Saturday, July 27, 2024
HomeBình Luận-Quan ĐiểmTiền hay “tiếng nói góp phần mang ấn vàng Hoàng đế chi...

Tiền hay “tiếng nói góp phần mang ấn vàng Hoàng đế chi bảo về cho Việt Nam” ? 

Nhân Tuấn Trương

Trên RFA có bài viết của LS Cù Huy Hà Vũ mang tựa đề “Tiếng nói góp phần mang ấn vàng Hoàng đế chi bảo về lại Việt Nam”. Tôi có một số ý kiến trái nghịch với LS Hà Vũ trong bài viết này. 

1/ Tóm tắt sự việc: 

Cuối tháng 10 năm 2022 sàn đấu giá Millon có thông tin trên mạng rằng cái ấn “Hoàng đế chi bảo”, vốn là cái ấn bằng vàng (nặng trên 10 ký vàng ròng) được đúc dưới thời vua Minh mạng sẽ được bán đầu giá  Paris, Pháp quốc, với giá khởi đầu (dự đoán) khoảng 2,5 triệu euros. Bộ Văn hóa, du lịch và Thể thao của VN hay tin  liền có động thái thăm dò nhằm mua lại cái ấn về cho VN. Vì chiếu theo luật mới của VN cái ấn này là “di sản lịch sử và văn hóa” của VN. LS Hà Vũ có ý kiến về việc này như sau : “đề nghị của Bộ Văn hóa về thăm dò khả năng đàm phán mua ấn “Kim Bảo Tỷ” là không phù hợp vì ấn này, cũng như kiếm “Khải Định niên chế”, thuộc sở hữu của Nhà nước Việt Nam”. 

Theo LS Hà Vũ thì “hai báu vật này phải được hoàn trả cho Nhà nước Việt Nam dưới hình thức này hay hình thức khác”.

LS Hà Vũ viết: “không ai có quyền bán, chuyển nhượng hay chuyển giao hai bảo vật này cho người khác ngoài Nhà nước Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhận được Nhà nước Việt Nam ủy nhiệm hoặc bảo trợ”. 

LS Hà Vũ tự giới thiệu về bản thân : “với lòng tự tôn dân tộc và kiến thức pháp luật tiếp nhận từ một Đại học của Pháp, Đại học Paris 1, Panthéon -Sorbonne, tôi đã ngay lập tức tiến hành một cuộc “đấu tranh” quyết liệt và dồn dập nhằm góp phần giành lại ấn vàng cho Nhà nước và nhân dân Việt Nam”.

Kế hoạch “đấu tranh giành lại ấn vàng” của LS Hà Vũ gồm 2 bước, được tác giả mô tả: 

“Bước 1, ngăn chặn cuộc đấu giá sẽ diễn ra ngày 31/10/2022. Tôi đã ngay lập tức gửi thư tới Nhà đấu giá Millon yêu cầu rút ấn vàng khỏi đấu giá, đồng thời gửi kiến nghị tới lãnh đạo Việt Nam (trực tiếp và qua Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và tại Hoa Kỳ) yêu cầu khởi kiện Nhà đấu giá Millon, buộc họ hoàn trả ấn vàng cho Nhà nước Việt Nam và đề nghị Chính phủ Pháp can thiệp theo hướng này”

“Bước 2, tạo sức ép pháp lý và dư luận…. Nếu Nhà đấu giá Millon và những người thừa kế bà Monique Baudot từ chối thừa nhận quyền sở hữu này của Nhà nước Việt Nam thì họ sẽ phải đối đầu với một vụ kiện do Nhà nước Việt Nam tiến hành mà phần thua chắc chắn thuộc về họ”.

Lập luận nền tảng của “cuộc đấu tranh hai bước dành lại ấn vàng” của LS được đặt trên sự kiện lịch sử : ”ấn “Hoàng Đế Chi Bảo” và kiếm “Khải Định niên chế” thuộc sở hữu của Nhà nước Việt Nam vì đã được vua Bảo Đại chuyển giao cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại lễ thoái vị ngày 39/8/1945”.  

Ý kiến của tôi về bài viết này của LS Hà Vũ lần lượt ghi lại như sau:

2/ Vấn đề luật lệ. 

Trong bài LS Hà Vũ vịn luật dân sự của Pháp : “Điều 2276 của Bộ luật Dân sự Pháp quy định rằng bất cứ ai đánh mất hoặc bị trộm một thứ gì đó đều có thể đòi người chiếm hữu trả lại”. 

Các yếu tố mà phía VN phải chứng minh, để có thể áp dụng điều luật này nhằm lấy lại cái ấn là: 1/ Chứng minh VN đã xác lập quyền sở hữu trên cái ấn và 2/ quyền sở hữu này liên tục, từ tháng 9 năm 1945 cho đến nay. Tức quyền sở hữu cái ấn từ Bảo Đại trao cho VM. Sau đó từ VM chuyển qua VNDCCH. Cuối cùng CHXHCNVN là pháp nhân tiếp nối quyền sở hữu này.  

Tạm chấp nhận rằng sự kiện Bảo Đại giao ấn và kiếm cho đại diện VM đủ để VN xác lập quyền sở hữu của VN trên cái ấn, từ tháng 9 năm 1945. 

Trở ngại là vào năm 1952 VM làm mất và Pháp thu được cái ấn này. Ấn này sau đó được nhà cầm quyền bảo hộ Pháp trả lại cho Bảo Đại.

Điều này có nghĩa  quyền sở hữu của VM trên cái ấn đã chấm dứt. Chuyện này sẽ nói lại phần dưới.

LS Hà Vũ dựa vào sự kiện “Bảo đại trao ấn kiếm cho đại diện VM” để khẳng định quyền sở hữu của VN hiện thời trên cái ấn đồng thời dựa vào điều 2276 Bộ dân luật của Pháp để khẳng định: “hai báu vật này phải được hoàn trả cho Nhà nước Việt Nam dưới hình thức này hay hình thức khác”. LS Hà Vũ đồng thời thúc dục VN “kiện nhà đấu giá Millon” cũng như “cần khẩn trương cử đại diện khởi kiện những người thừa kế của bà Monique Baudot và ông Bảo Long ra trước tòa án có thẩm quyền của Pháp để yêu cầu họ hoàn trả hai báu vật này cho Nhà nước Việt Nam”. 

Vấn đề là Luật Dân sự của Pháp không thể áp dụng cho cái ấn. 

Lý do thứ nhứt, vấn đề thời hiệu. Cái ấn nằm trong tay Bảo Đại từ 1952 đến khi ông này qua đời năm 1997. Tức là VNDCCH, sau đó là nhà nước CHXHCNVN đã “im lặng”, không có bất cứ động thái nào để yêu sách quyền sở hữu cái ấn,  trong suốt thời gian 45 năm. Sự im lặng kéo dài này được xem là các nhà nước VN đã mặc nhiên nhìn nhận Bảo Đại có quyền sở hữu ấn (và kiếm).

Thứ hai, luật lệ áp dụng. 

Luật về Gia sản (Code du Patrimoine) của Pháp, từ khoản L111 đến khoản L116, qui định một “cổ vật” bất kỳ xuất xứ, có giá trị trên 30 ngàn euros, ở trên đất Pháp 50 năm, vật đó có thể thuộc “tài sản văn hóa” hay “bảo vật quốc gia” của Pháp. 

Cái ấn nặng trên 10 kí vàng, có niên đại trên 200 năm, có giá trị văn hóa và lịch sử. Cái ấn đã ở trên đất Pháp trên 50 năm, có chủ nhân là người cư trú trên đất Pháp và có quốc tịch Pháp. Cái ấn có đủ yếu tố trở thành “bảo vật quốc gia” hay “tài sản văn hóa” của Pháp. 

Luật áp dụng sẽ là Luật về Gia sản (Code du Patrimoine) chớ không phải là Luật dân sự (như LS Hà Vũ lầm lẫn). 

Luật này có khoản “làm khó” cho VN, nếu VN mua và muốn hồi hương cái ấn. 

Theo khoản L111 của bộ luật này, một bảo vật hay một tài sản lịch sử, văn hóa có thể được mua bán tự do trên sàn đấu giá. Nhưng bảo vật chỉ có thể rời khỏi nước Pháp nếu có giấy phép xuất cảnh do Bộ Văn hóa cấp. 

Căn cứ luật lệ đã dẫn, rõ ràng cái ấn hội đủ các điều kiện để trở thành  “bảo vật quốc gia” của Pháp. Nếu VN thành công mua lại cái ấn nhưng việc “hồi hương” cái ấn phần quyết định sẽ thuộc về Bộ Văn hóa Pháp.

3/ Vấn đề xác lập quyền sở hữu trên cái ấn.  

Về ý kiến của LS Hà Vũ “khởi kiện Nhà đấu giá Millon”, “kiện người thừa kế của Bảo Đại” hay yêu cầu “nước Pháp can thiệp trả lại cho VN cái ấn”. 

Các việc này, như trên đã nói sơ lược, chỉ có thể thực hiện nếu VN xác lập được quyền sở hữu của mình trên cái ấn. 

Sau đó VN cần chứng minh tính “liên tục” về quyền sở hữu của VN trên cái ấn, từ Bảo Đại chuyển qua VM. Sau đó từ VM chuyển qua VNDCCH và cuối cùng CHXHCNVN kế tục quyền sở hữu này.

LS Vũ cho rằng VN đã xác lập quyền chủ sở hữu cái ấn qua sự kiện Bảo Đại đã giao cái ấn (và thanh kiếm) cho đại diện Việt Minh ngày 30 tháng 8 năm 1945.

VNDCCH tuyên bố độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945. 

Ta chấp nhận rằng VNDCCH là pháp nhân thụ đắc quyền sở hữu cái ấn (qua sự kiện ngày 30-8-1945). Ta cũng chấp nhận rằng CHXHCNVN là pháp nhân kế tục VNDCCH trên mọi lãnh vực văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội…

Điều mà LS Hà Vũ đã biết nhưng không nói ra là VNDCCH đã “làm mất” cái ấn. Không lâu sau đó quân Pháp đã “tìm lại” được cái ấn và cái ấn này được Pháp trả cho Bảo Đại. 

Tài liệu dẫn trong bài viết trên BBC ngày 30-10-2022 của tác giả Phạm Cao Phong, VNDCCH đã làm “thất lạc” cái ấn vào ngày Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946. Pháp đã tìm được cái ấn (và thanh kiếm) ngày 28-2-1952, sau một cuộc đào bới một nền nhà vắng chủ. Cũng theo tài liệu này ấn (và kiếm) sau đó được Pháp “trả” lại cho Bảo Đại ngày 8-3-1952. 

Theo tập quán quốc tế (về chiến tranh), theo luật nước Pháp (1804 có hiệu lực đến nay) và luật VN hiện tại về “quyền sở hữu”, ta đặt vấn đề : VN hôm nay có giữ “quyền sở hữu” cái ấn nữa hay không ?

Trong mục này ta khẳng định rằng cái ấn là vật riêng tư của vua (hoàng đế chi bảo – vật quí của vua), không phải là “truyền quốc ngọc tỉ” (tức cái ấn đại diện cho quyền lực nhà Nguyễn). Ta đặt giả thuyết rằng hành vi chuyển giao cái ấn và thanh kiếm từ Bảo Đại qua đại diện VM là “hợp lệ” và có giá trị pháp lý. Tức là Bảo Đại “tự nguyện” chuyển giao mà bản thân ông không bị áp lực hay bị uy hiếp.

Tập quán quốc tế về chiến tranh hiện thời “le butin de guerre – chiến lợi phẩm” thuộc về phe chiếm hữu được chúng. Thời kỳ chiến tranh Việt-Pháp, người ta quan niệm “chiến tranh là phương cách chuyển quyền sở hữu các báu vật từ một quốc gia này sang quốc gia khác”.

Trong hoàn cảnh chiến tranh, cái ấn và thanh kiếm là “chiến lợi phẩm”. Pháp là phía cuối cùng chiếm hữu hai bảo vật này. 

Theo tập quán quốc tế (hay theo luật của VN hiện hành), Pháp đã xác lập quyền sở hữu của họ trên cái ấn và thanh kiếm. 

Trên cơ sở các hiệp ước ký kết giữa Pháp và VN, nhứt là Hiệp ước Elysée 1948. Pháp có thẩm quyền giao ấn và kiếm lại cho Bảo Đại. Lúc đó Bảo đại là Quốc trưởng của Quốc gia Việt Nam, pháp nhân quốc tế vừa được Pháp trả độc lập (qua hiệp ước Elysée 1948).

Từ nền tảng pháp lý (luật quốc tế, luật của Pháp từ 1804 đến hay luật về xác lập quyền sở hữu của VN hiện tại) cái ấn thuộc quyền sở hữu của Bảo Đại. Dĩ nhiên Bảo Đại có quyền chuyển “quyền sở hữu cái ấn” cho những người thừa kế. Và dĩ nhiên người thừa kế có toàn quyền định đoạt số phận cái ấn. Họ có quyền bán, cho hay hiến tặng cho bất kỳ một pháp nhân (viện bảo tàng hay cá nhân) nào đó. 

Tức là VNDCCH thụ đắc quyền sở hữu cái ấn nhưng sau đó VNDCCH đã làm mất quyền sở hữu này cho Pháp.

Chuyện xảy ra trên thực tế, VN mua lại cái ấn đúng với thủ tục mua bán cổ vật, ấn định theo của luật lệ nước Pháp. Không có vụ kiện cáo chi cả. 

4/ Kế hoạch “hai bước đấu tranh nhằm lấy lại cái ấn” của LS Hà Vũ.

Bước 1, lên kế hoạch “ngăn chặn cuộc đấu giá sẽ diễn ra ngày 31/10/2022”. Từ đó VN độc quyền mua được cái ấn  theo thủ tục “thỏa thuận song phương”.   

Kế hoạch “ngăn cuộc đấu giá” của LS Hà Vũ cũng là chuyện “nổ như pháo”. 

Luật về “mua bán cổ vật qua đấu giá” của nước Pháp, từ năm 2011, cho phép sàn đấu giá được quyền thương lượng “de gré à gré” với người mua để bán cổ vật mà không thông qua thủ tục đấu giá. 

Luật trước 2011, chủ sàn đấu giá chỉ có thể thương lượng “de gré à gré” với một đối tác sau khi đấu giá hoàn tất (nhưng cổ vật không bán được) mà thôi. 

Tức là bất kỳ người nào có tiền và sẵn sàng trả giá cao để mua cái ấn thì người này có thể thương lượng ngoài sàn “de gré à gré” với nhà đấu giá Millon để mua trực tiếp cái ấn mà không thông qua thủ tục đấu giá. 

Thực tế cho thấy phía VN không hề có đặc quyền nào như LS Hà Vũ đề cập trong  bài viết. Phía VN đã xuất tiền ra mua cái ấn, theo thủ tục “song phương ngoài sàn – de gré à gré” đúng theo qui định của luật lệ nước Pháp, như bất kỳ khách hàng bình thường nào khác của nhà đấu giá Millon.

Tức là mọi ý kiến của LS Hà Vũ kiểu “nhờ tôi lên tiếng mà cuộc đấu giá của Millon bị ngăn chặn” là không thực tế. Nó không có giá trị bằng chứng để chứng minh công lao của LS Vũ trong việc hồi hương cái ấn. 

Bước thứ hai “kiện nhà đấu giá Millon và những người thừa kế bà Monique Baudot”.

Vấn đề “kiện cáo” như gợi ý của LS Hà Vũ xem như “chìm xuồng”. 

Bằng chứng xác lập quyền sở hữu không có (vì không thể chứng minh). Luật lệ đối chiếu thì không phù hợp. Điều may là trong Bộ NG VN cũng có người biết luật lệ. Chớ nếu nhà nước VN “nghe theo” lời của LS Hà Vũ “kiện nước Pháp” hay “kiện nhà đấu giá Millon và những người thừa kế của Bảo Đại” để lấy lại cái ấn như ông đã đề nghị. Thì có lẽ VN sẽ không bao giờ có được cái ấn, ngay cả khi mua lại bằng giá cao. Nước Pháp, qua cơ quan thẩm quyền là Bộ Văn hóa, có thể không cấp giấy xuất cảnh cho cái ấn. Điều này nếu xảy ra thì cái ấn sẽ vĩnh viễn ở lại trên nước Pháp. 

Chuyện khác cũng cần nói là nhà nước VN vì sao không ra mặt mua lại cái ấn mà phải qua trung gian là một tài phiệt VN ? Chuyện này LS Hà Vũ có đề cập nhưng không thấy ông phân tích lợi hại ra sao.

Tôi có cảnh báo qua một bài viết trên tranh Facebook cá nhân tháng 11 năm 2022. Trong bài tôi có viết rằng, nếu nhà nước VN đứng ra mua cái ấn, theo tôi cái ấn có thể bị “giam” lại ở Pháp lâu dài và VN có thể mất cái ấn. Trở ngại không phải nhà nước Pháp ngăn cản mà là những pháp nhân đã từng kiện tụng nhà nước VN và họ đã thắng (như Trịnh Vĩnh Bình). Ông TV Bình, hay một người nào đó có ân oán với nhà nước VN, có thể kiện quốc gia VN trước một tòa án, với nội dung yêu cầu Tòa “xiết” cái ấn như là vật thế chân. Khi nào VN trả hết tiền bồi thường cho họ thì lúc đó cái ấn mới được trả về cho VN.

5/ Kết luận lại. Theo tôi các “tiếng nói”, nhứt là “tiếng nói” của LS Hà Vũ trên BBC, RFA và VOA… về cái ấn không hề giúp ích gì cho việc hồi hương cái ấn. Kiến thức về luật học của LS Hà Vũ cũng vậy. 

Nếu ta có theo dõi vụ việc cái ấn” Hoàng đế chi bảo” (từ cuối tháng 10 năm 2022) và nếu ta có một chút kiến thức về lịch sử và luật lệ. Thì ta sẽ biết rằng chỉ có “tiền” và việc tuân thủ luật lệ mới có thể giúp cho VN hồi hương cái ấn mà thôi. Và điều này đã xảy ra (y như vậy) trên thực tế.

Tiền, phía VN, tài phiệt VN xuất túi 6,1 triệu euros để mua cái ấn (khoảng gấp 2,5 lần giá trị dự kiến đấu giá). 

Thủ tục, thời gian 1 năm để VN hoàn tất thủ tục (qui định theo luật lệ nước Pháp) để hồi hương cái ấn. 

Không ai có “công lao” gì trong vụ “hồi hương cái ấn” hết cả. Báo chí trong nước cố gắng tán dương công lao của Bộ Văn hóa và Bộ ngoại giao. Theo tôi, nếu một cá nhân VN bất kỳ, có tiền, nếu mua được cái ấn thì họ có thể hồi hương cái ấn dễ dàng. Điều cần thiết là cá nhân đó phải cung cấp giấy tờ và lý do thuyết phục cho Bộ Văn hóa Pháp. Chớ không cần phải nhờ tới bộ nào hết cả.

 

Tiếng nói góp phần mang ấn vàng “Hoàng Đế Chi Bảo” về lại Việt Nam
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular