….
Trong ngày 29 tháng 4, dù rất bận rộn trong việc di tản hàng chục ngàn người Mỹ và người tỵ nạn Vietnam. Đại sứ Martin cũng đã tìm cách đến gặp cụ Trần Văn Hương, cựu Tổng Thống VNCH tại phủ Phó Tổng thống trên đường Công Lý lần chót.
Theo GS Nguyễn ngọc An, bạn thâm giao của cụ Hương thì cuộc gặp gỡ nầy đã diễn ra như sau:
Cũng ngày đó 29 tháng 4 năm 1975, đại sứ Hoa Kỳ ông Martin đến tư dinh đường Công Lý với một tham vụ sứ quán nói tiếng Pháp. Đại khái đại sứ nói:
« Thưa Tổng Thống, tình trạng hiện nay rất nguy hiểm. Nhơn danh chính phủ Hoa Kỳ, chúng tôi đến mời Tổng Thống rời khỏi nước, đi đến bất cứ xứ nào, ngày giờ nào với phương tiện nào mà Tổng thống muốn. Chính phủ chúng tôi cam kết bảo đảm cho Ngài một đời sống xứng đáng với cương vị Tổng thống cho đến ngày TT trăm tuổi già »
Tổng thống Trần Văn Hương mĩm cười trả lời :
« Thưa Ngài đại sứ, tôi biết tình trạng hiện nay rất là nguy hiểm. Đã đến đỗi như vậy, Hoa Kỳ cũng có phần trách nhiệm trong đó. Nay ông đại sứ đến mời tôi ly hương, tôi rất cám ơn Ông đại sứ. Nhưng tôi đã suy nghĩ và quyết định dứt khoát ở lại nước tôi. Tôi cũng dư biết Cộng sản vào được Saigon, bao nhiêu đau khổ nhục nhã sẽ trút xuống đầu dân chúng miền Nam. Tôi là người lãnh đạo đứng hàng đầu của họ, tôi tình nguyện ở lại để chia xẻ với họ một phần nào niềm đau đớn tủi nhục, nổi thống khổ của người dân mất nước. Cám ơn ông Đại sứ đã đến viếng tôi »
Khi nghe câu « Les États-Unis ont aussi leur part de responsabilités (Hoa Kỳ cũng có phần trách nhiệm trong đó), đại sứ Martin giựt mình nhìn trân trân ông Trần Văn Hương. Năm 1980, ông Hương thuật lại với tôi: Dứt câu chuyện, on se sépare sans même se serrer la main ». (GS Nguyễn Ngọc An. Cụ Trần Văn Hương, đăng trên Thời Luận không rõ ngày). Cựu đại úy Nguyễn Văn Nhựt sĩ quan tùy viên của phó Tổng thống Trần Văn Hương cho người viết biết vào những ngày tháng cuối cùng trong tháng 4 năm 1975, cụ Trần Văn Hương đã nói với anh em phục vụ tại phủ Phó Tổng thống rằng:
« Thấy các em còn trẻ tuổi mà phải chịu hy sinh gian khổ vì chiến tranh, qua rất thương, nhưng số phận của đất nước mình là như vậy, mình phải đánh cho tới cùng »
Sau khi bàn giao chức vụ TT cho Dương Văn Minh, tối 28 tháng tư, cụ Trần Văn Hương đã dọn ngay về tư gia ở trong hẻm đường Phan Thanh Giản. Tuy nhiên, sáng hôm sau, ngày 29 tháng tư, cụ phải trở lại dinh Phó Tổng thống ở đường Công Lý một lần cuối để tiếp kiến đại sứ Martin khi Martin đên từ giã cụ.
Trong một cuộc tiếp xúc với BS Nguyễn Lưu Viên, cựu Phó Thủ Tướng VNCH, tại Westminster vào cuối 2002, BS.Viên có cho người viết biết rằng vào sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975, ông và bà Trần Văn Văn có đến thăm cụ Trần Văn Hương một lần cuối và cụ Hương đã nói với hai người rằng hai vị đại sứ Pháp và Hoa Kỳ có đến mời ông đi tị nạn, nhưng ông đã từ chối lời mời của họ.
Vào năm 1978, khi chính quyền CH-XHCNVN trả lại « Quyền công dân cho Dương Văn Minh, các anh em đang bị tù học tập cải tạo đều bị đi xem hình ảnh và phim chiếu lại cảnh cựu «Tổng thống » Dương Văn Minh đang hồ hỡi hân hoan đi bầu Quốc Hội « đảng cử dân bầu » của người Cộng sản.
Cụ Trần Văn Hương cũng được chính quyền đề nghị trả lại quyền công dân, nhưng cụ đã từ chối. Cựu Tổng thống VNCH Trần Văn Hương đã gởi bức thư sau đây đến cấp lãnh đạo chính quyền Cộng sản:
«… Hiện nay vẫn còn có mấy trăm ngàn nhơn viên chế độ cũ, cả văn lẫn võ, từ Phó Thủ tướng đến Tổng bộ trưởng,các tướng lãnh, quân nhân công chức các cấp, các chính trị gia, các vị lãnh đạo tôn giáo, đảng phái, đang bị tập trung cải tạo, rĩ tai thì ngắn hạn mà cho đến nay vẫn chưa thấy về. Tôi là người đứng đầu hàng lãnh đạo chánh phủ VNCH, xin lãnh hết trách nhiệm một mình. Tôi xin chánh phủ mới thả họ về hết, vì họ là những người chỉ biết thừa hành mạng lệnh cấp trên, họ không có tội gì cả. Tôi xin chánh phủ mới tha họ về sum họp với vợ con, còn lo làm ăn xây dựng đất nước. Chừng nào những người tập trung cải tạo được về hết, chừng nào họ nhận được đầy đủ quyền công dân, chừng đó, tôi sẽ là người cuối cùng, sau họ, nhận quyền công dân cho cá nhân tôi »
Cụ Trần Văn Hương không hề nhận quyền công dân của Cộng sản và cho đến khi từ trần vào năm 1981, thì cụ vẫn còn là công dân của Việt Nam Cộng Hòa.
Theo: Trần Đông Phong
(Việt Nam Cộng Hòa – 10 ngày cuối cùng)