Monday, November 11, 2024
HomeBLOGVề một người Thầy trong nghề luật sư

Về một người Thầy trong nghề luật sư

Lê Công Định

Từ khi bước vào nghề luật sư, tôi có nhiều duyên gặp gỡ các bậc thầy truyền đạt cho mình kiến thức lẫn kinh nghiệm quý báu, như các thầy Lương Văn Lý, Võ Phúc Tùng, Nguyễn Mạnh Bách, Triệu Quốc Mạnh, Đào Quang Huy, Vũ Tam Tư, Francois Terré và Thomas Carbonneau.

Hôm nay tôi muốn nói về một người thầy, đồng thời là sếp cũ, tại hãng luật Coudert Brothers của Mỹ, mà tôi làm việc cách đây 20 năm. Ông tên là Michael Polkinghorne, một người Úc, học luật tại Anh, hành nghề tại Pháp. Vợ ông là một Việt kiều sống tại Pháp từ nhỏ.

Ông lớn hơn tôi 6 tuổi nhưng đã là một luật sư quốc tế lừng danh trong lĩnh vực trọng tài thương mại quốc tế, còn tôi chỉ là số 0 khi bước chân vào hãng luật đó. Ông tuyển tôi giữa nhiều ứng viên khác, vì ngoài tiếng Anh bập bẹ, tôi nói giỏi tiếng Pháp vào lúc ấy, mà ông thì mê nước Pháp.

Ông dạy tôi soạn thảo hợp đồng, viết các bản tư vấn cho khách hàng và chuẩn bị luận điểm tranh tụng trước các tổ chức trọng tài. Ngoài truyền kinh nghiệm hành nghề luật, ông tập trung huấn luyện kỹ năng viết tiếng Anh pháp lý cho tôi. 

Thấy tôi lúng túng giữa tiếng Anh và tiếng Pháp, ông bắt tôi “quên” tiếng Pháp khi nói chuyện. Kết quả là sau nhiều năm làm việc với ông, phản xạ nói tiếng Pháp của tôi kém dần, nhưng bù lại tôi nói tiếng Anh tốt hơn.

Luật sư Lê Công Định giảng dạy trong một lớp học về luật thương mại.

Vì ông là bậc thầy về trọng tài thương mại quốc tế, mà tôi là trợ lý của ông, nên mặc nhiên tôi được truyền thụ kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực tranh tụng lý thú này. Tất nhiên, ngoài trọng tài, tôi còn tham gia tư vấn nhiều lĩnh vực khác nhau, nên cũng góp nhặt một số kỹ năng có liên quan, để về sau có thể tự làm việc mà không cần sự hướng dẫn của ông nữa.

Có những bài học ông dạy tôi trong lúc làm việc mà mãi mãi không bao giờ tôi quên. Chẳng hạn, thấy tôi viết bản tư vấn cho khách hàng, trong đó trích dẫn luật thì nhiều, mà diễn giải thì ít; ông bảo rằng ai cũng đọc luật được, không riêng gì luật sư, nhưng chúng ta được trả tiền vì có thể cung cấp cho khách hàng một giải pháp pháp lý hữu hiệu, chứ không phải đọc luật thay họ.

Thời đó luật pháp Việt Nam trong lĩnh vực thương mại còn đầy khiếm khuyết, gặp nhiều câu hỏi của khách hàng mà không có luật để trả lời, tôi đành nói với sếp rằng do luật không quy định, nên không biết trả lời sao. Ông vò đầu đáp: “Định, nếu hãng luật Coudert Brothers cũng nói với khách hàng giống như vậy, rằng vấn đề của quý vị không thể giải quyết được vì luật không quy định, thì tôi chắc rằng uy tín hàng trăm năm của hãng luật này sẽ sụp đổ vì câu trả lời đó.” 

Tôi cố cãi: “Nhưng luật không quy định thì chúng ta biết trả lời sao đây?” Ông nghiêm giọng: “Luật có quy định hay không quy định về một vấn đề thực tế, thật ra không quan trọng. Điều khác biệt giữa một luật sư nhiều kinh nghiệm và ít kinh nghiệm là ở chỗ, trong mọi tình huống giải pháp pháp lý cho vấn đề đó như thế nào mà thôi.”

Rồi ông dạy tôi cách “suy nghĩ như một luật sư” (thinking as a lawyer), tức là phải đứng vào vị trí của khách hàng để giải quyết vấn đề của họ bằng tư duy của một luật sư. Phải biết nêu những câu hỏi liên quan đến vấn đề của khách hàng mà nhiều khi chính họ không thể nghĩ đến, rồi trả lời các câu hỏi ấy bằng những giải pháp mà khách hàng cần, đó là cách một luật sư làm việc.

Ngày tôi ra tù, ông gọi điện thoại hỏi thăm và tỏ ý muốn giúp tôi trở lại lĩnh vực trọng tài thương mại, nhưng tiếc rằng tôi còn phải chịu án quản chế trong 3 năm. Chúng tôi vẫn thỉnh thoảng liên lạc với nhau. Vụ khủng bố ở Paris năm 2015, nơi gia đình ông cư ngụ, may thay không ảnh hưởng nhiều đến ông và gia đình. 

Cuộc sống của ông vẫn lang bạt khắp thế giới, vì phải tham gia nhiều vụ tranh tụng cho khách hàng. Tôi luôn nói với ông, rằng ông mãi mãi là người Thầy mà tôi luôn noi theo trên con đường nghề nghiệp của mình, với tất cả sự kính trọng.

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular