Hôm qua, 23/11/2009, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua Dự Luật Dân quân, tự vệ theo đó lực lượng dân quân tự vệ biển sẽ được thành lập. “Khẳng định chủ trương này là một sai lầm chiến lược” – Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ trước đó đã gửi tới Quốc hội Kiến nghị khẩn cấp “Không tổ chức dân, quân tự vệ biển”. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc thành lập lực lượng dân quân tự vệ trong tình hình khẩn trương hiện nay là cần thiết (xem Trương Nhân Tuấn, mạng talawas blog 22-11-2009), mà xét lại lịch sử nước nhà thì truyền thống “lấy yếu thắng mạnh lấy ít địch nhiều” của dân tộc ta xưa nay vốn cũng không tách rời chiến tranh nhân dân, trong đó du kích chiến là một mũi quan trọng. Bauxite Việt Nam (BVN) phỏng vấn nhanh TS Cù Huy Hà Vũ (TS CHHV) về quyết định này của Quốc hội.
BVN: Thưa TS Cù Huy Hà Vũ, là người phản đối việc thành lập dân quân, tự vệ biển, xin ông cho biết điều gì sẽ xảy ra sau khi Dự luật dân quân, tự vệ đã được Quốc hội thông qua?
TS CHHV: Lập dân quân, tự vệ biển theo tôi là một nguy cơ làm mất nốt Trường Sa vì dân quân, tự vệ biển rất dễ trở thành “ngòi nổ” cho chiến tranh xâm lược quần đảo này. Thực vậy, theo Luật, dân quân, tự vệ biển được quyền nổ súng trong trường hợp phát hiện địch khi tuần tra biển, đảo. Thế nhưng lực lượng bán vũ trang này không thể có khí tài, thông tin hoặc sự chỉ huy thống nhất cần thiết như lực lượng vũ trang chính quy để có thể xác định “địch” một cách tuyệt đối chính xác hoặc nổ súng đúng lúc nên rất dễ bắn nhầm dân thường nước ngoài hoặc nổ súng không cần thiết khi bị khiêu khích. Chắc chắn phía nước ngoài có mưu đồ bành trướng lãnh thổ chỉ đợi có thế để tàn sát họ bằng lực lượng vũ trang chính quy. Trong trường hợp nghiêm trọng này không lẽ hải quân ta lại bỏ mặc đồng đội? Mà lao đến cứu thì xung đột với hải quân nước ngoài, mà 99% là với hải quân Trung Quốc, là không thể tránh khỏi với phần thắng chắc chắn không thuộc về hải quân Việt Nam do phương tiện chiến tranh của ta vừa yếu lại vừa thiếu một cách nghiêm trọng.
Cần khẳng định rằng mọi xung đột quân sự trong hải phận Việt Nam đều dẫn đến chiến tranh xâm lược Trường Sa. Hoàng Sa chưa biết đến bao giờ mới giành lại được mà nay lại mất nốt Trường Sa do dân quân, tự vệ biển thì những người chủ xướng không chỉ có tội với Dân, với Nước mà còn có tội với cả Lịch sử dân tộc.
BVN: Để tránh nguy cơ Việt Nam mất nốt chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa như ông đã cảnh báo, rất có thể dân quân, tự vệ biển không đuợc phát súng trừ trường hợp có chiến tranh. Ông nghĩ sao về khả năng này?
TS CHHV: Nếu không được vũ trang thì đâu còn là dân quân, tự vệ! Mà ngay cả trong trường hợp không được phát súng khi ra biển thì những dân binh này vẫn có thể bị nước ngoài có mưu đồ bành trướng sẵn sàng vu cho là tấn công vũ trang ngư dân hoặc hải quân nước họ, vì với Luật dân quân, tự vệ những dân binh này mặc nhiên được vũ trang. “Há miệng mắc quai” là vậy!
BVN: Vậy để bảo vệ hữu hiệu chủ quyền biển của Việt Nam nói chung, quần đảo Trường Sa và tài sản và tính mạng của ngư nói riêng, theo ông cần phải làm gì?
TS CHHV: Để đạt được mục đích trên, nỗ lực quốc gia cần được triển khai trên ba hướng:
Một là, cấp tốc hiện đại hóa hải quân, cảnh sát biển và không quân.
Hai là, khẩn trương nâng hợp tác lên liên minh quân sự với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ vì đây là cường quốc quân sự duy nhất có mặt ở Thái Bình Dương.
Ba là, đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao trên diễn đàn Liên hiệp quốc bên cạnh đấu tranh ngoại giao trong khuôn khổ song phương, đa phương với các nước trong khu vực.
Trong ba hướng trên thì liên minh quân sự với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là trọng điểm vì dù Việt Nam có cấp tập hiện đại hóa lực lượng phòng thủ biển đến mấy thì cũng không thể đua được với Trung Quốc. Nói cách khác, về ngắn hạn và trung hạn, lực lượng phòng thủ biển của Việt Nam chỉ có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình trên cơ sở liên minh quân sự với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
BVN: Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ.