Friday, July 26, 2024
HomeCHỐNG THAM NHŨNGĐã đến lúc cần phải công khai!

Đã đến lúc cần phải công khai!

Hoài Nam

21 tháng 11, 2023

Sau 2 năm vào cuộc thanh tra, chỉ ra cá nhân và tổ chức sai phạm rồi chuyển Cơ quan CSĐT, nhưng đến nay vẫn chỉ là “cung cấp hồ sơ”. Liệu rằng vụ án có được làm triệt để không?.

Khi tôi viết stt này thì báo cáo kiến nghị cũng đã có trên bàn của Tổng Bí thư. Với 3 bài điều tra công phu, sẽ cho mọi người hiểu thủ doạn mà DN làm giàu từ đất của Nhà nước như thế nào?

Lời dẫn: Năm 2001 Thủ tướng cho Cảng sông TP.HCM thuê 64ha đất có thời hạn 50 năm, để xây dựng Cảng sông chiến lược, giảm tải cho tuyến giao thông từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây miền Đông. Với mưu đồ “tài sản công thành tài sản tư” 20 năm sau, 60ha đất cảng của nhà nước “biến” thành đất của tư nhân để xây dựng dự án nhà ở có tên Harbor City. 

Bài 1: Mưu đồ “đánh bật” vốn của Nhà nước

Lá đơn kêu cứu của 11 đảng viên 

Tháng 1/2019, PV nhận được một đơn kêu cứu gửi qua Email. Nội dung đơn kêu cứu ghi “tập thể cán bộ CNV Cảng Phú Định”, họ là những đảng viên, tâm huyết xây dựng Cảng Phú Định đang kinh doanh hiệu quả và nay có nguy cơ bị xóa sổ bởi 60ha đất cảng gồm 11 cầu cảng, kho bãi… được Thủ tướng cho thuê 50 năm sẽ “biến” thành đất tư nhân và từ đất cảng sẽ “biến” thành đất đô thị. Ở đây sẽ mọc lên những tòa nhà chọc trời, có tên gọi Harbor City, nhà nước sẽ thất thoát khoảng 20.000 tỉ đồng.

Bán tin bán nghi, nhưng PV quyết định đi tìm những cán bộ đã nghỉ hưu, từng công tác tại cảng Phú Định để nghe họ xác nhận có đúng như bức tâm thư kêu cứu gửi đến PV tha thiết: “Anh có đủ mạnh để giúp nhà nước lấy lại cảng Phú Định không? họ có cả một tập đoàn đấy. Nếu anh giúp được thì nhà nước sẽ không bị thất thu 20.000 tỉ đồng”. Bí mật vào cuộc điều tra hơn 1 năm, một âm mưu thôn tín “biến” 60ha đất cảng sang đất đô thị lộ rõ thành một bức tranh toàn cảnh.

Theo tài liệu điều tra, Cảng Phú Định (trực thuộc tổng Công ty cơ khí GTVT Sài Gòn, gọi tắt là Samco) có tên đây đủ là Công ty TNHH MTV Cảng sông thành phố (sau đây gọi tắt là Cảng Phú Định), nằm ở ngã 3 sông Cần Giuộc – Chợ Đệm – Kênh Đôi, thuận lợi cho 3 tuyến đường thủy đi các tỉnh miền Tây miền Đông nam bộ. Còn đường bộ nằm sát với đường Võ Văn Kiệt hướng ra quốc lộ 1 về miền Tây, hướng ngược lại đi về một số cảng biển như Cảng Sài Gòn, Tân Thuận, Tân Cảng, Bến Nghé, Cát Lái…

Ngược dòng thời gian, năm 1999, Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, ban hành Quyết định số 195/KTST-QH phê duyệt quy hoạch chi tiết sử dụng đất khu Cảng sông Phú Định thuộc phường16 quận 8 tỉ lệ 1/1.000. Tổng diện tích quy hoạch 82,9836 ha, trong đó xây dựng cảng hơn 50 ha. Mục tiêu để di dời Cảng sông Bình Đông về Phú Định, đáp ứng hàng hóa vận chuyển bằng đường sông từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây – Đông.

Ngày 7/6/2001, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 3396/QĐ/UB0 duyệt Dự án đầu tư Xây dựng Cảng Phú Định. Ngày 28/8/2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1132/QĐ-TTg, thu hồi 649,646 m2 đất tại phường 16, quận 8 cho Cảng Sông TP.HCM thuê thời hạn 50 năm để xây dựng Cảng Phú Định.

Theo phương án, Cảng Phú Định được triển khai 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 sử dụng 10ha đất, xây 11 cầu cảng và hàng chục kho bãi, chi phí hết khoảng 343 tỉ đồng. Vì thu hồi đất để xây dựng cảng Phú Định nên 100% người dân đồng tình, đồng ý nhận đền bù giá đất nông nghiệp từ 150 – 200.000đ/1m2.  Tổng số tiền đền bù cho người dân hơn 200 tỉ đồng.

Tiếp đến, UBND TP.HCM ban hành các Quyết định số 4721/QĐ-UB ngày 15/11/2002 duyệt Dự án đầu tư xây dựng Cảng Phú Định giai đoạn 1. Quyết định số 6196/QĐ-UBND ngày 07/12/2005, về việc giao tài sản cố định cho Cảng Sông Thành phố để chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV. Quyết định số 6250/QĐ-UBND ngày 09/12/2005, duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng Cảng Phú Định, tổng mức đầu tư điều chỉnh là 398,1 tỉ đồng (vốn Ngân sách là 310, 1 tỉ đồng). Quyết định số 138/QĐ-CS ngày 30/11/2010 của Công ty TNHH MTV Cảng sông thành phố về duyệt điều chỉnh (giai đoạn 1) dự án đầu tư xây dựng Cảng sông Phú Định. 

Tháng 9/2011, Cảng Phú Định chính thức đi vào hoạt động giai đoạn 1, với 11 bến cầu cảng và hàng trăm kho bãi. Tổng diện tích xây dựng giai đoạn 1 là 10ha.

Lợi dụng chủ trương của nhà nước

Khi cảng Phú Định đang hoạt động ổn định, thu nhập cho đời sống cán bộ CNV được tăng lên. Theo chủ trương chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Năm 2013, UBND TP.HCM Quyết định cổ phần hóa hàng loạt DN nhà nước trên địa bàn TP.HCM, trong đó có Cảng Phú Định.

Trước khi được các cấp thẩm quyền phê duyệt cổ phần hóa, Cảng Phú Định lập phương án sau cổ phần do ông Trần Hòa Lan ngày đó làm Tổng giám đốc ký. Theo phương án cổ phần, Cảng Phú Định vẫn tiếp tục triển khai giai đoạn 2 và 3, hoạt động chính vẫn là lĩnh vực ngành nghề như dịch vụ bốc xếp hàng hóa, kinh doanh vận tải bằng ô tô, đường thủy nội địa, kinh doanh khai thác cảng, bến tàu. Kinh doanh kho bãi…

Cuối năm 2013, UBND.TPHCM quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp Cảng Phú Định. Ban này sẽ tự giải tán sau khi hoàn thành việc chuyển Cảng Phú Định thành công ty cổ phần. 

Theo kết quả thẩm định của Công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á, giá khởi điểm toàn bộ tài sản Cảng Phú Định được xác định là 330 tỉ đồng. Trong đó phần tài sản cố định là vật kiến trúc trên đất được định giá hơn 113 tỉ đồng. Máy móc các thiết bị hơn 36 tỉ đồng. Tài sản vô hình được xác định các hạng mục như phần mềm kế toán, chi phí đo vẽ, các khoản đền bù giải tỏa và san lấp mặt bằng là 114,8 tỉ đồng.

Ngày 31/12/2013, UBND TP.HCM phê duyệt Đề án tái cơ cấu Samco giai đoạn 2013-2015. Cũng trong ngày 31/12/2013, Samco ký Quyết định thành lập tổ giúp việc Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Cảng Phú Định. Trưởng Ban Chỉ đạo cổ phần hóa là ông Nguyễn Hồng Anh (Tổng giám đốc Samco).

Ngày 26/9/2014, Ban Chỉ đạo họp chọn nhà đầu tư chiến lược. Theo biên bản,  nhà đầu tư chiến lược được chọn là Công ty cổ phần tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland gọi tắt là Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova). Số cổ phần nhà đầu tư chiến lược đăng ký mua là 8,377,853 cổ phần, chiếm 25,39% vốn điều lệ, tương đương 83 tỉ đồng.  Samco nắm 16,170,000 cổ phần, chiếm 49% đại diện vốn nhà nước (tương đương 161 tỉ đồng). Công ty TNHH Bất động sản Bách Hợp mua 7,496,967 cổ phần. Công ty Đầu tư và phát triển Phước Long mua 416,495 cổ phần. Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Nova SAIGON ROYAL mua 416,495 cổ phần. Số cổ phần còn lại của 11 cổ đông là người lao động làm việc tại Cảng Phú Định.

Ngày 15/10/2014 UBND TP.HCM ban hành Quyết định phê duyệt phương án và chuyển Công ty TNHH MTV Cảng sông thành phố thành công ty cổ phần, phê duyệt nhà đầu tư chiến lược theo phương án đệ trình của Ban Chỉ đạo. Từ đó, Cảng Phú Định chính thức có tên mới là Công ty cổ phần Cảng Phú Định. Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova chính thức là cổ đông chiến lược của Công ty cổ phần Cảng Phú Định.

“Bất thường” nhà đầu tư chiến lược

Theo phương án, sau khi cổ phần hóa Cảng Phú Định sẽ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 và 3. Cụ thể, xây dựng Cảng Phú Định thành trung tâm trung chuyển hàng xuất nhập khẩu, cầu nối giữa vận tài biển với vận tải thủy – bộ trong tương lai, quy mô lượng hàng thông qua hàng triệu tấn/năm. Ngoài ra, Phương án nói rõ sẽ đầu tư trang thiết bị hiện đại, góp phần vào sự phát triển kinh tế của thành phố và các tỉnh Miền đông, Miền Tây nam bộ và Campuchia.

Như vậy, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược phải hợp với quy hoạch Cảng Phú Định, có nghĩa nhà đầu tư chiến lược phải cùng ngành nghề. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị phương án cổ phần hóa, Cảng Phú Định mời gọi nhà đầu tư có gì đó rất “mờ ám”.

Cụ thể, ngày 19/9/2014 Cảng Phú Định có công văn số 304/CV-CS gửi quý khách hàng và quý nhà đầu tư chiến lược. Tiêu chí đưa ra là những DN phải có kinh nghiệm, năng lực quản trị tốt trong lĩnh vực khai thác cảng, dịch vụ logistics, dịch vụ thương mai, xây dựng công trình, nhà hàng khách sạn…

Mặc dù công văn ký ngày 19/9, nhưng lại buộc các nhà đầu tư phải nộp hồ sơ trước ngày 20/9. Và ngay trong ngày 19/9, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova ký văn bản phúc đáp công văn số 304/CV-CS của Cảng Phú Định. “Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova mong muốn được hợp tác, đầu tư để trở thành cổ đông chiến lược…”

Trong hồ sơ nhà đầu tư chiến lược, chúng tôi tìm được một đơn đăng ký mua cổ phần của cổ đông chiến lược của Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova, do ông Bùi Thành Nhơn ký ngày 25/9/2014. Cũng trong ngày 25/9/2014, Cảng Phú Định và Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova ký biên bản ghi nhớ. Trong phần cam kết của biên bản ghi nhớ nói rõ bên B: “Đóng góp, phối hợp, chuyển giao kinh nghiệm về lập quy hoạch, quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạng tầng, kho bãi, tổ chức vận hành và nâng cao hiệu quả khai thác tài sản nguồn lực…”

Ngày 15/10/2014 UBND TP.HCM ban hành Quyết định phê duyệt phương án chuyển Công ty TNHH một thành viên Cảng sông thành phố thành Công ty Cổ phần Càng Phú Định. Nhà đầu tư chiến lược là Công ty cổ phần Tạp đoàn địa ốc Nova nắm giữ 25,39% vốn điều lệ.

Trao đổi với chúng tôi về việc Cảng Phú Định phát công văn mời gọi những nhà đầu tư nào, cũng như có bao nhiêu nhà đầu tư đăng ký tham gia nhà đầu tư chiến lược? “Cảng Phú Định mời rất nhiều nhà đầu tư, nhưng đến ngày chốt danh sách chỉ có Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova tham gia. Vì vậy Công ty này được chọn làm nhà đầu tư chiến lược” – Ông Trần Hòa Lan, lúc đó là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Phú Định giải thích.

Mặc dù ông Lan khẳng định như thế, chúng tôi cũng có trong tay danh sách “đơn vị phát chuyển” công văn đi và đến trong tháng 8 và 9/2014, thì không có công văn nào mời gọi nhà đầu tư chiến lược được phát đi từ Cảng Phú Định…(còn tiếp)

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular