Saturday, July 27, 2024
HomeBIỂN ĐÔNGTHAM VỌNG TRUNG QUỐC BÀNH TRƯỚNG XUỐNG NAM CỰC (ANTARCTICA)

THAM VỌNG TRUNG QUỐC BÀNH TRƯỚNG XUỐNG NAM CỰC (ANTARCTICA)

Từ lâu nay, Trung Quốc đã có ý đồ xâm phạm vào lãnh thổ Nam Cực của Úc, Australian Antarctic Territory, bằng cách xây dựng những tiền đồn dưới danh nghĩa nghiên cứu khoa học và trạm tiếp nhận vệ tinh viễn thông. Báo mạng News của Úc đã cảnh báo trong tuần vừa qua rằng: “một trận chiến tranh lạnh đã dần dần lan tỏa đến bậc thềm nhà của Úc” khi Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng lên vùng Nam Cực.

Theo lịch sử ghi nhận, Anh quốc đã xác định chủ quyền tại Nam Cực trên hai vùng Victoria Land vào năm 1841 và Enderby Land năm 1930 và sau này chuyển nhượng Enderby Land lại cho Úc vào năm 1933. Vùng đất chủ quyền của Úc chiếm tổng cộng trên 6 triệu cây số vuông, khoảng 42% diện tích của Nam Cực. Khi hiệp ước Antarctic Treaty được ký kết bởi 12 quốc gia, vào năm 1959 và có hiệu lực từ năm 1961, mặc dù điều 4 (Article 4) không nhìn nhận hoặc phủ nhận chủ quyền được xác nhận bởi những quốc gia ký kết, hiệp ước này cũng không có thành kiến về những sự xác định chủ quyền tại Nam Cực đã được thiết lập bởi các thành viên trước khi hiệp ước ra đời. Điều này có nghĩa rằng: chủ quyền của Úc tại vùng Enderby Land đã được nhìn nhận bởi các quốc gia bao gồm Anh quốc, Pháp, Na Uy và Tân Tây Lan.

Trung Quốc đã không chấp nhận chủ quyền của Úc với lập luận cho rằng Bắc Kinh không ký kết vào hiệp ước Antarctic Treaty nên không cần phải tuân thủ. Trong thập niên qua, Trung Quốc đã sử dụng sách lược “tầm ăn dâu” để xây dựng những căn cứ mệnh danh trạm nghiên cứu khoa học và tiếp vận vệ tinh viễn thông ngay trong lãnh thổ của Úc; và Bắc Kinh cho rằng họ chỉ thực hiện những mục tiêu hòa bình để phục vụ khoa học mà thôi.

Tại sao Trung Quốc có tham vọng chiếm đóng Nam Cực?

Theo chuyên gia an ninh quốc phòng, Tiến sĩ Adam Lockyer, giảng sư đại học Macquarie, vùng Nam Cực đã nằm trong chiến lược toàn cầu của Trung Quốc giống như những gì họ đã thực hiện trên biển Đông; chỉ khác biệt ở chỗ là Bắc Kinh chưa làm nổ ra một tranh chấp với Hoa Kỳ và đồng minh trong vùng Nam Cực.

Mặc dù mở miệng ra là nói chuyện nghiên cứu khoa học để phục vụ mục tiêu hòa bình, nhưng Trung Quốc có thể biến các căn cứ này trở thành tiền đồn chiến lược để hỗ trợ hệ thống vệ tinh quân sự nhằm mục tiêu chiến lược nếu xảy ra chiến tranh với Hoa Kỳ và đồng minh. Tiến sĩ Lockyer nhấn mạnh: “Nó giống như là chúng ta đã quên cài khóa cửa sau lại” cho nên Trung Quốc mới chui được vào nhà.

Hiện nay, Trung Quốc đã thiết lập các căn cứ quân sự tại quần đảo Trường Sa và các phi trường dành cho phi cơ với tầm hoạt động có thể đe dọa miền Bắc của Úc. Đầu năm 2018, Trung quốc đã đưa hạm đội đến vùng biển phía Nam của Ấn Độ để hậu thuẫn cho nhà cầm quyền thân Trung Quốc tại quốc gia quần đảo Maldives. Những chiến hạm của Trung Quốc tại Maldives có thể trở thành vấn đề an ninh quốc phòng cho khu vực Tây Bắc nước Úc.

Năm 2017, tập đoàn xây dựng quốc doanh Trung Quốc, Shanghai Construction Group, đã xây cất bến cảng Luganville tại Vanuatu có tiềm năng quân sự bằng số tiền nợ 54 triệu Mỹ Kim cho Vanuatu vay. Nhật báo Sydney Morning Herald đã cảnh báo độc giả và chính phủ Úc về hiểm họa đe dọa an ninh quốc phòng nếu Trung Quốc sử dụng cảng Luganville cho mục tiêu quân sự.

Sau khi đã bủa vây nước Úc ở phía Bắc, những tiền trạm của Trung Quốc tại vùng Nam Cực sẽ là mấu chốt cuối cùng để hoàn thành vòng vây. Trung Quốc có thể dễ dàng biến đổi những trạm nghiên cứu khoa học tại Nam Cực thành ra các căn cứ vệ tinh trên mặt đất để dẫn đường bay cho các hỏa tiễn có tầm liên lục địa.

Bà Anne-Marie Brady, một chuyên gia chính trị của trung tâm Wilson Centre, giáo sư đại học Canterbury, cảnh báo sự hiện diện của Trung Quốc tại vùng Nam Cực đã làm thay đổi cán cân quyền lực duy trì hòa bình tại đây trong 70 năm qua. Theo bà Brady “khi chiến tranh xảy ra, nếu Hoa Kỳ từ chối không cho các quốc gia khác được tiếp cận vào hệ thống GPS của Hoa Kỳ, thì Trung Quốc và Nga sẽ có thể sử dụng hệ thống BeiDou và GLONASS để hướng dẫn đường bay cho các vũ khí tấn công có khả năng định vị.”

Thế giới hiện nay đều dựa vào hệ thống GPS của Hoa Kỳ để định vị. Điều này có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ tắt ngay hệ thống GPS dành cho các nước thù nghịch trong trường hợp xảy ra chiến tranh, khiến cho các hỏa tiễn (của phe thù địch) có tầm xa với đường bay điều khiển bằng định vị GPS sẽ bị “đui mù” và tê liệt trên không gian.

Hệ thống BeiDou của Trung Quốc và GLONASS của Nga là hệ thống điều khiển đường bay (navigation system). Tự nó không phải là vũ khí chiến tranh; vì thế cả hai đều có thể được thiết lập tại các trạm khoa học vệ tinh của Trung Quốc và Nga ở Nam Cực mà không vi phạm điều 1 (Article 1) của hiệp ước Antarctic Treaty. Tuy nhiên, BeiDou và GLONASS đều có thể được sử dụng, thay thế GPS, để định vị và dẫn dắt đường bay cho các hỏa tiễn tầm xa của Trung Quốc và Nga phóng ra tấn công Hoa Kỳ và đồng minh.

Hiện nay, Trung Quốc đang có tổng cộng 5 căn cứ tại Nam Cực gồm có: Great Wall, Zhongshan, Kunlun, Taisang và Terra Nova Bay. Tất cả căn cứ của Trung Quốc đều có khả năng để bố trí hệ thống BeiDou. Số lượng “khoa học gia” của Trung Quốc đã gia tăng đông đảo trên các căn cứ này trong những năm gần đây.

Tệ hại hơn nữa, Trung Quốc đã tìm cách lật lọng để gạt bỏ tinh thần của hiệp ước Antarctic Treaty ràng buộc các quốc gia không được phép khai thác quặng mỏ trong vùng Nam Cực. Trên mặt nổi, Trung Quốc đã ký kết nghị định Madrid Protocol cam kết không khai thác hầm mỏ tại Nam Cực cho đến năm 2048 và Tập Cận Bình xác nhận điều đó trong hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hobart vào tháng 11/2014. Tuy nhiên, ở đàng sau diễn đàn quốc tế, cơ quan Quản trị Nam Cực của Trung Quốc đã viết trong một bản báo cáo như sau: “bất chấp vùng Antarctica này bị chia sẻ ra sao, Trung Quốc phải được chia phần tài nguyên khoáng sản tại nơi đó để đảm bảo sự sinh tồn và phát triển một tỷ dân của chúng ta”. Trên trang mạng của Polar Institute of China, học viện này đã từng đăng tải tấm bản đồ của khu vực khoáng sản mà Trung Quốc có thể giành lấy để khai thác, để cho các chuyên gia của họ có thể dự thảo kế hoạch.

Bà Brady đã tự đặt câu hỏi: “làm thế nào mà họ (Trung Quốc) được cho phép xây dựng những căn cứ như thế này ngay từ phút đầu tiên”.

Fb Người Đà Lạt Xưa

************

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular