạo ra tình trạng hỗn loạn cướp đất của dân, giật sập chùa chiền lăng miếu di tích văn hóa lịch sử và gây ra bao tang thương từ Nam đến Bắc trong những năm gần đây.

Quốc Hội đã phủi tay làm ngơ. Nhà Nước đã dồn dân đến đường cùng rồi.

NDLX

307070cookie-checkLUẬT (CƯỚP) ĐẤT ĐAI 2013