Vụ xử đại án Đinh La Thăng – Trần Xuân Thanh diễn ra đã gần 10 ngày.
Các phiên xử được dư luận trong ngoài nước quan tâm đặc biệt, vì đây là lần đầu tiên một ủy viên bộ Chính trị, đảng Cộng sản Việt Nam – cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa các kỳ Đại hội – bị đưa ra tòa cùng hơn 20 bị cáo phần lớn là cán bộ lãnh đạo chính trị, kinh tế cấp cao của chế độ.
Có thể chỉ ra một số tiến bộ mở đầu.
Các bị cáo không còn đứng trước cái gọi là « vành móng ngựa » nghe lạ tai, không văn minh, mà đứng trước một bục có bảng ghi « Bị cáo ».
Khu vực của các Kiểm sát viên giữ vai trò cống tố đối diện với khu dành cho luật sư, nói lên sự bình đẳng trong tranh tụng trước tòa.
Trước khi mở phiên tòa, thẩm phán Chủ tọa Hội đồng xét xử Nguyễn Ngọc Huân tuyên bố việc xét xử sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 23/1 liên tục, cả ngày thứ Bảy và Chủ Nhật, sẽ tôn trọng việc tranh tụng giữa Hội đồng xét xử, các kiểm sát viên và các luật sư, các bị cáo, các nhân chứng, việc xét xử sẽ chỉ tuân theo chuẩn mực của luật pháp, không chịu một sức ép nào khác.
Ngay ngày đầu các luật sư có mặt tại phiên tòa đã chỉ ra những thiếu sót, đó là phiên tòa lớn, đông người dự mà phòng xử quá nhỏ, sao không mượn phòng xử của Tòa án tối cao gần ngay đó để có thể có đông người dự hơn, biểu lộ rõ tính công khai, tính nhân dân của tòa? Tại sao phải còng tay các bị cáo khi đó từng là những cán bộ cấp cao không có thái độ chống đối hung hăng của các lọai tội phạm hình sự khác; việc gì mà phải có 2 nhân viên công an vũ trang kè kè bên cạnh các bị cáo, một sự đề phòng không đẹp, không có nhu cầu cần thiết.
Việc bố trí cho các nhà báo và công dân theo dõi phiên tòa trong một phòng riêng ở cạnh là rất không nên, họ không theo dõi phiên tòa được trực tiếp và đầy đủ. Huống gì màn truyền hình phòng bên luôn để chậm chừng 3 phút để sàng lọc, bỏ bớt, giảm thanh, có khi câm tiếng, một kiểu kiểm duyệt rất thô thiển phản dân chủ, đặt cơ quan tuyên huấn của đảng ngồi trên Hội đồng xử án, làm trò cười cho giới báo chí săn tin.
Thêm nữa việc cấm các luật sư mang theo máy điện toán, ghi âm cá nhân là một chủ trương hạn chế dân chủ, gây nhiều trở ngại cho công việc của họ trong khi vụ án lớn, tài liệu nhiều, hồ sơ dày phải tra cứu luôn, đến mức 2 luật sư bỏ cuộc.
Có một điều hết sức quan trọng là nhiều luật sư như Võ An Đôn, Trần Đình Triển, Lê Văn Thiệp… nhắc đến Nghị quyết của hội nghị TƯ lần thứ 4 khóa XI của đảng Cộng sản Việt Nam, nêu rõ « cần xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị… là việc lớn cần làm ngay ».
Do đó khi bị cáo Đinh La Thăng khai rằng một số việc làm của Tổng công ty PVN và Công ty PCV là theo chủ trương của Bộ Chính trị và của chính phủ thì bị Chủ tọa phiên tòa yên lặng bỏ qua.
Lẽ ra Hội đồng xét xử phải triệu tập Người cầm đầu Bộ chính trị, Người cầm đầu chính phủ, Người từng cầm đầu Bộ Công Thương là Bộ chủ quản đến làm chứng trong phiên tòa và nếu cần phải để tòa xem xét trách nhiệm của những người cầm đầu ấy.
Yêu cầu triệu tập các quan chức nói trên là cần thiết vì tòa đã xác định không có vùng cấm. Do đó Tòa án cần triệu tập nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Bộ trưởng Công Thương Võ Huy Hoàng, nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình, vì vụ đại án này có liên quan nhiều mặt đến hệ thống ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm điều hành, chỉ đạo.
Cần nhắc lại đảng Cộng sản luôn đề cao nguyên tắc tập trung dân chủ là « tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách », nên cần làm rõ trách nhiệm của tập thể đến đâu, trách nhiệm cá nhân ra sao một cách rõ ràng minh bạch.
Một vấn đề nghi vấn lớn mà dư luận quan tâm, là liệu các nghi can Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh có bị đối xử quá mức khắt khe, bị dọa nạt, ép cung, mớm cung, trong thời gian bị tạm giam hay không. Nếu điều này là có thật, thì vụ án này có thể bị lật án, có thể bị xóa bỏ, xử lại, vì theo luật các khẩu cung tiến hành trong đe dọa, tra tấn tinh thần vật chất, từ thô bạo đến tinh vi, đều bị coi như vô giá trị.
Cho đến hôm nay, có thể nhận định phiên tòa lớn mở đầu năm mới có một vài tiến bộ về hình thức, các luật sư được tranh tụng tự do hơn, nhưng còn lâu mới đạt chuẩn mực pháp quyền quốc tế, những người cầm đầu các cơ chế liên quan còn vắng bóng, các Kiểm sát viên có vẻ lấn án, lạm quyền khi khẳng định các tội phạm với chứng cứ không đầy đủ và đề nghị các mức án quá cao như chung thân, bỏ qua nguyên tắc rất quan trọng khi xử án là « Được suy đoán vô tội », nghĩa là không ai có thể bị coi là có tội khi Hội đồng Xử án chưa chính thức tuyên án sau khi có tranh tụng đến tận cùng.
Một luồng dư luận rộng rãi cho rằng tội phạm lớn nhất là thuộc về cơ chế, mô hình cầm quyền hủ bại cổ lỗ, chế độ độc đảng hoành hành với học thuyết Mác-Lê ngoại lai, với chính sách lấy quốc doanh làm chủ đạo, nuông chiều vô độ những « quả đấm thép mạ vàng » ấy của đảng, một chế độ lỏng lẻo do không có kiểm soát, không có thăng bằng, đảng lộng hành ngồi trên hiến pháp và luật pháp. Đây là nguyên nhân gốc gác của tất cả các đại án đang được xem xét, nhưng còn bị coi là húy kỵ, không ai dám nêu lên trong phòng xử án.
Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.