AI VÀ GOOGLE THÁCH THỨC NỀN GIÁO DỤC XHCN NHƯ THẾ NÀO?

0
222

Dương Quốc Chính

Nhớ hồi đi học phổ thông mình phải soạn văn ở nhà thì cách làm y chang con AI bây giờ! Đó là vì mẹ mình dạy văn, nên sách GV và sách tham khảo rất nhiều, có thể còn nhiều hơn cả cô giáo. Vì mẹ mình dạy cấp 3, cô có thể chỉ là GV cấp 2. Thế là khi soạn văn mình bày ra lên bàn dăm bảy quyển sách tham khảo, toàn là của các nhà phê bình VH nổi tiếng, xong rồi nhặt khúc nọ ghép vào khúc kia, thêm các câu nối rằng thì là mà sao cho trơn tru và các đoạn không bị giật cục, có lớp lang. 

Kết quả là mình soạn văn luôn ổn, trừ khi chán chả buồn bày trò trên và chả buồn học văn luôn! Buồn cười là có thày/cô nhận xét là bài làm thấy nội dung quen quen, nhưng không biết chép từ đâu và đọc vẫn thấy trôi chảy! Mình chỉ cười thầm thôi. Đôi khi đen khi cô giáo chấm điểm các nhà phê bình văn học hàng đầu Việt Nam  kia điểm không cao lắm, vì tưởng mình nghĩ ra! 

Bây giờ cách học của HS cũng rất khác ngày xưa, nên dùng cách của AI như vậy và chỉ nên sáng tạo dựa trên big data (tức là những gì người ta đã làm rồi) để phát triển thêm. 

Ví dụ con mình hỏi bài toán khó, bài sao ý, nói thật tuy là cựu HS chuyên Toán nhưng mình khó mà giải được ngay trong 5 phút tất cả các bài sao mà nói chung cũng phải đọc lại SGK, rồi nghĩ, đôi khi mất mẹ nửa tiếng. Mà mất nửa tiếng cho 1 bài toán là vứt đi rồi. Thế nên tốt nhất là Google lời giải, nếu 5 phút không nghĩ ra. Mình đọc lời giải thì thường hiểu ngay lập tức, vì nhớ lại thôi, sau đó dạy lại được như thật. 

Con AI nó cũng làm y chang vậy thôi. Con người lúc đó chỉ hơn AI ở chỗ biến báo phát triển thêm cái mới dựa trên nền tảng kiến thức quá khứ. Mình nghĩ cách dạy và học cũng nên thay đổi như vậy. 

Thay vì thày trò dạy Toán ngồi hì hục nghĩ lời giải 1 bài toán thì hãy học thuộc thật nhiều dạng đề bài. Bởi môn Toán là môn rất cổ xưa, tại sao phải ngồi nghĩ cách giải 1 bài toán mà ngàn năm trước đã có người giải được rồi? Thế là phát minh lại cái bánh xe. Vậy tốt nhất là việc học Toán chỉ là học được nhiều cách giải các dạng đề bài. Thằng giỏi toán là thằng thuộc được nhiều dạng nhất, sau đó biến báo đi tý.

 Mình nhớ là từ xưa, thằng nào giỏi toán cũng chỉ là có rất nhiều sách, cày nhiều dạng bài và nhớ được cách giải. Ngày xưa sách vở hạn chế nên cơ hội là không công bằng cho mọi học sinh, đứa nào nhiều sách, được dạy trước nhiều dạng bài là thành HSG QG thôi! Tất nhiên là thi tầm quốc tế thì nó khác. Nhưng bàn làm gì chuyện của độ 10 người đi thi quốc tế. Đám đông mới quyết định. 

Sau hàng trăm năm dạy và học toán sơ cấp thì làm gì còn cái gì là hoàn toàn mới ở đó nữa mà sáng tạo? Chỉ là học thuộc thôi. Việc này AI sẽ thống trị. 

Việc phân tích văn học hay lịch sử còn quá thế, khi người ta dạy theo lề, thì đáp án đã được khoanh vùng hẹp đi rất nhiều, big data lúc đó không còn big nữa mà thành small, AI càng dễ thống trị. Nhưng mà câu hỏi lộn lề 1 cái là AI ngọng ngay và con chatGPT bắt đầu phét lác lung tung. 

Từ ngày có Google, mình đã cho là cách dạy và học nên thay đổi. Nhưng từ khi có AI, việc dạy và học phải thay đổi gấp 10. Ví dụ học sử, HS lúc này chỉ nên nhớ đại thể và các từ khóa để search. Giống như ngày xưa bạn phải nhớ địa chỉ nhà là số 135 ngách 273, ngõ 587, đường abc, quận xyz…Bây giờ bạn chỉ nhớ 1 từ khóa để search trên Google maps (ví dụ cạnh quán ABC), hoặc bảo thằng kia gửi định vị thay vì đọc cái địa chỉ dài ngoẵng kia. 

Bây giờ việc dạy học thay vì bắt HS học thuộc lòng 1 cách máy móc thì hãy dạy HS cách tư duy, suy luận, xâu chuỗi, dự báo kết quả tương lai hay đánh giá quá khứ dựa trên các số liệu. Tức là dạy phân tích số liệu, sự kiện thay vì học thuộc nó. 

Như mình tranh luận cũng vậy thôi, phải Google hàng trăm link, rồi đọc sách, rồi phải tự lọc rất nhanh các dữ liệu không hữu ích, chọn ra 1 số dữ liệu quan trọng, rồi phân tích, xâu chuỗi để đưa ra luận điểm. Nhiều thằng chửi mình là thằng này biết đell gì đâu, không có chuyên môn, toàn Google ấy mà! Anh em cứ thử làm như vậy đi xem có nhanh và chuẩn được không?! Nhiều ông đọc 1 trang A4 đã nhớ nhớ quên quên, không hiểu nó viết gì, thì có bằng TS cũng không bằng con AI. Dân Việt Nam lười đọc sách nên đọc hiểu rất tệ, đặc biệt là đọc luật cơ bản là không hiểu gì dù có thể chỉ 10 câu! Đọc hiểu là kỹ năng phải rèn luyện chứ không phải cứ biết chữ là đọc hiểu nhanh. Hiện tượng tay nhanh hơn não chính là để chỉ vấn đề này. 

Bây giờ AI nó đã làm giống như mình hồi HS, tức là nhào trộn các dữ liệu sẵn có, lắp ghép thành câu trả lời, đôi khi khá là bố láo, nếu dữ liệu nguồn kém hoặc sai. Nó chưa đủ tầm phân tích, suy luận, xâu chuỗi đâu. Nhưng nếu dạy và học theo kiểu học vẹt thì AI đều có thể dạy và học tốt, còn tận tụy và chính xác hơn GV dốt và dát. 

Đứng trước thách thức này, không hiểu các quan chức GD và tuyên giáo sẽ nghĩ gì? Nếu không thay đổi nhanh thì GD XHCN sẽ ngày càng tụt hậu vì lâu nay đã mang tiếng là đào tạo ra toàn robot rồi.

https://www.facebook.com/chinh.duongquoc.56/posts/pfbid0T93HzADVQjDMC9N2Tn3FwrVvHr4zpoyZLMC4HujfbDQvF7WtXDD2Xq2JFpht3dupl

685050cookie-checkAI VÀ GOOGLE THÁCH THỨC NỀN GIÁO DỤC XHCN NHƯ THẾ NÀO?