HomeBình Luận-Quan ĐiểmNói tiếp về vấn đề "quốc gia". 

Nói tiếp về vấn đề “quốc gia”. 

Nhân Tuấn Trương

Tranh cãi về “Đài loan có phải là một quốc gia độc lập” hay không từ hơn chục năm trước đến nay đã có câu trả lời. Nếu Đài loan đã là một “quốc gia độc lập” thì TQ đã không cần phải ra các bộ luật, kiểu “Luật Chống ly khai”, hay luôn “dằn vặt” Mỹ và các quốc gia trên thế giới về nguyên tắc “hai bờ eo biển Formosa thuộc về một nước Trung hoa duy nhứt”.  

Tranh cãi này xuất hiện sau khi cá nhân tôi đề xuất, khoảng năm 2000, ý kiến “VNCH và VNDCCH không phải, hay chưa phải là các quốc gia độc lập, có chủ quyền”. Theo tôi “VNCH và VNDCCH là hai quốc gia chưa hoàn tất (Etat Partiel)”. Các thí dụ tương tự Nam-Bắc Hàn, Đông-Tây Đức, Đài loan-Lục địa đều được so sánh và phân tích. 

Quốc gia chưa hoàn tất, kiểu Đài loan, không phải (hay chưa phải) là quốc gia. Mặc dầu từ cấu trúc nội bộ của Đài loan thể hiện đầy đủ bản chất của một quốc gia độc lập. Nhưng khi một “thực thể chính trị chưa xác định được tư cách pháp lý” thì thực thể này không phải (hay chưa phải) là đối tượng của luật quốc tế. 

Không phải là đối tượng của công pháp quốc tế thì các hành vi thể hiện của “thực thể chính trị chưa xác định tư cách pháp lý” này không có hiệu lực, hay hiệu lực bị yếu đi, trước ánh sáng của Công pháp quốc tế.  

Lập luận này của tôi đề ra nhằm “hóa giải” bớt hiệu lực công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng. 

Điều đáng tiếc là các cơ quan truyền thông báo chí, trong nước cũng như hải ngoại, đã luôn hành động theo qui tắc “đường một chiều”. Mọi tiếng nói phản biện về lập luận VNDCCH và VNCH là hai quốc gia độc lập có chủ quyền đều bị ngăn chặn. Điều này đã xảy ra từ BBC, VOA, RFA… đã hơn 10 năm rồi. Không biết các “chủ bút” của các trang “truyền thông” này hôm nay đã có nhận thức về hiện trạng của Đài loan hay chưa ? 

Đài loan – Lục địa, cũng như Nam-Bắc VN hay Nam-Bắc Hàn và Đông-Tây Đức… là những “quốc gia bị phân chia”. Mỗi trường hợp các bên có một “hoàn cảnh pháp lý” khác nhau. Trước 1972, tư cách pháp nhân của Đài loan vẫn chưa xác định. Quan điểm của Mỹ, Anh… cho rằng Đài loan là một “vấn đề quốc tế”. 

Một vấn đề quốc tế là một vấn đề  có thể được tranh luận và giải quyết bởi một cơ quan quốc tế hoặc bởi các cường quốc sở hữu các danh nghĩa pháp lý cần thiết cho mục đích này. Cho đến rất gần đây, tình trạng của Đài Loan đã thể hiện sự đặc biệt này.

Mỹ (và Anh) cho rằng các Tuyên bố Cairo và Potsdam chỉ là các tuyên bố về “ý định”, không có hiệu lực pháp lý ràng buộc. Hòa ước San Francisco 1951 không xác định Đài loan sẽ giao cho ai. Mỹ vịn lý do “đổ xương máu đánh Nhật giành lại Đài loan không phải nhằm phục vụ cho lợi ích của Trung hoa”. Với lập luận này Mỹ có quyền “can thiệp” vào vấn đề Đài loan. Chuyện này kéo dài cho tới 1972. Từ năm 1972 tư cách pháp nhân của Đài loan được xác định và Đài loan và lục địa cùng thuộc về “một Trung hoa”. 

Áp dụng cho trường hợp VN. Mỹ và các quốc gia đồng minh đánh Nhật cũng không nhằm mục đích giao nó cho chính phủ Trần Trọng Kim hay trả cho Bảo Đại. 

Tên gọi VN không hề được nhắc tới trong các văn bản quốc tế. Tại sao Đại hàn được Đồng minh nhìn nhận quyền độc lập (ghi trong Hòa ước San Francisco 1951) mà VN thì không ? 

Sau khi Nhật đầu hàng, đế quốc này chấp nhận yêu sách của phe thắng trận là phải từ bỏ tất cả các lãnh thổ chiếm đóng trước đó. Đồng thời các “nhà nước” do Nhật giàn dựng lên (kiểu Đế quốc VN của Bảo Đại) thì không được nhìn nhận.  

Đế quốc VN của Bảo Đại, ngoài Nhật, thì không có quốc gia nào công nhận hết cả. 

Vậy “chủ quyền” của VN sau 1945 trả lại cho ai ? Tư cách pháp nhân của VN trong khoản thời gian 45-54 là gì ? Sau 1954 đất nước phân chia, tư cách pháp nhân của VNCH và VNDCCH là gì ? Ta có thể tìm thấy câu trả lời từ Hiệp định Genève 1954 và Hiệp định Paris 1973. 

Phe “Quốc gia”, đối chọi với phe cộng sản, thời 1940-1975 ít có người thông hiểu luật pháp quốc tế. Đại đa số lãnh tụ chính trị là bác sĩ. 

Chí có GS Nguyễn Ngọc Huy, tiến sĩ Luật tốt nghiệp ở Pháp, lãnh tụ Tân Đại Việt, mới nhìn ra được yếu tố “phe Việt Minh là đồng minh của Đồng minh trong thế chiến thứ hai”. Yếu tố này đưa đến việc Bảo Đại trao quyền cho ông Hồ. Cũng chí có GS Huy là người duy nhứt thông hiểu được hệ quả “Debellatio” trong Thế chiến thứ hai. Bảo Đại thoái vị vì lo sợ “bị xử” chung với Nhật. GS Huy cũng cho rằng nhờ đó mà VM “có chính danh pháp lý”. 

Vì điều này mà tôi đã có bài viết phê bình hành vi của Bảo Đại là “ngu xuẩn”. Đối với dân tộc VN, khi giao ấn kiếm đại diện chủ quyền VN cho Việt Minh, tội Bảo Đại rất lớn, vì đã gián tiếp đưa cả dân tộc VN vào gông cùm CS. Còn đối với dòng tộc triều Nguyễn, Bảo Đại mang tội gì là chuyện nội bộ của họ. Vấn đề là Bảo Đại có thẩm quyền chấm dứt triều đại nhà Nguyễn như vậy hai không ? 

Chuyện trớ trêu khác, 1949 Bảo Đại lại được Pháp chọn để làm “quốc trưởng” của Quốc gia VN. Phe “Quốc gia” lại ủng hộ “giải pháp Bảo Đại”. 

Bảo đại đã giao ấn và kiếm cho đại diện VM rồi, giao giang sơn nhà Nguyễn cho chính phủ của ông Hồ rồi. Bảo đại không có tư cách (lẫn chính danh) để nhận ngôi vị Quốc trưởng từ tay Pháp. Bởi vậy CSVN có lý do để gọi VNCH là “ngụy”. 

Càng ủng hộ Bảo Đại và chính phủ Trần Trọng Kim là càng khẳng định tính “chính danh pháp lý” của Việt Minh. Điều này tự nhân VNCH là “ngụy”. 

Ý kiến của tôi nào giờ là phải phủ nhận tính chính đáng của mọi tuyên bố của Bảo Đại năm 1945. Có vậy mới phủ nhận được tính “chính danh pháp lý” của CSVN đồng thời phủ nhận tiếng “ngụy” gán ghép cho VNCH.

Chuyện lịch sử của “phe Quốc gia” còn (rất ) dài mà hơn 70 năm qua dường như vẫn là điều cấm kỵ. 

Không ai dám nói. Mà nếu có nói thì chỉ nói một chiều. Không một cơ quan truyền thông nào dám tổ chức một buổi “nói chuyện” để các phe có dịp bày tỏ ý kiến của mình. 

Tất cả cũng là người VN. Tất cả đều “độc quyền chân lý”. Bên nào cũng vậy hết.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here