Saturday, July 27, 2024
HomeDÂN CHỦKhông có quốc gia nào là thiên đường. Vấn đề là cách...

Không có quốc gia nào là thiên đường. Vấn đề là cách chọn vị trí để quan sát, và để học.

Viết về nước Mỹ luôn là đề tài dễ gây tranh cãi. Có những người khen ngợi thái quá như thể ngoài nước Mỹ ra, chẳng còn quốc gia nào khác xứng đáng hơn để sống. Có những người chỉ thấy mặt trái của nước Mỹ và so nó với các thiên đường Bắc Âu, trong khi lại bỏ qua yếu tố diện tích lẫn dân số và sự phức tạp lẫn đa dạng giữa hai xã hội. So sánh kiểu này không khác gì “đối chiếu” môi trường “hỗn loạn” của nền dân chủ Mỹ với sự “bình yên” của Việt Nam. Vấn đề chính yếu là vị trí nào được chọn để đứng khi quan sát và mô hình nào được dùng để so sánh Mỹ với các quốc gia còn lại. Khi đứng trên một con phố đầy dân vô gia cư ở Los Angeles, bạn sẽ có cảm giác nước Mỹ là một quốc gia nhếch nhác, nghèo nàn và bất an. Khi vào bên trong một viện bảo tàng khổng lồ như MET chẳng hạn, bạn sẽ thấy sức mạnh kinh khủng của nền văn hóa Mỹ.
Nước Mỹ không phải là thiên đường. Không có quốc gia nào trên thế giới là thiên đường. Dù ở đâu thì bạn cũng phải làm việc và mưu sinh. Dù ở Bắc Âu, Canada hay Úc, nếu lười học thì bạn đang tự giết mình; và nếu bạn lười làm việc thì chẳng cấu trúc xã hội nào có thể chấp nhận sự tồn tại của bạn. Không có hệ thống giáo dục nào là tuyệt hảo. Một nền giáo dục đắt đỏ như Mỹ không thể là tuyệt hảo. Điều khác biệt giữa các hệ thống giáo dục là quốc gia nào tạo ra nhiều nhất các giá trị giáo dục khai phóng và tự do tư duy để các giá trị này được ứng dụng thực tế nhằm mang lại một xã hội luôn cách tân và hướng con người đến lối sống nhân bản, dù không phải ai cũng có thể “nhân bản” khi được đào tạo trong môi trường giáo dục như vậy.
Không có hệ thống giáo dục nào hoàn hảo nhưng một hệ thống giáo dục, mà trong đó người ta không cần quan tâm bạn từ đâu đến và đã “làm được gì” cho nước Mỹ chưa, vẫn vui vẻ nhận con bạn vào học miễn phí, thì hệ thống giáo dục đó tự thân đã chứng minh nó không đến nỗi tồi. Không có hệ thống y tế nào đủ khả năng chăm sóc tất cả mọi tầng lớp. Tuy nhiên, một hệ thống y tế có thể không tính bạn một xu, dù ca cấp cứu tim mạch tốn đến 150.000 USD, như trường hợp cá nhân tôi, thì nó chưa hẳn là một hệ thống y tế “ác độc”.
Không có quốc gia nào không có mặt trái. Một người bạn từng sống lâu năm ở Na Uy đã kể nhiều chuyện quái đản tiêu cực ở đất nước này. Nước Mỹ không phải là một quốc gia vĩ đại đến mức nó đáng được xem là thiên đường. Một quốc gia, nhìn ở góc hẹp, cũng như một con người. Trừ khi tất cả loài người, dù sống ở đâu, trở nên thánh thiện như những vị chân tu, mô hình xã hội nào cũng sẽ luôn có mặt trái. Nước Mỹ không phải là thiên đường. Nó cũng chẳng phải địa ngục. Không nên ca ngợi nó một cách thái quá, cùng lúc cũng không nên chỉ thấy những chuyện quái đản tiêu cực của nó để tạo ra một cái nhìn định kiến. Nó là “con người”. Không có quốc gia nào là thiên đường. Vấn đề là cách chọn vị trí để quan sát, và để học.
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular