Sài Gòn, ngày 8-5-2016

0
1776
Chị Dương Thị Tân cùng bạn trẻ Huỳnh Phương Ngọc đi biểu tình chống Formosa.

Bài và ảnh: Mạnh Kim

Sài Gòn những ngày này không ngủ. Sáng sớm, từ nhà (quận 7), tôi bắt đầu phóng xe lên trung tâm Sài Gòn. Đảo một vòng các trục đường chính, tôi đã thấy không khí rất ngột ngạt. Hàng rào kẽm gai dựng đầy các ngã tư. Góc Nguyễn Du-Hai Bà Trưng; góc Phạm Ngọc Thạch-Minh Khai; góc Hai Bà Trưng-Lê Duẩn…, chỗ nào cũng nghẹt thở với kẽm gai, môtô trắng và dùi cui lủng lẳng. Công tác đối phó cuộc “Biểu tình Cá” rõ ràng được chuẩn bị “rất tốt”. Kịch bản chắc chắn đã được soạn chi tiết, rút từ “kinh nghiệm” cuộc biểu tình chủ nhật tuần trước (1-5-2016). Tất cả quán café quanh khu vực Hồ Rùa đều treo bảng “Hôm nay tạm nghỉ”. Trước cổng mỗi quán đều có công an và dân phòng bắt ghế ngồi canh. Tại Hồ Rùa, có những tấm bảng to đặt rải rác, ghi: “Khu vực cấm tụ tập, chụp hình”. Sống ở Sài Gòn hơn 40 năm, tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng nghẹt thở như vậy.

Hoàng Mỹ Uyên và con gái đi biểu tình chống Formosa.

Như đã hẹn trước, tôi đón Huỳnh Phương Ngọc rồi cùng đến quán Người Sài Gòn, gặp Hoàng Mỹ Uyên và con gái (Saphia), Cậu Ba Nickie Tran, Lý Nguyễn, chị Dương Thị Tân… Có bạn vận áo thun hình xương cá, có bạn cầm mảnh giấy cứng ghi: “Cá cần nước sạch, Dân cần minh bạch”… Gửi xe ở đường Thái Văn Lung, chúng tôi – khoảng gần 20 người – bắt đầu đi bộ, nhắm hướng Dinh Độc Lập. Dọc đường, rải rác vỉa hè, có từng nhóm nhỏ “dân phòng”, kẻ ngồi xe gắn máy, kẻ đứng xung quanh. Khi thấy chúng tôi, họ văng tục dằn mặt: “Dm, đánh chết mẹ tụi này đi!”.

Đến Nhà thờ Đức Bà, chúng tôi bị chặn không cho qua công viên. Tôi nghe rõ một kẻ đứng đầu đường Hàn Thuyên chỉ về phía tôi, la to: “Nó kìa, nó kìa!”. Rồi một tay vận thường phục nhào đến túm tôi. Cậu Ba Nickie lao vào, hét to: “Làm cái gì vậy, mày ăn cướp hả. Bớ người ta, giật điện thoại! Có thằng giật điện thoại!”. Chúng tôi thoát được và chạy băng qua công viên. Tại đó, hàng trăm người đã có mặt. Một lần nữa, một gã trung niên vận sơmi trắng định bắt tôi. Công viên Dinh Độc Lập dày đặc người. Chẳng ai căng thẳng cả. Không khí rất “phấn khởi”. Có những người lâu nay chỉ biết nhau qua mạng giờ gặp nhau nên vui vẻ đứng chung chụp hình.

Đoàn biểu tình bắt đầu kéo qua Nhà Thờ Đức Bà, với dụng ý thực hiện cuộc tuần hành đường phố như tuần trước (1-5-2016). Đó cũng là lúc công an chìm-nổi ra tay. Lần này họ triệt thẳng tay. Kịch bản lần này là đập quyết liệt và tàn bạo! Họ phân thành từng nhóm, chia lẻ đoàn biểu tình, rồi đánh đá cực kỳ dã man. Đoàn biểu tình không còn là một khối nữa mà biến thành tấm da beo với những vết loang lổ được xen vào bởi an ninh chìm. Quân số công an và an ninh chìm áp đảo hơn cả những người biểu tình (sau này tôi mới biết có những tên an ninh chìm đeo nhẫn xanh để phân biệt với người biểu tình). Dù từng xem không biết bao nhiêu clip công an chìm đánh dân như những tên côn đồ vô nhân tính nhưng khi chứng kiến cảnh những nạn nhân trước mắt mình bị đánh đập không thương tiếc bởi “đồng loại”, tôi vẫn sốc!

Chúng tôi bị cắt thành hai nhóm. Một nhóm bị dồn đến trước cổng Nhà Thờ Đức Bà; một nhóm – đông hơn – bị đẩy vào bờ tường Trường tiểu học Hòa Bình. Các cuộc “đánh lẻ” vẫn tiếp tục. Quay sang trái, tôi nghe ai đó hét thất thanh: “Công an đánh người! Công an đánh người!”. Quay sang phải, tôi cũng nghe nạn nhân nào đó hét lên: “Công an đánh người. Tụi nó bắt người, anh em ơi. Cứu mau!”. Vài người lao ra, giằng co dữ dội. Cũng có người cứu được nhưng hầu hết trường hợp đều bị đánh hội đồng và bị bắt chung tống vào xe bus.  Không khí càng lúc càng hỗn loạn. Đám an ninh chìm không còn e dè nữa. Những cú đấm đá tàn bạo và man rợ nhằm vào cả phụ nữ. Xen lẫn trong âm thanh hỗn loạn, tôi nghe tiếng hét thất thanh của một người bạn: “Tụi nó đánh Bee. Bee bị đánh…!”. Len đến chỗ đó, tôi thấy Bee (Hoàng Mỹ Uyên) mặt mày máu me, sưng húp, hai tay ôm chặt con gái trước ngực, nước mắt chảy dài…

“Hàng rào người” của công an và dân phòng mỗi lúc mỗi ép chặt chúng tôi vào sát bờ tường Trường Hòa Bình. Chúng tôi như một bầy cá bị quây nêm cứng vào rọ. Càng lúc tôi càng nhận ra rõ kịch bản “tác chiến” của công an: chia lẻ đám đông; gây hỗn loạn bằng cách đánh đập vô tội vạ; bắt bất cứ ai có thể bắt; lập “hàng rào người” vây chặt đoàn biểu tình; tạo thế giằng co; tạo không khí sợ hãi; và tạo cảm giác bất lực cho người biểu tình, để cuối cùng họ lần lượt xé lẻ ra về…

Tôi len ra khỏi đám đông. Một tên vận thường phục chụp mạnh tay tôi, kéo đến chiếc xe bus. “Muốn về hả, lên xe có người chở về!”, rồi hắn quay lại chỗ người biểu tình. Tôi đứng đó vài phút. Không ai “mời” tôi lên xe cả. Có lẽ mấy tay an ninh trên xe đang bận canh những người bị bắt. Băng ngang khoảnh sân trống Nhà thờ Đức Bà giữa trưa nắng gay gắt, nhìn về phía nhóm người biểu tình ít ỏi vẫn còn bị dồn cứng trước cổng nhà thờ, tôi thấy những tờ giấy vẫn còn cố giương lên “Cá cần nước sạch…”.

Tối hôm đó, hai bạn Tuấn Khanh và Huỳnh Phương Ngọc xuống nhà tôi. Ngọc khóc nấc từng cơn. Ngọc khóc đến mức khàn đục cả giọng. Cứ vài phút Ngọc lại khóc. “Em mới gọi chị Tân (Dương Thị Tân). Chỉ kể có thằng đánh chỉ dã man, dộng đầu chỉ vào tường. Nó còn nói, tao sẽ giết từng người trong nhà mày. Sao tụi nó ác quá vậy anh?”. Trưa hôm đó, tôi cũng đã gặp Ngọc và Khanh ở Hai Bà Trưng, đối diện Lãnh sự quán Pháp, sau khi tôi rời nhóm biểu tình từ Trường Hòa Bình. Ngọc cũng đã khóc ngất, khi tôi đưa cô ấy xem vài tấm hình chụp cảnh đàn áp biểu tình. Lúc đó có hai bạn rất trẻ, chỉ khoảng 20 tuổi, đứng gần. Họ cũng khóc. Chỉ sang cô bạn, cậu con trai nói, hôm nay là sinh nhật bạn gái em, em nói cổ muốn đãi gì, cổ nói, em không muốn đãi gì cả, em muốn tham gia biểu tình. Cô bạn gái của cậu ấy quay mặt đi, mắt đỏ hoe. Hôm nay, họ đã chứng kiến những cảnh mà nước mắt họ sẽ không bao giờ đủ để làm nguôi ngoai những oan nghiệt đang đè nặng và chất chồng lên người dân đất nước này. Hôm đó là sinh nhật của cô gái trẻ kia. Hôm đó cũng là ngày mà, ở một nơi trên đất nước tôi, lương tri con người đã bị khai tử.

@ Trí Việt News

 

302600cookie-checkSài Gòn, ngày 8-5-2016