Thảo Dân
Năm 1285, quân Nguyên ồ ạt kéo sang xâm lược nước ta, đánh tới Gia Lâm, vây hãm kinh thành Thăng Long, Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông phải đi thuyền nhỏ rút khỏi kinh thành, tướng Trần Bình Trọng chặn giặc trên bờ Thiên Mạc bị giặc bắt và giết, Trần Ích Tắc, Trần Kiệm, Trần Lộng mang hết gia quyến sang trại giặc đầu hàng, Trần Khắc Chung đem thư đến trại Ô Mã Nhi xin giảng hòa nhưng không được chấp nhận, Trần Quang Khải đưa quân vào Thanh Hóa mà không chặn nổi bước tiến của đoàn quân Toa Đô từ Chiêm Thành đánh ra, vận nước nguy nan, vua Trần đã phải dùng mỹ nhân kế, đem dâng em gái là công chúa An Tư cho Thoát Hoan để nhờ nàng mà thư nạn nước. Nàng công chúa lá ngọc cành vàng đi vào trại giặc, không một tấc vũ khí trong tay. Nàng đi lấy chồng mà thực ra như một vật cống nạp, một nội gián. Không rõ nàng làm được gì trong trại giặc, nhưng tháng Tư năm đó, quân nhà Trần bắt đầu phản công. Tây Kết. Trường Yên. Chương Dương. Quân Nguyên tan tác. Thoát Hoan phải chui ống đồng về nước. An Tư ở đâu trong đám loạn quân?!
18 năm sau chiến thắng giặc Nguyên, lại thêm một nàng công chúa nhà Trần, con gái Thượng hoàng Trần Nhân Tông, em gái vua Trần Anh Tông, được dâng cho vua Chiêm Thành để cố kết tình hòa hiếu, xóa bỏ hiềm khích hận thù để hai Quốc gia được bình yên thịnh trị, cho dù khi đó nàng đã có ý trung nhân là Trần Khắc Chung. Vua Chế Mân đã cắt hai châu Ô, Rí cho nhà Trần làm “vật dẫn cưới”. Cuộc hôn nhân đậm màu sắc chính trị này, trên thực tế, đã mở rộng biên giới cho nhà Trần về phía Nam.
Còn một câu chuyện khác về người đàn bà đời Trần, không được ghi vào chính sử, không thuộc dòng dõi tông thất, chỉ là một cung phi, nhưng khi thấy chính sự trong nước ngày càng suy kém liền thảo Kê minh thập sách, nguyện làm tiếng gà gáy để nhà vua thức tỉnh. Kê minh thập sách chỉ được nữ sĩ Đoàn Thị Điểm phục dựng lại qua nguồn tư liệu văn hóa dân gian, được người đời sau đánh giá là “một sự kiện lịch sử quan trọng, chứa đựng “tư duy triết học- chính trị sắc sảo”, cho thấy sự thông hiểu từ chính trị, văn hóa, quân sự, tầm nhìn của một nhà hoạch định chính sách chiến lược trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Tiếc thay, tiếng gà báo sáng của Bích Châu không đánh động được tới tâm- trí của vua Trần Duệ Tông, không ngăn cản được ông vua hiếu chiến này cất quân đánh Chiêm Thành nên bà đã xin hộ giá và trở thành vật hiến sinh cho thần Biển, cầu sóng yên bể lặng để đoàn thuyền của Vua bình yên đi qua.
Những người con gái nhà Trần, dù có được chính sử dành cho vài dòng ghi chép, hay chỉ được nhắc nhớ bởi lòng người, trong những câu chuyện dân gian, tự nguyện hay bị ép buộc trong tình thế nước sôi lửa bỏng, có ý nghĩa hay vô nghĩa còn tùy thời minh quân hay hôn quân, thì họ cũng đã hiến thân tận trung với giang san, vì quyền lợi sống còn của quốc gia, dân tộc.
Chắc hẳn, khi âm thầm lên kiệu vào trại giặc, An Tư công chúa phải nuốt lệ vào lòng để hoàn thành sứ mệnh được trao.
Chắc hẳn, khi cờ giong trống mở bước chân xuống thuyền làm Hoàng hậu Chiêm Thành, Huyền Trân công chúa mang theo nỗi lòng khắc khoải nhớ nước thương thân.
Chắc hẳn, trước khi tình nguyện gieo mình xuống hiến tế Thần Biển, nàng Bích Châu đã cất lên tiếng kêu não nùng đau xót.
Không ai trong số họ đến với giặc mà với tâm thế yến yến oanh oanh, tình tình tứ tứ, lẫn lộn bạn thù. Để rồi sử sách không chép tên thì dân gian vẫn nhắc nhớ lưu truyền tỏ lòng thành kính. Họ chỉ là những nữ nhân bất hạnh trong một đất nước Nho giáo xích xiềng coi rẻ thân phận nữ nhi nhưng sẵn sàng đem thân nhi nữ đánh đổi giang sơn, mở rộng giang sơn và gìn giữ giang sơn.
Ngẫm người xưa, nhìn người nay, không khỏi xót lòng. Những ngày này, điều gì đang diễn ra ngay trên thềm lục địa Việt Nam? Số phận đất nước ra sao nếu đường cao tốc Bắc Nam được giao cho nhà thầu Trung Quốc? Còn hơn trứng đeo đầu đẳng.
Vậy mà…người ta vẫn xôn xao oanh yến, khiến mỗi công dân Việt Nam có liêm sỉ đều thấy dâng lên một nỗi nhục quốc thể. Đất nước chẳng khác gì cô gái thập thành ve vãn một thằng lục lâm thảo khấu. Cứ ngả nghiêng mãi, tới tàn canh gió lạnh thân chẳng còn giữ nổi nói gì giang san…