THƯƠNG VỤ AVG & LÝ LUẬN CỦA BỘ 4T

0
976
Trụ sở của AMAX nằm chung với một số doanh nghiệp tại số 50-C9 đường số 11, khu Miếu Nổi, phường 2, quận Phú Nhuận, TP HCM. Ảnh: NGỌC ÁNH

Thương vụ Mobifone – AVG bắt đầu có sức hấp dẫn bởi sự giằng co quan điểm của bộ TT&TT và Thanh tra CP.

Bộ TT&TT cho rằng Thanh tra CP đã kết luận không đúng bản chất của vụ việc. Qua văn bản phản biện, bộ TT&TT đã bác bỏ gần hết các kết luận của Thanh tra CP.

Bộ TT&TT cho rằng Thanh tra CP suy diễn sự việc theo một cách khác, có ý hình sự hoá giao dịch, kết luận sai trong các vấn đề như định giá tài sản vô hình, viện dẫn luật không chặt chẽ, không có căn cứ pháp lý, sai về nguyên tắc kế toán, chuyên môn. Họ cho rằng mua lại AVG là tiềm năng, hợp lý và cho tới hiện tại, chưa gây thiệt hại gì cho Mobifone cũng như cho nhà nước.

Về vấn đề tài sản vô hình (thương hiệu), bộ TT&TT đã hoàn toàn lập lờ không đưa được con số cụ thể nào để phản biện. Một thương hiệu có giá trị được cấu thành bởi nhiều yếu tố. Trong đó, những thương hiệu mạnh thường sở hữu các đăng ký sáng chế, những chương trình độc quyền, ăn khách hay nền tảng công nghệ mới mẻ, trang thiết bị máy móc hiện đại và tiềm năng trong lĩnh vực truyền hình, mạng lưới kinh doanh vươn rộng ra ngoài lãnh thổ,… Những thứ này, AVG tuyệt nhiên không có gì cả. Tương lai của thương hiệu gần như không giá trị, thặng dư tài chính do thương hiệu đem lại bằng O, không có sức hấp dẫn khi nhượng quyền. Từ đó cho thấy giá trị thương hiệu của AVG là không đáng kể.

Vấn đề tài chính, khi mua, AVG đang lỗ hàng nghìn tỷ và không có đường hướng hay tiềm năng để thu hút khách hàng, kéo lại doanh thu. Đồ thị kinh doanh đi xuống và khó có khả năng vực dậy. Không tập trung vào lĩnh vực chính, đầu tư ngoài ngành một cách dàn trải.

Vấn đề pháp lý, Mobifone khi mua đã có sai phạm trong việc chọn đơn vị thẩm định giá không qua đấu thầu, số liệu của đơn vị thẩm định giá (AMAX) cung cấp cũng không chính xác, bất hợp pháp, không đủ cơ sở để tính giá trị thực tế của AVG. Không giả lập phương án kinh doanh để so sánh với giá trị thực tế của doanh nghiệp.

Một điều vô cùng quan trọng, thương vụ mua lại AVG đang đi ngược với chủ trương của Trung ương khi đang nỗ lực cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước. Là bộ chủ quản, thay vì nên khuyến khích đầu tư ngoài quốc doanh thì bộ TT&TT lại không bám sát chủ trương mà vẫn đổ vốn ngân sách ra để ôm vào những doanh nghiệp yếu kém, gây thêm gánh nặng cho ngân sách, kìm hãm sự cạnh tranh và đa dạng hoá của thị trường truyền thông trong nước.

Một Mobifone mạnh khoẻ sẽ có giá trị và thuận lợi hơn rất nhiều so với phải ôm thêm một “cục nợ” AVG trên tiến trình cổ phần hoá.

Thêm một hành động khó hiểu nữa khi họ đột nhiên ngồi lại với nhau dưới sự chứng kiến của bộ trưởng để bàn giao lại hàng cho kẻ bán và tiền cho người mua, chỉ với một lý do cực kỳ mơ hồ: Mobifone không bắt được nhịp, không đón đầu được “số hoá truyền hình” dẫn tới làm mất hiệu quả của AVG.

Khi mua được món hời, người mua chẳng mấy ai muốn trả lại và một khi quyết bán để lấy tiền, kẻ bán chẳng ai muốn tiền rơi ngược trở ra.

Thanh tra CP đánh giá tài sản của AVG vẻn vẹn có 1.900 tỷ nhưng Mobifone lại mua với giá 8.900 tỷ, vậy 7.000 tỷ đã rơi rớt ở đâu trên đường đi mua?

Giải trình về đầu tư, về tài chính, và về pháp lý loanh quanh ra sao là quyền của bộ TT&TT và Mobifone. Còn Thanh tra CP và Trung ương thì lại cần biết rõ vì sao giá của nó lại quá cao so với thực tế như vậy. Bấy nhiêu đó thôi là đủ để cơ quan điều tra có thể vào cuộc. Đề xuất chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra của Thanh tra CP là hoàn toàn hợp lý.

Câu hỏi mà dư luận đang đặt ra đó là AMAX là ai và vì sao lại được MobiFone lựa chọn thẩm định giá trị tài sản của AVG, dẫn đến giá trị của doanh nghiệp này từ 208,589 tỉ đồng được thổi lên 16.565 tỉ đồng?
NLD.COM.VN
263300cookie-checkTHƯƠNG VỤ AVG & LÝ LUẬN CỦA BỘ 4T