Saturday, July 27, 2024
HomeDIỄN ĐÀNBẤT BÌNH ĐẲNG “VỊ THẾ” khi giao kết hợp đồng dân sự

BẤT BÌNH ĐẲNG “VỊ THẾ” khi giao kết hợp đồng dân sự

Tan Trung Nguyen Quoc

Câu chuyện diễn viên L.N. gặp vấn đề với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (vì một lý do cô tự nhận là đọc không kỹ và chỉ nghe theo lời tư vấn lúc mua), cộng thêm lời bỉa bôi của Giám đốc khu vực Manulife cho rằng L.N. “hồ đồ, thiếu hiểu biết” cho thấy một câu chuyện lớn hơn về việc bảo đảm quyền lợi của khách hàng, mà nói đúng hơn là nhóm yếu thế hơn / ít thông tin hơn trong các giao dịch dân sự tại Việt Nam. (Bài báo về vị giám đốc khu vực đã sửa tiêu đề, giấu tên).

Nhiều người cho rằng L.N ký kết hợp đồng mà không đọc hiểu hợp đồng dẫn đến điều khoản bất lợi thì lỗi trước tiên là của cô. Đây là một chỉ trích hoàn toàn có cơ sở.

Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, có rất nhiều mối quan hệ dân sự bất bình đẳng và chêch lệch cán cân quyền lực (dưới nhiều thể dạng như thông tin, tài chính, tri thức, hay quyền sở hữu…) đến nỗi người ký kết có đọc hay không cũng không còn cách nào khác là phải… ký. 

Thậm chí họ ký dù biết rất nhiều điều khoản có vấn đề trong đó. 

Một ví dụ là ngày xưa mình ký hợp đồng thuê nhà khi còn là sinh viên Luật. 

Dù đọc hợp đồng biết rất rõ là về hình thức, tiêu chuẩn, điều khoản, thậm chí là người có thẩm quyền ký kết hợp đồng… đều… trớt quớt, nhưng bây giờ có ký không? Không ký thì không có nhà để ở tháng sau.

Đây là một ví dụ đơn lẻ, và nhiều người hay vịn vào để nhai bài “thực tiễn – lý thuyết rất khác nhau”… Nhưng nó là một minh chứng rõ ràng hơn cho thấy pháp luật một quốc gia đang phát triển đến đâu trong câu chuyện bảo vệ các nhóm yếu thế. Và ai học đủ lý thuyết cũng biết vấn đề này cả. 

***

Ngọc Lan

Vì lý do này, hầu hết các quốc gia có hệ thống tư pháp phát triển đều đưa ra khái niệm “UNFAIR CONTRACT TERMS” (Điều khoản hợp đồng bất bình đẳng). Trên cơ sở đó, họ tìm cách hạn chế quyền lực của các nhà cung cấp. 

Nếu cân nhắc định nghĩa từ Liên minh châu Âu, Unfair Contract Terms có thể xuất hiện bất kỳ khi nào bên bán sản phẩm hoặc bên cung cấp dịch vụ có lợi thế tương đối trong việc soạn thảo hợp đồng trước, hiểu rõ về các vấn đề kỹ thuật liên quan đến sản phẩm/dịch vụ hơn hẳn khách hàng… và từ đó khiến cho quá trình thương thảo hợp đồng tự thân nó đã là một thực hành quyền lực bất cân xứng. 

Theo các nhà lập pháp châu Âu, nền tảng giao kết hợp đồng này không còn thoả mãn yếu tố “Thiện chí” (Good faith) – một trong những yếu tố quan trọng nhất của giao dịch dân sự. 

Để hiểu rõ hơn, chúng ta có thể tìm hiểu một số ví dụ mà Directive 93/13/EEC của châu Âu đưa ra khi nói về “Unfair Contract Terms” như: 

* Có điều khoản ràng buộc khách hàng rằng việc cung cấp hàng hoá hay dịch vụ tuỳ thuộc vào những điều kiện, mà việc những điều kiện này có xuất hiện hay không tuỳ thuộc hoàn toàn vào ý chí của bên cung cấp; hay

* Có điều khoản cho phép bên cung cấp hàng hoá / dịch vụ độc quyền xác định hàng hoá / dịch vụ được cung cấp có tuân thủ đúng quy chuẩn ghi nhận trong hợp đồng; hoặc cho phép bên cung cấp toàn quyền diễn giải / sửa đổi các điều khoản của hợp đồng khi cần thiết (những điều khoản thòng này rất thường gặp đối với ứng dụng của các nhóm fintech, ngân hàng…)

* Và còn rất nhiều những ví dụ khác… 

(Common law cũng có khái niệm này mà giờ ngồi xem lại án lệ mình đau tim quá man)

Trong hầu hết các trường hợp liên quan đến hợp đồng bảo hiểm dù ở Việt Nam hay nước ngoài, trừ khi khách hàng có luật sư riêng / luật sư gia đình, rất hiếm khi họ có đủ thời gian, chuyên môn, và kiến thức cần có để hiểu rõ tất cả các điều khoản trong những hợp đồng này. 

Bây giờ bạn giám đốc kia lôi hợp đồng cung cấp dịch vụ mạng internet của gia đình ra mà đọc còn chưa chắc bạn hiểu hết, nên không thể chửi bới khách hàng là “hồ đồ, thiếu hiểu biết” chỉ vì họ không đọc nổi một hợp đồng chuyên môn.

***

VIỆT NAM THÌ SAO? 

Sẽ là sai nếu nói pháp luật Việt Nam không có nền tảng pháp lý bảo vệ người tiêu dùng. 

Pháp luật bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam là có tồn tại. Và mối quan hệ giữa pháp luật bảo vệ người tiêu dùng với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cũng đã… TỪNG tồn tại. 

Cụ thể, Luật bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng ra đời vào năm 2010 thì đến năm 2015, Quyết định 35/2015 của Thủ tướng Chính phủ BỔ SUNG Hợp đồng Bảo hiểm Nhân thọ vào danh mục hàng hoá dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu (nhằm bảo vệ quyền lợi khách hàng) (Thời TT Dũng). 

|Tuy nhiên, đáng tiếc là đến Quyết định 25/2019 của Thủ tướng Chính phủ thì Hợp đồng Bảo hiểm Nhân thọ “bị” loại bỏ khỏi danh mục phải đăng ký theo mẫu (Thời TT Phúc).

Mình không theo dõi lĩnh vực này quá nhiều nên không thể giải thích lý do loại bỏ là hợp lý hay không, quý độc giả có thể theo dõi Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam vì họ nghiên cứu các vấn đề và sự kiện lập pháp sát sao hơn.

Ngoài ra, cũng cần phải nói thêm là, có quy định bắt buộc đăng ký hay không đăng ký cũng chưa chắc là bảo vệ được quyền lợi của khách hàng (vì đôi khi quy trình đăng ký khó khăn chỉ để xây dựng nepotism trong ngành thôi). Nhưng thực tế tình hình đến nay là vậy để độc giả tham khảo.

*** 

Nhìn chung, vụ việc của diễn viên L.N. và thái độ của giám đốc khu vực Manulife cho chúng ta thấy vấn đề còn tồn tại trong việc bảo vệ người tiêu dùng trong hệ thống pháp Việt Nam; và vì sao không gian này lại cho phép người đứng đầu khu vực một công ty bảo hiểm tỏ thái độ khinh khi, chà đạp một khách hàng như vậy. 

Tuy nhiên, vấn đề đến cuối cùng không nằm ở câu chuyện môi giới hay chuyên viên tư vấn, mà là ngành bảo hiểm và hệ thống pháp luật nói chung, nên chúng ta cũng không nên quay giáo sang chỉ trích những người làm công ăn lương trong ngành BH làm gì.

https://www.facebook.com/t2nguyenquoc/posts/pfbid02GBanGdfPt6ijm8Ab74tjS8LJj1TPoZLYuTTU3bWHm4oSKuM1gWtqztizX9j685VSl

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular