Bạn hãy đặt mình vào hoàn cảnh là ngôi nhà, miếng đất của gia đình bạn đã ở đây ba đời. Ông nội, ông ngoại bạn dựng lên, cha mẹ bạn sinh ra ở đấy, lớn lên ở đấy cho đến đời bạn. Căn nhà, cái cửa, ngọn cây, bậc thềm, tất cả là kỷ niệm của bạn va gia đình, một ngày người ta dùng đủ thứ nhân danh để cướp nhà bạn, để giật sập nhà bạn, tất cả chỉ còn là đống gạch vụn và gia đình bạn trở thành kẻ không nhà khi ông bà của bạn đã yếu, cha mẹ bạn đã già. Bạn có căm thù không?
Bạn cả đời chắt bóp, lao động miệt mài để có được căn nhà là làm mái ấm gia đình, để có chốn để trở về, để được nhìn đàn con sinh ra và lớn lên. Ngôi nhà là sự nghiệp của bạn, là mồ hôi, là nước mắt và có khi có cả máu của bạn. Một ngày, người ta bằng sức mạnh cường quyền, bằng âm mưu nấp sau luật pháp, bằng bộ mặt ăn cướp dấu sau những dự án không có thật cướp mất ngôi nhà bạn, san bằng bình địa, xoá sạch những kỷ niệm với ngôi nhà. Bạn có căm thù không?
Suốt cuộc đời lam lũ, bạn không có nổi miếng đất, không sắm nổi căn nhà. Về già, các con của bạn trưởng thành, vào đời, đem hết sức lực của tuổi thanh niên, lao động miệt mài và mua được miếng đất, xây được ngôi nhà. Tưởng tuổi già sẽ sống được những ngày còn lại trong chính ngôi nhà của con mình, tưởng khi lìa cõi thế, còn có được một chỗ để được cái quan tài, có chỗ để thờ cúng, bá tánh viếng thăm. Đùng một cái, nhân danh chính quyền, lợi dụng quy hoạch họ đến phá nhà bạn, tịch thu mảnh đất của bạn, đạp đổ tất cả, san bằng tất cả, bạn có căm thù không?…….
Những nạn nhân đó đã đến để gặp những người đang lãnh đạo thành phố, những người đang khoác áo là đại biểu của dân. Họ đến và không có chút căm thù nào trong ánh mắt, nhưng họ đầy uất ức. Uất ức và đau khổ khi bị cướp trắng tài sản, uất ức vì đã bị lừa dối, đã bị người ta ăn chặn và làm giàu ngang nhiên trên tài sản của mình. Nhìn thấy người đàn ông già vùa nói vừa khóc vì căm phẫn. Nhìn thấy người phụ nữ nói nửa chừng nghẹn lời. Nhìn thấy chị trung niên ngất xỉu vì quá đau, quá ức. Vẫn không thấy ánh mắt căm thù trong mắt họ dù sự việc đáng để căm thù. Người dân vẫn nhẫn nhịn, vẫn chỉ xót xa cho hoàn cảnh của mình thôi vì vẫn đang là kẻ không nhà.
Và rồi cũng chỉ là những lời hứa, những xót xa sáo rỗng, những ray rứt đầu môi, những trốn tránh sự thật. Từ tài sản của nhân dân, họ hoá phép thành tài sản để bán, để chia nhau hàng trăm ngàn tỷ, để sống phè phỡn, nhung lụa trên nỗi đau của nhân dân. Họ dối trên lừa dưới và bây giờ đang tìm đường chối tội. Họ băm nát miếng đất của nhiều gia đình, họ cướp đi cuộc sống ấm êm của hàng vạn tổ ấm, và rồi họ dửng dưng trước mọi khồ đau đó, ung dung xếp những đồng tiền thu về vào những nhà băng, mua sắm và sinh hoạt như những ông hoàng bà chúa. Họ biến thành những con thú tàn nhẫn hết tính người. Họ đã gây nên tội, họ phải bị đền tội. Luật pháp nào cho phép họ ung dung trên nỗi đau của đồng loại. Luật pháp nào dung dưỡng cho những kẻ mượn luật pháp để đi ăn cướp???
Nếu không có những biện pháp giải quyết hợp lý, hợp tình, nếu những người lãnh đạo từ trung ương đến địa phương không giải quyết rốt ráo việc ăn cướp trắng trợn này. Những tập đoàn tội ác mang danh nghĩa nhà nước vẫn sống nhởn nhơ, dân vẫn mất nhà đất vô lý, bị cướp công khai. Bài học Đồng Tâm còn đó, bài học Đoàn Văn Vươn còn đấy. Đừng để những giọt nước mắt hôm nay biến thành ngọn lửa căm thù, những phẫn uất nghẹn lời hôm nay trở thành lòng uất hận. Và lúc đấy lòng căm thù đó sẽ đưa đến những hành động khó kiểm soát. Bởi dân đã bị dồn vào bước đường cùng không lối thoát mà tập đoàn tội ác vẫn ung dung hưởng lợi trên xương máu của nhân dân thì dân phải hành động.
Và khi đó nhân dân và nhà nước trở thành hai chiến tuyến đối nghịch, hậu quả sẽ không lường.
10.5.2018
DODUYNGOC