Thạch Đạt Lang
Buổi sáng gần cuối năm, trong lúc trời lạnh tái tê, lạnh cầm canh ở nước Đức, nhiệt độ -3° C, đọc tờ Dân Trí trong nước, chợt thấy lòng ấm hẳn lên, ấm như đang ôm cục gạch đã được nung nóng bằng bếp gas. Chẳng những ấm lòng mà còn vui nữa, vui quá sức (lẽ) mình luôn á. Vui như hồi nẫm nghe tin Vinfast đưa 999 xe VF8 qua Mỹ với mục đích đánh gục Tesla của Elon Musk.
Theo tờ Dân Trí (1), ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng bộ Lao Động, Thương Binh & Xã Hội, vào một buổi chiều nắng (cực) đẹp ở Tokyo – đẹp như đường ra trận ở Trường Sơn Đông nhớ Trướng Sơn Tây – trước diễn đàn Hợp Tác Lao Động Việt Nam, Nhật Bản đã có một phát ngôn gây chấn động cả nước là Việt Nam & Nhật đã quyết định tổ chức thi “kỹ năng đặc định” tại VN.
Lần đầu biết đến mấy chữ “kỹ năng đặc định” (2), Thạch tui bù trớt, không hiểu là gì, bèn hỏi bác “Gút-gồ”. Theo bác “Gút-gồ”, nói một cách đơn giản là khả năng chuyên môn trong một ngành nghề nào đó về cơ khí, điện, điện tử, y tế, xây dựng, đóng tàu…Ngắn gọn lại là có nghề nghiệp chuyên môn. Các bác lãnh đạo CS nhà ta vốn dĩ dốt đặc nhưng lại rất thích nổ, sử dụng ngôn từ càng bí hiểm, cao siêu thì dân càng kính nể.
Thi kỷ năng đặc định là thi tay nghề chuyên môn, tiếng Nhật là tokutei ginou, chẳng có con mẹ gì bí ẩn, cao siêu ở đây. Khi tổ chức kỳ thi kỷ năng đặc định tại VN, phía Nhật Bản muốn tuyển chọn tay nghề của lao động VN trước khi cấp visa cho qua Nhật làm thuê. Hình thức này giúp cho nước Nhật ngăn chận, giảm thiểu nạn ăn cắp, chôm chĩa, những tệ nạn xã hội do du sinh, lao động Việt gây ra ở Nhật.
Mặc dù không có gì bí hiểm, cao siêu nhưng ông Bộ trưởng Đào Ngọc Dung vẫn “đau đáu” lẫn đau đầu vì kế hoạch thi “kỷ năng đặc định” đã được “ghi nhớ” giữa 2 chính phủ Việt-Nhật từ 4 năm trước nhưng phía VN vẫn không thực hiện được. Hóa ra hơn 4 năm qua, lao động Việt Nam muốn thi kỷ năng đặc định phải qua Campuchia, Indonesia (1).
Trích: “Vì vậy, trong chuyến tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Nhật lần này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã tận dụng cơ hội trao đổi ngay với Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước bạn Koizumi Ryuji để thúc đẩy giải quyết nút thắt này“. Hết trích.
Thế thì có cái quỷ quái gì để vui mừng, hớn hở, nhẩy cẫng lên, khoe khoang rầm rộ? Đã không biết nhục lại còn huênh hoang, tự sướng? Nhật hiện có khoảng 350.000 du sinh, lao động Việt, cao nhất trong các quốc gia có du sinh, lao động ở Nhật. Tệ nạn do du sinh, lao động người VN gây ra đã trở nên đáng lo ngại cho nước Nhật khiến họ phải tìm cách đối phó. Nhiều cửa hàng mua sắm, siêu thị, khu giải trí đã gắn những bảng cảnh cáo trộm cắp, lừa đảo bằng …tiếng Việt.
Tuy nhiên, ông Đào Ngọc Dung chưa dừng lại ở đó, đi xa hơn, ông tuyên bố rằng những người đã qua được kỳ thi kỹ năng đặc định, sau thời gian lao động ở Nhật vài năm, trở về Việt Nam sẽ có một tương lai cực kỳ tươi sáng, có nhiều cơ hội trở thành…chủ nhân, thoát đời…công nhân nghèo khó. Đúng là “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ, mặt trời Nước Nhật chói qua tim. Hồn tôi là một vườn hoa lá, tiếng bác Dung mà cứ ngỡ tiếng chim”.
Trích: “Bộ trưởng Dung và Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng KH&ĐT đã nhất trí sau diễn đàn ở Nhật Bản sẽ nghiên cứu có chính sách riêng cho những người đi lao động nước ngoài về và có nhu cầu khởi nghiệp.
Nhắc đến con đường từ đi làm thuê để về phấn đấu làm chủ, Bộ trưởng Lao động cho biết thực tế đã có những người thành công. Có người chưa thể làm chủ, nhưng chắc chắn cũng trưởng thành hơn rất nhiều, đặc biệt là những thanh niên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa của những huyện nghèo nhất của vùng núi phía Bắc như Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai…”
Cũng trong “sự kiện” trên, ông Đào Ngọc Dung có hứa hẹn thêm ” bỏ kinh phí để tất cả các em ở huyện nghèo, nếu đi Nhật hoặc đi bất cứ quốc gia nào, sẽ được miễn hoàn toàn kinh phí (1).Mèng ơi! Nói cứ như thật, nghe cảm động chẩy nước mắt luôn á.
Trích: “Bên cạnh đó, để chăm lo cho một bộ phận lao động ở khu vực phi lợi nhuận, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Việt Nam sẽ bỏ kinh phí để tất cả những lao động ở các huyện nghèo chọn đi Nhật, hoặc đi bất cứ quốc gia nào, sẽ được miễn hoàn toàn kinh phí, từ đào tạo, dạy ngoại ngữ, lo thủ tục xuất cảnh tới tạo điều kiện việc làm khi về nước.
Trước đông đảo người lao động Việt, Bộ trưởng thông tin việc lấy ngày 16/12 làm ngày Lao động Việt Nam tại Nhật Bản”. Hết trích.
Không biết ông Bộ trưởng Đào Ngọc Dung có lầm lộn giữa 2 từ lệ phí (fees) và kinh phí (expense) hay ông phát biểu có chủ ý? Theo sự hiểu biết hạn hẹp của Thạch tui, kinh phí là ngân sách nhà nước cấp cho các đơn vị trực thuộc chi tiêu cho một chương trình, kế hoạch nào đó. Bỏ kinh phí có nghĩa là sẽ không có ngân sách tổ chức các kỳ thi kỷ năng đặc định, tức là các du sinh, lao động Việt sẽ phải tiếp tục qua Campuchia, Indonesia thì, tức là mèo vẫn hoàn mèo. Lãnh đạo CSVN là bậc thầy trong việc chơi chữ, hí lộng ngôn từ, nói như vậy muốn hiểu sao thì hiểu.
Ngoài ra, từ đây về sau, Việt Nam ngoài những ngày kỷ niệm như Ngày Phụ nữ, Ngày Thương Binh Liệt Sĩ, Ngày Nhà Giáo…các cái, lại có thêm một ngày kỷ niệm nữa, đó là ngày 16.12 ngày Lao Động Việt Nam tại Nhật Bản, nôm na hơn thì là ngày Lao Nô VN tại Nhật.
Chưa hết. Cũng trong cơn ngáo thuốc, ông Dung nói tiếp: “Trong đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh định hướng, Việt Nam tiến tới là quốc gia tiên phong trong an sinh xã hội và việc làm bền vững, để mọi người dân không ai bị bỏ lại phía sau“.
Thiệt (là) tình. Sự trơ trẽn, ngụy ngôn, nói láo, nói dối của lãnh đạo CSVN thật sự không có giới hạn. Đã tiên phong trong an sinh xã hội, việc làm bền vững thì tại sao phải xuất khẩu lao động?
Trích: “Nhưng điều đáng mừng không chỉ là sự tăng trưởng về số lượng, mà quan trọng hơn, đó là việc nâng cao về chất lượng khi rất nhiều người sau khi làm việc ở Nhật trở về đã thành ông chủ. Không chỉ có vậy, các lãnh đạo Nhật Bản cũng đánh giá cao vai trò nguồn nhân lực Việt Nam cung cấp cho nước này, cả về số lượng, chất lượng và niềm tin“.
Vậy là quá rõ ràng. Sau gần 49 năm thống nhất, xây dựng đất nước, chế độ CSVN chủ yếu phát triển kinh tế bằng xuất khẩu lao động, xây dựng lực lượng nòng cốt cho kinh tế quốc dân không qua giáo dục, đào tạo mà qua việc xuất khẩu con dân của mình, cho đi làm lao nô ở các đất nước giàu có, tiên tiến và đặt niềm tin, hy vọng vào lực lượng này sẽ trở thành những chủ nhân ông khi trở về VN khởi nghiệp, kinh doanh.
Trích: “Thời gian tới, Bộ trưởng Lao động định hướng cần đưa hợp tác về lao động lên tầm cao mới, chuyển sang chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao.
“Đã đến lúc Việt Nam cần giảm mạnh việc đưa lao động không có tay nghề, kỹ năng hoặc có trình độ thấp đi làm việc ở nước ngoài”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung quán triệt.
Bộ trưởng Dung phân tích bối cảnh Việt Nam hiện nay, nguồn lao động trong nước không còn dồi dào, doanh nghiệp Việt Nam cũng có nhu cầu rất lớn về nhân lực.
Bên cạnh đó, ngoài những thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam còn hướng đến nhiều thị trường khác như Canada, Đức, Rumani, Úc, New Zealand…
Nói ngắn gọn “Doanh nghiệp VN đang có nhu cầu rất lớn về nhân lực nhưng vì thương hại các nước Nhật, Nam Hàn, Taiwan…nên ta phải xuất khẩu lao động giúp đỡ họ xây dựng kinh tế trong lúc họ gặp khó khăn, đồng thời hướng đến những thị trường tiềm năng như Canada, Đức, Rumani, Úc…”.
**********