VOA
Nga lên kế hoạch trục xuất các nhà ngoại giao Anh để trả đũa quyết định của Thủ tướng Anh Theresa May, trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga.
Hãng tin Reuters nói sau vụ tấn công bằng chất độc thần kinh cấp quân đội ngay trên đất Anh, mối quan hệ giữa Moscow và London đang rơi xuống mức thấp tương tự như trong thời Chiến tranh Lạnh.
Đây là lần đầu vũ khí dạng này bị phát hiện được sử dụng tại châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Anh đã quy trách nhiệm cho Moscow về vụ này và trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga bị xem là điệp viên ngầm làm việc ở đại sứ quán Nga ở London. Chính quyền Anh ra hạn 1 tuần cho các nhà ngoại giao bị trục xuất phải rời khỏi nước Anh.
Nga phủ nhận có bất kỳ sự can thiệp nào, nói rằng nước Anh là một cường quốc hậu thuộc địa bị bất ổn bởi Brexit, thậm chí cho rằng London đã ngụy tạo vụ tấn công nhằm kích động cảm xúc bài Nga.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Reuters tại thủ đô của Kazakh rằng liệu Nga có kế hoạch trục xuất các nhà ngoại giao Anh ra khỏi Moscow hay không, Ngoại trưởng Sergei Lavrov mỉm cười: “Dĩ nhiên rồi, chúng tôi sẽ làm điều đó”.
Ngày 15/3, Anh, Hoa Kỳ, Đức và Pháp cùng lên tiếng đòi Nga phải giải thích về vụ tấn công. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói dựa trên những dấu hiệu bên ngoài, thì rất có thể người Nga đứng đằng sau vụ này.
Nga từ chối yêu cầu của Anh đòi giải thích làm thế nào mà chất Novichok, một chất độc thần kinh do quân đội Liên Xô chế tạo, được sử dụng để tấn công ông Sergei Skripal, 66 tuổi, và con gái ông, Yulia, 33 tuổi, tại thành phố Salisbury ở miền nam nước Anh.
Ông Skripal và con gái đang trong tình trạng nguy kịch từ ngày 4/3, khi họ được phát hiện bất tỉnh trên một băng ghế. Ông Skripal là một cựu Đại tá của Cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU) và đã cung cấp tên của hàng chục gián điệp Nga cho tình báo Anh.
Một cảnh sát Anh cũng bị trúng độc sau khi giúp hai bố con ông Skripal. Tình trạng của viên cảnh sát này nghiêm trọng, nhưng ổn định.
Tổng thống Vladimir Putin, một cựu gián điệp KGB, cho đến nay chỉ nói công khai rằng Anh nên tìm hiểu đến tận cùng sự việc.
Ông Putin có triển vọng đắc thắng trong cuộc bầu cử ngày Chủ nhật tới đây, để duy trì chức vụ trong một nhiệm kỳ Tổng thống thứ tư.
Chiến tranh Lạnh mới?
Trong một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa hai bên căng thẳng như thế nào, các bộ trưởng Anh và Nga đã dùng những ngôn từ nặng nề để công kích lẫn nhau, trong khi đại sứ Nga tố cáo London là tìm cách đánh lạc hướng để công chúng khỏi chú ý tới những khó khăn mà họ đang đối mặt khi Anh rút ra khỏi Liên minh châu Âu.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson gây phẫn nộ ở Moscow với phát biểu thẳng thừng của ông hôm 15/3 rằng “Nga nên biến đi và câm mồm lại”.
Bộ Quốc phòng Nga mô tả ông Williamson là một “kẻ thiểu năng trí tuệ”. Ngoại trưởng Nga Lavrov nói có lẽ Bộ trưởng Quốc phòng Anh “thiếu giáo dục”.
Bộ trưởng Williamson từng theo đuổi môn khoa học xã hội tại Đại học Bradford.
Ông Lavrov nói: “Tôi được cho biết ông ấy là một người tử tế. Có lẽ ông ấy muốn có một chỗ đứng lịch sử bằng cách tung ra những tuyên bố táo bạo”.
Ngoại trưởng Nga nói thêm:
“Cụm từ chính mà bà Theresa May đổ lỗi cho Nga là ‘Khả năng cao xảy ra’, trong khi ông ấy lại nói ‘Nga nên biến đi và câm mồm lại’. Có lẽ ông ấy thiếu giáo dục, tôi không biết nữa”.
Tại London, lãnh đạo Đảng Lao động đối lập Jeremy Corbyn có giọng điệu khác hẳn với chính phủ Anh khi ông cảnh báo chớ vội vã nhảy vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới trước khi có bằng chứng đầy đủ quy trách nhiệm cho Moscow.
Lãnh đạo 68 tuổi có khuynh hướng xã hội khuyến cáo trên tờ Guardian:
“Vội vã chạy, trước khi thu thập được bằng chứng trong một bầu không khí sôi nổi tại nghị viện, không phục vụ cho công lý hay cho an ninh quốc gia”.
Ông Corbyn nói đảng Lao động không ủng hộ ông Putin, và Nga phải chịu trách nhiệm về hành động của mình nếu nước này đứng đằng sau vụ tấn công.