Saturday, July 27, 2024
HomeVĂN HOÁ NGHỆ THUẬTVIẾT CHO NHỮNG NGÀY 30 THÁNG 4 TRÊN ĐẤT NƯỚC TÔI

VIẾT CHO NHỮNG NGÀY 30 THÁNG 4 TRÊN ĐẤT NƯỚC TÔI

Cô giáo Nguyễn Thị Tịnh Thy : 

… Viết cho người nằm xuống, viết cho người đứng lên, viết cho người ra đi, viết cho người ở lại… viết cho cả những nỗi niềm đầy ngang trái cứ ngoáy vào vết thương lịch sử…

   THƯA MẸ VIỆT NAM,

   Mẹ ơi!

   Khi Cha nói với Mẹ rằng

   Ta là giòng giống của Rồng

   Nàng là giòng giống của Tiên

   sống với nhau hoài không đặng

   Sao Mẹ không nhắc Cha câu gừng cay muối mặn

   Sao Mẹ không trả lời Cha

   Đi mô đem thiếp đi cùng

   đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp theo

   Khi Cha bảo Mẹ đem năm mươi con lên núi

   Sao Mẹ không trả lời Cha

   Lấy chồng thì phải theo chồng

   chồng đi đường rắn đường rồng cũng theo

   Khi Cha hứa với Mẹ nếu gặp khó khăn

   Nàng hãy cùng các con gọi to về biển

   Sao Mẹ không trả lời Cha

   Chúng ta thà no đói có nhau

   râu tôm nấu với ruột bầu

   thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn

   Sao Mẹ chấp nhận để một trăm đứa con phải chia ly đôi ngả

   Để cuống rốn chúng con bị cắt đứt làm hai

   Sao Mẹ chịu khổ đau một mình mà không nói với ai

   dắt díu năm mươi con đi lên miền núi thẳm

   để năm mươi thiếu vắng hơi mình

   Ước chi ngày xưa Mẹ cứ bên Cha cho trọn nghĩa tình

   dù vất vả đắng cay

   dù chịu nhiều cơ cực

   nuôi chúng con bằng nước sông Hồng

   với cơm tấm, ổ rơm

   bên ướt Mẹ nằm…

   Để đêm đêm dưới ánh trăng rằm

   Chúng con được nghe lời Mẹ dạy

   Rằng anh em như thể tay chân

   Chị ngã em nâng

   Gà cùng một mẹ…

   Chúng con lớn lên

   Cách núi ngăn sông

   Xa mặt cách lòng

   Năm mươi đứa xa cha như nhà không nóc

   Năm mươi đứa thiếu mẹ quên chín chữ cù lao

   không biết quý câu một giọt máu đào

   bao bận nồi da xáo thịt

   Chúng con chia nhà Mẹ thành hai ngõ

   ngõ Đàng Ngoài và ngõ Đàng Trong

   ngõ bên này và ngõ bên kia sông

   Vì danh lợi

   vì tiền tài

   vì nhiều điều khác nữa

   mà có ngày xem nhau là nước lửa

   Rồi bất hiếu bàn nhau

   rạch ngang mình Mẹ

   cầu Hiền Lương đè nặng buồng tim

   Mẹ ở đâu giữa hai miền Bắc Nam

   Khi bao con gái của Mẹ hóa thành hòn vọng phu

   bao con trai thành chiến sĩ trận vong hoặc thành liệt sĩ

   Dẫu ở bên nào

   cũng đều là con Mẹ

   tàn hại lẫn nhau

   Đứa nào cũng nói trước nói sau

   là vì muốn chấm dứt nỗi đau

   vì muốn giúp Mẹ được nối liền thân ngọc

   nên đứa nào cũng súng gươm hằn học

   trút xuống đầu nhau vô số nỗi tai ương

   Làm sao có thể nối liền vết thương

   bằng phát súng nhát gươm

   chứ không phải bằng sợi chỉ

   sợi chỉ dài se từ những tình thương

   Nhân danh gì mà chúng con ngợi ca

   hoặc chì chiết sự sống lẫn cái chết của nhau

   Nhân danh gì mà gọi nhau là địch

   đếm xác anh em xây thắng lợi cho mình

   Ai cũng nói là yêu Mẹ với tất cả tâm tình

   Ai cũng bảo là hoàn toàn vì Mẹ

   Càng yêu Mẹ nhiều càng phải giết anh em?

   Mẹ có ngờ đâu

   các con lớn khôn

   không muốn hát câu nhiễu điều phủ lấy giá gương

   không muốn hát câu bầu ơi thương lấy bí

   mà thích hát trên những xác người

   Chúng con hát trên những xác người bài hát hân hoan

   Chúng con say sưa ngợi ca lý tưởng của mình

   không nghĩ đến Mẹ thế nào khi nhìn anh em con chém giết

   Chẳng có ai cần biết

   Mẹ ở đâu trong những trận tương tàn

   trong tiếng súng đêm ngày dội về đinh tai nhức óc

   Mẹ đứng ở trời Nam để ngóng về đất Bắc

   hay đứng giữa dòng Bến Hải

   lấy nước sông làm dịu nỗi xót lòng…

   Mẹ sinh ra chúng con trong cùng một bọc

   Những tưởng để thương nhau

   Đâu nghĩ đến ngày sau

   trăm đứa con trai xé nát bọc đồng bào

   xẻ chia thân mẹ

   Mấy trăm năm vết cắt cũ vẫn còn

   Mấy mươi năm vết xẻ mới vẫn chưa liền sẹo

   Trăm đứa con vẫn còn đi muôn nẻo

   trăm tấm lòng vẫn chưa hết hờn căm

   Ai cũng nói cuộc đời có bao lăm

   mà chẳng ai chịu nhường ai một bước

   Cũng là một từ đất nước

   mà trong một ngày

   có người gọi là giải phóng quê hương

   có người kêu là ngày quốc hận

   Rồi kẻ cười người khóc

   người đoàn tụ kẻ biệt ly

   người hồ hởi đeo huy chương đứng trước máy truyền hình

   kẻ uất hận nuốt tủi hờn trong bóng tối

   Hơn bốn mươi năm rồi

   chưa một ai nói với Mẹ là chính mình có lỗi

   mà chỉ chực chờ đổ lỗi cho nhau

   Mẹ ơi!

   Ngang trái trái ngang

   hận thù thù hận

   khổ đau đau khổ

   vòng luẩn quẩn không cởi ra mà càng thít chặt

   Đường đời lắm thương đau

   nhiều gập ghềnh lắt lẻo

   chẳng có đứa con nào chịu nắm tay Mẹ dắt

   nên đã lạc lối lầm đường

   chẳng đứa nào chín bỏ làm mười

   nên chúng xát muối vào lòng nhau mỗi khi có thể

   Khép lại lịch sử… vẫn biết là như thế

   Sao chỉ khép với người ngoài

   còn với anh em thì cày đi xới lại

   mát dạ người này thì rát dạ người kia

   Vì sao?

   Vì sao?

   Có phải vì xa cách nhau

   từ cái thuở Mẹ Cha mỗi người mỗi ngả

   nên bây giờ đứa con nào cũng thế

   thích bán anh em xa mua láng giềng gần

   dù không khác máu nhưng vẫn tanh lòng…

   Mẹ đau!

   Mẹ đau!

   Hãy nhắc cho kỹ, nhớ cho sâu

   Khi con hát bài ca chiến thắng

   là khi mẹ dâng trào cay đắng

   Sung sướng chi mà nối liền khúc ruột mình bằng xác những đứa con

   Mẹ có ngờ đâu

   sau khúc khải hoàn

   Con của mẹ thay chiến hào bằng nhà tù khắp chốn

   để giam giữ anh em

   Chiến tranh không còn

   nhưng máu vẫn đổ

   bao nhiêu đứa con Mẹ bị chôn sấp dập ngửa trên rừng vàng

   bao nhiêu đứa chìm sâu dưới biển bạc

   bao nhiêu đứa cập bến rồi vẫn lênh đênh phiêu dạt

   Con rồng cháu tiên, lá ngọc cành vàng

   phải có ngày nâng niu bàn chân thiên hạ

   kiếm đồng tiền nương náu phận lưu vong

   Nuốt oán nuôi thù phục hận long đong đất khách

   như dã tràng xe cát

   Giàu sang thành đạt hiển hách nơi xứ người

   khác nào mặc áo gấm đi đêm

   Xưa Mẹ vọng phu

   bây giờ vọng tử

   héo hon, mòn mỏi

   vọng các con về dưới mái yêu thương

   nơi có những hàng tre xanh mát con đường

   quên hết muộn phiền không còn thù hận…

   Làm sao?

   Làm sao?

   Chúng con có thể cùng nhau

   cúi đầu trước Mẹ

   hóa giải thù xưa nói lời tạ tội

   Để nước mắt thôi rơi

   để tóc Mẹ xanh

   để lòng Mẹ mát

   để vết thương bao nhiêu năm chà xát

   không còn hành hạ Mẹ ngày đêm

  

   Dẫu biết rằng không thể đợi chờ thêm

   Không thể đợi chờ thêm…

   Nhưng…

   Làm sao?

   Phải làm sao?

   Thưa Mẹ Việt Nam?

   Nguyễn Thị Tịnh Thy.

 ——— 

Trong hình là cô giáo Nguyễn Thị Tịnh Thy, Tiến sĩ, nhà lý luận phê bình văn học và cũng là giảng viên khoa ngữ văn của trường Đại học Huế.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular