13-5-2024
Tôi không là Phật tử, cũng không là con chiên Thiên Chúa. Nhưng tôi có đức tin. Tin vào Đạo Trời, Đạo của Cha mẹ, Tổ tiên. Đó là đạo của sự biết ơn: Biết ơn Trời đất, Cha mẹ, Tổ tiên cho tôi sự sống. Còn đạo đức do chính mình tu rèn, đơn giản là mọi nhận thức và hành động đều luôn biết phản tỉnh và tự sửa, không ai cho ta cả! Trên đời, mọi tấm gương đều là ảnh ảo, giả. Phước từ đức mà ra, cũng chẳng ai cho và càng không thể mua bằng tiền.
Nhiều người tự hào, rằng mình đang theo đạo là có đạo đức. Thực chất đa số theo đạo là để cầu phước, giống như cầu vận may của con bạc, đạo như vậy thì tham ngay cả sau khi chết.
Tôi chẳng tin ai cứu độ cho mình, trừ chính mình tự cứu mình. Tôi không thần thánh hóa bất cứ ông nào bà nào!
Một cá nhân không tin vào chính mình mà chỉ tin vào “vận mệnh”, “số mệnh” (giới tu sĩ Phật giáo hiện nay gọi là “nghiệp”, “kiếp”) thì cá nhân ấy không khác con bạc lao vào canh bạc đỏ đen, hoặc tán gia bại sản hoặc không việc ác gì không làm nếu có cơ hội.
Tôi còn nhớ thời bao cấp, trong lý lịch, mục Tôn giáo khai là Lương giáo. Không rõ ai đã đặt ra chữ “Lương giáo” để đối lập với các loại tôn giáo. Có lẽ trong lịch sử nhân loại, các tôn giáo đã từng làm những việc bất lương mới có khái niệm “lương giáo”. Cuộc Thập tự chinh của đế chế Roma chống Hồi giáo, Chính thống giáo phương Đông và các loại “ngoại giáo”. Cuộc truy sát người Do Thái giáo do Hittler phát động ở phương Tây và sự đối xử tàn bạo với các dân tộc ở phương Đông của người Nhật trong Đại chiến thế giới thứ hai đều có phần do xung đột tôn giáo. Cuộc chiến khủng bố của người Hồi giáo hiện nay như là thể hiện mối thù không đội trời chung với Do Thái giáo và Kito giáo…
Phật giáo tưởng là tôn giáo hòa bình, nhưng không hẳn vậy. Cuộc thảm sát Inn Din vào năm 2017 tại Miến Điện, nơi nổi tiếng là đất Phật (vừa rồi nổi đình nổi đám vì sở hữu sợi lông cỏ được cho là tóc Phật). Tờ New York Times và Al Jazeera ghi nhận, đã phát hiện các mồ chôn tập thể người Rohingya, ước tính có hơn 10.000 người Rohingya đã bị giết, và khoảng 700.000 người buộc phải sống lưu vong ở các nước láng giềng Bangladesh và Ấn Độ. Giám đốc Nhân quyền LHQ mô tả tình trạng trên như là “một ví dụ điển hình cho chính sách thanh tẩy chủng tộc và tôn giáo”.
Cũng trong một bài báo trên tờ New York Times, hai tác giả Dan Arnold và Alicia Turner đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta ngạc nhiên khi người Phật giáo bạo lực?”, “Làm thế nào, nhiều người tự hỏi, có thể là một xã hội Phật giáo – đặc biệt là các nhà sư Phật giáo – có điều gì đó liên quan đến bạo lực khủng khiếp như việc thanh tẩy chủng tộc hiện đang gây ra cho người thiểu số Rohingya lâu đời của Myanmar? Chẳng phải người Phật Giáo có lòng từ bi và hòa bình sao?”.
Và đây là câu trả lời: “Để hiểu vấn đề một cách rõ hơn, trước tiên chúng ta phải hiểu chủ nghĩa Phật giáo dân tộc ở Myanma. Chủ nghĩa này xuất phát từ nỗi sợ hãi hay sự hận thù đối với đạo Hồi và người Hồi giáo mà người Tây phương gọi là Islamophobia. Sự hận thù này thúc đẩy họ có thái độ bạo lực chống lại người Rohingya“.
Hiểu lịch sử của tôn giáo mới thấy tôn giáo, dù là “chính giáo” với đức tin vào điều tốt đẹp, lương thiện, vẫn manh nha cái ác và tiềm tàng sự nguy hiểm. Một là khác đức tin, cũng giống như khác ý thức hệ, ắt xung đột và bạo lực. Hai là đức tin sai lạc, ắt hành vi sai lạc, người ta nhân danh Thiên Chúa hay Phật để thực hiện hành vi ma quỷ.
Tại Việt Nam, vào năm 1874, phong trào Văn thân do các Nho sĩ (thực chất là nhân danh Đạo pháp Dân tộc – Tam giáo đồng nguyên, Nho – Phật – Lão) chủ trương bạo lực với khẩu hiệu “Bình Tây sát tả” đã tàn sát bừa bãi hàng vạn người Công giáo.
Mối nguy ấy đang ngày một hiển hiện trong bối cảnh hiện nay, bối cảnh mà giới tu hành đang có tham vọng gây ảnh hưởng chính trị và nghĩ cách làm tiền, gọi là “kinh tế thị trường”. Kinh tế thị trường bệnh hoạn ngay trong hoạt động tôn giáo, mà chủ yếu trong nội bộ Phật giáo.
Khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị đàn áp để độc tôn Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì các cuộc mâu thuẫn lại tiếp tục diễn ra. Năm trước từng diễn ra khẩu chiến nảy lửa giữa Thích Trúc Thái Minh (đại diện phía Bắc) và Thích Nhật Từ (đại diện phía Nam). Sau đó là cuộc kiện tụng của Thích Nhật Từ đẩy giáo chủ Tịnh thất Bồng lai Lê Tùng Vân vào tù. Và nay, Thích Chân Quang tấn công nhà sư tự do Thích Minh Tuệ, còn hơn mấy mụ bán cá giành khách hàng.
Màu sắc kinh tế, kể cả chính trị ẩn sau cuộc chiến tôn giáo này. Ai cũng có thể nhìn thấy, đó là cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng, mà lại không đơn thuần là ảnh hưởng tinh thần mà liên quan sát sàn sạt đến vật chất, tiền tài, danh vọng. Nói trắng ra là tranh thị phần cúng dường với lợi ích mà Marx từng nói cho chủ nghĩa tư bản, nay vận vào nhà chùa: Lợi nhuận chỉ cần 300% chúng sẵn sàng đút đầu vào giá treo cổ. Từ khẩu chiến đi đến nguy cơ hỗn chiến bằng bạo lực là tất yếu, nếu không có biện pháp ngăn chặn.
Nhiều người nói đúng, rằng nhà sư Thích Minh Tuệ không nói xấu ai, không nhận tiền, vàng, chỉ nhận mỗi ngày một bữa cơm, bề ngoài tưởng không ảnh hưởng gì đến doanh thu của các chùa, nhưng thực chất lại rất ảnh hưởng, nếu không nói là “ảnh hưởng nghiêm trọng”. Việc hình ảnh Thích Minh Tuệ khổ hạnh được đưa lên mạng xã hội như hình ảnh Phật sống, rồi hàng ngàn tín đồ Nghệ An quét đường và đón nhà chân tu đi qua, tự thân điều ấy đã lột trần bản chất lừa bịp ma mị, hào nhoáng của các ma tăng đội lốt Phật. Mất ảnh hưởng đối với đại chúng là mất tất cả, tiền bạc, danh vọng. Thích Minh Tuệ trở thành đối tượng thù ghét. Cứ như Phật Tổ xưa cũng từng trải qua kiếp nạn như vậy.
Tất nhiên, bây giờ có thể thảm khốc hơn. Đã có thông tin Thích Minh Tuệ bị Phật tử giả côn đồ đấm vào mặt và lập tức Thích Minh Tuệ bị công an gây khó. Từ sự tuyên truyền gây thù ghét của các nhà sư quốc doanh, kéo theo hỗn chiến của giới Phật tử là điều có thể diễn ra chẳng chóng thì chầy.
Tôn giáo tham dự vào giáo dục, mạnh và sâu hơn giáo dục trong gia đình và nhà trường. Tự do tín ngưỡng của cá nhân không gây tác hại nếu tự do của người này không xâm hại đến quyền tự do tín ngưỡng của người khác. Nhưng khi cái gọi là “Tự do tín ngưỡng” bị lạm dụng có tổ chức, tức được chính trị hóa, kinh tế hóa, ắt gieo rắc những thảm họa không lường.
Những bậc chân tu như Thích Minh Tuệ có thể bị chết bất đắc kì tử khi chính sự ảnh hưởng của ngài đẩy ngài vào thế tứ bề thọ địch. Nhưng không sao. Phật Tổ từng trải qua 81 kiếp nạn mới đến Niết Bàn. Ngài Thích Minh Tuệ nếu bị hại, ngài càng dễ được người đời tôn thành Phật. Chỉ đáng sợ là trên đất nước mông muội này, đại chúng với những đức tin khác nhau, không phải dân chủ đa nguyên mà rối loạn như hiện nay, có thể rơi vào cuộc hỗn chiến đẫm máu và nước mắt như đã từng xảy ra trong lịch sử.