Từ mấy tháng nay cái tên Vũ Nhôm nổi lềnh bềnh trên báo chí và mạng xã hội. Ai cũng bảo anh ta là thượng tá tình báo và công ty 79 của anh ta là công ty bình phong của cơ quan tình báo. Chẳng biết trúng hay trật. Hôm nay đọc thấy cái tút của nhà báo Nguyễn Thế Thịnh trên PB Thinh Nguyen, thì thấy việc người ta đồn đoán là có cơ sở. “Không nhớ vào năm nào (tìm thì ra thôi nhưng lười 😛), báo Tuổi Trẻ viết một bài nói về đất đai Đà Nẵng, trong đó có một đoạn dẫn chứng là dãy đất dọc đường Võ Nguyên Giáp (hồi đó chưa đặt tên), đoạn từ góc đường Phạm Văn Đồng đến góc đường Võ Văn Kiệt mấy nghìn mét vuông bán cho Vũ không qua đấu giá và giá rất “bèo”. Hôm đó UBND TP mời vài tờ báo (chủ yếu là báo giấy có lượng phát hành tốt ở ĐN), mình nhớ là có Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Lao Động,…do Phó chủ tịch Văn Hữu Chiến chủ trì. (Lúc đó ông Trần Văn Minh làm chủ tịch). Ông Chiến trưng ra một bộ hồ sơ, trong đó có công văn của Tổng cục Tình báo gửi TP Đà Nẵng, đề nghị chỉ định giá, bán cho doanh nghiệp bình phong của tổng cục là Công ty 79. Công văn lý giải vị trí đó thuận lợi cho việc xây dựng (các thứ…) để làm bình phong. Ông Chiến đưa ra bản fotocopy thẻ ngành của Phan Văn Anh Vũ, với cấp hàm thiếu tá. Mọi người hỡi ôi. Không ai nói được câu nào. Về. Đó là lần đầu mình biết Vũ mang hàm CA”. Qua câu chuyện trên, có thể nhận định mấy khả năng sau:
– Khả năng thứ nhất, cơ quan tình báo của ta quá yếu kém. Công ty bình phong là để che đậy các hoạt động nghiệp vụ, giám đốc là vỏ bọc của cán bộ hoặc tình báo viên. Cả hai đều phải tuyệt đối bí mật. Nếu để đối phương biết công ty là bình phong, giám đốc công ty là vỏ bọc của nhà tình báo thì vô cùng nguy hiểm. Muốn giữ bí mật thì phải thực hiện đúng châm ngôn “người tình báo là người không giống tình báo nhất”, nghĩa là hết sức bình thường, không có gì tỏ ra khác biệt. Tương tự như vậy, công ty bình phong cũng phải tỏ ra là một doanh nghiệp hoàn toàn bình thường, không được hưởng bất kì một đặc quyền nào. Ấy thế mà ở đây, Tổng cục TB có văn bản can thiệp cho công ty 79 hưởng đặc quyền. Văn bản đó không biết có độ mật không mà phó chủ tịch thành phố trưng công khai ra giữa cuộc họp báo, lại còn để lộ danh tính, cấp bậc của giám đốc công ty bình phong nữa. Đó là…trình báo, chứ quyết không giống…tình báo!
– Khả năng thứ hai, tình báo của ta quá siêu, dùng thủ đoạn “giả chết bắt quạ”, hoặc “lấy công khai che bí mật”. Nghĩa là cứ làm như thế để ai cũng nghĩ “tình báo gì mà ngây ngô thế”, nên không tin. Nhờ đó mà không ai đề phòng nữa. Lịch sử tình báo, phản gián nước ta và thế giới cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp như thế này. Tuy nhiên, giả ngây giả ngô đến nước ấy thì liệu có lừa được ai?
– Khả năng thứ ba, chẳng có hoạt động tình báo gì sất! Họ chỉ lợi dụng để chiếm đoạt các nguồn lợi của đất nước một cách công khai, trắng trợn. Việc sau đó Vũ Nhôm đã bán lại mảnh đất trên với chênh lệch được cho là trên 600 tỷ đồng đã chứng minh mục đích thực của “điệp vụ” tình báo này!
Bây giờ thì Vũ Nhôm đã xộ khám, với hành vi bị khởi tố về tội làm lộ bí mật nhà nước. Dù tội gì đi nữa thì anh ta cũng sẽ là tên tội phạm có cỡ. Và, nếu những đồn đoán về chuyện “tình báo láo nháo tình yêu” nói trên là có thật thì anh ta đã có một phát minh làm đảo ngược mọi nguyên lý của nghề tình báo và phản gián thế giới. Vì, xưa nay người ta chỉ có lấy hoạt động kinh doanh, kể cả có thể là buôn lậu, cờ bạc…làm bình phong cho hoạt động tình báo. Còn Vũ Nhôm đã lấy tình báo làm bình phong cho hoạt động kinh doanh và tội phạm!
Hỡi ôi, tình báo An Nam!