Saturday, July 27, 2024
HomeDU LỊCHBLOGGIÁO DỤC NGU HƠN DÂN 

GIÁO DỤC NGU HƠN DÂN 

Chu Mộng Long

Tôi không hề ngạc nhiên hay sốc trước hình ảnh cô giáo ở Vĩnh Phúc vừa cầm kéo xỉa xói vào mặt vừa xởn tóc học sinh. Bởi hình ảnh này quá quen thuộc ở nước CHXHCN Chiều Nay. Nó giống: 1) những trận đánh ghen của những mụ sồn sồn ở đường phố, 2) những trận bạo lực của nữ sinh khi ra khỏi trường. Rất có thể cô giáo đã học tập và làm theo gương hai hiện tượng trên!

cô giáo ở Vĩnh Phúc vừa cầm kéo xỉa xói vào mặt vừa xởn tóc học sinh

Điều đó muốn nói lên: chúng ta đang có một nền giáo dục ngu hơn dân.

Dư luận, ở phần đa là người ngoài ngành giáo dục chỉ trích cô giáo, rằng đó là hành vi bạo lực: xâm phạm thân thể và hạ nhục trẻ em. Nếu ở nước văn minh, cô giáo có thể bị tống tù hơn 10 năm. 

Nhưng ý kiến bênh vực cô giáo cũng không ít, chủ yếu là các thầy cô trong ngành giáo dục: rằng đó là sự giáo dục cần thiết, nhà trường phải thực hiện nghiêm túc những nội quy, tức chuẩn mực do kẻ cầm đầu tạo ra.

Điều đó chứng tỏ, giữa nhà trường và xã hội đang là một khoảng cách lớn. Nhiều vấn đề xã hội không cấm nhưng nhà trường cấm ngặt. Đọc nội quy của bất cứ nhà trường nào ở phổ thông, riêng về ăn mặc, ta sẽ gặp vô số điều cấm. Thời tôi đi học là cấm quần ống loe, áo lai bầu, cấm để tóc dài, cấm mang dép lào, dép sapo. Thời bây giờ đẻ thêm rất nhiều điều cấm khác: cấm son phấn, cấm xăm mình, cấm mang guốc cao gót (mặc dù bắt buộc mặc áo dài)… Cùng với nội quy đó là các loại hình phạt mang tính nhục mạ, nhẹ thì ghi tên đánh giá hạnh kiểm, thi đua; nặng thì chửi bới, xởn tóc, cắt quần áo, đưa lên ra sân trường làm lễ tế cờ. Một đội cảnh sát trường học, gồm Sao đỏ, Cờ đỏ, Giám thị… thi nhau đánh hơi mùi son phấn, dò xét quần áo, thân thể, tóc tai học trò, bới lông tìm vết để lập công. Một học sinh vi phạm, tưởng chỉ mỗi cá nhân học sinh ấy bị hạ nhục, trong khi quan sát những em không vi phạm cũng bị nhục lây. Tất cả đều phải chịu trận trong trạng thái căng thẳng, đầy bức xúc.

Những nhà giáo chủ trương giáo dục bằng trò nhục mạ như vậy đã không hiểu rằng, chính sự nhục mạ đã trở thành phản giáo dục, tức hiệu ứng ngược. Học sinh căm thù và ắt làm ngược chứ không phải tuân phục. Một nhà giáo nói, nhà trường cần mô phạm, muốn xả stress thì chờ nghỉ hè hãy xả. Hóa ra, họ đã chủ trương nhà trường là nơi tạo stress cho trẻ. Thảo nào bệnh viện tâm thần hết chỗ chứa, học sinh chỉ còn nhảy lầu khi sự nhục mạ tới hạn gây sụp đổ tinh thần.

Điều đáng nói là những nội quy do mấy “thằng” gọi là “thầy” Hiệu trưởng tạo ra nằm ngoài các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, coi như sáng kiến để làm cho nhà trường tốt hơn, đạt thành tích cao hơn – thành tích biến trẻ em thành động vật bị thuần hoá gọi là “ngoan”, chữ ngoan liền với chữ ngu một phụ âm đầu. Mặc dù đi trường nào cũng thấy treo đầy các khẩu hiệu: “Nhà trường gắn liền với xã hội”, “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Lấy học sinh làm trung tâm”. Trong khi thực chất, mỗi học sinh đang là tù nhân trong cái nhà tù trung cổ có tên là nhà trường hiện đại.

Cô giáo dí kéo vào mặt học sinh, xởn tóc học sinh, vừa chửi cá nhân học sinh vừa xỉa xói cả lớp như trong clip, theo tôi không là hành vi cá biệt mà phổ biến. Tôi dám chắc những nhà giáo bênh vực cô giáo này đã từng làm như vậy. Do cô này thách học sinh quay clip mới lộ ra ngoài. Cô giáo này, cũng như nhiều thầy cô khác bênh vực cho hành vi trên, không biết đó là việc làm sai, ngu ngốc. Cái khoảng cách giữa nhà trường và xã hội ở đây là cái khoảng cách tỉ lệ nghịch: xã hội càng tiến bộ bao nhiêu thì nhà trường càng ngu ngốc và man rợ bấy nhiêu.

những trận đánh ghen của những mụ sồn sồn ở đường phố

Khi các nhà giáo lớn tiếng cho học sinh nhuộm tóc là đạo đức xấu, thậm chí có người còn gọi là “đĩ thõa” mà không hình dung, rằng nếu có đứa học sinh to gan dám hỏi ngược, rằng “các cô cũng nhuộm tóc có bị gọi là đĩ thõa” không? Hoặc chúng hỏi: “tại sao cô được phép, còn chúng em thì không?” Tôi tin chắc các nhà giáo ấy sẽ chỉ biết khủng bố một câu: “hỗn!” Họ mở mồm là Khổng Nho, nhưng chắc chắn cái câu này họ không biết: “Kỉ sở bất dục, vật thi ư nhân”. Điều mình không muốn không bắt kẻ khác làm, suy rộng ra, điều mình đang làm thì không nên cấm trẻ em. Không ai hiểu cái nghĩa lý đơn giản của giáo dục: cô giáo chỉ có quyền cấm trẻ em “đĩ thõa” khi mình là tấm gương không “đĩ thõa”.

Đem so cô giáo mặc váy mỏng (giống váy ngủ hơn là váy văn phòng) với đôi guốc cao gót đi qua đi lại phấp phới đến lộ đùi lộ mu, tôi dám chắc “đĩ thõa” hơn em học sinh bôi một ít sợi tóc vàng trên đầu. Nhà thổ cũng chỉ có trùm đĩ, không có đĩ độc quyền!

Tôi nói cô giáo dùng kéo xỉa xói, xởn tóc học sinh, không hề là hành vi giáo dục mà giống đánh ghen của bọn đàn bà vô giáo dục là vì thế. Nhà thổ, cũng do cạnh tranh khách mà có trò đánh ghen giống như vậy. Tâm lý này có ở nhiều cô giáo khi thấy học sinh đẹp hơn mình.

cô giáo ở Vĩnh Phúc vừa cầm kéo xỉa xói vào mặt vừa xởn tóc học sinh

Không ít nhà giáo có ý kiến rằng, nhà trường có nhiều điều cấm vì trẻ em dễ đua đòi. Tôi dám khẳng định, loại đua đòi hư hỏng như đánh bạc, ma túy hiện nay chỉ có con đại gia, con quan, vì chúng bắt chước cha mẹ chúng. Còn đua đòi làm đẹp, và không chỉ làm đẹp, làm giàu chẳng hạn, là chính đáng, bởi chính những đứa đua đòi mới có động lực cạnh tranh và phát triển năng lực sáng tạo. Loại giữ sự chân chất quê mùa thì chỉ có suốt đời ngu và nghèo hèn. Tư duy cấm tiệt trẻ em đua đòi là tư duy giáo dục cổ hũ, ngu ngốc.

Học để đua đòi theo nghĩa là tiến thân cao hơn cái đang có. Học để  giữ cái mặt mộc, áo nâu chân đất, nghèo truyền kiếp, thì học để làm gì? Học để bị nhốt trong cái cũi sắt có tên là “đức hạnh” sao?

Nhiều nhà giáo đoan chính thì có tiếng nói khác, đạo mạo hơn. Rằng cần dạy trẻ em tôn trọng vẻ đẹp tự nhiên. Thú thật, tôi dạy bộ môn Mỹ học, không hề thấy trang mỹ học nào của nhân loại nói “Tự nhiên là đẹp”, trừ giáo trình Mỹ học ở Việt Nam.

Ngày từ thời cổ, các triết gia đã nhận ra, con người vừa là một sinh thể tự nhiên với tư cách là xác thịt vừa là một sinh vật có tinh thần với đôi cánh tâm hồn vượt lên trên xác thịt. Ngay cả Aristotle, người được biểu dương là điển hình của chủ nghĩa duy vật, khi nói về bắt chước (Mimesis), cũng khẳng định: con người cao hơn động vật ở chỗ nó luôn vươn đến trật tự và sự cao cả bằng cách làm đẹp hơn tự nhiên. Không ngẫu nhiên mà nghệ sĩ Phục hưng vẽ tranh khỏa thân thường khoác lên đôi cánh hay tạo ra không gian mờ ảo để tâm hồn hướng thượng. Hegel trong phép biện chứng đã vạch ra, rằng con người khi nó là người đã biết khắc phục thiếu sót của Thượng Đế bằng cách, mọi sáng tạo của nó đều để lại tâm hồn mình trong đó. Có nghĩa là tự nhiên vốn hỗn độn và phi trật tự, con người đã thổi hồn mình vào đó để sáng tạo ra cái trật tự, biến cái vô tri vô giác thành cái có hồn. Marx – Engels kế thừa tư tưởng này, khẳng định rằng sáng tạo của con người từ cái ăn, cái mặc, dụng cụ sản xuất cho đến sản phẩm lao động đều nhằm mục đích khắc phục nhược điểm của tự nhiên, luôn cao hơn tự nhiên. Khác với Hegel và các nhà duy tâm luận quy tất cả cái đẹp vào trật tự và sự cao cả, Marx khẳng định tâm hồn con người luôn vươn đến sự đa dạng để đáp ứng cho nhu cầu trần thế của nó. Tâm hồn vừa chứa cái tự nhiên vừa cao hơn tự nhiên bởi sáng tạo của con người là tự do và vô hạn.

Thật lạ là giáo trình Mỹ học ở Việt Nam mang danh “Mỹ học Mác – Lênin” nhưng phản chủ nghĩa Mác – Lênin một cách trắng trợn. Từ “Lưỡng quốc trạng nguyên” Đỗ Văn Khang đến các nhà soạn sách ăn theo nói leo đều tách bạch Chương “Khách thể thẩm mỹ” và Chương “Chủ thể thẩm mỹ”, xem “Khách thể thẩm mỹ”, tức tự nhiên, là cái đẹp mẫu mực. Không thấy họ trích dẫn đầy đủ Marx, Engels mà xén ngang lời của D. Diderot hay H. Taine làm dẫn liệu. Trong khi, một cách đầy đủ: Diderot xem tự nhiên hay cuộc sống chỉ là chất liệu của sáng tạo, con người nói chung và nghệ sĩ nói riêng dùng chất liệu ấy để tạo hình thức mới mẻ bằng cách điệu hoặc diễn xuất với tâm hồn của mình, đối nghịch với tự nhiên. Ngay cả H. Taine khi nói Mỹ học có tính lịch sử, giống như cái cây được trồng trên mảnh đất nào thì sinh ra cái thẩm mỹ ấy, cũng không đồng nhất sáng tạo của con người với tự nhiên. Thổ dân cũng biết bôi vẽ mặt mày, trang điểm tóc tai khác với cái thân thể tự nhiên mà tạo hóa ban cho. Sự ứng phó với tự nhiên, làm thay đổi tự nhiên là ngọn nguồn và là động lực của sáng tạo.

Tôi biết nói triết – mỹ học ở đây chẳng khác đàn gảy tai trâu khi mà cái đầu của các nhà giáo đã bị nhồi sọ đến mức khó tẩy não. Thôi thì nôm na thế này. Bạn nói cần tôn trọng tự nhiên, vậy thì bạn không cần trang trí món ăn, từ màu sắc đến hương vị, không cần chia sẻ với ai mà chỉ biết đớp và táp; bạn cũng không cần ăn mặc, cắt sửa tóc mà cứ để trần truồng với lông lá xồm xoàm; bạn cũng không cần ỉa đái đúng chỗ mà ỉa đái bừa bãi… Cứ tự nhiên như vậy, bạn có là người không?

Tôi nói thẳng, rằng cái thứ mỹ học hiện nay ở nhiều trường đại học do các giáo sư soạn ra là một thứ mỹ học bệnh hoạn, mỹ học của động vật. Chính nó tạo ra sản phẩm “ăn không chừa thứ gì” trong hàng ngũ giáo sư, tiến sĩ, trong quan chức, và vấn nạn ăn uống, ỉa đái bừa bãi trong dân. Tệ hại đến man di, hoang dã như vậy nhưng các nhà giáo tự cho là “mẫu mực” và dùng nó để áp đặt, khủng bố học sinh, nhất là khi học sinh đã tiếp thu những tiến bộ của nhân loại.

Nhiều người cho rằng, đó là nền giáo dục ngu dân. Ngu để dễ trị. Cách nói này có từ những nhà cách mạng như Phan Chu Trinh, Hồ Chí Minh… khi phê phán chủ nghĩa thực dân. Tôi cũng từng nghĩ vậy, rằng họ chống thực dân nhưng lại thực hiện chính sách ngu dân hơn cả thực dân. Nhưng qua sự vụ cô giáo nhục mạ học sinh và qua những lời bình luận hưởng ứng cô giáo, xem xét những quy định của những “thằng” gọi là “thầy” hiệu trưởng ở các trường phổ thông, tôi buộc phải nói ngược. Rằng họ không đủ khôn để thực hiện chính sách ngu dân như bọn thực dân. Họ vì ngu nên đã tạo ra một nhà trường ngu hơn dân. 

Triết gia B. Russell nói: “Con người ta sinh ra chỉ có thiếu hiểu biết, không ngu; nhưng con người ta ngu bởi giáo dục” (Men are born ignorant, not stupid; they are made stupid by education). Đó là Russell nói nền giáo dục ngu làm cho người ta ngu theo. Cái ngu của một nền giáo dục có hai lý do: bảo thủ, lạc hậu, nhưng quan trọng hơn, đội ngũ làm giáo dục không chịu học, hoặc học rất ngu, ngu hơn học sinh và ngu hơn dân!

Sự vụ ở đây đơn giản là, trong khi một người dân ngu nhất cũng biết con người cao hơn động vật ở chỗ biết làm đẹp thì nhà trường lại cấm học sinh làm đẹp! Đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo nên thống nhất quy định: không cấm làm đẹp mà chỉ cấm làm xấu. Những cách làm đẹp không đúng cách, gây phản cảm cho cộng đồng mới là vấn đề cần ngăn chặn. Nên nhớ, gây phản cảm nhất hiện nay không phải học sinh mà các cô giáo. Chẳng hạn các cô mặc váy hay áo dài không hợp với thân thể của các cô, phơi trần những chỗ xấu xí; nhiều cô trang điểm như đi hát tuồng, xịt nước hoa dỏm pha mùi hôi nách làm cho người bên cạnh phát ói… Không nhận ra chính mình mà nhè vào học trò hạ nhục học trò để chứng tỏ mình cao hơn học trò, chẳng khác gì tự hạ nhục mình!  

—–

Loạt hình ảnh này dùng để so sánh cô giáo với hành vi đánh ghen ở đầu đường xó chợ.

Trang của tôi chỉ trao đổi với người. Không tranh luận với động vật!

https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/pfbid02whTPvwYCf2e67eWwQ1fprdaMiSowffp37QMVfych8EBYnLfycfujTEuih6LvnXpBl

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular