Trong đêm 21/12, giới quan tâm thời sự trên các trang mạng, xôn xao chuyền tay nhau một mật thư bị tiết lộ, gọi là “báo cáo tin tình báo”, nhắm vào blogger Trương Duy Nhất. Trong đó, nội dung kể lại quá trình theo dõi nhiều năm và đề nghị bắt giữ “Trương Duy Nhất cùng đồng bọn”.
Báo cáo số 601 của Tổng Cục II, ghi ngày 15-4-2017, ký bởi Tổng cục trưởng, trung tướng Phạm Ngọc Hùng.
Đồng bọn của ông Trương Duy Nhất được nhắc tới trong “tin tình báo” này là ai?
Đọc lướt qua hồ sơ, có thể những gương mặt quen thuộc như tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà văn Phạm Xuân Nguyên, bí thư Hội An Nguyễn Sự… và rồi nhiều người khác nữa. Nhưng cốt lõi vẫn là những người có khuynh hướng phản ứng trước hiện thực xã hội, theo những phương thức ôn hòa. Đa phần là những người được xã hội kính trọng.
Sự bất an của tên gọi Việt Nam hiện ra mồn một trong văn bản đó. Sự bất an có khả năng và chủ đích xô con người quỳ xuống, khom lưng trong mê muội.
Tính ấu trĩ thể hiện rõ trong báo cáo “mật” bị tiết lộ này, đến mức sẳn sàng quy chụp bất cứ ai, chỉ một lần, gặp hay trò chuyện với ông Trương Duy Nhất cũng có thể là trở thành “đồng bọn”, và nếu ông Trương Duy Nhất yêu thích ai thì người đó cũng có thể bị vạ lây, bị coi là cùng “băng đảng”. Các chi tiết được ghi ra và kết tội cũng mơ hồ, ngớ ngẩn không kém gì các điều 79, 88 hay 258.
Cái gọi là tin tức tình báo của Tổng cục II, công an Việt Nam, qua vài tờ giấy A4 này, thì bất kỳ ai quan tâm đến các vấn đề thời sự và biết về ông Trương Duy Nhất đều có thể viết ra được, thậm chí viết dài hơn, hấp dẫn và có lý hơn. Thậm chí cái “tin tình báo” này còn tệ lậu đến mức ghi danh nhiều tổng biên tập, biên tập viên… của các tờ báo mà ông Nhất từng cộng tác trong đời làm phóng viên của ông ta, và những người này bị coi là có khả năng thù địch với chế độ. Bất chấp trong danh sách được liệt kê đó, không khó để nhận ra những kẻ vẫn đang cúc cung tận tụy và ăn vay hưởng lợi từ hệ thống cầm quyền.
Cũng có thể nhóm – hay cá nhân thực hiện bản “tin tình báo” này đang bị chứng rối loạn lo âu (anxiety disorder) vây hãm.
Hoặc, đây cũng có thể là một trường hợp đáng để phân tích theo sách giáo khoa về thuyết âm mưu. Mà trong thời chiến tranh lạnh, Stasi hay KGB vẫn hay hô hoán để cường điệu, nhằm quan trọng hóa vị trí của mình cũng như dễ bòn rút thêm ngân sách để duy trì cho sự tồn tại của mình.
Không khỏi bật cười khi đọc đến đoạn nhận xét ông Trương Duy Nhất đã viết bài “tuyên truyền kích động dư luận phản đối dự án Sơn Trà / Đà Nẳng, vu cáo cán bộ, chính quyền địa phương bao che, dung túng doanh nghiệp…” Những tình tiết có đầy dẫy trên báo chí và truyền hình nhà nước như vậy, mà cũng được gọi là “tình báo” sao?
Và ngay cả khi các nhân vật cỗ vũ phá hoại Sơn Trà là đảng viên cấp cao như Nguyễn Xuân Anh, Huỳnh Đức Thơ… đã bị chính hệ thống cầm quyền vạch mặt. Người tố cáo vẫn bị mang tình tiết của tội phạm?
Chỉ mới là một người viết blog phản biện xã hội, mà đã bị đưa vào vấn đề “nghiên cứu tình báo”, thì chắc ông Trương Duy Nhất không phải là một trường hợp đơn lẻ trong xã hội Việt Nam hôm nay. Không loại trừ việc hàng triệu công dân Việt Nam khác cũng đang bị ngành tình báo nước nhà dòm ngó như vậy, chiếu theo những lý do được nêu trong hồ sơ tình báo – mật (đăng kèm theo) đang lan tràn trên mạng xã hội. Dĩ nhiên trong số đó, chắc cũng không thể thiếu số phận bọt bèo của tôi hay của bạn.
Chỉ còn biết bật cười.
Thôi thì chỉ còn biết vỗ tay, xin chào đất mẹ một đêm cuối năm, khi biết rõ nơi đất nước 90 triệu dân, ai trên quê hương mình cũng có thể là một tội nhân dự khuyết.
Và xin chào mọi người, những anh chị em tôi, những người luôn có thể bị coi là thù nghịch, là tội phạm, nếu dám yêu một bán đảo hay biết chống lại một kẻ tham ô. Xin hãy cùng nhau vỗ tay thật đều, nhận mặt nhau và dành cho tôi một chỗ đứng cùng. Tôi không thích mình vô tội, và cũng không muốn bị đứng cùng với những kẻ tự cho mình có quyền phán xét lẽ phải và công lý trên đất nước hôm nay.