Phân tích của TS. Phạm Quý Thọ
Việc trấn áp “các đại gia” trên diện rộng đang gây ra một làn sóng chấn động trong xã hội, gây ra tác động tiêu cực về kinh tế và “đáng lo ngại” về chính sách. Việc một loạt lãnh đạo của ba tập đoàn tư nhân “đình đám” bị bắt giữ, khiến thị trường phản ứng bi quan, cho thấy tính không bền vững của tăng trưởng kinh tế. Hơn thế, về chính trị, việc “hình sự hoá” quan hệ kinh tế là “đáng lo ngại”, phản ánh chính sách kiểm soát của Đảng Cộng sản (CS) mang tính ý thức hệ đối với bộ phận kinh tế tư bản trong nước.
Trong tầm kiểm soát
Trong năm 2022, nhiều vụ án kinh tế được cơ quan chức năng điều tra, xử lý liên quan đến lĩnh vực bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán…, trong đó có ba vụ bắt giữ “đình đám” điển hình cho thấy động thái mạnh của Đảng. Hồi đầu năm, vào tháng 3/2022, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC bị khởi tố bị can để điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán; đầu tháng 4, ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị bắt để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Và, mới đây, ngày 8/10/2022 bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị bắt với cáo buộc gian dối trong phát hành và mua bán trái phiếu.
Các vụ việc này đều có tác động tiêu cực, mạnh và tức thì, đến thị trường nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Đảng trong bối cảnh kinh tế phục hồi sau đại dịch và đà tăng trưởng nhờ xuất khẩu và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài . Hai vụ bắt giữ vào nửa đầu năm 2022 là khá “nhạy cảm” bởi những dấu hiệu phạm tội “lộ liễu” trong lĩnh vực kinh tế. Đại gia Đỗ Anh Dũng đã tham gia đấu giá đất tại Thủ Thiêm, điểm nóng khiếu kiện về đất đai đã tồn tại nhiều năm. Theo nhận định của giới chuyên gia, các đại gia chủ yếu giàu lên từ đất và, việc đẩy giá đất lên “cao bất thường” so với giá thị trường có thể làm tổng giá trị tài sản của họ tăng lên, từ đó có thể đảo nợ, vay nợ hay phát hành trái phiếu…
Ông Trịnh Văn Quyết đã từng có “tiền lệ” trục lợi mua bán chứng khoán sai quy định để kiếm lời, nhưng chỉ bị phạt hành chính… Và lần này, “thao túng thị trường chứng khoán” đã là tội phạm hình sự. Ngay sau hai vụ bắt giữ này, thị trường chứng khoán đã sụt giảm nghiêm trọng, có lúc chỉ số VN-Index tụt xuống đáy sau nhiều tháng hồi phục sau đại dịch, nhưng hiệu ứng tiêu cực đã không quá mạnh để lan toàn thị trường.
Ngoài ra, việc bà Trương Mỹ Lan bị bắt đã làm thị trường rối loạn nhưng việc Chính phủ đã nhanh “trấn an” khiến phản ứng thị trường dần lắng dịu. Các nhà đầu tư đua nhau bán tháo liên tục khiến chỉ số giảm dưới 1.000 điểm, mức thấp nhất trong vòng hai năm qua, chẳng hạn, VN-Index hết phiên 18/10 giảm 29% so với cuối năm 2021. Khách hàng gửi tiền tiết kiệm ồ ạt rút trước hạn từ Ngân hàng Cổ phần Thương mại Sài gòn (SCB) khiến nó, ngay sau đó buộc phải đưa vào “diện kiểm soát đặc biệt”. Các “trái chủ”, đặc biệt những người mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) liên quan đến Công ty An Đông thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hay VKC Holdings, lo lắng liệu có mất trắng tiền gốc “cho các đại gia vay”. Mặc dù, bà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và ông Bộ trưởng Bộ Tài chính phải đăng đàn trấn an trên TV, tuy vậy, Thủ tướng Chính phủ cũng vẫn phải “gặp mặt” 70 chủ tịch, tổng giám đốc các ngân hàng thương mại trong cả nước để chỉnh đốn…
“Đảng lo ngại”
Những dấu hiệu bất ổn thị trường đã được cảnh báo trước nhưng việc Chính phủ chọn giải pháp “chuyên chế” nhắm vào bà chủ tịch và các lãnh đạo của Tập Đoàn Vạn Thịnh Phát vẫn gây bất ngờ và đáng lo ngại từ góc nhìn chính sách và cải cách thể chế.
Như đã biết, ngày 16/8/2022, cuộc Toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp” đã được tổ chức. Phần lớn ý kiến của giới chuyên môn nhận định rằng thị trường trái phiếu “đang căng thẳng”, các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, ồ ạt phát hành trái phiếu vượt quá năng lực kinh doanh và khả năng trả nợ gây rủi ro cho thị trường tài chính. Các chuyên gia thậm chí cảnh báo: “Thị trường trái phiếu đổ bể, vỡ nợ sẽ là tử huyệt của nền kinh tế” và thậm chí “Phải xóa đi làm lại” thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhưng không có kiến nghị nào liên quan đến giải pháp hình sự hoá như đã diễn ra nêu trên.
Điều đáng lo ngại trước hết là công tác truyền thông “khó hiểu” của Đảng. Do tính chất nhạy cảm và phức tạp của vụ bắt giữ bà Trương Mỹ Lan nên việc đưa tin nóng trên truyền thông Nhà nước bị “cấm” tạo ra khoảng trống cho sự ngờ vực. Trong khi đó trên mạng xã hội tràn lan những tin giả và suy đoán: Cái chết bí ẩn của một hai đương sự vụ án bị suy diễn về “luật im lặng” trong giới mafia; Yếu tố “gốc Tầu”, quan hệ cá nhân dòng tộc, thân hữu của bà Lan tạo ra những thuyết âm mưu, “bán tín bán nghi”; Những hiện tượng được biết lâu nay trong chuyển đổi thị trường như doanh nghiệp “sân sau”, nhóm lợi ích, bảo trợ chính trị, tham nhũng, hối lộ… được gắn với quá trình “bành chướng” của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Sự suy diễn sắp tới sẽ là “các đại gia” nào… Hầu như tất cả đang vô tình “kích động” tâm lý thù địch với giới đại gia, xe hơi nhà lầu tương phản với cảnh nghèo đói, bất công… khiến liên tưởng đến bóc lột, đấu tranh giai cấp.
Điều đáng lo ngại hơn là khi các vụ việc bắt giữ được coi như một trong những giải pháp chính sách mang tính ý thức hệ của Đảng CS. Sẽ hợp lô-gic và có cơ sở cho nhận xét trên khi Văn kiện Đại hội 13 của Đảng nhấn mạnh về củng cố “Đảng-Nhà nước mạnh” với nền tảng là hệ tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lênin. Nội dung “mới” này đang hướng đến nền chính trị theo hướng chủ nghĩa Lê-nin, kinh tế theo tư tưởng của Mác và chủ nghĩa dân tộc dựa trên lòng tự hào về quá khứ hào hùng, tuyên truyền về “nền kinh tế độc lập, tự chủ”… Tất nhiên, Đảng vẫn tập trung vào chống tham nhũng, trừng phạt quan chức suy thoái tư tưởng đạo đức, cải cách bộ máy và coi trọng công tác tổ chức cán bộ nhưng việc tìm kiếm phương cách điều hành nền kinh tế, trong đó ứng phó với các lực lượng thị trường đang gặp khó khăn. “Chính phủ kiến tạo” của nhiệm kỳ trước chỉ là quá độ, Chính phủ đương nhiệm đang thể hiện sự mạnh mẽ, tiến hành nhiều giải pháp mang tính cách mạng.
Ở vào giai đoạn phát triển hiện nay các mối quan hệ kinh tế đã trở nên phức tạp, đa chiều, thậm chí chứa đựng mâu thuẫn. Chẳng hạn, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai khiến lĩnh vực bất động sản luôn “nóng”, bởi vì một mặt, nó là nguồn tích luỹ nhanh tư bản “nguyên thuỷ” để hình thành “giới đại gia”, trong đó một số “thành công” chuyển sang các lĩnh vực khác như tài chính, ngân hàng, dịch vụ… Nhưng mặt khác, nó là “huyệt đạo” của chế độ, trong đó dung dưỡng sự cấu kết của doanh nhân “tham lam” với các quan chức suy thoái. Động lực thị trường tạo ra “vòng xoáy” cuốn theo các lực lượng tham gia thị trường ngày càng đông đảo, có người tốt và kẻ xấu, đòi hỏi thể chế phù hợp, các nguyên tắc thị trường và cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả để thị trường hoạt động với sự hạn chế mặt trái của nó.
Trong bối cảnh như vậy, chuỗi các vụ việc trấn áp các đại gia cần được xem xét và đánh giá cẩn trọng, việc điều chỉnh chính sách cần ưu tiên các giải pháp kinh tế. Dù tính chất vụ việc rất phức tạp, nhưng không thể không xét xử. Và nhiều tình huống được đặt ra nhưng sự minh bạch cần phải được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, liệu có thể ngăn ngừa được “tư bản thân hữu” phát triển khi động thái “chuyên chế” nêu trên chỉ nhằm duy trì chế độ tập trung quyền lực tuyệt đối – nơi kiểu quan hệ này được sản sinh và phát tác mỗi khi có cơ hội.
I agree with your point of view, your article has given me a lot of help and benefited me a lot. Thanks. Hope you continue to write such excellent articles.