Đảo Phú Quốc nằm trong chính sách khu bảo tồn quốc gia dường như chỉ là danh xưng để thu hút khách du lịch. Để xây các khu resort nghỉ dưỡng bên bờ biển, chủ đầu tư cắt xẻ các con đường núi, cạo nham nhở các cánh rừng nguyên sinh dẫn xuống biển. Công trình đô thị mọc lên như nấm với bê tông, cốt thép, đường nhựa, xe ủi… Một đoạn dài từ thị trấn Dương Đông đến Bãi Cạn, rừng xanh bị cắt xẻ, san ủi bởi VinGroup. Hòn đảo xanh mướt bỗng trở nên xôi thịt bởi các công trình công viên nước, căn hộ theo mốt phương tây lỗi thời y như các khu vui chơi giải trí trên núi Bà Nà. Vùng bờ sông ngập mặn nơi loài chim ăn trái Hornbills-hồng hoàng thường băng rừng ghé xuống ăn cây trái nay bị con đường nhựa và một khu căn hộ cao cấp lấn chiếm toàn bộ. Loài chim quý này bay xao xác, đậu bất an trên những cành cây vắt qua đường nhựa. Cạnh đó, hàng loạt cây rừng bị tập đoàn này đốt và đốn ngã.
Hôm trước mình ghé chợ Dương Đông, chạy vào con đường phía dưới thành cầu gặp cảnh người bán cò đập đầu, mổ thịt chúng và giao cho khách. Người bán hồn nhiên, người mua hí hửng. Thân cò gầy guộc toàn xương trơ ra dưới thứ nước thải chảy lênh láng trên vệ đường. Sau khi ngã giá, thuyết phục, mình mua lại tất cả 11 con cò mà anh ta có với giá 700 ngàn. Bảy con cò trắng bị nhốt trong lồng, hai con cò nâu khá đuối, một con cò đen mẹ kiệt sức và một con con bị gãy chân đang hấp hối. Lời khuyên của mình chỉ được anh ta gật gù tán thưởng yếu ớt chứ hiểu được nhẽ còn là câu chuyện của ngành giáo dục.
Mình và bạn lao đi tìm chỗ để thả, bờ sông thì xa, thôi thì bờ biển cũng được, nhưng phải nhanh, phải gấp trước khi chúng nghẹt thở và đuối mà bỏ mạng. Chiều hôm đó hoàng hôn thả xuống mặt biển óng vàng đẹp như quê mình vẫn thế. Chỉ có bọn cò là chưa biết bay về hướng nào là nhà.
Sau khi tháo dây cột ở chân, chúng bị tụ máu nên tất cả chỉ đứng thật lâu ở trên cát, bay chao đảo lên những phiến đá tạm chờ sức lực quay lại trên đôi cánh. Dân chúng quanh đó tò mò ùa tới xem, chỉ trỏ, hỏi han, có cả doạ cho chúng sợ. Thả ở một nơi đông người giữa phố như vậy là con dao hai lưỡi. Một là chúng có thể bị bọn nhậu bẫy bắt lại, bị người ta săn đuổi như thú vui. Nhưng điều thứ hai sau đó sẽ là một hình ảnh tốt cho những người chưa biết. Một người lạ thả chim về trời có thể chỉ đơn giản khiến họ nghĩ rằng đó là phóng sinh nhưng có thể sẽ tốt cho bọn trẻ xung quanh đó. Mình vừa thả, vừa canh không cho ai làm chúng sợ, vừa chờ cho chúng đủ sức để bay đi lại có thể có thì giờ trò chuyện với bọn trẻ con, nói cho chúng biết về lòng trắc ẩn, về lý do tại sao có những giống loài tự nhiên như cò không phải để dùng làm thức ăn.
Chiều muộn hôm đó, bảy con cò bay được lên trời, nom chúng có vẻ đã lấy lại sức. Bốn con yếu nhất còn lại không còn sức để bay và không thể để chúng lại trên bờ biển lắm người hiếu kỳ. Mình ôm chúng chạy khắp thị trấn Dương Đông tìm nơi thả. Vậy mà cũng phải nửa tiếng sau mới thả chúng được ở bìa rừng nơi cách xa dân cư một đoạn. Hai con tập tễnh đi về phía rừng, một con cò con gãy chân hấp hối và con cò trắng nhỏ đã chết trên đường di chuyển. Chẳng có gì trên tay để chôn nó, mình buộc phải đắp bằng lá cây khô, những vỏ tre xung quanh đó. Con cò mẹ đứng ở phía xa nhìn con của nó mãi không chịu đi.
Người ta nói “miếng ăn là miếng tồi tàn”, miếng ăn của tập đoàn lớn như VinGroup, SunGroup đã cạo trắng vùng rừng và biển, khiến đất nước tồi tàn đi từ ý thức đến hình ảnh; miếng ăn của người dân vô thức khiến mối dây khăng khít với thiên nhiên cũng tồi tàn tội nghiệp.
Chẳng mấy chốc nữa, con thú bỏ đi hết, rừng và biển cũng khô cạn như lòng người vậy.
Phú Quốc,
15/12/2017
Mzung.