Thursday, December 12, 2024
HomeBLOGVài giai thoại với Nhạc sĩ Nhật Ngân.

Vài giai thoại với Nhạc sĩ Nhật Ngân.


Có lẻ chuyến hải hành vượt biên của ông không bị hải tặc cướp phá, cho nên ông không có vẻ tiều tụy như đa số thuyền nhân gặp nạn khác, ông nổi bậc trong đám đông mấy ngàn người, một phần nhờ tướng tá ông hào hoa, đẹp trai, phần khác thì hấu hết mọi người biết đến ông qua tiếng tăm và các nhạc phẩm để đời như Tôi đưa em sang sông, Xuân này con không về v.v…
Một hôm, tôi đang ngồi đàn tập hát cho Ban Văn Nghệ Chính Huấn của trại (do các chú, bác cựu quân nhân VNCH lập nên) có ca sĩ chính là cô Kim Thanh (giờ đang định cư ở Úc) và một số anh chị em trẻ… thì ông đi đến ngồi xuống với chúng tôi, chuyện trò và ca hát chung, vui vẻ. Được một lúc ông kêu tôi đàn cho ông hát vài bài thử giọng. Tôi nhớ không lầm thì ông đã hát bài “Anh giải phóng tôi hay tôi giải phóng anh?” Dứt bài, ns Nhật Ngân quay sang tôi hỏi (ông nói giọng Bắc pha miền Trung, nghe là lạ!)
– Mày nghe bài này hồi nào?
(Đây là lối nói “Mày. Tao” thân tình của người mình nào giờ, nên tôi không khó chịu khi ông gọi mình như thế)
– Dạ, lần đầu! Anh hát đến đâu em đệm đến đó!
Sau tôi mới biết, bài này ông sáng tác khi còn ở trong nước, nhưng không dám phổ biến nên gửi ra hải ngoại cho ca sĩ Ngọc Minh hát mà tên tác giả chỉ dám để “Vô Danh” để ông không bị làm khó vì còn kẹt lại!
Nhạc sĩ Nhật Ngân hỏi tôi:
– Mày đàn theo lỗ tai hay sao? Có đọc được nhạc không?
– Dạ được anh!
Ông rút túi ra đưa tôi xem bài “Người con gái VN tội tình”, bài này ông vừa phổ nhạc từ thơ của đại tá Nguyễn Ngọc Thuận cũng đang ở trong trại, tôi vừa đọc nhạc vừa đàn, ông cũng xúc động và hát, giọng nghẹn ngào!
Sau đó ông còn hát thêm bài “Tôi biết tôi sẽ buồn” cũng là sáng tác ông viết trước khi vượt biên.
Những bài ông hát hợp với tâm trạng tha phương biệt xứ của mọi người ngồi xung quanh, tôi say mê đàn, nhưng tiếng đàn của mình cũng ngậm ngùi theo nỗi lòng người tỵ nạn da vàng…
Đứng dậy chào mọi người, ông quay sang tôi nói:
– Mày, được lắm!
– Dạ, cám ơn anh.
Vài hôm sau, sáng tôi vừa ngủ dậy thì thấy dưới chân mình một cây đàn ghi-ta, made in Korea, mới nguyên còn trong thùng, chợt ông Nghĩa building trưởng cũng là Hội trưởng hội cựu quân nhân đi đến nói
– Nam từ giờ em giữ cây đàn này đệm cho Ban Chính Huấn của hội mới mua, giao cho em đó!
Hôm sau gặp ns Nhật Ngân ổng hỏi trỏng:
– Sao! Thích cây đàn mới không?
– Dạ thích! Mà sao hội lại đưa em giữ?
– Tao kêu mấy ổng mua đưa mày giữ….
– Cám ơn anh!
(H1 – Cây đàn nhạc sĩ Nhật Ngân đang mang và hát là nó đó!)
(H2 – Ns Nhật Ngân đứng khoát vai mình, hình như hồi xưa mình cao hơn bây giờ nhiều, hehe!)
Bẵng đi vài năm sau, khoảng năm 1985 gặp lại ông ở Little Saigon, khu Phước Lộc Thọ. Gặp nhau 2 anh em mừng lắm, vì từ ngày chia tay rời trại đi định cư có ai biết chân mình sẽ lạc bước về đâu? Nước Mỹ thì bao la rộng! Tâm sự một hồi, nhạc sĩ Nhật Ngân khoát vai tôi thân tình hỏi:
– Em có thể sắp xếp về ở với tụi anh trên này được không?
– …?
– Anh đang ở chung nhà với nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng!
– Dạ, Uhm….
– Về đây share phòng với tụi anh. Mình làm văn nghệ trên đây
– Dạ, để em coi sao…
– Đừng lo, anh thích mày nên mới kêu mày về ở chung, anh em có nhau!
– ….
Thật tình tôi không thể trả lời liền với anh được! Tôi đang phụ trách 1 ca đoàn nhà thờ ở San Diego vừa lên kế hoạch mỗi tháng 1 chương trình truyền giảng, cũng như sẽ phải đi truyền giáo khắp nơi bằng Thánh Nhạc! Nên đành…
Và đó là lần cuối tôi gặp nhạc sĩ Nhật Ngân!
Duyên văn nghệ giữa ông và tôi có hơi ngắn, nhưng cũng đủ cho tôi giữ mãi hình ảnh thân thiện, nụ cười hiền hòa với bộ râu mép bất hủ của ông!
Dự định viết bài này nhân ngày giỗ của ông Jan 21st, nhưng bận rộn quá! Đành hoãn lại đến hôm nay.
Như một nén nhang tưởng niệm nhạc sĩ tiền bối Nhật Ngân
https://www.youtube.com/watch?v=Q_P8i67oWTI

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular