VN Pharma là đường dây tiêu thụ thuốc giả từ Ấn Độ?

0
1043
Vụ thuốc ung thư giả sẽ không chỉ xem xét trách nhiệm hình sự của 12 bị can Ảnh TN

VNTB-Minh Châu

(VNTB) – Tài liệu giải mật công bố ở tòa án hôm 26/9 trong vụ án ‘VN Pharma’ cho biết, cơ quan an ninh điều tra đã kết luận Công ty Helix Pharmaceuticals và nội dung hợp pháp hóa lãnh sự trên giấy tờ của công ty này là giả mạo. Helix thực chất là công ty ma, được ‘vẽ’ ra để hợp thức hóa việc thuốc Ấn Độ ‘đội lốt’ Canada. Các giấy tờ, tài liệu bị làm giả đã ‘lọt lưới’ tổ thẩm định của Bộ Y tế.

Thuốc giả đã được sử dụng hết tại các bệnh viện?

Ngoài thuốc ung thư giả như công bố trong những lần xét xử trước đó, thì các thuốc khác cũng được ngờ vực là giả, bao gồm: H2K Levofloxacin Infusion 500mg/100ml, H2K Ciprofloxacin Infusion, Kaderox 250, MGP Moxinase 625, Kafotax 1000… từ Health 2000 Inc mà VN Pharma đã nhập khẩu vào Việt Nam.

Trong đó, chỉ khảo sát từ năm 2011-2014, VN Pharma và một vài công ty con/ đối tác ủy thác đã nhập khẩu 47 lô thuốc do Health 2000 sản xuất/ cung cấp, trị giá hơn 4,3 triệu USD.

TGĐ VN Pharma Nguyễn Minh Hùng và căn biệt thự của bà Nguyễn Thị Kim Tiến (ảnh trên). Photo Courtesy

Tổng hợp kết quả trúng thầu từ năm 2011, sản phẩm Health 2000 cung ứng/ sản xuất đã trúng thầu vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (T.Ư), Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện K, Bệnh viện T.Ư Huế, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Da liễu T.Ư, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa T.Ư Thái Nguyên… Toàn bộ đã được sử dụng hết tại các bệnh viện.

Vẫn theo tài liệu giải mật, thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã có văn bản nhận định việc làm giả các giấy tờ của VN Pharma. Từ tháng 8-2014, Cục Quản lý Dược đã phát hiện Health 2000 ‘có vấn đề’ nên tháng 11 đã yêu cầu ngưng nhập khẩu, nhưng thuốc Health 2000 vẫn vào bệnh viện.

Trình dược viên Nguyễn Phú Cường, người có thâm niên 30 năm trong nghề tại chợ thuốc tây ở quận 10, Sài Gòn cho biết một số nhà máy dược ở Ấn Độ đã đạt đẳng cấp thế giới, không thua gì các nhà máy phương Tây, song theo một phúc trình của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính tại các thành phố lớn ở Ấn Độ, cứ năm viên thuốc bán ra có một viên giả. Thuốc giả đã tăng trưởng lên mức chiếm lĩnh 10-20% toàn bộ thị trường quốc gia này.

Tiền nào của đó?

“Dân trong nghề, ai cũng biết thuốc nhập từ Ấn Độ về giá cả bao giờ cũng rẻ; rẻ hơn cả nhiều thuốc sản xuất ngay tại Việt Nam. Còn việc bán thuốc vào hệ thống bệnh viện công, để dễ hình dung, trình dược viên như chúng tôi phải hết sức o bế từ bác sĩ khám chữa bệnh, cho tới các dược sĩ phòng thuốc để họ chấp nhận kê toa, giới thiệu một nhãn dược điều trị nào đó.

Nhiều phòng bác sĩ tại bệnh viện đã dán bảng từ chối tiếp trình dược viên. Chúng tôi giống như người chào bán lẻ từng viên thuốc. Còn với kiểu VN Pharma, họ đưa vào bệnh viện số thuốc mỗi lần phải tính theo đơn vị xe tải.

Chúng tôi biết rõ thường thuốc ở bệnh viện nhập về kiểu như vậy, do có phết phẩy hoa hồng, nên chất lượng viên thuốc trong chữa trị thường ít hiệu quả. Chúng tôi đã tiếp thị những loại thuốc chất lượng hơn để các bác sĩ ra toa, vừa giúp người bệnh mau lành, vừa tạo cơ hội tiếp cận các dược phẩm thế hệ mới cho thầy thuốc. Dĩ nhiên mía sâu có đốt, không ít trình dược viên và bác sĩ vì hoa hồng nên ra những toa thuốc không, hoặc chưa cần thiết cho bệnh nhân…”. Ông Nguyễn Phú Cường chia sẻ.

Ông Nguyễn Phú Cường nhìn nhận đến nay, nếu các nhà phân phối dược phẩm Việt Nam có lương tâm, thì thuốc nhập về từ Ấn Độ sẽ giúp bệnh nhân tại Việt Nam giảm nhẹ chi phí điều trị rất nhiều, vì Ấn Độ là nước xuất khẩu thuốc gốc (biệt dược), loại thuốc đã hết thời gian bảo hộ bản quyền (generic drugs) và có giá rẻ hơn, lớn nhất thế giới.

“Lưu ý, tôi nghĩ rằng tại phiên tòa vụ VN Pharma chắc không nêu tình tiết là với lợi thế cực lớn về chi phí sản xuất, các hãng dược Ấn Độ sẵn sàng chiết khấu hoặc chi hoa hồng lên đến 90%, xin nhấn mạnh là chín mươi phần trăm cho các nhà phân phối để giành thị phần với những tập đoàn lớn. Với các thuốc đặc trị như ung thư, thì thuốc do Ấn Độ sản xuất có giá rẻ hơn rất nhiều so thuốc sản xuất tại Mỹ hay châu Âu.

Lưu ý Ấn Độ là thị trường sản xuất thuốc giả, thuốc kém chất lượng vào loại nhất nhì thế giới. Cũng dễ hiểu, với hàng ngàn cơ sở sản xuất thuốc và công thức thuốc, sản xuất chủ yếu thuốc generic, thật khó đảm bảo tất cả các thuốc từ các cơ sở này của Ấn Độ đều được sản xuất an toàn, và được chứng minh tương đương sinh học khi nhập về, rồi thông qua đấu thầu thuốc, từ lợi thế giá rẻ, hoa hồng cao, thuốc của Ấn Độ gần như chất đầy các kho dược ở bệnh viện công lập”. Trình dược viên Nguyễn Phú Cường cho biết.

Khuyến cáo rồi sao nữa?

Ông Nguyễn Phú Cường nói rằng để truy tìm về các rủi ro trong sử dụng thuốc nhập về từ Ấn Độ, chỉ cần tìm đọc lại các văn bản về thu hồi thuốc mà Cục Quản lý Dược phát hành.

“Có thể kể sơ về cùng thời gian xảy ra vụ án VN Pharma, Cục Quản lý Dược đã đình chỉ lưu hành trên cả nước thuốc viên nang Celetop 200 (Celecoxib 200 mg, lô sản xuất 11042, hạn dùng ngày 15/10/2014, do Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế TP.HCM nhập từ Ấn Độ), vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan. Thuốc này dùng để điều trị gút và các bệnh xương khớp…

Clavophynamox 1000 là thuốc được nhập khẩu bởi Công ty TNHH MTV Dược phẩm Trung ương 1 với thành phần hoạt chất là Clavulanic acid Amoxicillin, nhưng qua kiểm nghiệm cho thấy không đạt chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan của hoạt chất Amoxicillin. Loại thuốc này do Công ty Flamingo Pharmaceuticals Ltd (Ấn Độ) sản xuất.

Cũng với lỗi vi phạm về chỉ tiêu độ hòa tan và độ tan rã, 2 loại thuốc khác cũng do Công ty TNHH MTV Dược phẩm Trung ương 1 nhập khẩu từ Công ty Flamingo Pharmaceuticals Ltd là Nalidixic acid tablets BP 500mg và Piroxicam cũng bị Cục Quản lý Dược phát hiện kém chất lượng.

Đối với Công ty Umedica laboratories.Pvt (Ấn Độ), Cục Quản lý Dược phát hiện công ty này 3 lần vi phạm với 3 loại thuốc khác nhau do qua kiểm nghiệm sản phẩm thuốc không đảm bảo chất lượng. Đó là thuốc Max-rifa được Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương 2 nhập khẩu không đạt chỉ tiêu độ hòa tan; UMEXIM-100 do Công ty cổ phần Dược thiết bị y tế Đà Nẵng nhập khẩu vi phạm khối lượng trung bình thuốc trong nang; thuốc UMED-ETHAM 400 do Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương II (Phytopharma) nhập khẩu vi phạm chỉ tiêu mô tả…

Trình dược viên chúng tôi luôn cập nhật những khuyến cáo đó từ Cục Quản lý Dược để tránh rủi ro trong kinh doanh. Còn người bệnh thì có lẽ vô phương, vì chẳng mấy ai tò mò xem viên thuốc đang uống là lô nào, ai sản xuất, ai nhập khẩu. ‘Sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi’ kiểu đó, tôi tin không chỉ có mỗi VN Pharma!”. Ông Nguyễn Phú Cường nhận định.

Thay lời kết

Nhận định nhanh ở bên lề vụ án VN Pharma liên quan thuốc generic ung thư, một bác sĩ từng phụ trách Khoa cấp cứu của bệnh viện Bình Dân, đã nghỉ hưu, nói rằng về chuyên môn, đối với các trường hợp thuốc có khoảng điều trị hẹp như Digoxin, warfarin, phenytoin hay carbamazepine, thì sinh khả dụng, hiệu lực cũng như độ an toàn của thuốc trên lâm sàng của các loại thuốc này có thể thay đổi rõ rệt giữa các phiên bản thuốc generic của các nhà sản xuất khác nhau.

Trong trường hợp thiếu các thông tin về tương đương sinh học của các thuốc generic có khoảng điều trị hẹp, cần phải đảm bảo rằng bệnh nhân được cấp phát đúng các thuốc theo tên thương mại đã được bác sĩ chỉ định, và bất cứ sự thay đổi thuốc sang một phiên bản generic khác đều phải được sự đồng ý và giám sát của chuyên viên y tế.

Hay tương tự đối với các thuốc sinh học, bất cứ những thay đổi nhỏ nào trong quy trình sản xuất đều có thể dẫn đến những thay đổi đáng kể trong điều trị. Vì thế trong trường hợp đối với các thuốc sinh học, thuật ngữ “generic” sẽ không được áp dụng mà thay vào đó sẽ sử dụng thuật ngữ “sinh phẩm tương tự” (biosimilars) – là những thuốc sinh học có sự tương tự về chất lượng, an toàn và hiệu quả so với một thuốc sinh học tham chiếu.

“Tôi nghĩ rằng Viện Kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm đây là vụ án về thuốc giả, là có căn cứ!”. Vị bác sĩ nói trên nhận định.

————————————-

472410cookie-checkVN Pharma là đường dây tiêu thụ thuốc giả từ Ấn Độ?