Sunday, May 19, 2024
HomeBình Luận-Quan ĐiểmBài học từ Ukraine (6): Các đại dương đã trở thành chiến...

Bài học từ Ukraine (6): Các đại dương đã trở thành chiến trường của các công nghệ mới 

Cù Tuấn

– Cù Tuấn biên dịch bài viết trên The Economist.

Tóm tắt: Ukraine đã đẩy lùi Hạm đội Biển Đen. Nhưng máy bay không người lái dùng trong hải quân có thể là không đủ để đánh bại Hạm đội này.

Chuẩn Đô đốc James Parkin, giám đốc phát triển của Hải quân Hoàng gia Anh cho biết: “Bên nào có hạm đội lớn hơn sẽ giành chiến thắng.” Ông cho biết trong số 28 trận chiến trên biển, các hạm đội lớn hơn đã thắng 25, chỉ thua 3 trận. Khi Nga xâm lược Ukraine năm ngoái, Nga có khoảng 20 tàu chiến ở Biển Đen. Hải quân Ukraine hầu như không tồn tại. Vào ngày đầu tiên, Ukraine đã đánh đắm chiếc tàu khu trục nhỏ duy nhất của mình—một chiếc tàu tuần dương gỉ sét từ thời Liên Xô mà phóng viên này đã từng có mặt trên boong tới Odessa—để ngăn nó rơi vào tay quân Nga. Tuy nhiên, cuộc chiến trên biển, giống như cuộc chiến trên đất liền, đã làm đảo lộn các kỳ vọng. Phó đô đốc Oleksiy Neizhpapa, chỉ huy hải quân Ukraine cho biết: “Sau chiến tranh, chắc chắn chúng tôi sẽ viết lại sách giáo khoa. Và chúng tôi sẽ gửi nó đến tất cả các học viện quân sự của NATO.”

Bước ngoặt xảy ra vào ngày 14 tháng 4 năm 2022, khi Ukraine đánh chìm tàu tuần dương Moskva, một chiến hạm của Nga, và đây là tổn thất tàu chiến lớn nhất kể từ chiến tranh Falklands năm 1982. Hạm đội Biển Đen nhanh chóng di chuyển lùi lại và vẫn còn cách bờ biển Ukraine 100-150 hải lý, Đô đốc Neizhpapa nói. Việc này đã loại bỏ mối đe dọa về một cuộc tấn công đổ bộ vào Odessa: các chướng ngại vật chống tăng từng được bảo vệ trên các con đường của thành phố này đã bị gạt sang một bên và binh lính phòng thủ Odessa được gửi đến các khu vực khác của mặt trận. Và nó đã mở đường cho một thỏa thuận vào tháng 7, theo đó Nga đồng ý để Ukraine tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc. Điều này không chỉ giúp Ukraine, 70% thương mại trước chiến tranh của họ đi qua Biển Đen, mà còn giúp cả các nước chưa phát triển có thể nhập khẩu ngũ cốc.

Không có gì mang tính cách mạng trong chiến dịch đánh chìm tàu Moskva. Niklas Granholm của FOI, cơ quan nghiên cứu quốc phòng của Thụy Điển, cho biết: “Đối với tôi, nó cho thấy tầm quan trọng của tên lửa chống hạm trên đất liền, thủy lôi và thông tin tình báo tốt. Tất cả được kết hợp với nhau trong một chiến dịch nhất quán”. May mắn đã đóng một vai trò nào đó: điều kiện khí quyển có thể đã cho phép các radar của Ukraine nhìn xa một cách bất thường. Sự kém cỏi của Nga cũng vậy. Giống như tổn thất lớn về xe tăng của Nga là do chiến thuật kém chứ không phải các thay đổi về công nghệ khiến tấm chắn đạn xuyên thấu trở nên lỗi thời, vì vậy tàu Moskva là một câu chuyện cảnh báo về việc đã làm đúng những điều cơ bản [nhưng vẫn thất bại].

Bị tấn công là một chuyện; không kiểm soát được đám cháy xảy ra sau đó là chuyện khác. Alessio Patalano của King’s College London kết luận: “Kiểm soát thiệt hại vẫn là thước đo chính để đánh giá các tiêu chuẩn hải quân chuyên nghiệp. Vào ngày xảy ra vụ chìm tàu, tôi đã đối mặt với các đồng nghiệp khác làm việc trong quân đội: có phải đây là dấu chấm hết cho ý tưởng đóng các tàu chiến lớn?” Rune Andersen, chỉ huy hải quân Na Uy nhớ lại. “Tôi đã nói là không: đó là dấu chấm hết cho việc sở hữu một tàu chiến 40 tuổi chưa được đại tu và thủy thủ đoàn không được đào tạo mới”. Một tàu chiến mới hơn với hệ thống phòng không tốt hơn và thủy thủ đoàn nhạy bén hơn có thể đã đánh chặn được các tên lửa của Ukraine.

Cuộc đấu của hải quân đang đi vào bế tắc. Ukraine đã đạt được “hành lang trên biển” gần bờ biển của mình, ngăn chặn các tàu Nga đến gần. Nhưng các máy bay chiến đấu của Nga vẫn tự do hoạt động, ngăn cản các tàu hải quân Ukraine xuất kích. Đô đốc Neizhpapa cho biết kết quả là một “khu vực xám” rộng 25.000 km2 ở tây bắc Biển Đen mà không bên nào có thể “di chuyển tự do”. Hạm đội Biển Đen của Nga có được sự an toàn tương đối, áp đặt một cuộc phong tỏa từ xa và thường xuyên phóng tên lửa hành trình Kalibr vào Ukraine. Ukraine có thông tin tình báo tốt về các chuyển động của hạm đội này nhờ Mỹ và Anh, hai nước đã hợp nhất dữ liệu từ vệ tinh và máy bay giám sát. Nhưng Ukraine thiếu các tên lửa có đủ tầm bắn để tấn công những gì nó nhìn thấy. Điều đó đã buộc Ukraine phải chuyển sang các phương tiện khác.

Một đặc điểm nổi bật của cuộc chiến là việc Ukraine sử dụng các tàu nổi không người lái (USV), về cơ bản là các tàu được điều khiển từ xa, để tiếp cận các vùng biển do Nga kiểm soát. Vào tháng 10 và tháng 11, chúng được triển khai cùng với các máy bay không người lái để tấn công Sevastopol, trụ sở của Hạm đội Biển Đen của Nga và một kho chứa dầu ở Novorossiysk, một cảng của Nga. Các cuộc tấn công khác đã diễn ra sau đó, bao gồm một cuộc tấn công thành công lớn vào một tàu do thám gần biển Bosporus vào ngày 24 tháng Năm. Ukraine vốn đã có truyền thống chuyên cướp bóc bằng đường biển từ nhiều thế kỷ trước.

Phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn đã sử dụng một chiếc USV để tấn công một tàu khu trục nhỏ của Ả Rập Xê Út vào năm 2017. Mỹ đã thử nghiệp những chiếc thuyền không người lái ngay từ những năm 1940. Nhưng các thiết bị điện tử hiện đại, trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ và thông tin liên lạc vệ tinh phổ biến – trong trường hợp của Ukraine thông qua Starlink – đã tạo ra những chiếc USV kiểu dáng đẹp, ít bị radar chú ý hơn và có khả năng điều hướng và tìm mục tiêu trong khoảng cách xa. Hải quân Ukraine không thể ngang bằng với Hạm đội Biển Đen. Nhưng Ukraine có thể phá hoại các cảng và hậu cần của hạm đội này.

Đô đốc Neizhpapa nói: “Máy bay không người lái là yếu tố rất quan trọng trong chiến tranh của chúng tôi hiện nay. Chiến tranh của tương lai là cuộc chiến của máy bay không người lái.” Ông nói thêm rằng Ukraine đang vừa học vừa làm. “Không có quốc gia nào khác có nhiều kinh nghiệm sử dụng máy bay không người lái hải quân như Ukraine.” Liệu điều đó có đủ để phá vỡ sự phong tỏa của Nga hay không là một câu hỏi khác. Một cuộc đột kích vào Sevastopol vào tháng 3 dường như đã bị đẩy lùi, với một chiếc USV bị một thiết bị nổ chặn lại và hai USV khác bị súng máy tiêu diệt. Không phải USV nào cũng vượt qua được hàng phòng thủ của Nga. Nhưng công nghệ này đang chứng tỏ bản thân trên một mặt trận âm lãnh khác của cuộc hải chiến.

