Monday, November 11, 2024
HomeBIỂN ĐÔNGQuyền lịch sử của Trung Quốc tại biển Đông

Quyền lịch sử của Trung Quốc tại biển Đông

Nhân dịp nhà báo Lê Diễn Đức “khẳng định” chủ quyền lịch sử của Trung quốc ở Hoàng Sa, vụ này tôi có phản biện hôm kia. Hôm nay đăng bài viết này, nói về “quyền lịch sử” của TQ ở Biển Đông, mục đích cho mọi người thấy rằng những yêu sách về “quyền lịch sử” của TQ đều không có căn cứ.

Quyền lịch sử của Trung Quốc tại biển Đông

Thuật ngữ « quyền lịch sử » có lẽ lần đầu sử dụng tại một số nước Châu Phi sau khi Thế chiến thứ II chấm dứt. Nguyên nhân bắt nguồn từ hậu quả các cuộc phân định biên giới tự tiện nhằm phân chia vùng ảnh hưởng giữa các đế quốc thực dân như Anh, Pháp.

Biên giới lục địa Phi Châu phần lớn được phân định trong khoản thời gian ngắn ngũi từ 1885 đến 1914. Việc phân định này được hoạch định giữa đại diện các cường quốc trong phòng giấy, thế nào để thuận tiện cho việc phòng thủ quân sự, hay cho việc quản lý hành chánh thuộc địa của các bên, mà không để ý đến địa bàn sinh hoạt của các bộ lạc dân tộc sinh sống trong vùng. Đường biên giới vì thế phần nhiều là các đường thẳng như kinh tuyến, vĩ tuyến… Hậu quả việc này làm cho nhiều bộ tộc bị phân chia làm hai, làm ba… Nhiều bộ tộc lớn lại không có lãnh thổ, hay nhiều bộ tộc khác nhau, thậm chí thù nghịch với nhau, bị gộp lại chung sống trong một quốc gia.

Sau khi các nước Châu Phi được trả độc lập, đường biên giới do các cường quốc thực dân thành lập trước kia lại được « luật quốc tế » công nhận. Các cường quốc trên thế giới e ngại việc đặt lại đường biên giới sẽ làm bùng nổ một cuộc chiến khác : cuộc chiến giữa các chủng tộc, hay giữa hai nước thuộc địa cũ, nhằm tranh dành lãnh thổ. Nguyên tắc « uti possidetis » trở thành tập quán quốc tế. Ý nghĩa nguyên tắc này là « trước (khi độc lập) anh làm chủ nó thì bây giờ anh tiếp tục làm chủ nó ».

Nhưng, trong vài trường hợp, một dân tộc đã sinh sống, đã chăn nuôi trên đồng cỏ, uống nước ở nguồn nước, trên một vùng đất từ bao ngàn năm nay. Bây giờ họ bị ngăn cấm không được đến nơi đó, với lý do khó có thể chấp nhận, là đất đó nay thuộc về một quốc gia khác. Những xung đột như thế đưa đến đổ máu. Các bộ tộc đó lên tiếng đòi lại « quyền » của họ : « quyền lịch sử ».

Thuật ngữ « quyền lịch sử » từ đó ra đời.

Nhưng ở một số vụ kiện về tranh chấp lãnh thổ được Tòa án Công lý Quốc tế (CIJ) phân xử, nguyên tắc « Uti possidetis » luôn được áp dụng. « Quyền lịch sử » không được tập quán quốc tế công nhận.

Trong một số trường hợp, như vụ xử tranh chấp biên giới Burkina-Faso – Mali (CIJ ngày 22-12-1986), « quyền lịch sử » được một bên nhắc đến. Tranh chấp hai bên là chủ quyền các ao hồ và các đồng cỏ chăn nuôi. Đòi hỏi của Burkina-Faso dựa lên « quyền lịch sử », từ ngàn đời dân chúng địa phương đó đã sống trên vùng đất đó. Tòa phân xử rằng vùng đất đó thuộc về Burkina-Faso nhưng dựa lên nguyên tắc « effectivité », chứ không do « quyền lịch sử ». Thí dụ khác, trong vụ xử tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan Tòa Trọng tài (PCA, 19-12-1968) quyết định giao khoảng 10% vùng tranh chấp này cho Pakistan, với lý do « effectivité ». Nhưng thực ra vùng đất này không thể giao cho Ấn Độ. Từ bao đời nay dân phía (Pakistan) đã sinh sống và khai thác ở đó. Nguyên tắc « uti possodetis » ở đây được tòa áp dụng nhưng có điều chỉnh khéo léo để tránh gây xung đột cho đôi bên.

Trung Quốc có quyền lịch sử ở biển Đông ?

Để biện hộ « quyền lịch sử » của TQ trên biển Đông, các học giả TQ thường nhắc đến các yếu tố : 1/ quan hệ thuợng quốc – chư hầu giữa VN và TQ. 2/ từ ngàn năm nay, ngư dân người Hoa vẫn đánh cá ở khu vực biển Đông. 3/ đường 9 đoạn chữ U, kế thừa từ chính phủ Trung Hoa Dân quốc. 4/ TQ có chủ quyền tại HS và TS do nội dung của hòa ước tháng 4-1952 ký kết với Nhật. Các học giả TQ cho rằng những sự kiện này chứng minh TQ có « quyền lịch sử » ở vùng biển này.

Về quan hệ thượng quốc – chư hầu giữa TQ và VN. Quan hệ này đã chấm dứt sau Hiệp ước 15 tháng 3 năm 1874, còn gọi là hiệp ước « Hoà Bình và Liên Minh », ký kết giữa đại diện triều đình nhà Nguyễn với đại diện nước Pháp. Điều 2 của Hiệp ước, phía VN đơn phương tuyên bố không còn thần phục TH nữa. Đến năm 1885, một Hiệp ước khác được ký giữa Pháp và nhà Thanh, còn gọi là Hiệp ước Thiên tân, nước TH chính thức từ bỏ quyền thượng quốc ở VN cho Pháp.
Các học giả đương đại TQ hiểu sai ý nghĩa quan hệ « thuợng quốc – chư hầu ».

Trên thực tế, Trung Hoa chưa bao giờ có thể can thiệp trực tiếp hay ảnh hưởng vào nội bộ VN trong tất cả mọi lãnh vực, từ kinh tế, quân sự đến việc liên hệ ngoại giao với các nước khác. Việt Nam hành sử thực tế như một nước độc lập. Trong khi quan hệ “bảo hộ”, phía bảo hộ có toàn quyền cai trị, từ pháp luật, kinh tế cho đến quân sự, ngoại giao…

Nếu so sánh với quan hệ Anh-Miến trong cùng thời kỳ, sau khi Miến đã ký hiệp ước bảo hộ với Anh, nước này vẫn cho phép triều đình vua Miến tiếp tục đi triều cống TH. Thẩm quyền của Anh tại Miến không vì vậy mà giảm sút. Trong khi TQ hoàn toàn không có một thẩm quyền nào ở Miến.

Trên quan điểm công pháp quốc tế, việc triều cống không thể hiện được tính « effectivité », tức thể hiện hành vi hành sử quyền chủ tể của đế quốc trên vùng lãnh thổ của nước chư hầu.

Về lý do từ ngàn năm nay ngư dân người Hoa vẫn đánh cá ở khu vực biển Đông, các học giả TQ quên mất một điều là ngư dân các nước khác đồng thời cũng đánh cá ở đó. Vịn vào yếu tố này, phía TQ có thể « chơi dao hai lưỡi ». Vì nếu tính lùi thời gian, đâu phải lúc nào đất của TQ cũng mở rộng như vậy ? Trong khi lãnh thổ của VN có lúc mở ra giáp đến Phúc Kiến. Mặt khác, các vùng Nội Mông, Tây Tạng, Tân Cương… thậm chí Đài loan, hay các tỉnh Hoa Nam… đều có thể nhân danh « quyền lịch sử » để lên tiếng đòi độc lập.

Về lý do TQ kế thừa đường 9 đoạn chữ U do nhà nước Quốc Dân thành lập năm 1947. Điều này có nhiều phần miễn cưỡng và thiếu minh bạch.

Theo tài liệu từ nguồn Pháp quốc, bầu cử Quốc hội Trung Hoa Dân quốc được tổ chức từ 21 đến 23 tháng 11 năm 1947, trong 32 tỉnh, huyện trên tổng số 47 (vì các nơi khác do cộng sản kiểm soát). Cứ 500.000 dân thì một đại biểu được bầu.
Quốc hội nhóm họp ngày 29-3-1948, nhân ngày kỹ niệm 72 liệt sĩ Hoàng Hoa Cương (Quảng Đông) năm 1911. Quốc hội ra nghị quyết về « các quyền bất khả thời hiệu (droits imprescriptibles) của TQ tại Hoàng Sa ». Hoàn toàn không hề nhắc đến « bản đồ 9 đoạn chữ U » cũng như không hề đề cập đến chủ quyền quần đảo Trường sa ở phía nam.

Như thế nhà nước TQ hiện nay « kế thừa » bản đồ chữ U (và quần đảo TS) là kế thừa từ ai ? Theo công pháp quốc tế, một nhà nước chỉ có thể kế thừa các hành vi thuộc về lãnh thổ từ một nhà nước tiền nhiệm, chứ không thể kế thừa từ một « sáng kiến » của tư nhân.

Về lý do theo nội dung Hòa ước Nhật-Hoa ngày 24-4-1952, hai quần đảo HS và TS đã được Nhật trả cho TQ.

Điều này hoàn toàn không đúng.

Hội nghị San Francisco được tổ chức một năm trước đó, 1951. Theo tinh thần Hòa ước này, Nhật tuyên bố từ bỏ các vùng đất đã chiếm, trong đó có HS và TS. Nhân dịp này, Thủ tướng VN là ông Trần Văn Hữu, long trọng tuyên bố thâu hồi hai quần đảo này về cho VN. Các nước hiện diện trong hội nghị không nước nào phản đối.

Năm sau, Nhật ký hòa ước với nhà nước TH Dân quốc. Ở thời điểm này Nhật đã từ bỏ HS và TS, phía VN đã tuyên bố thâu hồi, thì còn đâu mà giao lại cho TQ ?

Các học giả Đài Loan cũng nại việc kế thừa và liên tục quốc gia để cho rằng HS và TS thuộc TQ.

Trước 1945, Nhật sát nhập TS vào Đài loan và cho một số lính gốc Đài loan canh giữ một số đảo. Nhưng người ta không thể kế thừa cái gì mà nhà nước tiền nhiệm đã từ bỏ. Nhật đã từ bỏ các đảo này theo tinh thần hòa ước San Francisco 1951.

Trong tranh chấp các đảo trong Hồng Hải giữa hai nước Yemen và Erythrée được tòa Trọng tài xử ngày 9-10-1998, phía Erythrée vịn vào lý do liên tục quốc gia. Trước kia chủ quyền các đảo thuộc về Ý, sau đó chuyển sang cho Ethiopie sau Thế chiến thứ II (Erythrée thuộc Liên bang Ethiopie từ năm 1962, đến năm 1993 thì tuyên bố độc lập). Nhưng tòa bác bỏ lý lẽ này, bởi vì nhà nước tiền nhiệm là Ý, chiếu theo hòa ước 1948 phải từ bỏ các lãnh thổ trong khu vực. Tòa cho rằng Erythrée không thể kế thừa cái mà nhà nước tiền nhiệm đã từ bỏ.

Như thế, các học giả TQ chưa hề chứng minh được « quyền lịch sử » của nước họ tại biển Đông.Trong khi trên quan điểm quốc tế công pháp, quyền này không hề được thừa nhận.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular