VNTB-Phùng Hoài Ngọc
(nhân chuyện lùm xùm bà Ngân ra luật Thanh Niên và bộ trưởng Y tế đề xuất tên mới Đại Học Sức Khỏe)
***
Hồi này chị chủ tịch quốc hội và chị bộ trưởng Y tế lại nổi danh như chị Lon và chị Lu cách đây ít lâu. Chị Ngân quảng cáo cho Luật Thanh Niên rằng nó sẽ khiến thanh niên nhớ lời bác tổng thống Hoa kỳ dạy dỗ và chuyển biến ngay. Chị Tiến ra tối hậu thư bằng miệng khăng khăng đòi Đại học Y Dược Sài Gòn- HCM phải đổi tên là “Đại học sức khỏe” (còn các ĐH Y và Dược Hà Nội và nơi khác thì bỏ qua cũng được ?).
1. Ngôn từ chính trị, như một trò chơi chính trị kéo dài liên miên, như một căn bệnh của chế độ xhcn.
Tên Nước vài lần thay đổi tùy tiện, duy ý chí, tùy theo ngẫu hứng chính trị.
Rất nhiều tỉnh thành bị đổi tên sau khi nhập, tách và bây giờ có dịp liên hoan kỷ niệm ngày tách rời như kỷ niệm những chiến công oanh liệt (!)
Tên làng quê tôi bị đổi bất ngờ sau 1954, nhằm xóa ký ức nghìn năm của dân chúng.
Xã Đông La quê tôi ngoại thành Hà Nội 1954 bỗng nhiên bị đổi thành “Hoàng văn Thụ” tên một người dân tộc Tày chống Pháp bị giết. Các xóm ở xã tôi mang tên nghìn năm là Xóm Chùa, Xóm Đình, Xóm Chợ, Xóm Giếng, Xóm Cây Thị…bỗng bị đổi thành xóm x Độc Lập, x Tự Do, x Dân Chủ, x Hạnh Phúc, x Hòa Bình. Người xa quê ít năm nhớ về quê như bị tước đoạt ký ức. Chế độ “dân chủ, cộng hòa” này muốn xóa sạch ký ức làng quê, coi như đã đổi đời dân chúng. Từ một xóm làng bé nhỏ còn phải đổi tên theo chế độ mới, thì thành phố Sài Gòn nổi tiếng toàn quốc và thế giới bỗng nhiên mang tên người mới chẳng có gì lạ. (Chưa kể hàng nghìn con phố thành thị đã thân quen bỗng nhiên vô lý đổi với cáí tên lạ hoắc).
2. Trích dẫn danh ngôn nhân loại cũng cần có qui tắc.
Nếu là văn bản viết thì mở ngoặc đơn hoặc chú thích chân trang (footnote).
“Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.
Điển cố xưa ghi rõ rằng “Tể tướng Quản Trọng nước Tề thời Xuân Thu Chiến quốc từng lập kế hoạch canh tân đất nước, ông nói “Vì lợi ích một năm trồng lúa, vì lợi ích mười năm trồng thụ (cây lấy gỗ), vì lợi ích trăm năm trồng người”.
Tuy nhiên lời nói trên được ghi ở khắp mọi nơi trang trọng “Hồ chủ tịch nói rằng/ dạy rằng…”.
Nếu quên nguồn gốc xuất xứ danh ngôn thì ông Cụ có thể nói “Cổ nhân từng nói rằng…”.
Đây nhé, trang <tapchicongsan.org.vn> đăng lá thư của ông Nguyễn Phú Trọng gửii cho Hội Khuyến Học Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập của hội này, thư có đoạn viết “…Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, Đảng và Nhà nước ta luôn hết lòng chăm lo …” (trích).
Thế là vô tình buộc ông Cụ vào tội đạo văn.
Học và làm theo gương Bác, chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng theo đó mà mắc lỗi không dẫn nguồn, dù là diễn ngôn. Đáng lẽ chị Ngân phải nói “cố tổng thống Mỹ Kennedy đã nói trong dịp Lễ nhậm chức ngày 20/1/1961 rằng “Đừng hỏi đất nước của bạn làm được gì cho bạn- hãy hỏi bạn làm được gì cho đất nước của mình”.
Nhân đây chúng tôi nhắc lại nguồn gốc danh ngôn “Trong lễ nhận chức ngày 20/1/1961 tổng thống Mỹ Kennedy đã có mệnh đề bất hủ: “Và như vậy, các bạn Mỹ của tôi: Đừng hỏi đất nước của bạn làm được gì cho bạn- hãy hỏi bạn làm được gì cho đất nước của mình. Các bạn công dân toàn thế giới của tôi: đừng hỏi nước Mỹ sẽ làm được gì cho bạn, mà hãy hỏi chúng ta cùng nhau sẽ làm được gì cho Tự Do Của Con Người ”
(Nguyên văn: And so, my fellow americans: ask not what your country can do for you – ask what you can do for your country. My fellow citizens of the world: ask not what America will do for you, but what together we can do for the freedom of man).
Câu nói trên đối thoại với hai đối tượng: người Mỹ và các nước khác.
Về người Mỹ. ông tổng thống đang nói về các hoạt động dân sự và tổ chức dân sự. Ông ta phụ trách lãnh đạo chính quyền, về việc của chính phủ, ông ta chỉ đọc lời thề là đủ. Diễn văn nhậm chức của John F. Kennedy đã truyền cảm hứng cho trẻ em và người lớn để thấy tầm quan trọng của hành động dân sự và dịch vụ công cộng. Câu nói lịch sử của ông là thách thức mọi người Mỹ đóng góp theo cách nào đó cho lợi ích công cộng. bằng hoạt động dân sự và xem xét cách áp dụng hoạt động tổ chức dân sự vào cuộc sống của chính họ.
Vậy là, hoàn cảnh và mục đích của câu khuyến cáo, khích lệ trên trong diễn văn của TT Kennedy hoàn toàn khác biệt với sự học lại (không dẫn nguồn) của Nguyễn Thị Kim Ngân nói về sửa đổi “Luật Thanh niên” hôm 10/9/2019.
“Ra Luật này thanh niên đọc, nghiên cứu thì phải thấy chúng ta phải làm gì cho Tổ quốc, chứ không phải Tổ quốc phải làm gì cho ta” (nguồn Thanh Niên 10/9/2019).
Cần lưu ý rằng đây không phải là lần đầu bà Chủ tịch Quốc hội đòi hỏi người khác “Làm được gì cho Đất nước”; bà Chủ tịch Quốc hội sử dụng cách diễn tả của TT Kennedy ngang nhiên coi như “lời vàng ý ngọc” của chính bà !
Bà Ngân nói những câu ấy là nhằm tranh cãi trả treo với dư luận chỉ trích Đảng và Chính phủ của bà.
Bà Ngân phạm tới hai lỗi: vận dụng danh ngôn không phù hợp hoàn cảnh và không dẫn nguồn. Coi như lời nói ấy là của mình. Hai lỗi khá nặng đối với một chính khách.
3. Không theo truyền thống ngôn ngữ, Bộ Giáo dục tự đẻ ra từ ngữ “kỳ cục”. Bất chấp hình mẫu quốc tế và truyền thống đã có, Bộ ta quyết không theo!
Điều kiện tiên quyết là gạt bỏ mặc cảm chính trị “nước chậm tiến” muốn tự mình định danh cho khác lạ với thiên hạ. Những người chiếm được miền Nam sau cuộc chiến 20 năm cho rằng chế độ XHCN ưu việt không cần học tập chế độ cũ VNCH ở miền Nam trước đây.
Thực ra việc chia hai loại trường đại học đã có truyền thống phương Tây lâu đời và ngay ở chế độ Việt Nam cộng hòa đã thực hiện (trước 1975).
– Giúp người Việt gọi tên cho thuận lợi, tránh rối rắm.
– Giúp cho phiên dịch tiếng nước ngoài thuận tiện trong giao dịch quốc tế.
Đặt tên trường theo hai mẫu. “Trường đại học” và Viện đại học”. Trường hợp nói “trường thuộc Viện” thì thêm tên Viện kèm theo. Bởi người Việt khi nói, viết, chúng ta đều nói quen “trường đại học xyz”..
“Viện” không giỏi hơn, cao hơn, uy tín hơn “trường” mà chỉ có nghĩa “một cụm trường”.
Cũng như “University” không cao, không giỏi hơn “College”, chỉ khác nhau về cấu trúc và quản lý phù hợp thực tế.
Khi dùng tiếng nước ngoài thì chọn university tương ứng “Viện đại học”, college, school tương ứng “trường đại học”.
Và đây là sự vẽ vời tự “lạ hóa”, theo quy định mới nhất ở Điều 7, Luật Giáo dục Đại học 2012 sửa đổi 2018, cơ sở giáo dục đại học có tư cách pháp nhân, bao gồm:
· Đại học
· Trường đại học và cơ sở giáo dục đại học có tên gọi khác
Bởi thế báo Vietnamnet chạy bài báo với tựa đề ngạc nhiên hay là mỉa mai:
“Mở đường cho nhiều “trường đại học” lên “đại học”!
Một số trường đại học “lớn” đang hoàn thiện đề án nâng cấp, chờ nghị định hướng dẫn thực thi Luật Giáo dục Đại học sửa đổi 2018 để cắt bỏ chữ “trường”, vươn thành “đại học” (Vietnamnet 23/09/2019)
Ô hay, bỗng nhiên “đại học” trở nên cao quí hơn, giỏi hơn “trường đại học” ?
“Trong số này, một số trường đại học được tổ thức theo mô hình “đại học”, trực thuộc 2 đại học quốc gia HN, TP.HCM và 3 đại học vùng: Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng”.(tuy nhiên chữ “vùng” chỉ để hiểu ngầm chứ không viết ra, không ghi tên chính thức biển hiệu hay trong văn bản, giấy tờ.
“Đại học Vinh, Đại học An Giang…” thực chất là đại học đa ngành, đa khoa, chứ không hẳn là “vùng”, càng không phải “ĐH quốc gia”, cũng có thể dùng University, chẳng nên thắc mắc rằng ở đó lạm dụng. Khi dịch ra tiếng nước ngoài thì các loại trường trên đều có thể dùng University.
“Đại học bách khoa Hà Nội” chuyên đào tạo kỹ sư các ngành kỹ thuật, là một trường lớn hàng đầu. Trong Quyết định vẫn ghi là “Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội” (tương ứng College), nhưng trên bảng hiệu cổng trường tự cắt phứt chữ “trường” vì nghĩ mình là trường lớn (Đại học), và tùy tiện viết Uiversity như trên bảng hiệu.
Hiện nay có những trường ĐH cắt bỏ tên “trường” ở biển hiệu (dù trong con dấu vẫn có chữ “trường”- “Trường ĐH Bách khoa Hà Nội”.
Sẽ có thêm nhiều “đại học” không “trường” !
Đây là điều có thể thấy trước bởi việc sửa luật giáo dục đại học sẽ mở đường cho chuyển đổi mô hình trường đại học, nhất là trong bối cảnh các nhà làm chính sách đang nỗ lực tháo gỡ cơ chế “bộ chủ quản” với mục tiêu tăng tự chủ đại học.
Hãy nghe xem Bộ giải thích rất mơ hồ “các đơn vị trong trường ĐH khi chuyển thành ĐH phải có năng lực tự chủ cao hơn, năng lực quản trị, quản lý của cả trường và từng đơn vị phải tốt và hiệu quả hơn. Về nguyên tắc sau khi chuyển đổi chất lượng đào tạo của toàn “đại học” phải được nâng cao trên cơ sở phát huy nguồn lực dùng chung để đào tạo và nghiên cứu liên ngành; đủ để thực hiện sứ mệnh của ĐH là giải quyết những nhiệm vụ lớn để phục vụ cộng đồng, vùng và đất nước…”.
Trường ĐH Khoa học Khoa học xã hội và Nhân văn, một thành viên của ĐH quốc gia TP.HCM. Muốn cho bản thân mình phình to thêm, thậm chí còn trình đề án nâng cấp 2 khoa Giáo dục và khoa Ngoại ngữ thành Trường Giáo dục và Trường ngoại ngữ; theo kiểu “trường trong trường trong đại học”. Lẽ nào nâng cấp chỉ để cán bộ quản lý được nâng chức danh, phụ cấp, lương bổng ?
Trường đại học nào cũng muốn “lên đại học”, cái danh để làm gì ?
Chỉ có một quan chức phản biện lẻ loi, ông Lê Trường Tùng, chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT (trường tư), “mô hình hệ thống giáo dục đại học chia thành 3 cấp: đại học, trường đại học trong đại học, trong trường đại học có trường đơn ngành… là rối rắm”.
Ông Tùng cho hay khi “trường đại học” nâng cấp lên “đại học” thì các trưởng khoa sẽ có cơ hội nâng cấp thành các hiệu trưởng, và hiệu trưởng thì có thể thành giám đốc, tuy nhiên việc thay đổi chức danh không quan trọng bằng thay đổi chất lượng.
“Câu hỏi đặt ra là chuyển thành đại học sẽ mang lại lợi ích gì cho người học. Hiện nay, dường như nhiều trường muốn chuyển thành đại học và cho rằng như vậy là lớn hơn. Nhưng cái tên không quyết định việc lớn hay nhỏ”
Bộ trưởng Y tế đòi đổi tên Đại học Y Dược tp HCM thành “Đại học sức khỏe” để theo kịp Lào, Cam pu chia” (!?)
Bên cạnh đòi đổi tên, khi nhà báo vặn hỏi, bà ta nêu lý do “Thanh tra Bộ đã quyết định như thế, bên Bộ Giáo Dục Đào Tạo cũng nói thế”. Nghe lý luận của bà rất buồn cười, như hàng tôm hàng cá cãi lộn.
Có thể đổi tên Bộ Y tế thành “Bộ sức khỏe” luôn thể được không ?
Rất giống đàn chị Kim Ngân (ra luật để thanh niên hiểu nghĩa vụ), cô em Kim Tiến cũng nói đổi tên để “đại học phát triển” !
Còn vô số chuyện ngôn từ chính trị tùy tiện bừa bãi, kể sao cho hết.
Đó là chuyện trớ trêu chỉ có ở thời vận nước gãy khúc. Nó báo hiệu một sự đổi ngôi tất yếu phải đến.
Bệnh “đổi tên” xã hội chủ nghĩa càng ngày càng trọng !