Saturday, July 27, 2024
HomeDU LỊCHBLOGKhông có xá lợi tóc đức Phật mà theo TRUYỀN THUYẾT có...

Không có xá lợi tóc đức Phật mà theo TRUYỀN THUYẾT có tóc thật của Phật Gotama.

Liên Hương Lêna

1/ Xá lợi là tàn tích sau khi được lửa gia trì tức là hoả táng, nếu Đức Phật tự nhổ tóc khi còn sống thì không gọi là xá lợi. 

2/ Trong Kinh Sanadantta [Trường Bộ Kinh], đạo sĩ Bà la môn Sanadanta đã mô tả đức Phật: “Samon Gotama cạo bỏ râu tóc xuất gia, sống không gia đình”. 

3/ Ngôi chùa nổi tiếng nhất thế giới với tháp dát 60 tấn vàng lá, khảm 5.448 viên kim cương, 2.317 viên rubi và bích ngọc, trên đỉnh là viên kim cương khổng lồ 76 carat là chùa Shwedagon nằm trên đồi Singuttara, trấn Dagon, trung tâm thủ đô Yangon của Myanmar. Shwedagon là Di sản Thế giới UNESCO công nhận.

Trước khi trở thành trung tâm du lịch khá nhốn nháo thì Shwedagon là ngôi chùa linh thiêng. Theo TRUYỀN THUYẾT trong bảo tháp của Shwedagon chôn 3 di tích của 3 vị Phật trước đức Thích ca gồm: 

– Bình nước của Konāgamana [Phật Câu Lưu Tôn], 

– Áo choàng của Konagamana [Phật Câu Na Hàm Mâu Ni], 

– Cây quyền trượng của Kassapa [Phật Ca Diếp].  

– Và 8 sợi tóc của Gotama Sakyamuni, tóc chứ không phải xá lỵ tóc.

4/ Các báu vật Phật giáo được chôn kỹ như thế nào trong Shwedagon để không thể mất trộm? Hmannan Maha Yazawindawgyi là biên niên sử chính thức của Vương triều Konbaung Miến Điện do Ủy ban Lịch sử Hoàng gia biên soạn từ năm 1829 đến năm 1832: nơi chôn báu vật được đào xuống sâu 44 cubit, rộng 44 cubit vuông. Một phiến đá phủ vàng được đặt phía trên. Trên đó dựng một ngôi chùa bằng vàng cao 44 cubit. Chùa vàng được bọc trong chùa bạc. Rồi đến chùa hợp kim vàng đồng. Rồi đến chùa đồng. Rồi chùa sắt. Rồi chùa cẩm thạch. Cuối cùng là chùa gạch. Cất kỹ như vậy thì không có cách gì để lấy 1 sợi tóc ra đem cho nước khác mượn trưng bày.

5/ TRUYỀN THUYẾT về 8 sợi tóc được cất giữ tại Shwedagon:

Thuở đức Phật tại thế, có hai anh em tên là Tapussa và Bhallika là lái buôn người Asitanjana xứ Môn, buôn bán bằng tàu và 500 xe đẩy. Họ được vị Thần Rừng Xanh kể về hoàng tử Gotama tu luyện, họ tìm đến nơi ngài thiền định dưới cội cây khi ngài mới đắc Chánh Đảng Giác sau 49 ngày đại định, hai anh em đã cúng dường đức Phật bánh mật. Sau khi đức Phật thọ thực, hai anh em xin Ngài một vật lưu niệm. Đức Phật lấy 8 sợi tóc tặng họ. Hai anh em Tapussa và Bhallika cất những sợi tóc trong một chiếc hộp bằng hồng ngọc mang đi. 

Vua Ukkalapa và hai anh em đã mang những sợi tóc thiêng về Asitanjana. Tại đây, Sakka [Thiên chủ Đế thích], vua Ukkalapa và hai anh em quyết định cất giữ 8 sợi tóc thiêng trên đồi Singuttara [ở phía đông Asitanjana], là nơi thờ di vật của ba vị Phật trước Gotama. 

Không xác định được địa danh chính xác: Đồi Singuttara có chùa Shwedagon là ở thủ đô của Miến Điện. Địa danh Asitanjana là nơi sinh của hai anh em Tapassu và Bhalluka là tên của một thành phố nằm ở vùng Uttarāpatha, phía Bắc nước Ấn Độ cổ đại.

6/ Một TRUYỀN THUYẾT khác về tóc của thái tử Gotama: trên đường ẩn tu tới một dòng sông ngài phát đại nguyện: “Nếu thật ta tu hành đắc quả Chính Đẳng Giác thì nắm tóc này xin nằm lại giữa hư không. Nếu không phải thế thì cho nắm tóc này rơi trở lại xuống đất”. Nói xong, thái tử quăng nắm tóc lên hư không, nó cứ lên cao mãi rồi biến mất giữa mây xanh. Lý do là, lời phát nguyện của Gotama làm cho ngai vàng của Sakka chợt trở nên nóng bỏng nên Vua Trời dùng oai lực hút nắm tóc lên tận cõi Tryastriṃśa, cất tại bảo tháp Cūlāmāṇi. Cõi Tryastriṃśa dịch là Tam thập tam thiên hay Đao lợi thiên. Báu vật ở cõi Trời thì chúng sinh Ta ba không thể mượn về trưng bày. 

7/ Một TRUYỀN THUYẾT khác kể rằng: sau khi cạo râu và cắt tóc, cho đến trọn đời, râu của Ngài không bao giờ mọc nữa. Tóc cắt chừa hai lóng tay thì đồng xoăn lại về phía bên phải như hình xoắn ốc, giữ nguyên cho đến lúc ngài nhập Niết bàn.

Tóc của đức Phật được miêu tả thành từng cuộn xoáy ốc cuốn sang bên phải. Theo TRUYỀN THUYẾT, thái tử chỉ phải cạo đầu một lần khi vượt sông Neranjara khi chưa đắc đạo. Khi hoàng tử tu khổ hạnh, thiền định dưới ánh sáng mặt trời, một con ốc sên nhận thấy ngài đang suy nghĩ những điều quan trọng nhưng ánh nắng quá mạnh sẽ làm tổn hại đầu ngài, bởi vậy ốc sên bò lên dùng chất nhày làm mát da cho ngài. Những con ốc khác theo, che đầu ngài bằng một chiếc mũ xoắn ốc, ẩm và mát mẻ. Khi màn đêm buông xuống, ngài xả thiền và nhận thấy mình đang đeo 108 con ốc sên, tất cả chúng đã cống hiến cho con đường giác ngộ của đức Phật.

8/ William Jones là người đầu tiên đưa ra giả thuyết về nguồn gốc châu Phi của đức Phật, sau đó là Robert Percival, Edward Moor, William Franckli … dựa trên những đặc điểm nhân chủng học mà họ nghiên cứu trên các hình tượng Phật cổ đại như môi dày của người Ethiopia, tóc dày xoăn xoắn, cánh mũi rộng phẳng… [hình comment, bình đất nung châu Phi thế kỷ thứ tư trước Công nguyên].

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular