TRÁI PHIẾU, LUẬT, LỆ & More (P.2)

0
238
HAI CHAU Người dân phản đối, đòi SCB và công ty chứng khoán Tân Việt trả tiền ngay trước Ủy ban Nhân dân TP HCM vào tháng 11/2022

Lý Xuân Hải

II. LUẬT VÀ LỆ

2. 

Bàn một chút về các hành vi bị cấm trong Luật chứng khoán Việt Nam từng giai đoạn.

a. Luật Chứng khoán 2006.

Những năm đầu 2000s thị trường bàn luận về Luật chứng khoán… tôi có tham gia. Theo thông lệ quốc tế chúng tôi ủng hộ và được thuyết phục luật hoá việc ngăn ngừa các hành vi công khai xúi giục, chèo kéo kinh doanh, mua bán chứng khoán trên diện rộng để tránh rủi ro cho nhà đầu tư nhỏ lẻ yếu tài chính thiếu kiến thức.

Sau ra đời Luật Chứng khoán 2006 ở đó:

“Điều 9. Các hành vi bị cấm

2. Công bố thông tin sai lệch nhằm lôi kéo, xúi giục mua, bán chứng khoán hoặc…”

…”

b. Luật CK 2019 

Luật CK sau đó được sửa đổi thành Luật CK 2019. Luật mới có Điều 12 (thay Điều 9):

“Điều 12. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện hành vi gian lận, lừa đảo, làm giả tài liệu, tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin hoặc bỏ sót thông tin cần thiết gây hiểu nhầm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán.”

c. Khác nhau cái gì ở Luật 2006 và Luật 2019?

Câu “Công bố thông tin sai lệch nhằm lôi kéo, xúi giục mua, bán chứng khoán” của Luật 2006 đã bị bỏ không hiểu vì sao??? Tinh thần “không được lôi kéo, xúi giục mua, bán chứng khoán…” của Luật 2006 đã mất.

Luật 2019 đặt nặng vào cấm cung cấp thông tin gian dối thôi. Và khái niệm “… làm ảnh hưởng đến hoạt động … chứng khoán” cực kỳ tù mù!

d. Thông lệ quốc tế thế nào?

Thông lệ quốc tế không cho phép General Solicitation tức xúi giục, gạ gẫm, lôi kéo công khai trên diện rộng kinh doanh mua bán các sản phẩm đầu tư chứng khoán. Ở các Mỹ đó là hành vi nghiêm cấm, bị xử lý hình sự (Rule 502(c) of the Securities Act of 1933, as amended (the “Securities Act”), prohibits an issuer from offering or selling securities by any form of general solicitation or general advertising when conducting certain offerings exempt from registration under the safe harbors provided under Regulation D). Chú ý rằng không nhất thiết phải “cung cấp thông tin sai lệch” mới bị cấm. Xúi giục, gạ gẫm, lôi kéo công khai diện rộng (General Solicitation) kinh doanh mua bán chứng khoán cũng bị cấm.

Regulation D là ngoại lệ cho phép xúi giục, gạ gẫm, lôi kéo với các dự án nhỏ, Start-Up nhưng hạn chế  đối tượng: chỉ với các nhà đầu tư chuyên nghiệp và không mâu thuẫn quyền lợi. Và đặc biệt kể cả khi được phép chăng nữa thì người rủ rê, lôi kéo, xúi giục không được có liên quan gì đến người phát hành. 

Hạn chế xúi giục, gạ gẫm, lôi kéo công khai diện rộng (General Solicitation) chính là để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư không có kinh nghiệm, kém kiến thức hoặc hạn chế sự thông đồng giữa người rủ rê, xúi giục với đơn vị phát hành.

e. General Solicitation là gì?

i. Hình thức: đăng quảng cáo trên báo và tạp chí, trang web công cộng, phương tiện thông tin liên lạc được phát trên truyền hình và đài phát thanh, các cuộc hội họp, chốn đông người nơi những người tham dự được chào mời rộng rãi hoặc quảng cáo rộng rãi, sử dụng một trang web không hạn chế có sẵn công khai cho truy cập, các cuộc gọi ngẫu nhiên chào bán qua điện thoại v.v.

ii. Nội dung: Thông báo công khai việc một công ty đang cần gọi vốn, tìm kiếm nhà đầu tư các cung cấp các chi tiết đầu tư, các điều khoản của thỏa thuận đầu tư hay các thông tin khác để nhà đầu tư ra quyết định.

iii. Việc chào mời có thể là một lời chào bán chứng khoán hay những lời chào mời tạo điều kiện cho việc chứng khoán có thể được chào bán.

f. Luật Chứng khoán 2019 hiện hữu không còn cấm xúi giục, lôi kéo, gạ gẫm mua bán chứng khoán công khai trên diện rộng nữa.

Vì sao thì tôi chịu. Hãy hỏi các nhà làm Luật. Chỉ nhớ hồi ấy có người bạn hỏi ý kiến về luật CK mới, tôi trả lời: Không biết góp ý gì! Hy vọng bạn ấy có đọc bài này.

(Các bạn hiểu Luật thương mại và đầu tư quốc tế chỉnh giúp nếu tôi sai hay lủng củng từ ngữ luật, dịch thuật trong phần này).

III. HIỆN TRẠNG VÀ GÓP Ý

3.

Cuối Q.3 năm 2022 trên thị trường tồn tại khoảng 1,5 triệu tỷ TPDN. Riêng TP DN BĐS chỉ niêm yết hơn 16%. Còn lại là phát hành riêng lẻ. Khoảng 1/3 là của NHTM. Công khai thì 1/3 của DN BĐS và 1/3 DN khác. Nhưng tôi tạm tính ra được rằng TP phát hành cho các giao dịch M&A dự án BĐS sẽ được hạch toán là mua cổ phần, mở rộng sản xuất nên thực chất cho BĐS phải cỡ 1/2 tức 750 ngàn tỷ.

Theo FiinGroup 30% lượng TPDN do cá nhân nắm giữ và 15% do doanh nghiệp không phải NHTM, CTCK, Quỹ nắm giữ. Tức là 45-50% lượng trái phiếu phát hành đang nằm trong tay nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp phi tài chính… những nhà đầu tư không chuyên nghiệp. 

Như vậy quá trình trên thực tế “phát hành ra công chúng” TPDN ở thị trường thứ cấp đã hoàn tất quy mô rộng.

Lỗi của ai tôi thấy không quan trọng lúc này. “Cháy nhà thì mày lo chữa cháy cái đã. Cứ tìm thằng đốt, nhà cháy rụi còn đâu. Ai đốt nhà vẫn còn đó tính sau.” – một ông chú quý mến hay nói.

Quan trọng là tìm nguyên nhân và giải pháp ngăn ngừa thả gà ra đuổi và không làm hỏng thị trường.

Có 3 nguyên nhân:

a. Sự thiếu kiến thức của nhà đầu tư cá nhân/tổ chức không chuyên nghiệp: Các nhà đầu tư, khi mua TPDN từ đại lý phát hành, đã có ai đọc hay đòi hỏi đọc bản cáo bạch và các văn bản mà tổ chức phát hành phải công khai chưa? Rất nhiều người tôi hỏi đã trả lời: chưa! Họ ký vào một hợp đồng mà không biết ký với ai, nội dung gì.

Tôi đọc thấy tá hoả vì các điều kiện phát hành quá dễ dãi, các thoả thuận quá hời hợt và hồ sơ quá thiếu. Thủ tục mua TP tiền tỷ được thực hiện như mua cây kem.

Khi chủ nợ quá dễ dãi với việc cho vay đồng tiền của mình như vậy thì tại sao người đi vay đồng tiền ấy phải chặt chẽ và cẩn trọng trong sử dụng???

Điều ấy diễn ra cả ở Việt Nam lẫn toàn cầu. Đâu phải chỉ bây giờ và đâu chỉ với trái phiếu!

Nguồn tiền dễ dãi sinh ra sử dụng tiền dễ dãi!

b. Quản lý rủi ro chủ quan, nhẹ tay và có cả vì đã lỡ “cưỡi lưng cọp” của một số TCPH a lúc tiền tệ dễ dãi cả trong và ngoài nước trong bối cảnh nguồn tín dụng ngân hàng đang dồi dào chợt bị cắt do lo ngại lạm phát được thay bằng nguồn TP. 

Quả bom Trái phiếu Doanh nghiệp toàn cầu đang phình to đã được cảnh báo từ 2019. Nhưng sự dễ dãi của nguồn vốn TPDN đã làm các nhà đầu tư không biết sợ và huy động vốn tá lả, theo kiểu bắc cầu và một phần Ponzi, bỏ qua rủi ro thanh khoản.

Trời đang mưa có ai rỗi hơi sợ chết khát đâu mà.

c. Sự xúi giục, lôi kéo, gạ gẫm mua bán công khai trên diện rộng của nhân viên các NHTM, các CTCK thông qua bán hàng rất không chuyên nghiệp: Nhân viên một số NHTM và CTCK bán TPDN cũng không hề cung cấp Cáo bạch và các văn bản phát hành kèm theo luật định cùng các cảnh báo, phạm vi tư vấn và rủi ro mà nhà đầu tư đối mặt. Thay vào đó họ cung cấp những thông tin về các mối quan hệ cá nhân và cam kết hay bảo lãnh nội bộ không có văn bản chứng minh và không có giá trị pháp lý, những thông tin tài chính mù mờ không chứng cứ. Bây giờ đến xin vẫn khó được cung cấp đầy đủ. Hoạt động đó là cung cấp thông tin sai sự thật hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin nhằm rủ rê, lôi kéo, xúi giục khách đến gửi tiết kiệm chuyển sang mua TPDN.

Luật CK 2019 không ngăn cấm các NHTM-CTCK làm vậy như đã nêu tại 2. và 3.. Mà Luật không cấm thì được phép làm. Họ có sai đâu!

Là nói luật chuyên ngành. Và tư duy kiểu dân đen.

Còn giở Luật Hình sự ra thì lại là câu chuyện khác với logic khác. Đánh giá các hành vi “rủ rê, lôi kéo” hay “lừa đảo”, “vay không trả được” hay “chiếm đoạt…” phụ thuộc ý chí người thi hành khá nhiều.

4.

Với tình hình hiện nay, đâu đó lan truyền tâm lý rất độc hại: TPDN là rủi ro cao! TCPH là lừa đảo! Các NHTM và CTCK phân phối TPDN bị kết tội tiếp tay lừa đảo!

Thị trường trái phiếu và các thành viên phân phối tạo thanh khoản là cần thiết cho DN và cho cả nhà quản lý thị trường. Tâm lý này có thể giết chết phân khúc tối quan trọng này của thị trường tài chính.

Đầu tư nào cũng rủi ro. 

Lừa đảo, nếu có, không chỉ ở trái phiếu doanh nghiệp. 

Hiện có quan điểm rằng các NHTM đại lý phát hành TPDN thực hiện tư vấn đầu tư không giấy phép và cần truy cứu trách nhiệm, kể cả hình sự. Tôi tin các NHTM này được NHNN cho phép làm đại lý phát hành (không thì NHNN thổi còi ngay). Và theo tôi các NHTM này không hề tư vấn đầu tư! Họ chỉ làm công tác chào bán sản phẩm TPDN theo kiểu xúi giục, lôi kéo, gạ gẫm… bán TPDN cho khách hàng, và không được chuyên nghiệp cho lắm như nêu ở 3.c..

Tư vấn đầu tư là hoạt động bao gồm: Đánh giá nhu cầu, lượng hoá phạm vi chấp nhận (khẩu vị) rủi ro, năng lực tài chính, khả năng chịu đựng và năng lực hiểu biết về đầu tư của khách hàng; Mô tả sản phẩm, thu nhập kỳ vọng và rủi ro đính kèm của sản phẩm tài chính; Đánh giá tư cách, năng lực triển khai kinh doanh và đối phó thách thức, sức mạnh tài chính và dòng tiền, ngành nghề kinh doanh và ảnh hưởng kinh tế vĩ mô, các hình thức đảm bảo và kiểm soát (nếu có) để lượng hoá khả năng thực hiện cam kết và rủi ro của tổ chức phát hành trong tương lai. Trên cơ sở 3 nhóm thông tin đó đưa ra các lời khuyên cấu trúc danh mục đầu tư hay khoản đầu tư của khách hàng thế nào phù hợp nhất. Tất cả cần kèm theo các tài liệu chứng minh. 

Trong đó rủi ro cần được nhấn mạnh: đầu tư luôn gắn với rủi ro. 

Đặc biệt là không được mâu thuẫn quyền lợi.

Dân tư vấn đầu tư chuyên nghiệp đều biết các nguyên tắc ấy.

Bảo hoạt động xúi giục, lôi kéo, gạ gẫm bán TPDN cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ như đã diễn ra ở 1 số NHTM là tư vấn đầu tư là hiểu sai bản chất và là sỉ nhục hoạt động tư vấn đầu tư nghiêm túc.

Nói như vậy không có nghĩa là không cần xem xét phạm vi trách nhiệm NHTM, CTCK khi bán TPDN cho khách hàng. 

Nhấn mạnh là trách nhiệm của NHTM chứ không phải trách nhiệm cá nhân.

Dẫn chiếu các cam kết mà nhân viên nêu ra trong quá trình chèo kéo mua để bắt NHTM-CTCK chịu trách nhiệm có ăn thua? Xin thưa các cam kết của NHTM hay CTCK có nhiều loại: Cam kết chắc chắn và Cố gắng tối đa. Các cam kết này còn cần được soạn thảo ký kết theo các nguyên tắc, trình tự của Luật mà nếu làm khác đi khó quy trách nhiệm. Cùng lắm mang nhân viên ra quy trách nhiệm cá nhân. Mèo lại hoàn mèo.

i. Trước hết cần phân biệt rõ vai trò pháp lý của họ, các NHTM-CTCK, là ai trong mỗi đợt phát hành: Tổ chức phát hành, đơn vị tư vấn phát hành, bảo lãnh phát hành, bảo lãnh thanh toán hay quản lý TSĐB hay đại lý phân phối, hay cam kết mua lại?

ii. Căn cứ đó để nói các NHTM và CTCK, với tư cách tổ chức, chịu trách nhiệm thì là trách nhiệm gì: Trách nhiệm tinh thần hay vật chất? Theo Luật nào? Điều khoản nào? Cam kết nào? Đúng Luật không? Họ đã thực hiện đúng vai trò theo Luật chưa? Họ cũng cấp đủ thông tin theo luật chưa? Các mối quan hệ với TCPH thế nào: Có một số NHTM, CTCK phân phối trái phiếu cho các bên có liên quan của mình. Có một số NHTM, CTCK phân phối trái phiếu hưởng phí đại lý sòng phẳng. 

Động cơ, mức độ và đối tượng hưởng lợi khác nhau. 

iii. Các NHTM, CTCK đại lý phát hành chắc không từ chối trách nhiệm tinh thần của mình và thế nào cũng sẽ cam kết “bảo vệ quyền lợi trái chủ”. Nhưng là quyền lợi gì? Theo luật thì NĐ 153 và NĐ65 đều ghi rõ Nhà đầu tư mua trái phiếu “Tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình và tự chịu các rủi ro phát sinh…”. Chả ai dám nói khác. Nói “Đảm bảo quyền lợi trái chủ” tức là quyền lợi được pháp luật quy định là quyền đòi nợ, là quyền yêu cầu các TCPH và các bên liên quan thực hiện đúng cam kết chứ không phải đảm bảo gốc và lãi đâu.

Các NHTM, CTCK chỉ là đại lý phát hành sẽ không thể chịu trách nhiệm vật chất và không thể đứng ra hoàn trả tiền, kể cả khi họ muốn, vì “án tại hồ sơ”. NHTM không là đơn vị bảo lãnh thanh toán mà dám liều trả thay hay hoán đổi TPDN thành tiền gửi ngân hàng thì NHTM đó được điều hành bởi thánh sống rồi – không biết sợ và không cần luật. 

Các trái chủ phải tỉnh táo hành động theo luật thôi.

(Còn tiếp)

Nguồn : https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0KF89dKAt7iXnC3mLj8F1gV1ZtPVRbbEU5FdJoYJsRJFtNEpPE4AxJA2QQnVB4nLBl&id=100000006199056

686590cookie-checkTRÁI PHIẾU, LUẬT, LỆ & More (P.2)