Blog VOA
Bùi Tín
8/3/2018 năm nay vấn đề phụ nữ và nữ quyền sôi sục chưa từng có. Tại lễ trao giải César lần này ở Paris, giải thưởng điện ảnh lớn được ví như giải Oscar của Pháp, các đại biểu đều mang một dải lụa trắng nhỏ trên ngực, tiêu biểu cho lòng quý trọng phụ nữ, chống bạo hành và xâm phạm tình dục. Lý do là đã hơn một năm nay tại thủ đô điện ảnh Hoa Kỳ Hollywood nổ ra vụ bê bối lớn Harvey Weinstein bị hơn 20 phụ nữ tố cáo đã xâm phạm tình dục họ – dưới dạng hiếp dâm thô bạo đến trao đổi thương lượng để được ưu đãi trong đóng phim.
H. Weinstein là ông chúa trùm điện ảnh Hoa Kỳ, từng tham gia xây dựng 300 phim với hơn 30 phim được giải thưởng cao nhất, ông là tổng giám dốc hãng phim mang tên ông, là nhân vật cốt cán trong Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa kỳ, được cả thế giới điện ảnh ngưỡng mộ sùng bái. Ông từng sang Việt Nam xây dựng bộ phim Ngọa hổ tàng long và bộ phim ’’Tấm Cám‘’ cùng nữ đạo diễn Ngô Thanh Vân. Cô diễn viên Vũ Thu Phương cũng tố cáo H. Weinstein từng tán tỉnh, sàm sỡ cô. Những diễn viên hàng đầu Angelina Jolie và McGowan tố cáo bị ông đã gạ tình một cách thô bạo.
Thế là con quỷ dâm dục từ thiên đàng rơi xuống địa ngục trần gian. Ông sẽ bị ra tòa để trả lời về mấy chục hồ sơ tố cáo nghiêm trọng. Vợ ông, nhà thiết kế thời trang Georgina Chapman rời bỏ ông. Công ty ông phá sản. Ông bị khai trừ khỏi Viện Hàn lâm Điện ảnh Hoa kỳ mà ông vốn là nhân vật quyền uy nhất.
Ở Hoa Kỳ, Canada rồi lan nhanh sang Tây Âu, ở Pháp, Anh, Ý, Tây Ban nha nổi lên phong trào ‘’ Mee-too’’ – tôi cũng bị, đồng lọat phụ nữ tố cáo công khai các vụ xâm phạm tình dục từ lâu bị ém nhẹm vì đủ nỗi lo sợ, vì sỹ diện sợ bị dư luận chê cười, bị người thân ghét bỏ, bị mất việc làm. Thì ra việc xâm phạm tình dục phụ nữ rất phổ biến và lan rộng ở mọi khu vực, ngành nghề, khắp nơi.
Ở Pháp có một kiểu cách tuyên truyền nhân ngày Phụ nữ 8/3 năm nay rất độc đáo. Vốn là từ năm 1953 nữ văn sỹ Hoa Kỳ Eve Enler viết một vở kịch độc thọai nổi tiếng đề cao giá trị người phụ nữ đang bị coi thừơng, thậm chí khinh miệt vì thói cao ngạo bất bình đẳng của nam giới từ thời xa xưa. Vở kịch được hoan nghênh, dịch ra 60 thứ tiếng, diễn đi diễn lại hàng mấy trăm lần chủ yếu ở phương Tây. Vở kịch phê phán thói xấu của nam giới mê mản về dục tính đối với phụ nữ lại còn sỹ diện coi khinh bộ phận sinh dục nữ, không dám gọi tên thật, gọi là ‘’cái ấy’’, trong khi trong phòng ngủ thì vạch ra hôn hít ngắm ngía hàng giờ ! Vở kịch lên án kịch liệt nạn buôn bán phụ nữ, nạn mãi dâm, nạn xâm phạm bộ phận sinh dục bé gái ở châu Phi. Tít của vở kịch độc thọai cũng độc đáo ‘’Lời độc thoại của bộ phận sinh dục nữ’’- Monologues du vagin, gần như ghi nguyên trả lời phỏng vấn của hơn 200 phụ nữ đủ lọai, chân thực hồn nhiên xen lẫn giận dữ và không thiếu dí dỏm trào lộng, làm người xem thỏa sức khóc cười.
Vở kịch lên án đa số đàn ông luôn làm bộ đạo đức giả, coi thường khinh bạc phụ nữ, chê bai khinh thị bộ phận sinh dục nữ nhưng lại thèm khát đến mê mẩn, điên cuồng, không dám nói đến bộ phận thiêng liêng, huyền bí kỳ diệu này, nơi sinh ra cuộc sống, nơi sinh ra loài người, nếu không có vật thiêng ấy thì không có cuộc sống, không có con người trong cõi nhân sinh này. Trên đời quả thật không có gì quý giá bằng, cao đẹp bằng. Kỳ quặc là có phụ nữ khinh cái của quý ấy của mình, không dám soi gương ngắm nhìn một cách tự hào sung sướng.
Điều độc đáo năm nay là có 3 bà bộ trưởng vui lòng nhận lời mời cùng lên sân khấu diễn – đọc vở kịch độc thọai này vào tối 5/3, được công luận nhiệt tình hưởng ứng khen ngợi. Đó là bà Roselyne Bachelot, nguyên Bộ trưởng Y tế, bà Myriam El Khomri, nguyên Bộ trưởng Lao động và bà Marlène Schiappa, Bộ trưởng Bình đẳng nam – nữ hiện tại. Chữ ‘’vagin’’ – cái ấy được nói lên 123 lần không chút ngượng ngùng trong vở kịch rất chân thực thâm thúy, nghiêm trang mà ngộ nghĩnh, lại rất mực vui nhộn, gây ấn tượng sâu đậm.
Nhân đây, cần nói lên công luận phương Tây như báo Pháp Le Monde và báo Đức Berlin hàng ngày cho rằng trong dịp này không thể bỏ qua tệ khinh thường phụ nữ trong các nước cộng sản như Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên. Tại đó tệ buôn bán phụ nữ, xuất khẩu cô dâu kiếm lợi hoành hành kinh khủng, các ổ mãi dâm do quan chức, công an cai quản, các quan chức cao cấp đua nhau có hàng chục bồ nhí, coi phụ nữ là nô lệ tình dục.
Đúng vào dịp này tại Việt Nam, chuyện cô giáo ở Long An phải quỳ suốt trong 40 phút vì bị một luật sư là phụ huynh học sinh hành tội, chuyện cô giáo ở Bến Tre bị học sinh bóp cổ, chuyện cô nhà báo Đoan Trang gan góc kiên cường bị công an đánh gẫy chân, rồi đúng ngày 8/3 bị sách nhiễu do cuốn sách ‘’ Chính trị bình dân ‘’ của cô được phát hành rộng rãi. Lại còn sự tàn ác kết án cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh 10 năm tù, còn đầy ải cô ra Thanh Hóa khi cô đau ốm, có 2 con nhỏ, mẹ già và bà ngoại ốm yếu… Nhân đây xin hỏi bà chủ tịch quốc hội Kim Ngân, bà phó chủ tịch Tòng Thị Phóng, bà trưởng ban Dân vận (hay là dân giận ?) Trương Thị Mai có biết những số phận cực kỳ éo le phi lý của các phụ nữ nói trên, như Như Quỳnh và Đoan Trang hay không? Các bà là cái giống gì, có con cái, có mẹ có bà hay không mà vô trách nhiệm đến vậy? Ngày 8/3 các bà có lúc nào nghĩ đến thân phận tôi đòi cho đảng của phụ nữ Việt Nam hay không? Có bao nhiêu quan chức có vợ bé, bồ bịch, nhân tình nhân ngãi, nàng hầu, tình nhân, nô lệ tình dục cho các quan chức cộng sản, mà tiêu biểu gương sáng chói là ông nguyên tổng bí thư Nông Đức Mạnh ngang nhiên cướp vợ của con trai cả mà không chút ngượng ngùng, không ai trong đảng can ngăn phê phán.
Tất cả các chị em phụ nữ Việt Nam biết tự trọng hãy lên tiếng hòa nhịp với thế giới đang sôi sục đòi bình đẳng và nữ quyền ngay sau ngày 8/3, để ngày nào từ nay cũng là ngày nhân phẩm phụ nữ được tôn trọng đề cao cùng với nhân phẩm của nam giới, của các dân tộc, của tòan dân trong thế giới văn minh hiện đại.
Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.