Saturday, July 27, 2024
HomeDU LỊCHBLOGCAIRO và NGOẠI Ô AI CẬP – Phần 2

CAIRO và NGOẠI Ô AI CẬP – Phần 2

Giao Thanh Pham

(Tập thứ 55a)

Ai Cập, như một vài quốc gia khác bên Trung Đông, không có cái may mắn ngồi trên một đống mỏ dầu hỏa như Saudi Arabia nên nghèo nàn lắm. Tuy Ai Cập cũng có mỏ dầu nhưng nhỏ và không nhiều đủ để xuất cảng bán ra thế giới. Họ chỉ có đủ dầu để tiêu dùng trong nước, bởi vậy giá xăng của Ai Cập tương đối rất rẻ, khoảng $1.25/gallon. 

Mặc dù xăng rẻ như thế cũng không đủ để đem cuộc sống của người dân thoát ra khỏi cảnh nghèo. Bên cạnh đó, Ai Cập là một đất nước nằm trên những vùng đất cát sa mạc mênh mông, chẳng trồng trọt gì được, lượng nước mưa lại rất ít hàng năm nên cho dù có đất trồng trọc đi chăng nữa thì Ai Cập cũng chẳng đủ nước để tưới. Nguồn nước ngọt mà họ dựa vào 100% chẳng có gì khác ngoài giòng sông Niles.

Chả thế mà lừa là giống vật mà người dân ở nông thôn của Ai Cập lệ thuộc vào trong hầu hết mọi công việc nặng nhọc vậy mà cỏ cũng không đủ ăn nên chúng chỉ lớn gấp đôi con chó Bẹc Giê mà thôi. Cũng vậy, dê và cừu ở đây cũng nhỏ hơn bình thường. 

Người dân Ai Cập luôn phải sống chung với cát không trốn đi đâu được. Cát ở đây là loại cát rất mịn, chúng bay mù mịt khắp nơi, phủ lên thành phố một lớp bụi mờ mờ mà khi đi ra khỏi thành phố, ở trên những ngọn đồi cao mới thấy nguyên cả cái thành phố được bao phủ bởi một lớp bụi mờ nhìn như sương mù buổi sáng mà lại có màu vàng nhìn như khói bao phủ khắp nơi.

Phương tiện đi lại gần gần ở Cairo chủ yếu là một loại xe nhìn như chiếc xe Lambretta thời trước 1975 nhưng nhỏ hơn vài lần, nhỏ xíu, chỉ chở được 3 người khách, 2 người ngồi phía sau và một người ngồi bên tài xế. Họ chui lòn và lạng lách rất khéo giữa những đoàn xe đông đảo như chạy xe gắn máy bên Việt Nam, mà đúng vậy, đây là xe gắn máy có gắn cái thùng và một băng ghế duy nhất ở đàng sau để chở người. Loại xe này leo cả lên lề chạy và băng qua đường nhảy lên cả những con lươn chặn xe giữa đường.

Ai Cập là một quốc gia có tới 90% dân số theo Hồi Giáo nên việc người phụ nữ ăn mặc ngoài đường vẫn còn là vấn đề kỳ thị và đè nén trong con mắt quốc tế. Phụ nữ khi ra đường phải trùm kín từ đầu đến chân, chỉ được để hở 2 con mắt và 2 bàn tay mà thôi. Tuy nhiên, có một số phụ nữ Egypt không chấp nhận việc này và họ mặc quần áo như chung ta thường mặc, đầu cuốn một cái khăn mà thôi, số rất ít còn lại thì ăn mặc như bình thường, chẳng hiểu sao vẫn được chấp nhận. Các bé gái, khi đến tuổi 10-11 thì đã bắt đầu được cha mẹ huấn luyện ăn mặc trùm bó kiểu này. Hầu hết phụ nữ ở đây tự nguyện ăn mặc như thế.

NGHÈO ĐÓI và LẠC HẬU ở AI CẬP là CHUYỆN CÓ THẬT.

Dân chúng Ai Cập nghèo kinh khủng, nếu so với dân Việt Nam trong nước phải nói là thua rất xa. Nếu nói là vào năm 2023 mà cuộc sống của người dân Ai Cập chỉ ngang ngửa với Việt Nam của 3, 4 thập niên trước, thật không nói quá. Thử tưởng tượng, một tháng đi cày mang về được $125.00 mà tiền thuê nhà, một căn hộ cao tầng bẩn thỉu đã có giá từ $70.00 đến $100.00 thì còn lại gì để ăn, để mặc và để sinh hoạt. Bởi vậy, đại đa số dân Ai Cập thường phải cày 2 jobs và ăn xin. Ăn xin ở đây không phải là ngồi ở những nơi công cộng với cái cóng lon xin tiền người qua kẻ lại nhưng là chèo kéo và xin tiền từ du khách đến Ai Cập.

Cái vấn nạn chèo kéo xin tiền du khách ở Ai Cập phải nói là kinh khủng đến kinh hoàng. Cũng cùng một kiểu, những bà mẹ bế con thơ, những đứa bé bẩn thỉu, những cụ già lụm khụm, một tay kéo tay du khách, một tay chỉ vào miệng với vài chữ tiếng Anh duy nhất được dạy “hungry, hungry, food, food”. Điểm hết sức đặc biệt ở đây là, hễ đã cho họ rồi là họ sẽ nhất định đeo bám theo và xin … thêm. Càng cho nhiều, họ càng đeo bám theo xin thêm tợn hơn nữa, làm như đã tìm thấy được kho bạc cần phải đào cho sạch.

VỊ THẾ của PHỤ NỮ TRONG XÃ HỘI AI CẬP.

Đa số, nếu không muốn nói là có tới 95% các loại công việc buôn bán, tiếp xúc qua lại ngoài xã hội ở Ai Cập đều do đàn ông quán xuyến. Người Ai Cập vẫn giữ quan niệm, nơi chốn sinh hoạt của người phụ nữ là ở nhà, ở nhà trông con, nấu nướng và dọn dẹp. Những sinh hoạt ngoài đường và ngoài xã hội không thuộc về họ. 

Như các quốc gia nghèo khác trên thế giới, người dân Ai Cập ở những địa điểm, ở những thành phố du lịch chỉ trông mong vào tiền đến từ du khách bất kể hoạt động gì nhưng xin tiền vẫn là chủ yếu. Ai cũng xin, từ anh porter khuân vác cho đến anh nài ngựa thuê chở du khách đi dạo chơi trên phố. Ai cũng xòe tay xin tiền, tiền đô cũng lấy, tiền Euro cũng lấy và lẽ dĩ nhiên tiền pound của Ai Cập cũng không chê.

Chuyện muôn đời không thay đổi đó là việc xữ dụng trẻ em để tạo lòng thương xót mà xin tiền là điều không thể tránh khỏi. Ai Cập nghèo đến độ việc xử dụng sức lao động của trẻ con là không thiếu, nhất là việc buôn bán những thứ đồ lưu niệm rẻ tiền và xin ăn ở những khu du lịch. 

Ở tất cả các khu thắng cảnh nổi tiếng, thì việc buôn bán chèo kéo lửa đảo là không thể thiếu. Du khách thường phải đi qua một khu vực dài mà hai bên là những cửa hàng bán đồ lưu niệm, quần áo, mũ nón và đủ thứ tượng ảnh của Ai Cập. Họ chèo kéo kinh lắm và luôn mồm, one dollar, one dollar rồi dúi vào tay du khách những món đồ tương đối có giá trị, lẽ dĩ nhiên là hơn one dollar. Đây chỉ là cái bẫy, một khi người du khách tỏ vẻ thích thú hỏi thêm, là kể như rồi, giá cả của các món hàng đó vọt lên 5 hay 10 hoặc 20 dollars ngay và luôn. Không mua, dứt ra cũng khó.

Cưỡi lạc đà để chụp hình quanh những khu vực Kim Tự Tháp là chuyện mà du khách nào đến Ai Cập cũng muốn làm. Vấn đề trả tiền đúng giá cho những dịch vụ đó lại là chuyện khác. Họ lừa đảo bằng cách ra gía một đàng, sau khi leo lên lưng lạc đà rồi thì sẽ có giá khác cao hơn mới được … leo xuống là chuyện hoàn toàn khác, vì chỉ khi nào con lạc đà được ra dấu phải quỳ xuống thì du khách mới có thể leo xuống được, chưa kể đến cái Smart Phones của bạn đang nằm trong tay của tên môi giới quay dùm bạn. Leo lên xe thổ mộ cũng không khác. Riêng đám nài ngựa xe thổ mộ thì còn một chiêu trò mới, đó là … à mà thôi, để khi khác kể tiếp.   

Bất kỳ một nơi thắng cảnh nào ở Ai Cập mà du khách kéo đến, đều phải trải qua cảnh tượng này. Chỉ có một cách duy nhất là cắm cúi đi thẳng, không quay ngang liếc dọc, có thích cũng không được ngó vào bất kỳ thứ gì chỉ trừ khi bạn thực sự muốn mua và can đảm dám kỳ kèo giá cả. Quần áo, khăn quấn cổ và các mặt hàng lưu niệm là những thứ được bày bán nhiều nhất bên cạnh những cửa hàng bán đồ ăn hay thức uống.     

Sinh hoạt ở thôn quê còn nghèo nàn kinh khủng hơn thế nữa. Ở thế kỷ thứ 21 mà phương tiện chuyên chở của người dân ở các làng quê Ai Cập chủ yếu vẫn dựa vào LỪA và NGỰA. Có đủ loại xe lừa xe ngựa nhưng đa số vẫn là những cái rờ mọc thùng ở phía sau được kéo bởi những chú lừa nhỏ xíu.

Đi lại cũng thế, nhiều nhất là những loại xe van nhỏ xíu với mấy hàng ghế, chở được độ chục người ngồi chật chội ôm sát vào nhau. Xe khách nhỏ loại này không hề có bến bãi cũng chẳng có điểm đến mà tôi ngồi mục kích để tìm hiểu cả nửa tiếng đồng hồ vẫn không hiểu được họ làm thế nào để biết chiếc nào đi đoạn đường nào ở Ai Cập. Dân đứng đường dùng bàn tay duỗi thẳng là muốn đón xe đi thẳng. Cong chỉ qua bên phải là muốn đón xe quẹo phải và ngược lại. Không thể nào hiểu nổi là khi nào thì quẹo và quẹo xong thì sẽ đi đến đâu. Hỏi, chả có ai nói được tiếng Anh để giải thích đủ hiểu …

Lạc đà, nắng, gió và cát.

BẨN THỈU và … DƠ DÁY.

Rác và bụi cát có mặt khắp nơi và trên từng cây số. Nước chảy vào những nhánh sống nhỏ và các con lạch ở Ai Cập cũng thế, rác khắp nơi, nhiều nhất được xả xuống các kênh lạch và những con sông nhỏ có màu xanh lam và xanh đậm nhìn đến kinh hồn, dơ hơn kênh nước đen và kênh Nhiêu Lộc ở Sài Gòn. Việt Nam chả là cái đinh gì khi so về độ bẩn thỉu và dơ dáy ở các làng quê Ai Cập. Chả hiểu quần áo họ ăn mặc cảm thấy thế nào khi họ giặt xong phơi trên những cái giàn phơi ngoài sân hoặc trên ban công hay ngoài cửa sổ của các căn hộ, bởi bụi cát mù mịt tung bay khắp nơi, chắc chắn sẽ bám cả vào quần áo.

Sợ nhất là những tiệm bán bánh bình dân (bakery) ở 2 bên đường. Họ nướng bánh xong, xếp vào những cái khay, để lên những cái kệ và đẩy ra ngoài vỉa hè phơi mình trong gió bụi. Chỉ có những loại bánh ngọt kha khá tí thì người ta mới có miếng nylon che bánh, những loại bánh có đường, dễ bám bụi, còn bánh mì và loại bánh Naan thì miễn. Bánh Naan được bán nhiều nhất ở Ai Cập chấm với các loại humus xay nhuyễn ăn khá ngon.

Ở trung tâm thành phố, có những khách sạn 5 sao rất sang to hơn những cung điện khổng lồ vài trăm lần, có lẽ do đất sa mạc phì nhiêu, muốn bao nhiêu chả được. Những khách sạn loại “cung điện hoàng gia” mang tên InterContinental hay Triump đều thuộc dạng này được xây dựng ở khắp các thành phố, các khu du lịch trên đất Ai Cập. Hình ảnh chụp không thể mô tả được sự to lớn và vĩ đại của chúng. Chuyện bỡ ngỡ đi lạc trong khách sạn là điều hiển nhiên và tất cả đều có những nhà hàng sang trọng nằm sẵn trong đó để phục vụ du khách tứ A đến Z. Sự tương phản giữa giàu và nghèo phải nói là những hình ảnh đậm nét ta có thể thấy rất rõ ở Ai Cập.

Cuộc sống ngày hôm nay phát xuất từ cuộc xuống đường lật đổ chính quyền của giới trẻ Ai Cập vào ngày 25 tháng 1 năm 2011 chính là sự hình thành bắt chước theo khuôn mẫu của cuộc cách mạng Hoa Lài ở Tunisia vào tháng 12 năm 2010. Người dân muốn đứng lên chống đối tham nhũng, hối lộ và áp bức từ chính quyền. Nó đẩy lùi cuộc sống của người dân Ai Cập xuống vài chục năm, mạc dù trước đó họ vốn … đã nghèo.

(Còn tiếp)

Hình chỉ có tính minh quạ và không liên quan đến bài viết … 

https://www.facebook.com/giao.pham.127/posts/pfbid02npR16dcYsQdZM7G4kRskWQn3PkngQD3Eh1NkZPwbZbfYpYo68xnXgi38LxVFstCnl

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular