Monday, December 2, 2024
HomeCHÍNH TRỊ - XÃ HỘIChính trị bình dân – Chính trị công dân!

Chính trị bình dân – Chính trị công dân!

Bán nguyệt san TDNL số 287

Ban Biên Tập

16-3-2018

Chế độ Cộng sản là chế độ có mối quan tâm rất khác lạ về chính trị. Trước tiên, nó chính trị hóa mọi vấn đề, mọi hoạt động, mọi tổ chức trong xã hội. Chính trị hóa đây là công cụ hóa, đảng hữu hóa. Ví dụ lập pháp, hành pháp, tư pháp, thay vì phân lập và biến thành 3 quyền lực lớn lao nhất trong việc điều hành quốc gia, quản trị đất nước, như tại các xứ dân chủ văn minh, thì lại trở nên dụng cụ của một mình đảng CS, bị phân công dưới sự lãnh đạo của đảng: lập pháp (quốc hội) soạn luật theo ý muốn đảng, tư pháp (tòa án) xét xử theo chỉ thị đảng, hành pháp (chính phủ) cai trị theo đường lối đảng. “Nghị gật”, “bản án bỏ túi”, “nhất thể hóa chủ tịch và bí thư”, “Hiến pháp nằm dưới Cương lĩnh đảng” là bằng chứng!

Toàn bộ nền giáo dục, từ chính sách tới cơ sở, từ giáo viên tới học sinh, tất tật cũng trở thành công cụ để đảng đào tạo ra những thần dân nô lệ khiếp nhược, thay vì những công dân chí khí tự do. Chuyện đảng viên bắt cô giáo quỳ và cô giáo thuận quỳ theo ý đảng viên là điển hình minh họa. Toàn bộ nền thông tin, từ chính sách đường lối tới cơ sở báo đài, từ tổng biên tập tới ký giả, nhất nhất có nhiệm vụ cung cấp những thông tin hữu ích cho đảng, đưa ra những nhận định theo quan điểm đảng, trình bày đảng như nguồn sự thật và lẽ phải (Nghe theo đảng! Nói theo đài!), như mẫu mực của đạo đức và văn minh (theo khẳng định của Hồ chủ tịch!). “Bọn nhà báo độc lập” lên web, lên blog, lên facebook không sớm thì muộn sẽ “lên thớt”.

Toàn bộ nền kinh tế đất nước, từ tài nguyên và đất đai đến tổng công ty và đại tập đoàn đều là của nhà nước (tức của đảng), thằng dân chỉ được thí cho quyền sử dụng. Không bằng lòng thì gia nhập hàng ngũ “dân oan”. Vấn đề đất đai không phải là chuyện tranh chấp dân sự giữa nhà nước và công dân, nhưng là vấn đề chính trị. Đảng phải nắm vật chất và tinh thần để giữ quyền lực và quyền lợi, thế thôi!

Chính trị hóa đây có thể là hình sự hóa. Như đối với các tôn giáo (khó công cụ hóa hoàn toàn) thì đảng hình sự hóa mọi hoạt động của đức tin, để buộc các Giáo hội phải xin phép về tất cả mọi chuyện, theo cơ chế “xin-cho”, không thì phạt tiền và phạt tù. Luật tín ngưỡng tôn giáo và Nghị đinh xử phạt trong lãnh vực tôn giáo đang hiệu lực là bằng chứng. Còn đối với những ai bất đồng chính kiến, tranh đấu cho dân chủ, thậm chí cho nhân quyền thì bị xử lý bằng Bộ luật Hình sự. Các tội danh chính trị như “tuyên truyền chống nhà nước, lật đổ chính quyền nhân dân, lợi dụng các quyền tự do dân chủ” đều bị đảng cho là tội hình sự, dù nói với quốc tế! Đôi khi đảng vu cho tội hình sự thứ thiệt như “trốn thuế, mua dâm, đánh người bị thương, gây mất trật tự”….

Nhưng ngược lại, đảng không hề muốn ai ngoài mình nói đến chính trị, làm chính trị. Đảng gây dị ứng nơi nhân dân, nhất là giới trí thức khoa bảng và chức sắc tôn giáo về hai chữ “chính trị”. Học sinh sinh viên xin phép giáo viên, giáo sư cho đi biểu tình chống Trung Quốc, phản đối Formosa, tưởng niệm chiến sĩ bị Tàu cộng sát hại? Đó là chính trị, không được! Đôi khi chính hiệu trưởng ra văn thư cấm những chuyện ấy kèm theo lời dọa đuổi học! Tín đồ xin thượng tọa linh mục, hòa thượng giám mục cứu giúp dân oan khiếu kiện, tưởng niệm nạn nhân Mậu Thân, hoặc lên tiếng cho nông dân bị nhà nước cướp đất, thường dân bị công an đánh chết, công dân đấu tranh bị bỏ tù, sông biển đầy thải độc, thức ăn tràn hóa chất, thánh thất bị tàn phá, tu viện bị sách nhiễu? Đó là chính trị, không được! Bản thân chúng tôi cũng chỉ lo chuyện tu hành! Đôi lúc các ngài này còn thêm: Hãy vui lòng chịu khó, cam tâm nhẫn nhục, mai sau được lên Niết Bàn, vào Thiên Đàng! Nền tu đức, linh đạo “chớ làm mất lòng Chúa, mất lòng Phật” chẳng biết từ khi nào đã trở thành “chớ làm mất lòng công an, mất lòng nhà nước” !?!

Còn chuyện làm chính trị thì đương nhiên là độc quyền của đảng. “Để đảng và nhà nước lo!” là câu trả lời khi nhân dân ưu tư sợ hãi trước các tệ nạn và thảm trạng về chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng… Không công dân nào được quyền lập chính đảng. Tranh cử độc lập vào Quốc hội bị loại ngay từ vòng đầu. Thậm chí lập các tổ chức xã hội dân sự ngoài vòng đảng kiểm soát, nhằm tranh đấu cho dân chủ nhân quyền cũng bị coi là hành vi chính trị, phải cấm cản, bỏ tù (Hội Anh em Dân chủ là nạn nhân đang thấy). Biểu tình đòi hỏi môi trường sạch, khiếu kiện công ty xả độc chất, yêu cầu bồi thường đầy đủ cũng là những hành vi chính trị không được phép, phải đánh cho tan tác, phải trả lui đơn kiện, phải bỏ tù án dài, phải đấu tố kịch liệt, phải bêu xấu trên các phương tiện truyền thông, phải làm áp lực để “đầu sỏ” bị thuyên chuyển. Tố cáo công an đánh chết dân, phản đối cán bộ cướp đất dân, kiện tụng đảng viên sách nhiễu dân cũng là những hành vi chính trị, đảng sẽ đối phó bằng cách biến nạn nhân thành thủ phạm. Rủ nhau tới trước đền các anh hùng đất nước, thắp hương tưởng niệm tử sĩ cũng bị coi là hành vi chính trị, đảng sẽ thả đám điên khùng, xúi bọn lưu manh, xua lũ “côn đồ văn hóa” tới gây gổ, đánh đấm, nhảy múa loạn xạ. Luật sư bênh vực nhiệt tình nạn nhân của chế độ thì bị bịt miệng tại tòa, cấm làm thầy cãi.

Vì thế, chẳng lạ gì việc nhà báo Phạm Đoan Trang đang lãnh những đòn thù của đảng do đã dám cả gan bàn đến chính trị, kêu mời nhân dân tìm hiểu và dấn thân đi vào chính trị qua tác phẩm “Chính trị bình dân” hiện đã xuất bản ở nước ngoài. Tin tức trên mạng cho hay vào khoảng 2g chiều ngày 24-02-2018, cô đã bị một toán sĩ quan an ninh bắt cóc ngay tại nhà riêng ở Hà Nội rồi cưỡng chế đến trụ sở Cơ quan An ninh Điều tra. Trong thời gian giam giữ, công an đã liên tục thẩm vấn cô về những hoạt động trước đây và về tác phẩm “Chính trị bình dân” vốn đang được công chúng tán thưởng và tìm đọc. Cuốn sách được coi là nhạy cảm ở Việt Nam và đã bị Hải quan Đà Nẵng tịch thu hôm 09-02 khi sách được gửi từ nước ngoài về.

Phạm Đoan Trang

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, từng được tổ chức Phóng viên Không Biên giới rao giải thưởng Netizen năm 2013, cho biết trên Facebook rằng: “Vì viết ra cuốn sách “Chính trị bình dân” nhằm cung cấp kiến thức cơ bản cho người bình dân hiểu biết về chính trị mà nhà báo Phạm Đoan Trang bị công an săn lùng từ giữa năm 2017 đến hiện nay. Từ đó, nữ nhà báo phải trốn khỏi nhà, lang thang nương tựa nhà bạn bè từ Hà Nội vào đến Sài Gòn để tránh bị khủng bố và bắt bớ. Tết này vì thương nhớ mẹ già đơn độc, thêm chân cô do trước đây bị an ninh đánh gây thương tích nặng, phẫu thuật nhiều lần không lành, trở nên đau đớn hơn chẳng đi lại được, Đoan Trang đành phải về nhà ăn tết với mẹ và để được ổn định chữa trị. Sau khi Đoan Trang được thả về, giới chức bố trí lực lượng an ninh hàng chục người bao vây quanh chung cư để mong ‘chôn sống’ cô trong một căn hộ nhỏ bé đã bị cắt hết điện và tất cả các phương tiện liên lạc”. Đảng càng thêm cay cú vì chính vào thời điểm này, cô Đoan Trang lại được chọn trao giải Homo Homini (Người vì Người) của Tổ chức Nhân quyền People in Need. Được lập từ thập niên 1990 tại Cộng hòa Tiệp (sau khi chế độ CS tại đây sụp đổ), giải này được trao như nghi thức mở màn Liên hoan Phim Tài liệu Nhân quyền. Năm nay nó đã được trao khiếm diện cho cô Đoan Trang ngày 05-03 tại thủ đô Praha.

Giới thiệu tác phẩm của mình, nhà báo Đoan Trang viết: “Người Việt có thói quen tin tưởng rằng chính trị là cái gì đó xấu xa, độc ác, bẩn thỉu, tốt nhất nên tránh xa nó ra. Với niềm tin sai lệch ấy, định kiến ấy, chúng ta tiếp tục xa lánh chính trị, không hiểu gì về chính trị và để mặc đất nước, xã hội cũng như cộng đồng cho một thiểu số lãnh đạo tùy ý vận hành, quyết định. Nhưng thật ra, chính trị đâu có khó hiểu đến thế. Cũng như nhân quyền, tự do, dân chủ chưa bao giờ là các khái niệm phức tạp, nhạy cảm hay đáng sợ. Chúng là những điều đơn giản và căn bản đến mức mọi người dân thường ở các xã hội dân chủ đều nắm được, ít nhất là cảm nhận được chúng. Và chính nhờ thế, họ bảo vệ được nền dân chủ của nước mình”.

Với 6 phần (Chính trị là gì. Chính quyền và nhà nước. Dân chủ. Các chủ nghĩa. Tương tác chính trị. Bộ máy nhà nước) và 30 chương, nhà báo đã giới thiệu với nhân dân về một thế giới mà VC -do dối gian, tàn bạo, đê hèn trong việc trị nước- đã khiến công chúng nghĩ là xấu xa, độc ác, bẩn thỉu, đang lúc đó thật sự là một lãnh vực liên hệ tới mỗi người. Bởi lẽ như triết gia Hy Lạp Aristote từng nói: “Con người là 1 sinh vật chính trị”, nghĩa là một hữu thể có trí tuệ và ý chí, có hiểu biết và tình yêu, sống trong một cộng đồng, do đó có bổn phận cùng với những kẻ khác xây dựng một xã hội có những nhà cai trị minh chính và nhiệt tâm, những công dân tự do và bình đẳng, một bầu khí an bình và hòa hợp. Và cái đó gọi là chính trị công dân, bên cạnh chính trị đảng phái (hay chính trị nghị trường, chính trị chuyên nghiệp) là ơn gọi của một số người có khả năng lãnh đạo đất nước, điều hành xã hội đầy tinh thần phục vụ, đầy ý thức trách nhiệm mà không tự biến bản thân, chính đảng mình thành những hôn quân bạo chúa, lực lượng độc tài như đã thấy qua các chế độ Cộng sản khắp hoàn vũ từ 1917 đến nay mà đa phần đã bị nhân loại phế bỏ.

Chính trị công dân ấy nay hết sức cần thiết trong cái chế độ bất công chưa bị đào thải mà ngày càng tác hại trên mảnh đất hình chữ S này. Đó trước hết là bổn phận của giới sĩ phu, tức các nhà trí thức trong xã hội dân sự và cộng đoàn tôn giáo. Vốn là những con người có cơ may ăn học, có khả năng hiểu biết, có uy tín lãnh đạo, thậm chí có phương tiện hành động, các vị khoa bảng và các vị chức sắc ấy đang được chờ đợi như những nhà giác ngộ quần chúng về tình hình xã hội (khai dân trí), những người thúc đẩy và tổ chức quần chúng (vốn đang sôi sục) đứng lên đòi hỏi các nhân quyền và dân quyền cơ bản, chất vấn giới lãnh đạo chính trị về các tội ác và sai lầm của họ (chấn dân khí). Nay có biết bao vấn đề cụ thể cần lên tiếng: xăng điện tăng giá, thuế đủ loại bổ xuống đầu, nợ công chất ngất oằn vai, giáo dục ngày càng băng hoại, môi trường liên tục ô nhiễm, xã hội không ngớt hỗn loạn vì gian dối và bạo hành, nhân dân bị trói tay che mắt bịt miệng…

Và cách thức hay nhất, mạnh nhất, hữu hiệu nhất để bày tỏ ý dân cho quan, đó là tổ chức những cuộc biểu tình rầm rộ, đông đảo, rộng khắp, liên tục, mà giới sĩ phu dân sự và tôn giáo có thể thực hiện giữa các cộng đồng người của mình: học đường, giáo xứ, khuôn hội… Phải coi biểu tình là sinh hoạt thường xuyên, hợp lý, cần thiết để thực thi trách nhiệm chính trị công dân. Điều này đã và đang xảy ra trên khắp thế giới, nhất là tại các nước Đông Âu thập niên 80-90 của thế kỷ rồi. Có thế thì mới cứu dân tộc khỏi đại họa Việt cộng và Tàu cộng đang độc quyền chính trị, tự tung tự tác, nô hóa xã hội, thậm chí tiêu diệt Tổ quốc, để đưa nhân dân đất nước đến chỗ phú cường (hậu dân sinh).

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular