Hòa Ái, phóng viên RFA
2018-03-01
Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người, trụ sở tại Paris, Pháp vừa công bố một phúc trình lên án Việt Nam, trong những năm gần đây gia tăng bắt bớ và kết án nặng nề đối với các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, môi trường, các tín đồ tôn giáo…với tốc độ được gọi là đáng sợ.
Tình trạng của một số nữ tù nhân lương tâm đang trong vòng lao lý hiện nay ra sao?
Các bản án tù nặng nề
Mặc cho các tổ chức nhân quyền thế giới kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga, Tòa án tại Việt Nam, vào hạ tuần tháng 12 năm 2017 tuyên y án sơ thẩm 9 năm tù giam và 5 năm quản chế đối với bà Nga, theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự “tuyên chống nhà nước”.
Bà Trần Thị Nga, một người luôn tranh đấu vì quyền lợi của công nhân trong nhiều năm qua, vì vốn dĩ bà từng bị ngược đãi khi là công nhân xuất khẩu lao động tại Đài Loan đã bị nhà cầm quyền Việt Nam sách nhiễu bằng nhiều hình thức. Bà Nga hằng ngày phải đối diện với cảnh bị cản trở trong việc đi lại, bị bắt cóc, bị hành hung đến thương tích. Bà Trần Thị Nga bị bắt giữ ngay trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu và cho đến ngày xét xử sơ thẩm, gia đình không được thăm gặp bà.
Vào tối ngày 28 tháng Hai, ông Dương Dân Lý, cha của hai đứa bé con bà Trần Thị Nga, cho Đài RFA biết tình trạng trong trại giam hiện tại của bà Nga ra sao:
“Từ hồi xử phúc thẩm đến giờ thì gia đình thân nhân được vào thăm gặp qua cửa nhựa mica, chứ không được chạm người. Trẻ con cũng không được ngồi lòng mẹ đâu, chỉ đứng bên ngoài. Thời gian từ sau khi phúc thẩm thì họ cũng chưa có biểu hiện đối xử gì quá tệ so với trước kia.”
Trong khi đó, nhà hoạt đồng nhân quyền Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người đoạt giải thưởng “Phụ nữ Quốc tế can đảm” của Hoa Kỳ năm 2017, bị Chính quyền Hà Hội đối xử mà gia đình của cô cho là “tàn ác và bất nhân” kể từ khi cô bị bắt hồi đầu tháng 10 năm ngoái.
Cũng giống như tình cảnh của nhà hoạt động Trần Thị Nga, Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cũng từng bị sách nhiễu, bắt bớ. Năm 2009, Blooger Mẹ Nấm bị bắt 10 ngày để thẩm vấn, liên quan đến việc đưa ra những áo thun in dòng chữ phản đối Trung Quốc xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và phản đối dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên hủy hoại môi trường. Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị Tòa án tỉnh Khánh Hòa tuyên 10 năm tù giam vì những nỗ lực của cô trong việc kêu gọi bảo vệ môi trường, sau khi biến cố thảm họa môi trường biển Formosa xảy ra hồi đầu tháng Tư năm 2016.
Ngày 26 Tết, họ cho gọi về. Quỳnh nói ‘mẹ yên lặng nghe con nói vì con chỉ nói được trong vòng 5 phút mà thôi’. Quỳnh dặn rất kỹ ‘Mẹ gửi cho con đồ lạnh vì con rất lạnh. Đồ đạc trại giam chuyển ra bị thất lạc rất nhiều. Con không có đồ’. Khi Quỳnh nói chuyện, cái môi và răng đánh lập cập vào nhau. Bây giờ thì tôi không biết con tôi sống chết ra sao nữa
-Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan
Trong trại giam, Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Như Quỳnh đã từng tuyệt thực 15 ngày để phản đối bị dối xử một cách hà khắc, như chế độ ăn uống và không cho mặc đồ lót hay dùng băng vệ sinh. Vài ngày trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất, Blogger Mẹ Nấm bị chuyển từ trại giam Khánh Hòa đến trại giam ở Yên Định, Thanh Hóa, mà gia đình của cô không được thông báo. Thân mẫu của tù nhân chính trị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan kể với RFA rằng con gái báo qua điện thoại cần đồ ấm và thuốc men:
“Ngày 26 Tết, họ cho gọi về. Quỳnh nói ‘mẹ yên lặng nghe con nói vì con chỉ nói được trong vòng 5 phút mà thôi’. Quỳnh dặn rất kỹ ‘Mẹ gửi cho con đồ lạnh vì con rất lạnh. Đồ đạc trại giam chuyển ra bị thất lạc rất nhiều. Con không có đồ’. Khi Quỳnh nói chuyện, cái môi và răng đánh lập cập vào nhau. Bây giờ thì tôi không biết con tôi sống chết ra sao nữa?”
Vì lo lắng cho sức khỏe của con mình, bà Tuyết Lan gửi bưu điện hơn 10kg đồ, vượt qu định của trại giam là 10kg vì nghĩ rằng số dư sẽ được lưu ký cho lần gửi đồ tháng tiếp theo, như trại giam Khánh Hòa. Thế nhưng, thùng đồ đã bị trại giam Thanh Hóa trả lại với lý do thừa cân. Bà Tuyết Lan nói trong nước mắt với chúng tôi rằng thật là đau xót khi con gái của bà rất cần thuốc men mà trại giam Thanh Hóa cũng trả về, không cho nhận.
Tác dụng của biện pháp cầm tù
Nói đến Trại giam số 5 Yên Định, Thanh Hóa, đây còn là nơi mà nữ tù nhân lương tâm Nguyễn Đặng Minh Mẫn trải qua 8 năm tù giam, với cáo buộc tội “lật đổ chính quyền nhân dân”, theo Điều 79 Bộ Luật Hình Sự. Tù nhân Nguyễn Đặng Minh Mẫn đã bị biệt giam 2 lần, bị trại giam cho tù nhân khác đánh. Cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn cũng từng tuyệt thực để phản đối cách thức trại giam đối xử với cô. Mẹ của tù nhân Nguyễn Đặng Minh Mẫn, cựu tù nhân lương tâm Đặng Thị Ngọc Minh cho RFA biết những biện pháp Trại giam số 5 đối xử với con gái của bà:
“Chẳng hạn như lúc nào họ cũng cho người trực sinh, để lãnh cơm nước cho mình, bơm nước vào hồ cho mình tắm; nhưng thật sự người trực sinh là người của cán bộ, ngày nào cũng báo cáo với cán bộ rằng mình làm gì, ăn gì, nói chuyện với ai. Họ không cho xem các kênh truyền hình thông thường, mà buộc mình phải xem kênh VTV3 hay Đài Thanh Hóa. Có lần Minh Mẫn uống nước và tạt nước còn thừa qua cửa sổ mà nhỡ trúng vào người cán bộ, vì cán bộ đi tới mà Mẫn không biết. Cán bộ bảo Mẫn tạt nước tiểu ra ngoài và đưa Minh Mẫn đi kỷ luật 10 ngày. 10 ngày giam kỷ luật như vậy thì mình không được tắm rửa. Họ không cho mình ăn cơm với thức ăn của mình được đem vô. Hằng ngày họ chỉ cho ăn cơm trắng với muối.”
Thân nhân của các nữ tù nhân lương tâm Trần Thị Nga, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Nguyễn Đặng Minh Mẫn chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do rằng cho dù nhà cầm quyền Hà Nội sử dụng bất kỳ biện pháp cay nghiệt nào đi chăng nữa để đối xử với gia đình và bản thân của ba nữ tù nhân này, thì họ vẫn không bị khuất phục để từ bỏ lý tưởng dấn thân tranh đấu vì nhân quyền và các giá trị căn bản của công dân được quy định trong Hiếp pháp Việt Nam.
Đồ ăn đồ uống gì cũng không có. Một bữa ăn, họ cho cơm với một bát canh với 3-4 con cá khô, mà cá khô được nấu chung với nước lạnh và muối, nên chị em ăn không được. Do đó, chị em nhờ người nhà đưa thức ăn vào. Một tháng được tiếp tế thức ăn một lần, mà có khi họ cho đưa vào, có khi không cho
-Cựu tù nhân Mai Thị Tịnh
Trường hợp của ba nữ tù nhân chính trị Đài RFA vừa đề cập phần nào diễn tả hoàn cảnh của các tù nhân lương tâm tại Việt Nam đang phải gánh chịu trong trại tù, cũng như thân nhân của họ bị ảnh hưởng bởi hành xử của chính quyền hiện nay.
Chúng tôi cũng nhớ đến 4 tù nhân lương tâm vừa mới mãn án tù về nhà, là những phụ nữ ở giáo xứ Đông Yên, bị 3 tháng tù giam, với cáo buộc tội “gây rối trật tự công cộng” do lên tiếng đòi quyền lợi cho các nạn nhân của thảm họa môi trường biển Formosa. Bà Mai Thị Tịnh, vào tối ngày 28 tháng Hai cho biết cảnh khổ mà 4 người phụ nữ miền quê nghèo vừa trải qua trong Trại giam Thanh Chương, Nghệ An:
“Đồ ăn đồ uống gì cũng không có. Một bữa ăn, họ cho cơm với một bát canh với 3-4 con cá khô, mà cá khô được nấu chung với nước lạnh và muối, nên chị em ăn không được. Do đó, chị em nhờ người nhà đưa thức ăn vào. Một tháng được tiếp tế thức ăn một lần, mà có khi họ cho đưa vào, có khi không cho. Họ cho ra làm đồng, mần cỏ, gánh phân, cuốc đất. Có những người bị sưng tay sưng chân. Còn riêng tôi, thì bị gãy xương tay, là do đi mần cỏ mà đường trơn quá, bị trượt chân và lấy tay chống nên gãy xương tay.”
Bà Mai Thị Tịnh còn cho biết xin phép đi khám vì quá đau sau khi té, nhưng trại giam nói rằng bà Tịnh sẽ mãn án tù trong vài ngày nữa và thủ tục giấy tờ cho đi khám bệnh lâu hơn thời gian đó, nên cái tay bị gãy của bà đã không được chữa trị.
Bốn cựu tù nhân lương tâm ở giáo xứ Đông Yên này nói với RFA rằng họ không được học cao hiểu rộng, không hiểu biết về pháp luật nhiều nên họ không hiểu vì sao bị ở tù và bị đối xử như thế trong trại giam.