Vào ngày 26 tháng 9 năm 2022, các vụ nổ đã xé toạc đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 từ Nga đến Đức qua Biển Baltic. Thủ phạm vẫn chưa biết là ai. Nhưng các sự cố đã nhấn mạnh tính dễ bị phá hoại của cơ sở hạ tầng chìm dưới nước. Theo các quan chức an ninh Mỹ và châu Âu, việc do thám các dây cáp và đường ống của Nga đã có từ nhiều thập kỷ trước, với nguồn lực dồi dào và cường độ ngày càng tăng.

Vào tháng 4, một bộ phim tài liệu của Scandinavia đã tiết lộ chi tiết về một hạm đội tàu Nga, cải trang thành tàu đánh cá và tàu nghiên cứu, hoạt động ở Biển Bắc. Một trong những con tàu đó, Đô đốc Vladimirsky, bị phát hiện gần bảy trang trại điện gió ngoài khơi bờ biển Anh và Hà Lan trong một chuyến đi. Khi các nhà báo đến gần, họ được các tay súng đeo mặt nạ chào đón.

Các quan chức hải quân thừa nhận việc bảo vệ từng inch dây cáp hoặc đường ống dẫn khí đốt là không thể. Nhưng máy bay không người lái là một phần của câu trả lời. Sau các cuộc tấn công vào Nord Stream, các chính phủ châu Âu đã khẩn cấp vạch ra các mối đe dọa tiềm tàng. Đô đốc Andersen cho biết Na Uy đã tiếp cận với các công ty tư nhân hoạt động ngoài khơi trong các hoạt động như dầu khí. “Chúng tôi đã có một ngành công nghiệp có tinh thần trách nhiệm cao và sẵn sàng đóng góp.”

Trong vòng vài ngày, Na Uy đã có 600 máy bay không người lái tiên tiến dưới biển, một số được điều khiển từ xa và một số khác hoạt động tự động. Làm việc với Anh, Đan Mạch, Đức và Hà Lan, những cơ sở hạ tầng khí đốt này đã được càn quét “từng inch” trên 9.000 km vuông của cơ sở hạ tầng ngầm của khí đốt, trước khi chuyển sang kiểm tra cơ sở ngầm của cáp điện và cáp dữ liệu. Dự án cho thấy công nghệ đã từng thẩm thấu từ thế giới quân đội vào thế giới dân sự giờ đây có thể thẩm thấu ngược lại. Vào ngày 15 tháng 2, NATO đã thành lập một đơn vị điều phối cơ sở hạ tầng quan trọng dưới biển mới để khuyến khích những việc hợp tác phòng thủ như vậy.

Hành vi phạm tội là một vấn đề khác. Nghịch lý là các quốc gia giúp Ukraine xây dựng các hệ thống như vậy – thường là hoàn toàn tuyệt mật – và cung cấp cho Ukraine thông tin tình báo cần thiết để sử dụng chúng một cách hiệu quả, chẳng hạn như bản đồ cập nhật về khả năng gây nhiễu của Nga, lại bị hạn chế khả năng phát triển của chính công nghệ đó ở quê nhà của họ. Đô đốc Parkin than thở: “Những điều mà một công ty Anh tài trợ bằng tiền đóng thuế của người dân Anh và được các sĩ quan quân đội Anh điều hành nhằm hỗ trợ cho Ukraine, thì tôi lại không thể làm được ở Anh vì các quy định thời bình tại Anh cấm làm điều đó”.

Các nhà chức trách hàng hải châu Âu không muốn các máy bay không người lái đi lạc vào vùng biển dân sự. Điều đó ngăn cản lực lượng hải quân huấn luyện và thử nghiệm một cách táo bạo nhất có thể. Đáng tiếc cho vị đô đốc đầy tham vọng Parkin. “Đặc biệt, chúng ta đang ở một thời điểm mà các tàu nổi không có người lái đang hoành hành trên biển, điều này tương đương với việc một người cầm cờ đỏ chạy ngang qua trước mũi một chiếc ô tô.”

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular